Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bí Tích Thánh Thể Trong Đời Sống Giáo Hội

§ +GM Stêphanô Tri Bửu Thiên

I. Bí Tích Thánh Thể, trung tâm của đời sống giáo hội.

Trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, qua biết bao thăng trầm, Giáo Hội luôn quan tâm và coi Bí tích Thánh Thể như là nguồn mạch và là trung tâm của mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Chính Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia cũng đã xác nhận rằng: “Bí tích Thánh Thể, sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tín hữu và lương thực thiêng liêng cho cộng đoàn này, là những gì quý giá nhất mà giáo hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian. Điều đó giải thích tại saoGiáo Hội luôn ân cần chú tâm đến mầu nhiệm Thánh Thể, một sự chú tâm chính thức thấy rõ trong công trình của các Công đồng và của các Đức giáo hoàng” [1].

1. Thời các Giáo phụ [2]

Ngay từ thời sơ khai, Bí Tích Thánh Thể được coi là mầu nhiệm trung tâm của đời sống Giáo Hội. Thuở ban đầu, Kitô giáo chỉ triển khai 2 Bí Tích: Thánh tẩy và Thánh Thể. Thánh Thể là mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo, nên tất cả cuộc sống đạo đều tập trung vào mầu nhiệm nầy. Mầu nhiệm nầy chỉ dành cho những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mà thôi. Cho dù là cảm tình viên, cho dù là dự tòng sốt sắng nhất, cũng không được tham dự bí tích Thánh thể, họ chỉ được tham dự phần Phụng Vụ Lời Chúa mà thôi. Khi chấm dứt phần nầy, thầy Phó Tế sẽ rao lên: ai không được phép tham dự Tiệc Thánh, phải ra về. Các người dự tòng đều phải ra khỏi phòng tiệc và cửa sẽ đóng lại…Trong suốt 5 thế kỷ đầu, không một tín hữu nào nghi ngờ về sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bánh và Rượu đã được truyền phép.

Ngay từ buổi đầu, Tiệc Thánh luôn được coi là trọng tâm của đời sống Kitô hữu, nơi Tiệc Thánh, các tín hữu gặp gỡ chính Đức Kitô. Do đó, dần dần Tiệc thánh được tách khỏi bữa ăn bình thường và nối kết với Phụng Vụ Lời Chúa, như thói quen thường thấy trong các Hội Đường Do Thái. Trong Phụng Vụ Lời Chúa, các tín hữu tin rằng, Đức Kitô gặp gỡ họ trong Lời của Người. Hội Thánh cũng xác tín rằng Tiệc Thánh do chính Chúa Giêsu thiết lập và đã gọi Tiệc Thánh là Eucharistia. Từ Eucharistia đầu tiên được hiểu là lời kinh đọc trên lễ vật, tiếp đến được hiểu trọn hành động của Đức Kitô và cuối cùng để chỉ các yếu tố đã được thánh hiến. Eucharistia có nguồn gốc từ Berakha của Do Thái, có nghĩa là lời kinh tạ ơn. Lời kinh Berakha này, vừa mang tính tạ ơn, vừa công nhận hành động và ân huệ của Thiên Chúa. Lời kinh này cho thấy điều thiện mà con người lãnh nhận phát xuất từ chính Thiên Chúa và luôn quy chiếu về Người. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, Eucharistia không chỉ biểu lộ tâm tình tạ ơn, nhưng còn công bố và bày tỏ hành động tạ ơn ra bên ngoài. Theo nguyên ngữ Eucharist-Eô, có nghĩa là tôi công nhận mình là kẻ chịu ơn. Trong Eucharist-Eô có từ Charis, được hiểu là công trình của Thiên Chúa. Do đó, Eucharistia có nghĩa là tạ ơn Chúa vì công trình vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện cho con người. Chính vì thế, Eucharistia nói lên việc tưởng nhớ đến hành động cứu độ của Thiên Chúa. Các giáo phụ đều nhấn mạnh đến đặc tính tưởng nhớ nầy của Eucharistia. Trong Tiệc Thánh, việc Tạ Ơn nhằm nhắc cho con người tưởng nhớ đến hành động cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Điều đáng lưu ý là trong thời kỳ này, vị chủ sự Thánh Lễ luôn luôn là Đức Giám mục. Các Linh mục đều qui tụ quanh vị giám mục của mình.

2. Thời Trung Cổ

Đây là thời Kitô giáo được phát triển tự do và dần dần trở thành quốc giáo. Thánh lễ ngày Chúa Nhật là trọng tâm của đời sống Kitô giáo. Từ thế kỷ thứ VI, việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật là bắt buộc. Ai không tuân giữ sẽ mắc tội trọng. Tiếp sau đó là luật cấm không được làm việc xác trong ngày Chúa Nhật. Trong thời kỳ này, vì được phát triển tự do,, Hội Thánh công giáo ngày một phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra rất nhanh. Số giáo dân tăng vọt. Số Giám mục không còn đủ để cử hành thánh lễ cho số giáo dân quá đông. Do đó, Linh mục dần dần mới có được quyền cử hành thánh lễ cho giáo dân. Từ thế kỷ thứ VII, linh mục thực sự được coi là người đại diện Đức Kitô với đầy đủ quyền bính.

3. Thời Cải Cách và Công Đồng Triđentinô.

Một số người trong nhóm những nhà cải cách, phủ nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Điển hình là Karlstadt. Ông này chủ trương không bí tích, không tiệc thánh, không nghi thức nào cả. Lý do: càng có nhiều nghi thức, càng biến giáo hội thành mê tín, dị đoan. – Zwingli và Oecolampade cũng phủ nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Cả hai đều không nhìn nhận Thánh Thể như là một phép lạ, như là một mầu nhiệm, nhưng coi bánh và rượu chỉ đơn thuần là biểu trưng mà đức tin có thể đón nhận và củng cố thêm niềm tin vào Đức Giêsu. Tấm bánh được bẻ ra là biểu trưng cho Đức Kitô được tế hiến và Rượu biểu trưng cho Máu của Đức Kitô. Chính những biểu trưng này gợi nhớ cho các tín hữu Ơn Cứu Độ mà Đức Kitô đã mang đến cho họ.

Calvin không chỉ phủ nhận sự hiện diện đích thật của Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể mà còn cho rằng chủ trương Đức Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể là một sự hạ nhục Đức Kitô đã được tôn vinh. Ông cho rằng, trong Tiệc Thánh chỉ là một biểu trưng, Đức Kitô trong tiệc thánh chỉ hiện diện bằng một cách thế nào đó thôi, chứ sự hiện diện của Ngài không thể mang tính thể lý được. Theo Calvin thì trong thực tế, thần trí của Đức Kitô tự ban cho người lãnh nhận tiệc thánh, và nếu người nhận tiệc thánh có đức tin, người đó sẽ được Đức Kitô ban cho sức mạnh, quyền năng và sự sống.

Riêng về Thánh Lễ, những anh em nhóm cải cách, đặc biệt là Luther, cho rằng Thánh Lễ không phải là “công việc thánh thiện”, tức một Sacramentum. Thánh Lễ không phải là Hiến Tế, mà chỉ là một Testamentum, một thứ “di chúc”. Đức Kitô là Testator, người để lại di chúc, và di chúc của người chính là sự xác nhận tha mọi tội lỗi. Còn tất cả chúng ta là những người nhận di chúc. Di chúc đó được xác nhận bằng chính hồng ân là Thịt Máu của Người như là dấu ấn. Điều trọng đại trong di chúc này là chính là việc tha tội nằm trong lời xác nhận, mà chúng ta đón nhận với đức tin. Do đó, “dấu ấn” tức là Mình Máu thánh Đức Kitô, không quan trọng bằng chính việc tha tội. Cũng theo Luther, chỉ có thể gọi là hiến tế hay lễ vật, những kinh nguyện và sự tự hiến của các tín hữu, là của bố thí, là những lời kinh cảm tạ và chúc tụng…tất cả những cái đó được đặt vào tay của Đức Kitô, vị Thượng Tế trung gian duy nhất của nhân loại, vị Thượng Tế vĩnh cửu, chính vị Thượng Tế, chứ không phải chúng ta, dâng tất cả những cái đó lên cho Thiên Chúa.

Nếu thánh lễ là như thế, thì mỗi tín hữu, ở bất cứ nơi nào, cũng có thể hiến dâng lên Thiên Chúa, bằng đức tin của mình (trong hay ngoài thánh lễ), không cần gì đến chức tư tế thừa tác, vì mỗi người chính là tư tế của Đức Kitô rồi ! Dù vậy, chúng ta vẫn cần phải cử hành chung với nhau tiệc thánh, bởi vì chúng ta quá yếu đuối và không vững tin. Chính nhờ những phương tiện bên ngoài và nhờ cộng đoàn, giúp chúng ta củng cố và thúc đẩy niềm tin của mình. Tóm lại, theo quan điểm của anh em cải cách thì chỉ có Tiệc Thánh chứ không có Hy Lễ và do đó, không có Thánh Lễ.

Công Đồng Tridentino (13/12/1545 - 4/12/1563): Để phản ứng lại những lập luận sai trái về Bí Tích Thánh Thể và Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã phải ra sắc thư để triệu tập Công Đồng Chung. Sắc thư ra ngày 22/5/1542, nhưng mãi đến ngày 13/12/1545, công đồng mới họp phiên họp đầu tiên. Công Đồng đã thảo luận và đưa ra “sắc lệnh về Bí Tích Thánh Thể” trong phiên họp thứ XIII ngày 11/10/1551 và “sắc lệnh về Thánh Lễ” trong phiên họp thứ XXII ngày 17/9/1562, nhằm tái khẳng định lại cách minh nhiên, sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; khẳng định vị trí ưu tiên của Bí Tích Thánh Thể trên mọi bí tích khác; khẳng định Thánh Lễ là một Hiến Tế và khẳng định chức Tư Tế thừa tác.

Thần học của thời hậu Tridentino là nhằm củng cố tư tưởng về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và đẩy mạnh việc thờ phượng và lòng sùng kính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Nhà tạm trở thành vị trí trung tâm trong phụng vụ và mỹ thuật thánh. Tuy nhiên, việc rước lễ càng ngày càng ít đi do ảnh hưởng của phái Jansenismus. Phái này tấn công cách mãnh liệt vào việc rước lễ thường xuyên. Tác phẩm gây chao đảo cho Giáo Hội là quyển “De la fréquente communion” Paris 1643, khi cho rằng muốn rước lễ, mỗi Kitô hữu cần phải: 1/. Cần phải đền tội xứng đáng và lâu dài cho mỗi tội trọng đã phạm; đòi buộc phải đền tội cách nặng nề trước khi lãnh nhận bí tích Xá Giải và bí tích Thánh Thể. 2/. Cần phải có một lòng khao khát bao gồm tình yêu thanh sạch và không vẫn đục, hay với một ý chí quyết tâm làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự.

Những điều kiện này đã khiến cho các tín hữu sợ sệt và do dự đối với việc rước lễ: một mặt vì quá tôn kính Thánh Thể, mặt khác lại quá sợ tội, sợ mình bất xứng, và từ đó nảy sinh ra một phong trào mới: phong trào Rước Lễ Thiêng Liêng. Người ta nại đến việc rước lễ thiêng liêng để khỏi rước lễ thật. Các nhà thần học công giáo đều lên tiếng công kích phái Jansenismus, đặc biệt là các luận điệu liên quan đến việc rước lễ. Vào thế kỷ XVIII, tư tưởng của Thánh Anphongxô Ligouri (+1787) đã có ảnh hưởng lớn trong giáo hội nhằm khuyến khích việc tham dự Thánh Lễ và rước lễ thường xuyên.

II. Công Đồng Vaticanô II với Bí Tích Thánh Thể:

Ngày 25/1/1959, ngày bế mạc tuần lễ Hiệp Nhất trong Hội Thánh Đức Kitô, Đức Gioan XXIII công bố tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành rằng Ngài có ý định triệu tập một công đồng chung: “Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa”. Đó là bối cảnh và là khởi điểm của một công đồng mới: Công Đồng Vaticanô II, công đồng của sự “Hiệp Nhất”.

Ngoài tinh thần hiệp nhất trong nội bộ giáo hội và đại kết với mọi giáo phái Kitô và với các tôn giáo khác, còn có hai lý do thúc đẩy Đức Gioan XXIII triệu tập công đồng để giải quyết:

  1. Về nội bộ, trước hết Giáo hội cần phải quan tâm và canh tân lại Phụng Vụ của mình sao cho phù hợp và đáp ứng được những đòi hỏi của con người thời đại. Ngoài ra, còn phải đào sâu, tìm hiểu về căn tính của chính Giáo Hội. Điều này đòi hỏi Giáo Hội phải nhìn lại toàn bộ vừa đức tin vừa việc thực hành đức tin của chính Giáo Hội.
  2. Thế giới đã và đang thay đổi quá nhanh. Khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển một cách hết sức nhanh chóng, giúp nâng cao đời sống con người, có những bước đột phá ngoạn mục và mới mẻ, tạo nên ảo tưởng là khoa học rồi đây sẽ có thể giúp cho con người giải quyết được hết mọi vấn đề, khiến nhiều người không còn thấy gì khác ngoài viễn tượng khoa học. Con người dần dần đánh mất đi chiều kích siêu hình (những gì không thấy, không chạm đến được, không thử nghiệm được là không có !) và dần dần đánh mất cả tính tôn giáo. Chỉ có vật chất là đáng kể và người ta chạy theo đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, sống hưởng thụ và buông thả.

Giáo Hội phải làm gì trước những thách đố trên ? Những thách đố này quá lớn, một mình Giáo Hội khó có thể giải quyết nổi, cần đến sự hỗ trợ của mọi người, của những tôn giáo khác, cần phải có sự hợp tác với nhau. Đã qua rồi và cũng cần phải cho qua đi những chia rẽ, những bất đồng, hướng tới hiệp nhất và hiệp thông với nhau. Với cái nhìn mới mẻ của Vaticanô II, từ nay với những Kitô hữu khác, Giáo Hội công giáo sẽ không còn tìm cách đối đầu, nhưng đối thoại; không đối kháng nhưng đại kết. Tuy nhiên, để có thể đối thoại và hiệp thông với những anh chị em Kitô hữu khác và với các tôn giáo khác, trước tiên Giáo Hội cần phải hiệp nhất nội bộ, củng cố nội bộ trước đã. Cải tổ phụng vụ, canh tân phụng vụ là điều cần thiết để hiệp nhất và hiệp thông các tín hữu lại với nhau.

Cần phải có một hướng đi rõ ràng và vững chắc để hướng dẫn đời sống của các Kitô hữu. Giáo Hội còn cần phải mở lối và tạo điều kiện giúp các nhà thần học suy tư, giúp cho Giáo hội và các Kitô hữu sống chứng tá trong một thế giới đang liên tục đổi thay, để trở thành “vừa là dấu chỉ, vừa là khí cụ của Nước Trời”.

1. Việc canh tân Phụng Vụ.

Người có công lớn nhất đối với việc canh tân phụng vụ trong giáo hội chính là Đức Piô XII với thông đệp Mediator Dei (1947). Hiến chế về Phụng Vụ thánh của Công Dồng Vaticanô II đã thâu nhận và trích dẫn dồi dào từ kho tàng quý báu này. Hiến chế về Phụng Vụ khẳng định rằng: Phụng vụ là công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô (số 5). Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại mãi trong Giáo hội, nhất là qua lễ nghi hiến tế Tạ Ơn và các bí tích (số 6). Chính Chúa Kitô, Đấng hiện diện trong Giáo hội, dùng các dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên chúa lễ vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc. Do đó, những động tác phụng vụ chỉ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo hội: chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu (số 7). Đồng thời phụng vụ là sự chờ đợi, là sự nếm trước phụng vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta đang tiến về như những người lữ hành (số 8). Như thế, Phụng Vụ là chóp đỉnh các sinh hoạt của Giáo hội (số 10), tuy không phải là sinh hoạt độc nhất của giáo hội. Sứ mệnh tiên quyết của Giáo hội là mời gọi nhân loại trở về với nguồn ơn cứu rỗi qua việc rao giảng Phúc Âm (số 9) và chuẩn bị tâm hồn mọi người sẵn sàng tiến tới các mầu nhiệm thánh qua những việc đạo đức (như cầu nguyện riêng, nguyện ngắm, các việc sùng kính, sám hối…( (số 11).

2. Riêng về bí tích Thánh Thể.

Công Đồng không đưa ra một văn kiện chính thức nào về bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, rải rác trong các văn kiện, ta nhận thấy rõ ràng rằng Vaticano II đã thực sự mở ra cho Giáo Hội một hướng đi mới, một thế cân bằng mới, phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Các Kitô hữu không chỉ nghĩ đến việc kết hợp với Chúa, nhưng còn phải cố gắng sống hoà hợp với anh em, với tất cả mọi người. Đó chính là hướng đi mới mà Vaticanô II đã vạch ra cho Giáo Hội: hướng Đại Kết, đến với tất cả mọi người anh em, chứ không chỉ loanh quanh trong nội bộ Giáo Hội. Đại kết chính là ý hướng chỉ đạo của Đức Gioan XXIII. Tất cả các văn kiện Công Đồng đều nhằm tới mục tiêu đại kết này. Nếu như bí tích Thánh Thể giúp chúng ta sống tốt mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì tinh thần đại kết sẽ giúp ta sống tốt mối tương quan giữa người với người. Mến Chúa mà không yêu thương anh em, chúng ta sẽ đến với Bàn Tiệc thánh một cách bất xứng và thiếu xót. Do đó, bí tích Thánh Thể phải là nguồn động lực giúp chúng ta sống tốt các mối tương quan:

2a. Tương quan với Chúa:

  1. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta hội nhập vào Đức Kitô: “Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau” (LG 7b)
  2. Bí tích Thánh Thể cho chúng ta tham dự vào vinh quang của Đức Kitô “Người còn lấy chính Mình Máu Người nuôi họ, cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người” (LG 48b).
  3. Bí tích Thánh Thể cho ta được thông hiệp cùng Chúa Ba Ngôi “Mọi người đều thấy hiển nhiên là các tín hữu Đông Phương rất mộ mến cử hành phụng vụ thánh, nhất là việc cử hành Phép Thánh Thể, nguồn sống của Giáo Hội và đảm bảo vinh quang đời sau. Nhờ đó, các tín hữu hiệp nhất với Giám mục và được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con Ngôi Lời nhập thể, đã chịu đau khổ và được hiển vinh, trong ơn Chúa Thánh Thần trao ban, họ được thông hiệp cùng Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và thông phần bản tính Thiên Chúa” (UR 15)

Đối với mỗi cá nhân, Giáo Hội mong rằng, mỗi người cố gắng tham dự vào bí tích Thánh Thể, tham dự Thánh Lễ không như những khán thính giả, không như những khách bàng quang, câm lặng và hoàn toàn thụ động, nhưng tích cực thông dự, chia sẻ và góp phần cách tích bằng việc đọc chung những kinh chung và hát chung với cộng đoàn. Cần phải tham dự vào phụng vụ thánh một cách tích cực và đầy ý thức, với lòng thành kính và linh động (xem SC 48).

2b. Tương quan với nhau:

  1. Bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội, xây dựng thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô “Nơi các đoàn thể, các tín hữu được tập họp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm của Chúa Kitô và mầu nhiệm tiệc thánh Chúa được cử hành, để nhờ Mình và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể… Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực của Người, Giáo Hội trở thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Bởi vì việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiện nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Đấng mà chúng ta lãnh nhận” (LG 26).
  2. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hiệp nhất, và tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo Hội “Mỗi lần Hy Tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế (1Cr 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự HIỆP NHẤT các tín hữu, là những kẻ hợp thành một thân thể trong Đức Kitô. Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người” (LG 3).

“Khi tham dự Thánh Lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, các tín hữu dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh, cùng với Lễ Vật ấy, họ tự dâng chính mình họ…Được bổ dưỡng bở Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này” (LG 11). 3. Bí tích Thánh Thể là biểu hiệu đức ái và sự hiệp nhất “Mỗi lần Giám mục cử hành tác vụ thánh với cộng đoàn tụ họp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi” (LG 26). 4/. Bí tích Thánh Thể giúp cho các Kitô hữu sống chức tư tế cộng đồng của mình “Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người, để biến dân tộc mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người (Kh 1,6). Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng hy tế thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Người. Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa, họ phải dâng chính mình làm hy vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát” (LG 10).

2c. Bí tích Thánh Thể thúc giục các Kitô hữu truyền giáo

“Tất cả các tín hữu, vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống, được sáp nhập và nên giống Người nhờ bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay” (AG 36).

“Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần; chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo. Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, mà trung tâm và tuyệt đỉnh là Phép Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Kitô, Đấng tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện” (AG 9).

2d. Bí tích Thánh Thể còn là điểm đồng quy để các tín hữu của Chúa Kitô tìm về hiệp nhất.

Ngày 30/5/1995 Đức Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, có đề cập đến Tiệc Thánh như là điểm đồng quy để tìm lại sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Kitô: “Sáng kiến canh tân việc phụng tự trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội phù hợp với việc canh tân phụng vụ đã được hoàn thành trong giáo hội Công Giáo. Một số cộng đoàn kể từ ước muốn được bộc lộ trong tầm mức đại kết, cũng bỏ đi thói quen chỉ cử hành phụng vụ Tiệc Ly của mình vào một đôi dịp hiếm có, và đã nhận việc cử hành ngày Chúa Nhật…. Đây là những dấu chỉ đồng quy liên hệ tới nhiều phương diện của đời sống bí tích. Chắc chắn là vì những bất đồng trong đức tin, ta chưa có thể cử hành cùng một phụng vụ Thánh Thể. Chúng ta cũng vậy, chúng ta nôn nóng ước mong được cùng nhau cử hành Lễ Tạ Ơn duy nhất của Chúa và ước mong này đã trở nên lời ca ngợi chung và lời khẩn cầu chung. Cùng nhau chúng ta hướng về Cha chúng ta, và ta làm việc ấy mỗi ngày thêm Một lòng một ý. Đôi khi, khả năng được đóng ấn cho sự hiệp thông thực sự này, mặc dầu chưa trọn vẹn, hình như đã khá gần kề. Cách nay một thế kỷ, ai đã có thể chỉ nghĩ tới điều đó thôi ?” (USU 45).

Từ điểm đồng quy này, Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên một số gợi ý và đề nghị mỗi giáo phái nên nghiên cứu, trao đổi để có thể đi đến hiệp nhất. Những gợi ý đó là:

  1. Những tương quan giữa Thánh Kinh, thẩm quyền tối cao trong vấn đề đức tin, và Thánh Truyền, giải thích cần có đối với Lời của Thiên Chúa.
  2. Thánh Thể, bí tích Mình và Máu chúa Kitô, lễ dâng để ngợi khen Chúa Cha, tưởng niệm hy sinh và sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, sự tràn đổ ơn thánh hóa của Chúa Thánh thần.
  3. Việc truyền chức, như một bí tích với ba sứ vụ: chúc giám mục, chức linh mục và chức phó tế.
  4. Huấn quyền của Giáo Hội, được trao cho Đức Giáo Hoàng và các Giám mục hiệp thông với Ngài và được hiểu như trách nhiệm và quyền bính nhân danh Chúa Kitô, để giáo huấn và bảo vệ đức tin.
  5. Đức Trinh Nữ Maria, mẹ Thiên Chúa và là hình ảnh Giáo Hội, là người mẹ thiêng liêng đang chuyển cầu cho các môn đệ Chúa Kitô và cho toàn thể nhân loại (xem USU 79).


-----
1 Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 10.
2 X. Lm. A. Nguyễn văn Trinh, Bí Tích Học, tập II: Thánh Thể, 2002, trg. 231-233.
3 Sắc lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio)

Đọc nhiều nhất Bản in 27.04.2007. 09:18