Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bí Tích Thánh Thể

§ Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

I. Nguồn gốc:

- Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã long trọng hứa: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế”.

- Để thực hiện lời hứa ấy, Chúa Giêsu đã lập nên Bí Tích Thánh Thể, để lại Mình và Máu Ngài làm lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế này. Với Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu thực sự ở cùng chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Như thế, Thánh Thể chính là dấu chứng của một lời hứa, một giao ước đã trở thành hiện thực.

A- Từ Giao Ước Sinai …

Bí tích Thánh Thể đã được chuẩn bị và loan báo trước ngay trong thời Cựu Ước. Lễ Vượt Qua chính là hình ảnh Bữa Tiệc Ly sau này.Và Giáo Ước Sinai trong Cựu Ước cũng chính là hình ảnh báo trước về Giao Ước mới. Phải chăng Maisen cũng là hình ảnh của Đức Kitô? Trong Cựu Ước, Thiên Chúa giao ước với loài người qua Maisen, còn trong Tân Ước, Thịên Chúa Giao Ước với loài người qua chính Con Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Bí Tích Thánh Thể chính là Giao Ước mới do Chúa Giêsu thực hiện. Chính Chúa Giêsu đã lập để kiện toàn giao ước mà trước đó, Thiên Chúa đã ký với dân Do Thái tại núi Sinai. Đọc sách Xuất Hành, đoạn 24, từ câu 3 đến câu 8 chúng ta được biết. lúc đó dân Do Thái vừa ra khỏi Ai-Cập, kéo nhau tới chân núi Sinai. Khi cả đoàn dân đến chân núi thì Maisen đi từ trên đỉnh núi xuống đọc lại cho dân nghe toàn bộ Giao Ước của Thiên Chúa đối với dân. Khi nghe xong, toàn dân đã đồng thanh thưa lại: “Chúng tôi xin thi hành theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Sau đó, ông Maisen giết những con bò tơ làm hy lễ giao hoà, đồng thời lấy nửa máu của chúng rảy lên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa, và nửa còn lại rảy lên dân. Với việc rảy máu lên bàn thờ và lên dân chúng cho thấy sự nối kết chặt chẽ giữa Thiên Chúa và dàn Ngài. Từ đây, dân được thông hiệp vào sự sống Thiên Chúa, bởi máu chính là tượng trưng cho sự sống.

Với Giao Ước này, dân tộc Do Thái chính thức trở thành dân của Thiên Chúa và Ngài sẽ là Chúa của họ. Từ đây, Thiên Chúa luôn đồng hành và gìn giữ họ. Giao Ưoc này, còn là một dấu chứng nhắc nhở họ về quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã dùng cánh tay hùng mạnh của Ngài đưa họ Vượt Qua Biển Đỏ, giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai-Cập. Giao Ước này đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Do Thái. Hơn nữa, Giao Ước này còn là biểu hiện của một tình yêu vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Một tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa vô biên hạ mình để kết ước với một thụ tạo giới hạn là con người.

B- … Đến Giao Ước Của Đức Kitô

Tuy nhiên, suốt dọc dài lịch sử của mình, dân Do Thái đã nhiều lần phản bội lại Giao Ước này. Hơn thế nữa, Giao Ước Sinai vẫn còn những giới hạn. Nó chưa đủ sức mạnh thanh tẩy tận cõi lòng thâm sâu của con người. Nó cũng chưa đủ sức đem lại cho con người một sự sống mới. Giao Ước này chỉ là hình bóng báo trước một Giao Ước mới, hoàn hảo hơn. Giáo Ước mà Chúa Giêsu sẽ ký kết bằng chính Máu của Ngài đổ ra trên Thánh Giá.

Theo Tin Mừng của thánh Marcô, chính thánh Marcô đã thuật lại: “Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy Bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và treo cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống”. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Như thế, Giao Ước mới do chính Chúa Giêsu thiết lập không còn giới hạn nơi dân Do Thái nữa, nhưng là cho “nhiều người”, trong đó có chúng ta. Giao Ước này có một giá trị vô biên và vĩnh cửu đã được ký không phải bằng máu chiên bò, nhưng bằng chính máu của Con Thiên Chúa như lời khẳng định của tác giả thư Do Thái, mà chúng ta đã được nghe đọc trong thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (bài đọc 2: Thư Do Thái, đoạn 9, từ câu 11 đến câu 15): “Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng Tế cầu bầu mọi phúc lành cho tương lai. Người đi qua Nhà Tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng…, cũng không nhờ máu chiên bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời”. Và tác giả kết luận: “Máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước.”

Tin Mừng theo thánh Luca đoạn 12 cũng kể lại khi Chúa Giêsu cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua với các môn đệ trong đêm trước khi chịu tử hình, Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ phải ngạc nhiên khi thay đổi một phần trong bữa ăn truyền thống Do Thái khi đọc trên bánh và rượu lời này: “Này là Mình Ta…” “Này là Máu Ta…” Các môn đệ sau này mới hiểu là Bữa Tiệc Ly ấy diễn tả điều sẽ xẩy ra hôm sau khi Chúa tự hiến trên Thánh Giá để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết. Khi các tín hữu sơ khai cử hành Bữa Tiệc của Chúa, họ gọi là Thánh Thể, có nghĩa là Tạ Ơn. Họ tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã ban ơn cao trọng là cho sạch mọi tội lỗi qua cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Phần chúng ta, khi chúng ta cảm nghiệm được tội lỗi của mình, sự yếu đuối sa ngã của mình, được Chúa Giêsu tự hiến trên Thánh Giá để xin ơn tha thứ chuộc tội cho ta, ta mới quí trọng Thánh Lễ.

Ơn cao cả chúng ta cử hành mỗi Thánh Lễ gọi là “Mầu Nhiệm Vượt Qua” là chúng ta được chia sẻ và thông hiệp vào mầu nhiệm Hiến Tế của Chúa Giêsu Chúa Giêsu tự hiến và chết trên Thánh Giá để vượt qua sự chết mà tiến vào phục sinh vinh hiển. Ngài vượt qua sự chết, chiến thắng tội lỗi để cứu chuộc chúng ta. Từ ngữ Vượt Qua do nguyên ngữ Hy Lạp là “Pascha”, có nghĩa là vượt qua. Đối với người Do Thái Bữa Tiệc Vượt Qua của họ, nhắc ho nhớ lại 2 biến cố trọng đại của họ mà sách Xuất Hành đã ghi lại:

- Khi Thần Chết đi qua nhà của người Do Thái và tha chết cho các con trai đầu lòng của họ.

- và dân Do Thái Vượt Qua Biển Đỏ, từ bỏ cuộc sống làm nô lệ Ai Cập đến Đất Hứa Tự Do.

Trong Tân Ước, khi nói tới từ ngữ Vượt Qua là nói đến sự thống khổ, sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Chúa vượt qua cái chết trên Thánh Giá đến Phục Sinh vinh hiển. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ một cách trọn vẹn, một cách tích cực và đầy ý thức là chúng ta tham dự vào việc vượt qua này, sự giải thoát khỏi tội và sự chết này, Thánh lễ thật là tâm điểm đời sống người Kitô hữu. Nhưng tiếc thay, nhiều người chưa ý thức đủ nên vẫn còn coi thường Thánh Lễ!

II. Thánh Thể và Đời Sống Giáo Hội

Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta và Ngài đã giữ trọn lời hứa đó khi lập Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể quả thực là một hồng ân bao la vượt quá sự tưởng tượng của chúng ta. Một Thiên Chúa lại lấy chính Thịt và Máu mình làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta, thật là khó hiểu! Ý thức điều đó, Giáo Hội đã mượn lời của tác giả Thánh Vịnh trong bài ca diễn tả tâm tình của mình: “Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?”. Quả thực, chúng ta sẽ chẳng có thể lấy bất cứ điều gì, hay làm gì để tạ ơn cho xứng đáng, bởi vì tất cả đều là của Chúa. Và nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó, thì có lẽ là phải ca ngợi và giữ trọn lời dạy của Ngài theo mẫu gương của tác giả Thánh Vinh: “Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sính lễ. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài”.

Mặt khác, Thánh Thể là Bí Tích của Tình Yêu, mà tình yêu thật thì luôn tôn trọng tự do của người mình yêu. Tình yêu thật không có sự cưỡng ép. Do đó, Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Như thế, phần còn lại là của chúng ta, hay nói theo cách nói của sách Khải Huyền: Ngài đã đến, đứng trước cửa và gõ. Nếu chúng ta mở cửa thì Ngài sẽ vào và ở lại dùng bữa với chúng ta. Còn nếu như chúng ta đóng kín cửa lòng mình lại, thì chắc chắn, dù có muốn Ngài cũng không thể vào được (xem Khải Huyền, đoạn 3, câu 20).

Thánh Thể chính là sức sống của đời sống Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội, hay nói cách khác, không còn phài là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Bởi thế, tất cả mọi phụng tự trong Giáo Hội đều qui về Thánh Thể. Thánh Thể là sức sống mãnh liệt và là linh hồn của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng hằng ngày liên tiếp không ngừng một giây phút nào mà không có Thánh Lễ dâng lên Thiên Chúa để cảm tạ và xin ơn tha thứ cho loài người hèn yếu, tội lỗi của chúng ta. Thánh Lễ được ví như hơi thở của Hội Thánh, hơi thở không ngừng nghỉ, luôn luôn liên tục được dâng lên Thiên Chúa. Đời sống Giáo Hội quả là một đời sống được nuôi dưỡng một cách phong phú bằng chính Thánh Thể Chúa Giêsu. Khi nói đời sống Giáo Hội cũng là nói tới đời sống người Kitô hữu chúng ta nữa. Đời sống chúng ta nếu không liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, thì chắc chắc như cành không kết hợp với thân cây thì làm sao có nhựa để sống? Đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà đôi lúc chúng ta không ý thức đủ, do đó đời sống Đức Tin của chúng ta sẽ mãi mãi yếu đuối và có thể chết bất cứ lúc nào, khi đó ta nói là Đức Tin đã chết! Thật là bất hạnh…

III- Cử Hành Thánh Lễ: Cử Hành Bí Tích Hợp Nhất

Bữa tiệc Thánh Thể, chính là bữa tiệc hợp nhất, bữa tiệc qui tụ mọi con cái Chúa trong cùng một Đức Tịn, Đức Cậy và Đức Mến. Do đó, chúng ta cũng cần nhớ rằng mình không thể được cứu chuộc đơn độc. Vì đối với người Kitô hữu, việc phụng thờ mến yêu phải là việc chung chứ không phải là việc riêng tư. Bởi thế, từ ngữ Phụng Vụ do chữ Liturgya của Hy Lạp có nghĩa là công cộng và chung với nhau. Phụng Vụ là lúc dân Thiên Chúa tập họp, để tưởng nhớ, để tạ ơn, đẩ cầu khấn, để cử hành và để cùng nhau ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô.

Bởi vì khi chúng ta tập họp để cùng nhau cử hành Thánh Lễ cũng là dịp để toàn thể cộng đồng những kẻ tin đang cố gắng trở nên một với Thiên Chúa và với anh chị em. Việc cử hành này nhấn mạnh điều nhất thiết phải biểu lộ được Tính Cách Duy Nhất trong cách thức chúng ta cử hành Thánh Lễ. Ngay cả việc hát ca, chúng ta cũng được giáo huấn như sau: “Thánh Phaolô tông đồ dạy: các tín hữu họp nhau để mong chờ Chúa đến, đang chung tiếng hát những bài Thánh Vịnh, những Thánh Thi và các bài ca Phụng Vụ (Col. 3, 16). Phụng Ca là một dấu chỉ của tâm hồn vui tươi. Thánh Augustinô thật chí lý khi nói: “Ca hát thuộc về những kẻ yêu mến”. Nơi khác Ngài nói thêm: “ Hát là cầu nguyện hai lần”.

Khi mọi người cùng hát Thánh Thi và các bài Đáp Ca, chúng ta cùng nhau cổ võ sự hợp nhất và tâm hồn vui tươi. Khi chúng ta cảm thấy không thích hát, hoặc nghĩ rằng người khác không muốn chúng ta hát vì tiếng của chúng ta như tiếng ếch kêu, chúng ta đừng nghĩ như thế. Nếu chúng ta thật sự muốn cảm nghiệm được hương vị ngọt ngào của lời ca và hưởng đầy đủ ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ, chúng ta phải tích cực tham dự một cách trọn vẹn và đầy đủ ý thức.

IV- Lời Kết

Và để kết thúc, tôi mời mọi người suy nghĩ xem làm thế nào để chúng ta biết quí trọng Thánh Lễ một cách sâu xa và làm sao đi dự Thánh Lễ cho thật ích lợi. Khi chúng tôi nhắc nhủ anh chi em các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đành liều chết để bảo vệ việc cử hành Thánh Lễ tạ ơn là có ý giúp chúng ta biết tham sự cách trọn vẹn, tích cực và ý thức khi tham dự Thánh Lễ. Vì mỗi Thánh Lễ là lời cảm tạ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vì ơn trọng đại Chúa ban cho chúng ta là Chúa Kitô và ơn cứu chuộc của Chúa đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy yêu mến như Chúa yêu: Một tình yêu muốn hy sinh tự hiến đời mình cho chúng ta.

Khi lập nên Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã giữ trọn lời Giao Ước ở cùng chúng ta, và muốn trở nên một với chúng ta. Phần tôi và qúi ông bà, anh chị em, chúng ta vẫn nói mình yêu Chúa. Thế nhưng, chúng ta vẩn ơ hờ với Bí Tích Thánh Thể. Chỉ cần một lý do rất vụn vặt như: một cuộc hẹn hò với bạn bè, một bộ phim trên truyền hình, một cuộc đi chơi v.v. là chúng ta dễ dàng bỏ Thánh Lễ, nơi cử hành Hiến Tế của Tinh Yêu. Thậm chí khi đã đến nhà thờ dâng Thánh Lễ, chúng ta cũng chẳng tha thiết gì đến việc rước lễ. Lúc nào thích thì lên rước lễ, còn không thì thôi! Và nếu chúng ta sống như thế, thì lời nói: “Yêu Chúa” của chúng ta có thật không? Hay là tất cả chúng ta đang là những kể nói dối một cách công khai: Dối Chúa và dối anh chị em mình?

Ước gì giờ phút này, từng người chúng ta ý thức nhiều hơn đến tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể. Đồng thời, chúng ta hãy giữ trọn giao ước tình yêu với Thiên Chúa bằng một quyết tâm siêng năng tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ mỗi khi có thể. Và nhờ sức mạnh của Thánh Thể ở trong mình, khi trở về nhà chúng ta cũng sẽ hết lòng sống yêu thương hiến mình vì anh chị em như Chúa đã sống.

Cùng nhau chia sẻ và góp ý những câu hỏi sau đây:

  1. Khi nói về Giao Ước cũ và Giáo Ước mới, bạn có thể phân tích sự khác biệt của hai Giáo Ước đó như thế nào?
  2. Tại sao Chúa Giêsu lại nói: Đây là Giao Ước mới ?
  3. Bạn có tin sau lời truyền của vị linh mục trong thánh lễ, Bánh và Rượu đã trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu thật không? Lý do tại sao?
  4. Người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua cũng gọi là Bữa Tiệc Vượt Qua là để ghi nhớ điều gì?
  5. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta tham dự gì với Chúa Kitô?

Đọc nhiều nhất Bản in 05.05.2007. 17:45