Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế Lần Thứ 49 Tại Québec, Canada từ ngày 15-22 tháng 6 năm 2008

§ Lm Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Chủ đề: Thánh Thể được ban tặng “cho sự sống thế gian”

Đặc sứ của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI
Đức Hồng Y Josef Tomko
Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng
về các Đại Hội Thánh Thể Quốc tế

Tập sách: ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ LẦN THỨ 49
Tại Québec, Canada
từ ngày 15-22 tháng 6 năm 2008
Tác giả: Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Mục Lục
Giới thiệu
Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế Québec
Thư Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi ĐHY Đặc Sứ
Lời mời gọi của ĐHY Marc Ouellet
Văn kiện thần học nền tảng
Hình thức Thánh Thể của đời sống Tín hữu
Gương Các Thánh về lòng yêu mến Thánh Thể
Các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế

Lời Mở Đầu

Còn mấy ngày nữa Đại Hội Thánh Thể Quốc tế tại Québec (Canada) sẽ khai mạc. Vì thế hôm nay tôi trình bày sơ lược về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế nói chung và Đại Hội Thánh Thể tại Québec nói riêng.

49EucharistCongress.jpg

Tập sách nhỏ này gồm một bài trình bày về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Québec; Lời mời gọi và giới thiệu Văn kiện thần học nền tảng cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 của Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec, rồi một bài viết về “Hình thức Thánh Thể của đời sống Kitô Hữu” gợi hứng từ số s. 70-71 của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ thứ XI do Đức Thánh Cha Beneđicto XVI ban hành mang tựa đề “Bí Tích Tình Yêu”; Tập sách cũng ghi lại một số các Thánh và Chân Phước có lòng sùng mộ Thánh Thể cách đặc biệt, mà Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã nói tới trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Kỳ XI “Bí Tich Tình Yêu”. Sau cùng là bản liệt kê 48 Đại Hội Thánh Thể Quốc tế trước đây, với các chi tiết như nơi cử hành, thời gian cử hành, đời Đức Giáo Hoàng nào, Vị đặc sứ của Đức Thánh Cha và chủ đề tổng quát cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế. Tập sách được soạn ra với mục đích giúp tín hữu tham dự vào biến cố giáo hội có tính cách quốc tế và quan trọng này, đồng thời để giúp thêm lòng sùng mộ của họ đối với Chúa Thánh Thể, “được ban tặng cho sự sống thế gian”.

Trong suốt thời gian cử hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Québec, các giáo xứ, các họ đạo, các cộng đoàn Dòng Tu có thể tham dự bằng những thánh lễ ngoại lịch về Thánh Thể vào các ngày tự do, cũng như tổ chức các buổi chầu Thánh Thể cả ngày, hay một thời gian trong ngày, và những buổi cầu nguyện riêng trước Thánh Thể. Cũng nên tổ chức các lớp giáo lý đặc biệt về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Như thế lời ước mong của Đức Hồng Y Marc Ouellet được thực hiện: “Chớ gì việc cử hành Đại Hội Thánh Thể này trong tình hiệp thông sâu xa với Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, mang lại cho từng người, trong Giáo Hội, biết bao niềm hy vọng và một ý thức sống động hơn về ơn huệ Thiên Chúa ban tặng cho sự sống thế gian”.

Roma, 08-06-2008.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

I. Giới thiệu

Khi nói tới Đại Hội Thánh Thể, chúng ta hiểu đây là một trong những hình thức tôn sùng Thánh Thể cách công cộng ngoài Thánh Lễ (Nghi Thức Cho Rước lễ và việc Tôn thờ Mầu nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, số 109-112): đó là những Đại hội Thánh Thể có tính cách quốc tế hay quốc gia, hoặc nằm trong bối cảnh giáo phận. Các loại Đại Hội Thánh Thể này biểu lộ sự tham gia và trách nhiệm tổ chức bao gồm nhiều hay ít thành phần của Giáo Hội. Tháng 6 này tại Québec, Canada, Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 49 sẽ được tổ chức cách trọng thể với sự tham dự của toàn thể Giáo Hội. Năm nay, vì có những biến cố đặc biệt như Khai mạc Năm Thánh Phaolô, vào chiều ngày 28 tháng 6 năm 2008, cũng như Đại Hội Giới trẻ quốc tế tại Sydney, Australia, nên Đức Thánh Cha không đến tham dự và cử hành Thánh Lễ cao điểm của Đại hội, gọi là “Statio orbis” (x. Thư gửi Đức Hồng Y Josef Tomko dưới đây).

1. Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 tại Québec

Lý do tại sao lại tổ chức Đại hội Thánh Thể năm nay tại Québec ? Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta có câu trả lời sau đây: Năm 2008, là kỷ niệm 400 trăm năm sinh nhật của thành phố Québec. Từ ý tưởng mừng theo quan điểm dân sự và hành chánh này, vào năm 2000, Đức cựu Tổng Giám mục Maurice Couture của Giáo phận Québec đã đề nghị với Hội Đồng Giám Mục Canada và ông Thị trưởng thành phố Québec làm đơn xin được phép tổ chức Đại Hội Thánh Thể tại đây. Nhân dịp này Đức Hồng Y Marc Oullet, Tổng giám mục đương nhiệm của Québec đã viết một thư mục vụ về Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 tại Québec và một lời mời gọi tham dự Đại Hội Thánh Thể này. Các Giáo Hội địa phương tụ tập về đây để biểu lộ lòng tôn kính Thánh Thể. Đối với tín hữu Canada, thì đây cũng là dịp làm thức tỉnh họ ra khỏi tình trạng nhửng nhưng thờ ơ với đức tin, với tôn giáo. Làm sao để gây được phong trào sùng mộ Thánh Thể đang được khơi dậy và làm kiên vững, nhất là từ năm thánh 2000, khi Giáo Hội đang đón nhận thu hoạch các hoa quả công cuộc canh tân phụng vụ do Công đồng Vaticanô II khởi xướng, và do các văn kiện mới đây của các Đức Giáo Hoàng, như Thông điệp “Giáo Hội từ Thánh Thể” (2003) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI “Bí tích tình yêu” (2007).

Đàng khác, Canada vẫn được tiếng là “Canada Thánh Thể”, với lòng mộ mến Thánh Thể đặc biệt, nên việc tổ chức này được coi là điều hiển nhiên. Trong toàn thể lịch sử các Đại Hội Thánh Thể, thì Canada được chiếm giải quán quân hàng đầu. Năm 1910, Canada đã được vinh dự tổ chức Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần đầu tiên, ở ngoài Âu Châu, đó là Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 21 tại Montréal. Trong dịp Đại Hội Thánh Thể này, các Cha Dòng Thánh Thể đã đóng góp khá nhiều vào công việc tổ chức, như Cha Alphonse Pelletier, giữ chức Tổng thư ký, Cha Letellier, giữ nhiệm vụ thuyết trình viên chính, trình bày các hoạt dộng của Đấng đáng kính Pierre Julien Eymard (bây giờ là Thánh Julien Eymard, lễ ngày 2 tháng 8) về lòng sùng kính Thánh Thể; Cha Galtier đào sâu việc giảng giải về Thánh Thể, và đào sâu Sắc lệnh mang tựa đề “Thánh Công đồng chung Tridentinô”, Thánh Giáo Hoàng Piô X, vào năm 1905, đã áp dụng trong thực hành, cho phép và khuyến khích việc năng rước lễ cũng như việc rước lễ hằng ngày, một điều rất mới với thái độ thờ ơ của tín hữu thời đó rất ít rước lễ, cũng như việc cho tẻ em rước lễ sớm, vì trước đó người ta chỉ chuẩn bị cho trẻ em rước lễ vào khoảng lúc 13 hay 14 tuổi. Người ta cũng thấy còn có những sự kiện khác đóng góp vào lòng sùng mộ Thánh Thể tại Canada, như Hiệp hội các linh mục chầu Thánh Thể.. .

Nếu kể về các Đại Hội Thánh Thể được tổ chức tại Canada, người ta cũng nhận thấy tính cách đặc biệt của đất nước này. Cho tới năm 1965, tại Canada đã có tới 152 Đại Hội Thánh Thể, cấp quốc gia (1), cấp tỉnh (1), cấp giáo phận (30), cấp vùng (99), cấp giáo xứ (21). Ngay tại Québec đã có Đại Hội Thánh Thể quốc gia năm 1938, và 95 Đại Hội Thánh Thể khác nữa.

2. Lịch sử các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế

Nói về lịch sử thành hình Đại Hội Thánh Thể, chúng ta có nguồn gốc vào giữa thế kỷ thứ 19 tại Pháp, do Bà Emilie Tamisier (1834-1910), với sự gợi hứng từ Cha Pierre Julien Eymard (1811-1868), cùng với sự đóng góp của một số giáo hữu, linh mục, giám mục, nhất là với sự chúc lành của Đức Thánh Cha Lêo XIII, mà Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ I được tổ cức tại Lille (Pháp). Với chủ đề: “Thánh Thể cứu rỗi thế gian”. Mục đích các Đại Hội Thánh Thể đầu tiên nhắm vào việc biểu lộ niềm tin vào Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong Phép Thánh Thể và việc thờ lạy Thánh Thể. Về sau, từ thời Thánh Giáo Hoàng Piô X, thì Đại Hội Thánh Thể còn cổ võ việc năng rước lễ và rước lễ hằng ngày, và cho trẻ con rước lễ sớm.

Từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XI, Vị Giáo hoàng của việc truyền giáo, thì việc tổ chức Đại Hội Thánh Thể được luôn phiên các Châu lục khác nhau, do đó Đại Hội Thánh Thể cũng mang tính cách truyền giáo. Trong Đại Hội Thánh Thể quốc tế được tổ chức năm 1937 tại Manila (Phi Luật Tân), kiểu nói “tái truyền giảng tin mừng” được xử dụng lần đầu tiên.

Vào lần Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 37 tại Munchen (Đức quốc), hình thức Statio orbis xuất hiện lần đầu tiên. Đây là kiểu nói diễn tả việc hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương, cùng với Đức Thánh Cha, hay vị Đại sứ của Ngài, để tuyên xưng đức tin, đào sâu đức tin vào Chúa Thánh Thể và thờ lạy Ngài trong Thánh Thể qua các buổi cử hành, kiệu Thánh Thể, học hỏi giáo lý về Thánh Thể, cũng như lắng nghe các chứng từ về Thánh Thể.

Các Đại Hội Thánh Thể cấp quốc gia, giáo phận, giáo xứ, các vùng... cũng dựa theo tinh thần và mục đích trên đây để tổ chức các Đại Hội Thánh Thể địa phương.

Tóm lại Đại Hội Thánh Thể nhắm “làm cho mỗi ngày gia tăng sự hiểu biết, yêu mến và phục vụ Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể, là trung tâm của đời sống của Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội lo phần rỗi cho thế gian” (điều 2, Quy chế về Đại Hội Thánh Thể).

II. THƯ ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTÔ XVI
gửi Đức Hồng Y Đặc Sứ Josef Tomko

Chư Huynh thân mến
Hồng Y Josef Tomko
Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng
về các Đại Hội Thánh thể Quốc tế

“Thánh Thể là ơn huệ của Chúa Giêsu Kitô trao ban chính mình Ngài, Đấng làm cho chúng ta biết tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với từng người”. Câu này Ta đã muốn viết ở đầu trong Tông Huấn của Ta “Bí Tích Tình Yêu (s. 1), trong đó Ta đã giải thích một số yếu tố và phận vụ để cổ võ với một đà tiến mới trong Giáo đối với Thánh Thể. Nhưng lúc này Ta hướng tâm hồn chuẩn bị tới biến cố thật đặc biệt, đó là hướng tới Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49 sẽ được cử hành từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Québec. Lễ Hội Trạm chính (Statio Orbis) cũng trùng vào dịp kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố này và các tín hữu từ Mexico cũng kỷ niệm việc thành lập Giáo Hội tại vùng phía Bắc của quốc gia này.

Ta vui mừng tiếp nhận thư thỉnh nguyện thật thân tình của Chư Huynh khả kính Đức Hồng Y Marcô Ouellet, Tổng Giám Mục của giáo phận Québec và là Giáo Chủ của Nước Canada, sau khi tham khảo ý kiến của chính quyền dân sự và Hội Đồng Giám Mục Nước này, để mời chính Ta tham dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế này. Nhưng vì Ta còn nhiều công việc nên không thể tham dự được, vì thế Ta xin một vị Hồng Y khả kính thay Ta chủ sự Đại Hội này. Vậy thưa Chư Huynh đáng kính, Ta đã nghĩ tới Chư Huynh, vì ngày trước đây Chư Huynh là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng lo về các Đại Hội Thánh Thể, vì Chư Huynh không chỉ có giáo lý vững chắc về Thánh Thể, nhưng còn có lòng yêu mến thật hiển nhiên với Thánh Thể.

Vì thế với bức thư này ta cử Chư Huynh làm Đặc sứ của Ta và xin Chư Huynh nhân danh Ta chủ sự các lễ nghi cử hành trong thành phố cao đẹp của Nước Canada này, và hướng dẫn lòng tín hữu theo với các tâm tình đạo đức khi họ tập họp đến Thành phố này. Chư Huynh trình bày Thánh Thể như là “Ơn huệ của Thiên Chúa trao ban sự sống cho thế gian”, và Chư Huynh cũng nhắn nhủ tín hữu hãy canh tân đời sống thiêng liêng của mình trong Thánh Thể, vì đó là nguồn mạch của mọi sự thánh thiện.

Thưa Chư Huynh Đáng kính, ta nhờ Chư Huynh chuyển tới các Giám mục và tín hữu đến Đại Hội này lời chào thân ái của Ta, và Ta theo dõi mọi người với lời cầu nguyện của Ta, và Ta cầu xin Thiên Chúa để do sự trợ giúp của Hiền mẫu Rất Thánh Maria, họ ân cần tuân giữ luật bác ái trong đời sống hằng ngày của mình.

Khi biết rằng Chư Huynh thi hành chức vụ lớn lao này, Ta vui lòng ban Phép lành Tông Tòa cho Chư Huynh và cũng chuyển tới mọi người tham dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế này.

Làm tại Điện Vatican, ngày 9 tháng 4 năm 2008,
Triều Đại Giáo hoàng thứ III của Ta.
Beneđicto XVI, Giáo Hoàng.


III. VĂN KIỆN THẦN HỌC NỀN TẢNG CỦA ĐẠI HỘI THÁNH THỂ TẠI QUÉBEC
CỦA ĐỨC HỐNG Y MARC OUELLET,
TỔNG GIÁM MỤC QUÉBEC
Tòa Giáo chủ của Canada

A. LỜI MỜI GỌI
CỦA ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET
Tổng Giám Mục Québec

Thánh Thể, là sự hiện diện và là ơn huệ cho thế giới, sẽ là trung tâm điểm của cuộc tập họp các Kitô hữu đến từ các Châu Lục khác nhau, vào những ngày này từ 15 đến 22 tháng 6 năm 2008, để cử hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49.

Với tư cách là Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Québec và là Giáo Chủ của Canada, tôi hân hạnh gửi lời chào mừng những ai sẽ tới để cùng sống với chúng tôi biến cố mang tính cách giáo hội này trong việc cầu nguyện, trong tâm tình chia sẻ và hiệp thông.

Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn Québec làm địa điểm cử hành Đại Hội Thánh Thể này. Thành Phố Québec giữ một địa vị đặc biệt trong vùng đất Bắc Mỹ Châu vì theo kế đồ tiên khởi đã đảm nhận trong việc bành trướng Chậu lục này và trong việc loan báo đầu tiên Tin Mừng cho các dân tộc bản địa. Ngày nay Québec có khoảng nửa triệu dân và mỗi năm thường đón tiếp từng ngàn vạn khách du lịch đến thăm viếng vì bị lôi kéo bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên và vì tính cách đặc trưng khởi sắc của nền kiến trúc đã làm cho thành phố này trở nên gia tài quốc tế được UNESCO bảo trợ. Năm 2008 sẽ ghi dấu 400 năm kỷ niệm ngày thành lập thành phố này.

Từ đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo, Giáo Hội công giáo, ý thức về hiện tượng toàn cầu hóa, đã lưu tâm tới việc cổ võ một nền văn minh tình thương và hòa bình. Hoạt động này đã múc kín từ nguồn Thánh Thể niềm hứng khởi và năng lực thúc đẩy sự dấn thân của mọi người để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.

Từ đây chủ đề của Đại Hội Thánh Thể đã được chọn: “Thánh Thể được Thiên Chúa ban tặng cho sự sống thế gian”. Chủ đề này được khai triển thành một văn kiện thần học nền tảng mà tôi hân hạnh giới thiệu sau khi đã đưôc Ủy ban Giáo Hoàng về Các Đại Hội Thánh Thể Quốc tế phê chuẩn.

Văn kiện này khai triển một số khía cạnh giáo lý về Thánh Thể, nhất là về việc tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: quả thế đây là điều quan trọng là làm sống lại việc nhớ lại nguồn gốc của Kitô giáo tại Châu Lục này với mục đích thể hiện và lưu truyền các giá trị Tin Mừng và tầm quan trọng của Thánh Thể trong thế giới của chúng ta ngày nay. Cũng không được quên biến cố rửa chân và lời nói có sức thay đổi thế giới: “Các con hãy thương yêu nhau như Thày đã yêu thương chúng con”.

Tôi cám ơn nhóm các nhà thần học, các nhà chú giải Kinh thánh và các giáo lý viên đã cùng làm việc dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Pierre-André Fournier – được trợ giúp bởi Đức Ông Jean Picher, Tổng Thư Ký của Đại Hội Thánh Thể, và sự trợ giúp của Nữ Tu Doris Lamontagne, p.f.m., Thư ký phụ tá – tất cả đã cộng tác một cách quảng đại trong việc soạn thảo bản văn nền tảng này. Các bài giảng và các bài giáo lý được gợi hứng từ bản văn này sẽ giúp cho việc chuẩn bị thiêng liêng các đại biểu và sẽ linh hoạt hóa việc cầu nguyện của biết bao nhiêu người sẽ tham dự cách thiêng liêng vào Đại Hội này.

Tổng Giáo phận Québec sẽ tiếp đón cách nồng nhiệt các khách tới và các tín hữu tham dự vào biến cố trong tinh thần đại kết và trong sự kính trọng giữa các tôn giáo.

Ý thức về những yếu đuối của mình, nhưng cũng rất cương vững trong niềm trung tín với Thiên Chúa, Giáo Hội tại Québec hãnh diện trình bày cho Giáo Hội hoàn vũ lịch sử của việc thánh thiện mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cổ võ trong khi phong Chân Phước hay phong Thánh cho 14 người con ưu tú của miền đất của chúng tôi.

Chớ gì việc cử hành Đại Hội Thánh Thể này trong tình hiệp thông sâu xa với Đức Thánh cha Beneđicto XVI, mang lại cho từng người, trong Giáo Hội, biết bao niềm hy vọng và một ý thức sống động hơn về ơn huệ Thiên Chúa ban tặng cho sự sống thế gian.

Hồng Y Marc Ouellet
Tổng Giám mục Québec, Giáo chủ Canada

B. VĂN KIỆN THẦN HỌC NỀN TẢNG
CỦA ĐẠI HỘI THÁNH THỂ TẠI QUÉBEC
CỦA ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET,
TỔNG GIÁM MỤC QUÉBEC
Giáo chủ của Canada

Các Đại Hội Thánh Thể thường có một chủ đề để suy tư và học hỏi. Từ chủ đề này, Giáo Hội địa phương nơi tổ chức Đại Hội sẽ soạn thảo một Văn kiện thần học nền tảng cho toàn thể Đại Hội. Để giúp tín hữu tại các Giáo Hội địa phương và các tín hữu tham dự Đại Hội đào sâu giáo lý về Thánh Thể trong thời gian chuẩn bị Đại Hội và trong chính Đại Hội.

Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49 tại Québec có chủ đề là: “Thánh Thể được ban tặng cho sự sống thế gian”, đã được chính Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chấp thuận. Rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec đã cho công bố bản văn thần học nền tảng cho Đại Hội này. Bản văn này dài 22 trang khổ A 4. Vì bản dịch thường do các Hội Đồng Giám mục mỗi nước thực hiện để học hỏi, nên ở đây, trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ tóm lược một vài điểm mà thôi.

1. Lược đồ và cấu trúc của bản văn thần học nền tảng
Bản văn này được chia ra các phần như sau:
Nhập đề: Việc tưởng niệm thực hiện trong hoàn cảnh thời nay.
Phần thứ I: Thánh Thể, Ơn huệ của Thiên Chúa
Phần thứ II: Thánh Thể, Giao Ước mới
Phần thứ III: “Cho sự sống thế gian”
Kết luận: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian biết bao
Lời mời gọi của Đức Hồng y Marc Ouellet.

2. Phần mở đầu
Bản văn gợi ý tới mục đích của Đại Hội Thánh Thể quốc tế như là thời gian để cầu nguyện, để suy tư hầu giúp chúng ta cử hành mầu nhiệm Thánh Thể cách xứng đáng. Đàng khác, trong khuôn khổ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 này, thì đây cũng là dịp thành phố Québec (Canada) mừng 400 năm thành lập thành phố. Trong phạm vi truyền giáo, thì thành phố Québec, Canada, là thành phố mà thế kỷ thứ XVI đã là khởi điểm truyền giáo cho vùng Mỹ Châu. Nhiều đoàn linh mục từ Pháp được gửi sang Canada. Canada đã có những vị thánh tử đạo đầu tiên vào thời kỳ này, như thánh Gioan de Brébeuf và Isaac Jogues, và các bạn tử đạo trong khoảng từ năm 1642-1648 (lễ các Ngài vào ngày 19 tháng 10). Chính Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, Vị giám quản tông tòa thứ nhất của Đàng trong Việt Nam, trong dự định đầu tiên, cũng đã muốn sang truyền giáo bên Canada. Đại hội Thánh Thể đạt tới cao điểm là việc cử hành “Lễ Trạm” (Statio orbis), là cao điểm của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, trong đó Giáo Hội Québec cùng cử hành Thánh Thể với đại diện của các Giáo hội địa phương khác đến tham dự Đại Hội Thánh Thể này.

Bản văn thần học nền tảng phân tích việc “tưởng niệm” trong thời đại chúng ta, để thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến ta”. Từ ngữ “tưởng niệm” (memoria) này trùng hợp với khẩu hiệu của thành phố Québec; “Ơn huệ của Thiên Chúa, tôi sẽ đánh giá đúng mức độ của nó”. Việc tưởng niệm này không phải chỉ nhằm vào biến cố lịch sử là việc Chúa Kitô lập phép Thánh Thể cách đây 2000 năm, nhưng là làm lại chính biến cố cứu rỗi trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh và hình rượu.

Bản văn cũng phân tích mnột số hoàn cảnh ngày nay trong cái nhìn chung với chủ đề của Đại Hội Thánh Thể: “Thánh Thể được ban tặng cho sự sống thế gian”. Chủ đề này thật thích hợp cho hoàn cảnh thế giới ngày nay. Vì con người của thế giới ngày nay đang khao khát một thứ tự do của tình yêu, mong đợi một điều gì đó có thể lấp cho đầy cái trống rỗng nội tâm thật sâu thẳm. Hoàn cảnh đau thương này xẩy ra là vì con người quên lãng Thiên Chúa và chỉ đóng kín vào chính mình, cũng như không muốn khép mình tùy thuộc vào ai cả, ngay cả tùy thuộc Thiên Chúa, Đấng tạo thành mình.

Trước hoàn cảnh bi đát này, Thánh Thể trở nên lời đáp ứng cho đòi hỏi nội tâm sâu xa này. Vì trong Thánh Thể, con người lãnh nhận ơn huệ cao quý Thiên Chúa ban cho con người. Họ tưởng niệm ơn huệ mang tính cứu rỗi họ qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Thánh Thể đem lại cho con người niềm hy vọng đến từ Tin mừng của Chúa. Và chính Thánh Thần trao ban ơn huệ này cho Giáo Hội để nhắc nhở cho Giáo Hội mọi điều Chúa Kitô đã loan báo để cho thế gian được sống.

3. Thánh Thể như là Ơn huệ
Thánh Thể được ban cho Giáo Hội như là ơn huệ cao quý duy nhất, vì trong đó, Chúa Kitô trao ban chính mình Ngài, con người của Ngài trong bản tính nhân loại nơi Ngài, cũng như trao ban công việc cứu rỗi do Ngài thực hiện và các hiệu quả của công việc cao cả này (x. Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 11). Vì thế Thánh Thể được coi như là trung tâm và tột điểm của lịch sử cứu rỗi.

Đàng khác ơn huệ Thánh Thể đã được chuẩn bị từ lâu trong chương trình của Thiên Chúa và trong lịch sử cứu rỗi và qua bao nhiêu ơn huệ vô vàn đã được trao ban cho nhân loại và cho Giáo Hội. Hằng năm Dân Do Thái cử hành biến cố Vượt qua Biển Đỏ như là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho họ. Nhưng khi Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài trao ban một ơn huệ mới, cũng như thực hiện một biến cố khác trong chính cuộc Vượt qua của Ngài là sự chết và sống lại của Ngài. Bây giờ Giáo Hội tưởng niệm lại ơn huệ này trong Thánh Thể và kéo dài mãi cho tới khi Chúa lại đến. Chính Chúa Kitô đã thiết lập việc tưởng niệm Thánh Thể này trong bữa tối sau hết và Ngài truyền cho các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Ngài. Như vậy ngày nay việc tưởng niệm nhắm vào chính Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Đây là ơn huệ vượt quá sự hiểu biết của chúng và mọi cách thế suy tính và hành xử của con người.

4. Thánh Thể là ơn huệ của Ba Ngôi Thiên Chúa
Chúa Giêsu đã trao ban ơn huệ cao cả tuyệt vời này cho Giáo Hội và thiết lập cách thế để làm lại cử chỉ Ngài đã làm trong bữa tiệc ly, đó là biến đổi bánh và rượu nên Mình và Máu của Ngài để nên hy tế dâng hiến Chúa Cha, để nên của nuôi chúng ta và để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Nhưng lại chính Chúa Cha ban cho Giáo Hội ơn huệ Thánh Thể của Con của Ngài, người Con mà Ngài yêu thương tột bậc nhưng lại ban cho nhân loại làm hy tế đền tội. Nếu so sánh hành động xưa Abraham đã dâng con mình là Isaac cho Thiên Chúa để tế lễ Thiên Chúa, nhưng Isa ac đã không phải chết mà được tha chết, còn đối với Chúa Kitô, Thiên Chúa Cha đã nộp Ngài cho tử thần và Chúa Con đã chết vì chúng ta. Như vậy chúng nhận ra tình yêu thật lớn lao của Chúa Cha đối với chúng ta khi bắt Chúa Con chấp nhận sự chết. Ngày nay sự việc này vẫn còn tái diễn trong ôn huệ Thánh Thể. Vì thế khi đón nhận Thánh Thể, chúng ta đón nhận và cảm nghiệm tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Cha đối với chúng ta. Trong hành động trao ban on huệ này của Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thể, vai trò của Chúa Thánh Thần cũng thật hiển hiên. Chính Thánh Thần được ban cho chúng ta để chứng minh đích thực tình yêu của Chúa và và hy tế của Chúa Kitô được dâng lên Chúa Cha vì phần rỗi con người. Như vậy Chúa Thánh Thần xác quyết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, và xác đóng ấn vào tình yêu Cha – Con cho chúng ta trong Thánh Thể. On huệ Thánh Thể và Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau. Thánh Ephrem quả quyết thật mạnh mẽ như sau: “Chúa Kitô gọi bánh là mình Ngài và làm tràn đầy chính mình Ngài và Thánh Thần của Ngài... Ai ăn thân mình này, thì ăn Lửa và Thánh Thần... Các con hãy cầm lấy mà ăn, tất cả các con, cùng với thân mình này, các con ăn Thánh Thần. Quả thế, đó thực là mình của ta và ai ăn mình Ta sẽ được sống đời đời” (Bài giảng Tuần Thánh).

5. Thánh Thể là hy tế vượt qua
Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo (s. 1365) trình bày rất đầy đủ về điểm này: Thánh Thể là hy tế vượt qua. Hy tế Thánh Thẻ được dâng lên để cứu chuộc, để tẩy sạch các tội lỗi nhân loại, để đền bù sự bất tuân của con người, từ nguyên thủy và cho mãi tới ngày nay. Và khi chấp nhận nên hy tế đền tội, Chúa Con đã gánh chịu muôn vàn đau khổ, cho tới cái chết trên thập giá. Ngày nay Thánh Thể là chính hy tế này, và từ đó chúng ta nhận ra sự cao cả lớn lao của ơn huệ Thánh Thể trao ban cho Giáo Hội.

6. Thánh Thể là Giao Ước mới
Trong công thức truyền phép Máu Thánh, linh mục đọc như sau: “Tất cả các ocn hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thày, máu giao ước mới và vịnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”. Từ đây chúng ta nhận ra rằng ơn huệ cao vời Thánh Thể là mầu nhiệm của Giao Ước, mầu nhiệm hôn ước giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa luôn làm nảy sinh Giáo Hội, Dân mới của Giao ước mới, Hôn thê của Chúa Kitô. Giáo hội sinh ra từ Thánh Thể, như Tôi tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II nói trong thông điệp của Ngài. Thánh Thể và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Từ đây Giáo Hội trở nên cộng sự viên của công việc cứu chuộc, là bí tích của ơn cứu rỗi.

Giáo Hội học nơi Mẹ Maria, người nữ Thánh Thể trong việc hiệp thông vào hy tế của Chúa Kitô và thái độ sẵn sàng dâng hiến Con mình cho Thiên Chúa qua hy tế Thánh Giá xưa. Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội. Như Mẹ Maria Giáo Hội cũng làm nảy sinh nhiều con cái cho Thiên Chúa qua việc dâng hy tế cứu rỗi này, và là Mẹ của đoàn con đông đúc.

7. Thánh Thể ban cho Giáo Hội ơn huệ hiệp thông
Như là Giao Ước mới, Thánh Thể tập họp nhân loại thành một Dân mới và làm cho họ sống trong sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa và với nhau. Trong Kinh nguyện thánh Thể, Giáo Hội đã cầu xin ơn hiệp thông qua lời cầu Chúa Thánh Thần trước và sau khi truyền phép: cầu xin được hiệp nhất với Chúa Kitô qua việc rước lễ và hiệp nhất với nhau qua Thánh Thể, để tất cả nên một trong Chúa Kitô nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần. Từ đây Giáo Hội trở nên bí tích của sự hiệp thông và thể hiện trong không gian và thời gian sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Và để thực hiện sự hiệp thông cao cả này, vì là hiệp thông với Chúa Kitô và với ba Ngôi Thiên Chúa, Ba Lần Thánh, Giáo Hội và tín hữu phải có một sự trong trắng hết sức có thể. Do đó họ phải lãnh nhận bí tích Thống Hối và Hòa giải, phải cố gắng sống tận tình ơn bí tích rửa tội vì qua đó, họ đã rửa sạch mọi tội và vết nhơ của tội. Giáo hội cũng thực hành sự thanh luyện, không phải cho chính mình, vì Giáo Hội Chúa Kitô là thánh, nhưng là thanh luyện tội lỗi của con cái mình. Nhờ sự thanh luyện này, hình ảnh của Giáo Hội trở nên mỗi ngày trong sáng hơn và được xứng đáng hiệp thông với Chúa Thánh Thể, là Vị Hôn Phụ của mình, là Con Chiên vẹn sạch không tì ố.

8. Lời đáp trả trong chiều kích thánh thể của Giáo Hội
Trong phần này Văn kiện thần học nền tảng đã đưa ra mấy điểm cụ thể sau đây:
• Hãy tin và yêu mến Chúa Giêsu như Mẹ Maria. Đứng trước ơn huệ Thánh Thể thật cao cả này, vì đó là mầu nhiệm, thì tín hữu phải biểu lộ một thái độ xứng đáng. Nhưng với Thánh Thể là mầu nhiệm, thì thái dộ và tâm tình của chúng ta phải là thái độ tin như Mẹ Maria đã đáp lại ơn huệ của Thiên Chúa bằng đức tin vẹn sạch vô nhiễm của Mẹ. Chúa Thánh Thần đã trợ giúp Mẹ Maria để đáp lại tiếng của Thiên Chúa qua đức tin, thì cũng sẽ trợ giúp chúng ta đáp trả lại ơn huệ Thánh Thể bằng đức tin. Đàng khác Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu, vì Thánh Thể phát khởi do tình yêu của Chúa Kitô với nhân loại: “Ngài đã yêu thương các kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến tận cùng” (Ga 13, 1). Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Kitô lập Phép Thánh Thể, nhưng đã ghi lại tâm tình của Chúa khi lập Phép Thánh Thể trong bữa tối sau cùng của Ngài với các môn đệ. Do đó khi chúng ta chiêm ngắm thờ lạy Thánh Thể, khi chúng ta tham dự hy tế Thánh Thể, khi chúng ta đón nhận Thánh Thể, thì thái độ và đòi hỏi chúng ta phải có là phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (Ga 13, 34). Chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào, tới mức độ nào ? Chính Chúa Kitô đã nói chúng ta: Ngài đã yêu thương chúng ta đến thí mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, cũng phải thí mạng sống mình vì anh chị em chúng ta. Thánh Augustino nói: “Anh em rất thân mến, Chúa Kitô đã định rõ chóp đỉnh của tình yêu, là mức độ chúng ta phải đạt tới khi yêu thương nhau, đó là lời xác quyết của Ngài: Không ai có tình yêu nào lớn hơn là kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu…”. Từ đó ngài rút ra câu kết luận như ngài viết trong thư như sau: Cũng bằng cách như Chúa Kitô thí mạng sống mình cho chúng ta, cũng thế, chúng ta cũng phải thí mạng sống chúng ta cho nhau, chính bằng cách chúng ta yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương chúng ta khi Ngài thí mạng sống của Ngài cho chúng ta” (Tract. In Io. 84, 1).

• Hãy để cho mình được hòa giải trong sự hiệp nhất của Giáo Hội. Việc cử hành Thánh Thể luôn mời gọi chúng ta nhớ tới trách nhiệm và nhu cầu phải hòa giải mình và trở nên tác viên của việc hòa giải. Điều này được thực hiện qua bí tích thống hối và hòa giải để thanh luyện lương tâm của mình và có thể cử hành Thánh Thể. Tín hữu cũng phải nuôi và làm tăng trưởng ý thức hòa giải giữa các nền văn hóa khác nhau và các chọn lựa cho cuộc sống khác nhau trong Giáo Hội. Họ cũng được kêu gọi để tha thứ cho nhau. Trong buổi cử hành Thánh Thể có biết bao cử chỉ lời kinh nói về hòa giải, như Kinh Lạy Cha, như cử chỉ ban bình an, như các lời cầu khẩn cho nhau. Người tín hữu cũng ý thức rằng còn có sự phân rẽ trong việc cử hành Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, giữa các Giáo hội khác nhau. Vì thế việc hòa giải lại cành trở nên khẩn thiết hơn.

• Hãy tập họp lại với nhau trong Ngày Chúa Nhật, Ngày của Chúa. Trong thời gian Chúa Kitô sống lại, Ngài đã hiện ra với các môn đệ vào buổi chiều ngày Phục sinh, rồi 8 ngày sau đó. Như vậy sự kiện này cũng cho thấy ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật: như là thời điểm để Chúa hiện diện, Chúa sống với môn đệ. Chúa hiện diện trong các bí tích, và một cách đặc biệt trong Thánh Thể cử hành vào Ngày Chúa Nhật. Vào thế kỷ thứ năm, Đức Giáo Hoàng Innocenzo I đã nói về việc cử hành Ngày Chúa Nhật để tưởng niệm biến cố phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và điều này đã trở nên một thói quen, một định chế được xác định vững chắc trong thế kỷ đầu. Ngày Chúa Nhật được các Giáo phụ gọi với các tước hiệu thật ý nghĩa, như là “ngày thứ nhất khởi nguyên của các ngày khác” (Thánh Basiliô), như là “ngày mang tính cách bí tích chỉ tới sự sống lại của Chúa Kitô” (Thánh Augustinô). Trong Ngày Chúa Nhật Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta ơn bí tích rửa tội. Vì thế khi đi tham dự Ngày Chúa Nhật, điều này không phải là để giữ một luật buộc, nhưng là đẻ làm chứng về ơn bí tích rửa tội đã lãnh nhận., và từ đó chúng ta cho mọi người biết chúng ta đã thuộc về Chúa Kitô. Ngày nay chúng ta phải rao giảng lại cho mọi người biết ý nghĩa đích thực của Ngày Chúa Nhật và nhận thấy cần phải có Ngày Chúa Nhật để sống đức tin của mình, như các tín hữu thời xưa đã nói với các người cấm đạo, khi bị cấm tụ họp vào Ngày Chúa Nhật: “Chúng tôi không thể sống mà không có Ngày Chúa Nhật”.

9. Thánh thể là ơn huệ được ban cho thế gian sống.

Chủ đề của Đại Hội Thánh Thể được tóm vào trong câu trên đây. Do đó Thánh Thể chẳng những trao ban sự sống qua Mình và Mqú Ngài, nhưng cũng làm cho tín hữu có khả năng sống như một người đã lãnh nhận ơn bí tích rửa tội. Cuộc sống của họ phải là hy tế thiêng liêng đẹp lòng Chúa, như lời Thánh Phaolô căn dặn các tín hữu (Rm 12, 1; 1Cr 10, 31; Rm 12, 3). Tín hữu chết đi cho tội và sống lại cho cuộc sống mới. Họ được mời gọi, đòi hỏi phải sống thánh thiện, khiêm nhường và phục vụ. Trong thân thể có nhiều chi thể khác nhau, và có nhiều hình thức phục vụ khác nhau. Vì thế tín hữu phải ý thức bổn phận phải phục vụ và phục vụ như ơn được ban cho mỗi người (Rm 12, 3. 4-5). Chúng đã đón nhận Thánh Thể và hiệp nhất với Ngài để rồi cũng mang một thái độ sẵn sàng như Ngài để trở nên người phục vụ kẻ khác. Thánh Augustinô nói: “Trong Thánh Thể, anh em cử hành mầu nhiệm của anh em. Trên bàn thờ đặc để mầu nhiệm của anh em. Với thực thể này, anh em thưa lên: Amen. Và thưa lên như thế, anh em lại trở nên chính mầu nhiệm đó. Linh mục nói với anh em: Mình thánh Chúa Kitô. Anh em thưa: Amen ! Và điều này có nghĩa là anh em trở nên chính Mình Chúa Kitô. Vậy anh em hãy nên chi thể đích thực của thân mình Chúa Kitô, và như vậy tiếng thưa “Amen” của anh em mới chân thành” (Augustinô, Các bài giảng, bài giảng 272, 1).

10. Việc thờ lạy đích thực

Trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã thực hiện việc thờ lạy cao cả và quý trọng nhất qua nhân tính của Ngài, do việc Ngài sẵn sàng vâng phục Chúa Cha cho đến chết và dâng hy tế để tôn thờ Chúa Chúa. Khi tham dự Thánh Thể chúng ta cũng được hòa nhập vào cùng việc thờ lạy này. Đó là việc thờ lạy Thiên Chúa trong chân lý và trong sự thật.

Nhưng hành động thờ lạy này không ngừng và chấm dứt ngoài buổi cử hành Thánh Thể, mà còn kéo dài qua việc thờ lạy, chầu Thánh Thể. Qua việc thờ lạy này Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy ở gần bên cạnh Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong Thánh Thể, như Marta đã nói với Maria: “Thày ở đó và đang gọi em” (Ga 11, 28). Khi chầu Thánh Thể, tín hữu xác tín sự hiện đích thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và hợp với Chúa Giêsu trong tác động hiến dâng hy tế. Khi chầu Thánh Thể, mọi hành động cầu nguyện, tạ ơn, khẩn nguyện của họ hiệp nhất với Chúa Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha. Tôi tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II nói tới việc thờ lạy và chầu Thánh Thể này như là một “nghệ thuật cầu nguyện” của người tín hữu, làm cho họ khác biệt với những người khác (x. Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 25). Số 79 của Nghi thức cho Rước lễ và tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh lễ diễn tả như sau: “ Những ai gần gũi Chúa Kitô, thì được hưởng sự thân mật của Người, và giãi bày tâm hồn trước mặt Người, cầu cho mình và cho mọi người thân thuộc, đồng thời cầu xin cho thế giới được hòa bình và được ơn cứu độ. Cùng với Chúa Kitô họ dâng tất cả cuộc đời cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và và sự giao hiệp lạ lùng đó, họ múc thêm được sự tăng trưởng đức tin đức cậy và đức mến”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói thêm như sau: “Thật là cao đẹp khi ở với Chúa Kitô, và dựa mình vào ngực Chúa như môn đệ yêu dấu (Ga 13, 25). Khi tín hữu được đụng tới do tình yêu vô bờ bến của trái tim Chúa. Nếu tín hữu Kitô phải làm cho mình khác biệt với người khác, trong thời đại chúng ta, nhất là trong “nghệ thuật cầu nguyện”, làm sao lại không cảm thấy nhu cầu mới phải ở lâu giờ, để trò truyện thân tình, để thờ lạy trong thinh lặng, để yêu mến, ở trước Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể ?” (Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 25). Tập tục chầu Thánh Thể làm cho mạnh mẽ ý thức thánh thiêng về việc cử hành Thánh Thể nơi tín hữu. Việc chầu Thánh Thể cũng giúp tín hữu sống đức tin cách sâu xa hơn, vì họ chiêm ngắm Chúa Kitô Thánh Thể là hy tế và là tình yêu, họ sẽ sẵn sàng dấn thân trong cuộc sống đức tin.

11. Các thừa tác viên của Thánh Thể

Trong cộng đoàn Thánh Thể, có nhiều tác vụ khác nhau. Tất cả đều gắn bó với nhau và gắn bó với các cộng đoàn khác của Giáo Hội hoàn vụ. Giáo Hội này được trao phó cho Phêrô và các người kế vị Thánh Tông đồ Phêrô, thi hành tác vụ nhân danh Chúa Kitô trong cộng đoàn có Chúa Kitô phục sinh hiện diện và chủ sự. Rồi phải kể tới vị giám mục và các linh mục. Các ngài được ban cho ơn huệ lớn lao của chức thánh và từ đó có mối liên hệ gần gũi nhất với Thánh Thể. Từ đây, các Ngài được kêu gọi để quảng đại sống độc thân, trong Giáo Hội Latin, như là một lời đáp trả với ơn huệ chức thánh và ơn huệ Thánh Thể và để nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, lả Đầu và là Hôn Phu của Giáo Hội. Tông Huấn “Ta sẽ ban cho các ngươi các vị mục tử” nói: “Giáo Hội, như là Hôn Thê của Chúa Giêsu Kitô, muốn rằng mình được các linh mục yêu thương với cách thế trọn vẹn và loại trừ tất cả một đối tượng nào khác của tình yêu của các ngài, như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Giáo Hội của Người. Vì thế việc sống độc thân của linh mục là việc trao ban chính mình, trong và cùng với Chúa Kitô, cho Giáo Hội và diễn tả sự phục vụ của linh mục đối với Giáo Hội, trong và cùng với Chúa Kitô” (s. 25). Vì thế cho dù văn hóa ngày nay có những hiểu lầm thế nào đi nữa về bậc độc thần, thì việc sống độc thân của linh mục vẫn là một ơn huệ vô giá của Thiên Chúa ban cho và là một động lực để thể hiện “đức ái mục tử” (x. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, số 16). Đó là dấu chỉ của việc tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa và vào sự phong phú của Giáo Hội. Khi hoàn toàn ăn rễ sâu vào Thánh Thể, chứng tá vui mừng của các linh mục sống hạnh phúc trong khi thi hành chức vụ của mình là nguồn mạch thứ nhất làm nảy sinh các ơn gọi mới.

12. Thánh Thể và truyền giáo

Hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Chúa sống lại, đã được đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô, và nhận ra đó là hồng ân ban cho họ. Nhưng họ không thể giữ cho mình ơn huệ cao cả đó, mà trở về Giêrusalem ngay để loan báo cho người khác biết về ơn huệ này. Ngày nay cũng thế, qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Thánh Thể, Giáo Hội không thể ngồi đó mà hưởng thụ riêng cho mình, nhưng đã mau mắn đi loan báo Tin Mừng cho mọi người. Tất cả đều cảm thấy sự việc thật cấp bách phải làm (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Xin ở lại với chúng con, s. 22). Việc truyền giáo này được thể hiện qua tác động:

• Rao giảng Tin Mừng để biến đổi thế giới.
Công đồng Vaticanô II nói trong Hiến chế mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ của Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (s.1). Vì thế khi Giáo Hội cử hành việc tưởng niệm sự chết và sống lại của Chúa Kitô, Giáo Hội không ngừng xin Thiên Chúa: Lạy Chúa xin nhớ tới những người mà Chúa Kitô đã đến để ban sự sống cho họ. Việc này được thực hiện qua công tác truyền giảng Tin Mừng, công việc chuyển trao đức tin vào Chúa Kitô và qua đó thế giới sẽ được biến đổi trong Chúa Kitô. Tin mừng sẽ được mang đến cho mọi tầng lớp, từng hạng người, và Tin mừng này sẽ như men trong bột làm dậy cả thúng bột, nghĩa là thay đổi não trạng, cách suy nghĩ, cách hành xử, cách giao tiếp với người khác, theo tin thần của Phúc âm. Thánh Thể đã tập họp tín hữu lại thành cộng đoàn và giúp họ sống thực sự như Chúa Kitô dạy và từ đó người khác sẽ cảm phục tiếp nhận và trở về với Chúa Kitô và tham gia vào cùng một cộng đoàn thánh thể này.

• Xây dựng hòa bình trong công lý và bác ái.
Khi tham dự Thánh Thể, tín hữu tự hỏi mình, Giáo Hội cũng sẽ hỏi họ, Chúa Kitô Thánh Thể cũng hỏi họ: “Tôi làm gì cho người anh em ?”. Người anh em đó đồng hóa với Chúa Kitô Thánh Thể, và đang đói, đang khát, đang là khách lạ, mang thân trần truồng, bệnh tật, đang bị cầm tù.. . “ (x. Mt 25, 31-46), và ngày nay còn dưới nhiều hình thức thiếu thốn, đau khổ khác nữa, nhất là những đói khát hòa bình, đói khát tự do, đói khát công chính, đói khát được tôn trọng đúng nhân phẩm con người.. . Đứng trước tình trạng này, Thánh Thể kêu mời người tín hữu hãy tham dự vào công việc canh tân, đổi mới, thăng tiến điều kiện sống của các quốc gia, các cá nhân. Mỗi người tham dự vào công tác này theo khả năng, hoàn cảnh, cách thức của mình. Họ không thể những nhưng với các công ttác này, nếu họ thực sự sống hồng ân Thánh Thể trao ban cho họ.

13. Trở nên chứng tá cho Thánh Thể giữa lòng đời

Mỗi tín hữu lãnh nhận bí tích rửa tội và rồi bí tích Thánh Thể, được kêu gọi để sống trọn vẹn ơn thánh đã được đặt để nơi họ và cần được nuôi dưỡng để lớn lên: đó là ơn gọi nên thánh giữa đời.

Với người tín hữu giáo dân, với tư cách “đời” của họ, họ có cơ hội và khả năng để phát triển ơn gọi nên thánh này một cách thật hữu hiệu. Họ thể hiện mầu nhiệm nhập thể rõ ràng nhất, vì đem cái thánh thiêng vào trong cái đời của thế gian.

Các thừa tác viên có chức thánh, họ thể hiện ơn gọi nên thánh như là những người lãnh đạo dân Chúa và đem dân tới đỉnh sự thánh thiện là cuộc hiệp thông với Chúa Ba Ngôi.

Còn các tu sĩ có tư cách làm sao cho người khác nhân ra đích cuối cùng của con người phải nhắm tới là Chúa Kitô, và làm cho thế giới nhận ra vẻ đẹp tuyệt với của con đường đi theo Chúa.

Trong phạm vi gia đình, Thánh Thể mời gọi tín hữu sống bậc vợ chồng như là một Giáo hội tại thế nhỏ hẹp, nhưng lại mang sứ mạng chiếu tỏa nền văn minh tình thương. Thánh Thể là nguồn suối của hôn nhân kitô giáo. Đây là hy tế của giao ước mới, trong đó giao ước hôn nhân có được sự trọn vẹn hình ảnh và ý nghĩa. Chúa Kitô đã chấp nhận nên hy tế vì yêu thương con người, Nên Thánh Thể là nguồn của mọi tình yêu hôn nhân giữa vợ chồng. Do đó Kitô hữu sống đời hôn nhân cần múc lấy từ Thánh Thể ơn sức mạnh, sự can đảm để sống đời hôn nhân như là chứng tá của tinh yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội.

Sứ mệnh chính yếu của gia đình là đem tình yêu vào trong xã hội và để phục vụ xã hội.

Ngày nay vợ chồng Kitô giáo sống đời hôn nhân với biết bao thử thách, với biết bao thánh giá hằng ngày và đi trên con đường đi ngược chiều của xã hội ngày nay: như những lối sống hôn nhân thiếu trung tín, như khi con cái sống xa đức tin, xa các giá trị Kitô giáo, như khi chung quanh xã hội cho phép ly dị, phá thai.. . và cả những khi một số bậc vợ chồng nào đó tái hợp sau những đổ vỡ đạu thương. Trong những hoàn cảnh này, Thánh Thể sẽ trở nên nguồn sức mạnh cho gia đình và những người sống trong đó. Các vị mục tử phải ân cần nâng đỡ các hoàn cảnh này, cả khi người tín hữu không được rước lễ vì hoàn cảnh đặc biệt của họ.
Với đời sống tu trì thánh hiến, Văn kiện thần học nền tảng của Đại Hội Thánh Thể Québec nhắc lại lời của Tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến: “Thánh Thể tự bản tính là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến, với từng cá nhân hay với cộng đoàn. Thánh Thể là thần lương hằng ngày và là nguồn suối của nền tu đức cho từng cá nhân và cho các Hội Dòng. Trong Thánh Thể, mỗi người thánh hiến được kêu gọi để sống mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, khi họ kết hiệp cùng với Ngài trong chính việc dâng hiến đời sống của họ cho Chúa Cha qua trung gian của Chúa Thánh Thần. Việc chầu Thánh Thể cách trung thành và kéo dài trước Chúa Thánh Thể bằng cách nào đó làm cho họ làm sống lại cảm nghiệm Chúa Kitô biến hình trên núi xưa “Ở đây thì tốt quá !”. Khi cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô, họ làm kiên vững sự thăng tiến tình hiệp nhất và đức ái của tất cả những người đã dâng hiến cho Thiên Chúa cuộc đời của họ” (Tông huấn Đời sống thánh hiến, s. 25).

Kết luận

Tóm lại, Văn kiện thần học nền tảng của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 đã trình bày – để giúp suy tư và đào sâu - một số khía cạnh khác nhau về Thánh Thể, như khía cạnh Ba Ngôi, khía cạnh giao ước hôn nhân, khía cạnh truyền giáo, và mồi liện hệ giữa Thánh Thể và các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội: Giám mục, linh mục, người thánh hiến, tín hữu giáo dân. Trình bày này dựa trên một số trích dẫn từ các văn kiện của Công đồng chung Vaticanô II.
Văn kiện đã khẳng định về Thánh Thể, khi trích dẫn Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, như sau: “Trong Thánh Thể gồm chứa mọi ơn huệ siêu nhiên của Giáo Hội, nghĩa là chính Chúa Kitô, vượt qua của chúng ta, bánh hằng sống và bánh ban sự sống đời dời cho chúng ta, qua thân xác của Ngài được làm cho sống nhờ Chúa Thánh Thần và thân xác đó cùng lại làm cho con người được sống, và tất cả mọi người được mời gọi và được thúc đẩy để dâng hiến cùng với Ngài, dâng hiến chính mình ta, việc làm của ta và tất cả tạo vật” (Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, s. 5).

Lời Kinh:

Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành,
là bánh thực, xin Người thương xót
chăn nuôi và bảo vệ chúng con,
xin Người ban cho chúng con
nhìn thấy những điều thiện hảo
trong cõi nhân sinh.
Chúa là Đấng thông biết
và có thể làm nên mọi sự,
Chúa nuôi dưỡng chúng con
trong đời sống tạm gửi này,
trên cõi cao xanh,
xin cho chúng con được trở nên
khách đồng bàn của Chúa,
đồng thừa kế và đồng thông phần
với những công dân thánh của Nước Trời.
Amen. Alleluia.

(Ca Tiếp liên Lauda Sion, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

IV. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám Mục Kỳ XI
“BÍ TÍCH TÌNH YÊU”
HÌNH THỨC THÁNH THỂ CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
(s. 70-71)

Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng thế giới kỳ thứ XI mang tựa đề Bí Tích Tình Yêu đề cập tới Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, Thánh Thể là mầu nhiệm được cử hành và sau cùng Thánh Thể là mầu nhiệm để sống. Giáo Hội đón nhận hồng ân Thánh Thể, thờ lạy Thánh Thể, loan truyền Thánh Thể, sống từ Thánh Thể (s. 8.14). Vậy việc sống mầu nhiệm Thánh Thể được Tông Huấn nói thế nào ?

1. Nền tảng thần học (s. 70)

Cũng như trong các phần khác, trước khi đưa ra những hướng dẫn, những lời nhắn nhủ hoặc các điều phải làm, Tông Huấn đã trình bày lý do thần học hay phụng vụ làm căn bản cho những điều này.
Tông Huấn đã dựa vào lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu tại Rôma như sau: “Anh em thân mến, tôi khuyên nhủ anh em, do sự dịu hiền của Thiên Chúa, anh em hãy dâng hiến thân xác anh em thành hy tế thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa: đó là việc phụng tự thiêng liêng mà anh em phải thực hiện” ((Rm 12,1) (s. 70). Trong lời khuyên này Thánh Tông đồ Dân ngoại đã nói tới một việc quan trọng, đó là hiệp nhất đức tin và đời sống, và làm cho đời sống trở thành hy tế dâng lên và đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhưng hy tế này không phải tự con người tín hữu mà có, nhưng là phát sinh từ việc cử hành Thánh Thể (s. 70). Vì Thánh Thể là nguồn suối và tột đỉnh của sự hiện hữu của người Kitô hữu (s. 70). Trong Thánh Thể, người Kitô hữu nhận ra điều Chúa Kitô đã nói: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời”(s. 70). Đây là ơn huệ của sự sống Chúa Kitô ban cho tín hữu. Bánh sự sống đây là chính Chúa Kitô trong Thánh Thể. Từ đây, người tín hữu có một sức sống mới và có một cách thế mới để sống theo như của ăn Thánh Thể đã thông truyền cho họ. Vì thế Tông Huấn đã nói tới việc sống mầu nhiệm Thánh Thể, như một “hình thức Thánh Thể của đời sống người Kitô hữu” (s. 70). Tông Huấn sẽ khai triển điều này trong phần thứ ba của bản văn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng lại rất thiết thực và gắn liền với đời sống hằng ngày. Từ hình thức Thánh Thể này, đời sống tín hữu trở thành việc phụng tự thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (logiké latreia).

2. Hình thức Thánh Thể của đời sống Kitô hữu

Tông Huấn nói tới đời sống hằng ngày của tín hữu với nhiều kiểu nói khác nhau:
• đời sống người Kitô hữu (s. 70)
• hình thức của sự hiện hữu Kitô hữu (s. 70. 71); hoặc sự hiện hữu (s. 71)
• thực tại con người (s. 70. 71); thực tại của mỗi nhân vị (s. 71)
• bản tính con người (s. 71)
• cái cụ thể của cuộc sống hằng ngày (s. 71)
• cái riêng của con người (s. 71)
• mọi hoàn cảnh của sự hiện hữu của con người (s. 71)
• mọi hành động của người Kitô hữu (s. 71).

Các kiểu nói này được dùng trong các phần trình bày tiếp theo và chúng cho thấy chính đời sống con người dưới mọi khía cạnh, tinh thần, thể xác, lý trí, tình cảm, khát vọng, đau khổ, vui mừng, hy vọng, đời sống riêng tư, đời sống công cộng, chức nghiệp, địa vị trong xã hội, các mối dây liên hệ trong xã hội, từ cụ thể và diễn tiến hằng ngày, và trong lịch sử với chiều kích không gian và thời gian cụ thể. Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi giáo đoàn Corintô như sau: ”Tất cả những gì anh em làm: ăn uống, hay bất cứ điều gì khác, hãy làm vì danh Thiên Chúa (1Cr 10, 34). Trong lời khuyên của Thánh Phaolô, bản văn nhấn mạnh tới “thân xác” của tín hữu. Điều này cho thấy cuộc sống siêu nhiên của tín hữu không phải là một thực thể thân xác, mà ở trong chính thân xác với xương với thịt này.

Tất cả những thực tại của đời sống con người này sẽ được Thánh Thể biến đổi hoàn toàn để nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (s. 71) và làm cho chúng mang “hình thức Thánh Thể” rõ rệt. Tông Huấn lấy lại lời Thánh Augustinô để diễn tả sự thay đổi này: “Ta là bánh của các vĩ nhân. Hãy lớn lên, con sẽ ăn chính Ta, con sẽ không biến đổi Ta trong con, như là của ăn biến đổi thành thịt máu của con người, nhưng là chính Ta biến đổi con”(Confessions, VII, 10, 16; Tông Huấn, s. 71). Như vậy tiến trình biến đổi có khác trong phạm vi tự nhiên. Từ sự biến đối này, Kitô hữu trở thành “người Thánh Thể” (une personne eucharistique” (s. 96). Trong thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Giáo Hội từ Thánh Thể”, chúng ta kiểu nói “Người Nữ Thánh Thể” (s. 96). Bây giờ trong Tông Huấn này, chúng ta có kiểu nói “người Thánh Thể”. Kiểu nói này diễn tả thật đầy đủ sự biến đổi do Thánh Thể thực hiện nơi người tín hữu.
Sự biến đổi do Thánh Thể nơi tín hữu là gì vậy ? Tông Huấn đã từ từ giải thích về điểm này. Trước tiên là tín hữu có được một nguyên lý làm phát sinh đời sống thiêng liêng của mình (s. 70). Sự biến đổi này thực hiện chỉ trong một thân xác là Chúa Kitô, và Giáo Hội, cho dù có nhiều người. Vì thế thân xác này hằng ngày được canh tân, đổi mới (s. 70). Sự biến đổi do Thánh Thể làm cho thân xác tín hữu nên một hy tế – nghĩa là nên một thực tại thánh thiện và phải tan biến đi để nên của lễ – điều này cho thấy một sức năng động biến hóa mạnh mẽ và thay đổi toàn vẹn sự hiện hữu của con người (s. 70. 71). Tông Huấn nói cách thật mạnh mẽ như sau: “Không có gì đích thực là của con người – suy tư và tình cảm, lời nói và hành động – mà không tìm thấy nơi Thánh Thể nét vẻ trọn vẹn của mình” (s. 71. 73. 77). Tín hữu như có một hạnh kiểm mới (s. 72). Sự biến đổi do Thánh Thể sẽ tạo ra cho tín hữu một cách thức sống mới hoàn toàn theo như Chúa Kitô (s. 71). Như vậy Thánh Thể đem đến cho tín hữu một sự thay đổi mới, thay đổi tận căn, (s. 71), tất cả đều có cung cách Thánh Thể (tonalité eucharistique, s. 4), một cái mới hoàn toàn (s. 9. 10. 29. 71. 72. 79. 85. 95 = une nouveauté radicale; novum radical: s. 4; con người mới, s. 42. 64). Hằng ngày họ sống cái mới kitô giáo này (s. 79); có được năng lực mới (s. 85); sự can đảm và sức mạnh mới (s. 90). Vì thế người tín hữu tập trung tất cả vào Thánh Thể (s. 12).

Hình thức Thánh Thể của đời sống người tín hữu sẽ ảnh hưởng và đem áp dụng vào mọi khía cạnh, ngóc ngách của đời sống người tín hữu, tới từng thành phần của tín hữu. Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu » sẽ trình bày trong các phần kế tiếp.

V. GƯƠNG CÁC THÁNH
VỀ LÒNG YÊU MẾN THÁNH THỂ

Để giúp các tín hữu thêm xác tín về tu đức Thánh Thể và thêm lòng yêu mến Thánh Thể, cách đặc biệt, vì Thánh Thể là trung tâm, là nguồn suối và tột đỉnh đời sống của mình, Tông Huấn đã nói tới gương một số vị thánh và chân phước có lòng yêu mến Thánh Thể cách đặc biệt. Đây cũng là nét vẻ riêng biệt của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI. Ngay từ khi làm Giáo Hoàng, Ngài đã bắt đầu các bài huấn dụ của Ngài ngày thứ tư hằng tuần bắng việc trình bày đời sống các thánh tông đồ, các thánh tiếp theo đó. Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu » kết thúc với các lời sau đây: « Anh chị em thân mến, Thánh Thể là nguồn mạch của mọi hình thức thánh thiện và mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên toàn thiện trong sức sống của Chúa Thánh Thần. Biết bao vị thánh đã làm cho đời sống của họ trở thành chính thực nhờ lòng đạo đức Thánh Thể của mình.. . ở đây chỉ kể một số vị trong số rất đông các danh sách, đối với các ngài sự thánh thiện luôn tìm được trung tâm điểm trong bí tích Thánh Thể» (s. 94).

Vậy Tông Huấn đã nói tới các vị Thánh và chân phước Thánh Thể nào ?

5 vị Chân phước được phong hiển thánh trong buổi lễ bế mạc Năm Thánh Thể (s. 4)

• Giám mục Josef Bilczewski: qua đời năm 1923, lễ nhớ 23-3
• Linh mục Gaetano Catanoso: qua đời năm 1953, lễ nhớ 44-4
• Linh mục Zygmunt Gorazdowski: qua đời năm 1920, lễ nhớ: 1-1
• Linh mục Alberto Hutardo Cruchaga: qua đời 1952, lễ nhớ: 18-8
• Tu sĩ Felice da Nicosia, O.F.M.: qua đời năm 1787, lệ nhớ: 31-5.

Các thánh và các chân phước khác được kể trong số 94 của Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”:

• Thánh Giám mục Inhaxiô thành Antiochia: qua đời khoảng năm 107, lễ nhớ (m): 17-10
• Thánh Giám mục Augustino; qua đời năm 430, lễ nhớ (m): 28-8
• Thánh Antôn, viện phụ, qua đời khoảng năm 430, lễ nhớ (m) 14-2
• Thánh Beneđicto, viện phụ, qua đời năm 821, lễ nhớ (m): 12-2
• Thánh Phanxicô thành Assisi, qua đời năm 1126, lễ nhớ (m), 4-10
• Thánh Tôma tiến sĩ, qua đời năm 1274, lễ nhớ (m), 28-1
• Thánh nữ Clara thành Assisi, qua đời năm 1253, lễ nhớ (m): 11-8
• Thánh nữ tiến sĩ Catarina thành Siena, qua đời năm 1380, lễ nhớ (m), 29-4
• Thánh Pascal Baylon, qua đời năm 1592, lễ nhớ (m) 17-5
• Thánh Pierre-Julien Eymard, qua đời năm 1868, lễ nhớ (m), 2-8
• Thánh Alphonsô de Liguori, qua đời năm 1787, lễ nhớ (m), 1-8
• Thánh Gioan Vianney, qua đời năm 1859, lễ nhớ, 4-8
• Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Hài đồng Giêsu qua đời năm 1897, lễ nhớ (m)
• Thánh Pio de Pietralcina, linh mục, qua đời năm 1968, lễ nhớ (m) 23-9
• Chân phước Charles de Foucauld, lễ nhớ: 1-10
• Chân phước Piergiorgio Frassati, qua đời năm 1925, lễ nhớ, 4-7
• Chân phước Têrêsa Calcutta, (Teresa (Agnès) Ghonhxa Bojaxhiu) qua đời năm 1997, lễ nhớ 5-9
• Chân phước Ivan Mertz, qua đời năm 1928, lễ nhớ 10-5.

Vậy Thánh Thể là nguồn mạch của mọi nền tu đức Kitô giáo và là sức nuôi dưỡng và tăng cường các nền tu đức này. /.

Cùng một tác giả
Đã phát hành ad instar manuscripti

Phụng vụ
Tập Mùa Vọng và Giáng Sinh (2004)
Tập Mùa Chay (2004)
Tập Tìan Thánh và Tam Nhật Thánh (2004)
Tập Mùa Phục Sinh (2004)
Tập Mùa Thường Niện 01 (2003)
Tập Mùa Thường Niên 02 (Chúa Nhật) (2004)
Thánh Lễ và Đời sống Thánh Hiến (2006)
Lời Chúa trong Phụng vụ (2006)
Phụng vụ Việt Nam (2006)

Tu đức
Đi tìm Thiên Chúa Đấng Tuyệt Đối (2004)
Khởi đầu lại từ Chúa Kitô (2004)
ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
qua những lời tự thuật (2004)
365 Ngày chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Kitô (2007) (I)
365 Ngày chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Kitô (2008) (II)
Thông điệpThiên Chúa là Tình Yêu (2007)
Tông Huấn Bí Tích Tình Yêu(2008)

Văn hóa
Il Vocabolario Italiano – Vietnamita
(in specie nella matera teologica)
(Bộ Ngữ Vựng Ý Việt, nhất là trong bộ môn thần học) (Roma 1999).

Lm Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Đọc nhiều nhất Bản in 14.06.2008. 17:28