Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những Áp Dụng Mục Vụ Nhân Đại Hội Thánh Thế Quốc Tế Lần Thứ 49 Tại Québec, Canada

§ Lm GB Ngô Đình Tiến

Đại hội Thánh Thể Quốc tế (ĐHTT) lần thứ 49 có chủ đề “Bí tích Thánh Thể là món quà Thiên Chúa ban để cho thế gian được sống”, được tổ chức tại Québec (Canada), từ ngày 15-22/6/2008, có khoảng 11.000 khách hành hương đăng ký tham dự, cùng với 50 Hồng y, 200 Giám mục và hơn 1000 linh mục đến từ 70 quốc gia. Mục đích ĐHTT: tuyên xưng và đào sâu đức tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể qua các buổi cử hành thánh lễ, tôn kính thờ lạy Thánh Thể trong 8 nhà nguyện khu vực Québec, học hỏi giáo lý về Thánh Thể, cũng như lắng nghe các chứng từ về Thánh Thể (chẳng hạn của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, người em gái út của ĐHY Tôi tớ Chúa F.X Nguyễn Văn Thuận, của Ông Jean Vanier, sáng lập cộng đoàn Arche ở Pháp).

EucharisticCongresss08-Logo.jpg

Năm 2008 là kỷ niệm 400 trăm năm thành lập thành phố Québec. Canada vẫn được tiếng là “Canada Thánh Thể”, với lòng mộ mến Thánh Thể đặc biệt nên việc tổ chức này được coi là điều hiển nhiên. Trong toàn thể lịch sử các ÐHTT thì Canada được chiếm giải quán quân hàng đầu. Năm 1910, Canada đã được vinh dự tổ chức ÐHTT quốc tế lần đầu tiên, ở ngoài Âu Châu, đó là ÐHTT quốc tế lần thứ 21 tại Montréal. Trên bình diện quốc gia, cho tới năm 1965, tại Canada đã có tới 152 ÐHTT: cấp quốc gia (1), cấp tỉnh (1), cấp giáo phận (30), cấp vùng (99), cấp giáo xứ (21). Ngay tại Québec đã có ÐHTT quốc gia năm 1938, và 95 Ðại hội Thánh Thể khác nữa.

Thánh lễ bế mạc có khoảng 60 ngàn người tham dự, và bài giảng của Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI được truyền trực tiếp qua hệ thống vệ tinh đến ĐHTT. Bài giảng này nhắm đến những điểm áp dụng mục vụ sau đây:

1. Học hỏi về mầu nhiệm Thánh thể và Hiến chế Phụng vụ Thánh của Công đồng Vaticanô II

Thánh Thể là kho báu tuyệt mỹ nhất của chúng ta. Thánh Thể là Bí tích tối hảo đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu trước. Thánh Thể là mầu nhiệm của ơn cứu độ chúng ta; Thánh Thể là nguồn mạch, và là đỉnh điểm hành động và đời sống của Giáo hội, như Công đồng Vaticano II từng nhắc lại (Sacrosanctum Concilium, số 8). Vì thế, các mục tử cũng như tín hữu cần thường xuyên đào sâu, học hỏi, tìm hiểu bí tích cao quý này.

“Mầu nhiệm đức tin”: đó là điều mà chúng ta công bố trong mỗi thánh lễ. Tôi muốn mọi người quyết tâm học hỏi về mầu nhiệm này, đặc biệt bằng cách coi lại và khám phá, từng cá nhân hay từng nhóm, bản văn của Công đồng về Phụng vụ, ‘Sacrosanctum Concilium’, ngõ hầu can đảm làm chứng cho mầu nhiệm. Bằng cách này mỗi người sẽ đi đến việc hiểu biết hơn về ý nghĩa của từng bình diện của Bí tích Thánh Thể, hiểu chiều sâu của mầu nhiệm này và sống mầu nhiệm cách mãnh liệt hơn”.

Năm 2008 là kỷ niêm 45 năm ban hành Hiến chế Phụng Vụ Thánh.

2. Dạy giáo lý về Thánh Thể cho thiếu nhi và người trẻ

“Tôi thành khẩn hy vọng rằng Đại hội này sẽ trở thành một lời yêu cầu mọi tín hữu cũng quyết tâm như thế trong việc canh tân giáo lý về Thánh Thể, để chính họ sẽ đạt được một ý thức thật sự về Thánh Thể, và đến lượt họ sẽ dạy các trẻ em và người trẻ nhận ra mầu nhiệm chính của đức tin, cùng xây dựng đời sống mình chung quanh mầu nhiệm này”.

Nếu con người hiểu được ý nghĩa sâu xa của bí tích Thánh Thể họ sẽ đến tham dự thánh lễ thường xuyên để chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu cao cả này.

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu kết hợp với Văn phòng Giáo dục Công giáo đã tổ chức Hội nghị “Thánh Thể và Giáo dục” tại Assumption University, Bangkok, từ 25-30/5/2008, mà một trong những mục đích là giúp giới trẻ tăng cường lòng yêu mến Thánh Thể.

3. Chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa bày tỏ nơi Thánh Thể

eucharistic-heart.jpg

“Thánh Thần Chân lý làm chứng trong tâm hồn các con. Các con cũng, vậy hãy làm chứng cho Chúa Kitô trước mặt mọi người, […]. Vì vậy, tham dự vào Thánh Thể không tách xa chúng ta khỏi những người đương thời với chúng ta; ngược lại, bởi vì Thánh Thể là cách diễn tả hay nhất của tình yêu Thiên Chúa, nó mời gọi chúng ta cộng tác với tất cả anh chị em mình để đương đầu với những thách đố hiện tại và làm cho hành tinh này thành một nơi tốt đẹp để sống. Để đạt được điều ấy, chúng ta phải không ngừng tranh đấu để mỗi người được tôn trọng từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên; để những xã hội giàu có của chúng ta đón chào những người nghèo nhất và cho họ được phép có chút nhân phẩm; để mọi người có thể tìm được lương thực và giúp cho gia đình họ tồn tại; để hòa bình và công lý có thể chiếu soi trên tất cả các lục địa. Đó là một vài điều trong số những thách đố mà chúng ta cần phải động viên tất cả mọi người đương thời với chúng ta, và các Kitô hữu phải rút sức mạnh của mình từ Bí Tích Thánh Thể để thực hiện điều ấy”.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế Québec diễn ra 1 tháng trước kỷ niệm 40 năm Thông điệp Humane Vitae của Đức Thánh Cha Phaolô VI.

“Thánh Thể không phải là một bữa tiệc giữa bạn bè, mà là một mầu nhiệm giao ước. Các kinh nguyện và nghi thức của hy tế Thánh Thể không ngừng làm sống lại toàn thể lịch sử cứu độ trước mắt linh hồn chúng ta, trong chu kỳ phụng vụ, và làm cho chúng ta hiểu thấu hơn về ý nghĩa của nó” (Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá [Edith Stein]). Chúng ta được mời gọi đi vào mầu nhiệm giao ước này bằng cách làm cho đời sống mình mỗi ngày một thêm giống hồng ân mà chúng ta lãnh nhận trong Bí tích Thánh Thể”.

Khi tham dự Thánh Thể, tín hữu tự hỏi mình, Giáo hội và Chúa Kitô Thánh Thể cũng sẽ hỏi họ: “Tôi làm gì cho người anh em?”. Người anh em đó đồng hóa với Chúa Kitô Thánh Thể, và đang đói, đang khát, đang là khách lạ, mang thân trần truồng, bệnh tật, đang bị cầm tù…” (x. Mt 25,31-46), và ngày nay còn dưới nhiều hình thức thiếu thốn, đau khổ khác nữa, nhất là những đói khát hòa bình, đói khát tự do, đói khát công chính, đói khát được tôn trọng đúng nhân phẩm con người…Ðứng trước tình trạng này, Thánh Thể kêu mời người tín hữu hãy tham dự vào công việc canh tân, đổi mới, thăng tiến điều kiện sống của các quốc gia, các cá nhân. Mỗi người tham dự vào công tác này theo khả năng, hoàn cảnh, cách thức của mình. Họ không thể dửng dưng với các công tác này, nếu họ thực sự sống hồng ân Thánh Thể trao ban cho họ.

Thánh Thể hay hy lễ dâng hiến của Chúa Giêsu có ý nghĩa và giá trị đích thực vì Ngài hy sinh chính mình, đã trải qua đau khổ, dù là Con Thiên Chúa, để học cách vâng phục theo ý Chúa Cha là cứu độ con người (x. Dt 5,7-8), chứ không phải để đề cao chính mình, mong muốn thành công cá nhân, và với lòng yêu thương, cảm thông nỗi thống khổ, yếu hèn của con người để liên đới với họ và cứu độ họ (x. Dt 4,15-16), chứ không phải để thống trị. Ngài trở nên giống anh em mình về mọi phương diện…trải qua mọi thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách (Dt 2,17-18). Hai chiều kích này không thể tách rời nhau: vâng phục Thiên Chúa và phục vụ con người. Qua phép rửa, chúng ta được mời gọi bắt chước sự vâng phục và liên đới phục vụ của Chúa Giêsu cũng như sự biến đổi của viên đại đội trưởng Rôma dưới chân thánh gía. Chứng kiến những cực hình, đau khổ của Chúa và sự phản bội của các môn đệ ông đã không dửng dưng, bàng quan trước đau khổ của con người vô tội bị xử án bất công (Lc 23,37); ông đã chiêm ngắm và tin nhận Chúa là Đấng Công chính, đã suy nghĩ về sự thật và về niềm tin, để thờ lạy Chúa cách đích thực vì Ngài chính là Con Thiên Chúa (Mt 27,54; Mc 15,39; Lc 23,47). Ông cũng nhận ra tình yêu đích thực của Chúa Giêsu dành những người hành khổ Ngài (Lc 23,24), dành cho người trộm lành (Lc 23,43), dành cho Đức Mẹ và người tông đồ yêu quý (Ga 19,26-27), dành cho Chúa Cha (Lc 23,46). Một tình yêu nở rộ giữa những cằn cỗi của sự bất nhân con người.

Một cách tương tự, khi chứng kiến những hy sinh đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu trên thánh gía cũng như những bất hạnh của anh chị em đồng loại, hình ảnh của Chúa Giêsu, chúng ta phải hành động. Đó chính là hành vi thờ phượng và tôn thờ đích thực Chúa Giêsu Thánh Thể.

Ngoài ra, mỗi tín hữu lãnh nhận bí tích rửa tội và rồi bí tích Thánh Thể, được kêu gọi để sống trọn vẹn ơn thánh đã được đặt để nơi họ và cần được nuôi dưỡng để lớn lên: đó là ơn gọi nên thánh giữa đời. Với người tín hữu giáo dân, do tư cách "đời" của họ, họ có cơ hội và khả năng để phát triển ơn gọi nên thánh này một cách thật hữu hiệu. Họ thể hiện mầu nhiệm nhập thể rõ ràng nhất, vì đem cái thánh thiêng vào trong cái đời của thế gian.

Các thừa tác viên có chức thánh, họ thể hiện ơn gọi nên thánh như là những người lãnh đạo dân Chúa và đem dân tới đỉnh sự thánh thiện là cuộc hiệp thông với Chúa Ba Ngôi.

Còn các tu sĩ có tư cách làm sao cho người khác nhận ra đích cuối cùng của con người phải nhắm tới là Chúa Kitô, và làm cho thế giới nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của con đường đi theo Chúa (x. Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 25).

Trong phạm vi gia đình, Thánh Thể mời gọi tín hữu sống bậc vợ chồng như là một Giáo hội tại thế nhỏ hẹp, nhưng lại mang sứ mạng chiếu tỏa nền văn minh tình thương. Thánh Thể là nguồn suối của hôn nhân kitô giáo. Ðây là hy tế của giao ước mới, trong đó giao ước hôn nhân có được sự trọn vẹn hình ảnh và ý nghĩa. Chúa Kitô đã chấp nhận nên hy tế vì yêu thương con người, nên Thánh Thể là nguồn của mọi tình yêu hôn nhân giữa vợ chồng. Do đó, Kitô hữu sống đời hôn nhân cần múc lấy từ Thánh Thể ơn sức mạnh, sự can đảm để sống đời hôn nhân như là chứng tá của tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo hội. Sứ mệnh chính yếu của gia đình là đem tình yêu vào trong xã hội và để phục vụ xã hội. Ngày nay vợ chồng Kitô giáo sống đời hôn nhân với biết bao thử thách, với biết bao thánh giá hằng ngày và đi trên con đường đi ngược chiều của xã hội hôm nay: như những lối sống hôn nhân thiếu trung tín, như khi con cái sống xa đức tin, xa các giá trị Kitô giáo, như khi chung quanh xã hội cho phép ly dị, phá thai…và cả những khi một số đôi vợ chồng nào đó tái hợp sau những đổ vỡ đau thương. Trong những hoàn cảnh này, Thánh Thể sẽ trở nên nguồn sức mạnh cho gia đình và những người sống trong đó. Các vị mục tử phải ân cần nâng đỡ các hoàn cảnh này, cả khi người tín hữu không được rước lễ vì hoàn cảnh đặc biệt của họ.

4. Cử hành Phụng vụ cách xứng đáng

“Tôi van nài các linh mục đặc biệt tôn trọng cách nghi thức thánh lễ”.

5. Tôn trọng vai trò của giáo dân và giáo sĩ

“Và [tôi] kêu gọi các tín hữu tôn trọng vai trò của mỗi cá nhân, cả linh mục lẫn giáo dân, trong các cử chỉ trong thánh lễ. Phụng vụ không thuộc về chúng ta mà là một kho tàng của Hội thánh”.

6. Hãy nhớ tầm quan trọng của thánh lễ Chúa nhật

“Chúng ta không bao giờ được quên rằng Hội thánh được xây dựng quanh Đức Kitô và, như các thánh Augustinô, Tôma Aquinô và Albertô Cả, đều nói theo thánh Phaolô rằng, Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất của Hội thánh, bởi vì tất cả chúng ta hiệp thành một thân thể duy nhất của Hội thánh mà Chúa là đầu. Chúng ta phải trở đi trở lại Bữa Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, là nơi chúng ta được Chúa ban cho một bảo chứng về mầu nhiệm cứu độ của chúng ta trên thánh giá. Bữa Tiệc Ly là nơi quy tụ của Hội thánh sơ khai, là cung lòng chứa đựng Hội thánh của mọi thời đại. Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô được luôn luôn phục hồi, lễ Hiện Xuống được luôn luôn phục hồi. Chớ gì tất cả anh chị em trở nên ý thức sâu xa hơn về tầm quan trọng của thánh lễ Chúa nhật, bởi vì Chúa nhật là ngày thứ nhất trong tuần, là ngày mà chúng ta dành để kính Đức Kitô, ngày mà chúng ta lãnh nhận sức mạnh để sống ân sủng của Thiên Chúa mỗi ngày”.

7. Chuẩn bị đón nhận Thánh Thể cách xứng đáng

“Tôi cũng muốn mời các mục tử và các tín hữu lại để tâm đến việc chuẩn bị rước lễ. Dù chúng ta yếu đuối và tội lỗi, Đức Kitô muốn ngự trong chúng ta, hãy xin Người chữa lành. Để thực hiện điều này, chúng ta phải làm tất cả những gì khả năng mình có thể làm để đón rước Người với một tâm hồn trong sạch, bằng cách, nhờ bí tích sám hối, không ngừng tìm lại được sự trong sạch mà tội lỗi đã làm cho ra nhơ bẩn, ‘bằng cách làm cho linh hồn và lời nói của mình hoà hợp với nhau’ theo lời mời gọi của Công Đồng (x. SC 11). Thực ra, các tội lỗi, đặc biệt là những tội trọng, là chống lại hành động của ân sủng Thánh Thể trong chúng ta. Tuy nhiên, những ai không thể lên rước lễ vì hoàn cảnh của mình, vẫn có thể tìm được một cách rước lễ qua lòng muốn và qua việc thông phần vào sức mạnh và hiệu quả của thánh lễ”.

8. Hãy ý thức gia sản thiêng liêng và bắt chước các vị thánh và chân phước Canada

“Bí tích Thánh Thể có một chỗ đứng hoàn toàn đặc biệt trong đời sống của các thánh. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì lịch sử sự thánh thiện của Quebec và Canada, là nơi đã góp phần vào đời sống truyền giáo của Hội thánh. Quê hương của anh chị em đặc biệt tôn kính các đấng tử vì đạo người Canada, Jean de Brébeuf, Isaac Jogues cùng các đồng bạn, là những người đã có thể hiến mạng sống mình cho Đức Kitô, như thế kết hợp chính mình các ngài với hy tế của Người trên thánh giá. Các ngài thuộc vào thế hệ của những người nam và nữ đã thiết lập và phát triển Giáo hội Canada, cùng với Marguerite Bourgeoys, Marguerite d'Youville, Marie de l'Incarnation, Marie-Catherine de Saint-Augustin, Đức cha François de Laval, vị sáng lập giáo phận đầu tiên ở Bắc Mỹ, […]. Hãy gia nhập trường của các ngài; giống các ngài, không biết sợ; Thiên Chúa đồng hành với anh chị em và bảo vệ anh chị em; hãy làm mỗi ngày một của lễ dâng lên để vinh danh Thiên Chúa Cha và tham gia vào việc xây dựng thế giới, bằng cách hãnh diện nhớ đến gia sản tôn giáo cùng xã hội và văn hóa rạng ngời của anh chị em, và cố gắng tỏa ra chung quanh mình những giá trị luân lý và tinh thần từ Chúa mà đến với chúng ta”.

Chúng ta có gương yêu mến Thánh Thể và cử hành thánh lễ trong lúc bị giam giữ Đức cha F.X Nguyễn Văn Thuận.

9. Hãy cổ võ ơn gọi

“Để cho Dân Thiên Chúa không bao giờ thiếu các thừa tác viên ban phát cho họ Mình Đức Kitô, chúng ta phải xin Chúa ban cho Hội thánh hồng ân có những linh mục mới. Tôi cũng mời gọi anh chị em thông truyền lời mời gọi làm linh mục đến các thanh niên trẻ, để họ chấp nhận với niềm vui mà không sợ trả lời Đức Kitô. Họ sẽ không thất vọng. Xin cho các gia đình trở thành nơi khởi đầu và nôi của ơn gọi”.

Một thí dụ cho thấy tình trạng thiếu linh mục là tại Philippines, một nước có đông người Công giáo nhất Á Châu về con số cũng như về tỷ lệ, một linh mục phải chăm sóc khoảng 35.000 giáo dân.

10. Cầu nguyện cho thành công của Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50

“Tôi mời tất cả anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho ĐHTT quốc tế kế tiếp, sẽ được tổ chức vào năm 2012 tại thành phố Dublin được thành công. Tôi cũng nhân dịp này chào mừng dân chúng Ái Nhĩ Lan, trong khi họ chuẩn bị tổ chức cuộc tập họp này của Hội thánh. Tôi tin tưởng rằng họ, cùng với tất cả những người tham dự Đại hội tới, sẽ tìm thấy nó là nguồn mạch canh tân tinh thần trường cửu”.

Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 49 đã kết thúc nhưng chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm, phải canh tân, ở mức độ tập thể cộng đoàn cũng như cá nhân để gia tăng lòng yêu mến bí tích Thánh Thể và sống mọi chiều kích của bí tích này trong cuộc sống hằng ngày.

* Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót chăn nuôi và bảo vệ chúng con, xin Người ban cho chúng con nhìn thấy những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.

Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên khách đồng bàn của Chúa đồng thừa kế và đồng thông phần với những công dân thánh của Nước Trời. Amen. Alleluia.

(Ca Tiếp liên Lauda Sion, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Lm GB Ngô Đình Tiến

* Những câu trích trong ngoặc kép là từ Bài giảng của ĐTC Bênêđictô XVI. Những phần khác có sử dụng bài viết của Đức Ông Trần Văn Khả, Cha Tạ Huy Hoàng và bài giáo lý tại ĐHTT Québec của Đức Cha Luis Antonio Tagle, Giám mục Giáo phận Imus, Philippines.

Đọc nhiều nhất Bản in 13.07.2008. 10:14