Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bí Tích Thánh Thể Giao Ước Ban Ơn Cứu Độ

§ +GM Stêphanô Tri Bửu Thiên

1. Giao Uớc:

a. Mục đích của Giao Ước: Để tạo nên những liên minh về quân sự. Những nước lớn muốn liên minh với những nước nhỏ để thêm vây cánh; những nước nhỏ rất muốn liên kết với những nước lớn để có nơi nương tựa và được giúp đỡ khi có chiến tranh.

b. Những nghi thức trong Giao ước:

  1. Một đài cao.
  2. Một cái bàn ở giữa.
  3. Một người chủ lễ.
  4. Sinh tế: máu làm máu Giao Ước (uống máu ăn thề); Thịt, dọn thành một bữa tiệc cho đôi bên: Tiệc Hiệp Thông. Như vậy, trong một Giao Ước, không có Máu thì không thành Giao ước; không có thịt thì không có tiệc hiệp thông. Máu và thịt là hai yếu tố không thể thiếu trong bất cứ một Giao ước nào.

2. Cựu Ước:

Giao Ước được ký kết giữa Chúa Yahve và dân Israel. Với giao ước này, Thiên Chúa đã xem Israel như dân riêng Ngài tuyển chọn, Ngài yêu thương, bảo vệ và luôn tỏ lòng xót thương, nâng đỡ. Đối lại, dân chỉ phải tôn thờ Yahve là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra, không có một Thiên Chúa nào khác. Cụ thể là dân phải trung thành giữ 10 Điều Răn. Cho dù lề luật được thông ban cho dân qua trung gian là ông Maisen, nhưng tựu trung đó là sự hướng dẫn của chính Thiên Chúa. Tất cả các lề luật, dù là thuộc lãnh vực luân lý, pháp lý hay xã hội, hay thờ phượng, đều không nói lên một sự cưỡng bức hay gây hại đến sự tự do của dân, nhưng lại là một ơn huệ bổ ích, một đặc ân. Chính lề luật này đã biến đổi dân Israel thành một dân tộc khôn ngoan (xem Tl 4,6; Tv 19,8), một dân mà với sự khôn ngoan của mình, họ trổi vượt hơn các dân tộc khác. Ngoài ra, nhờ lề luật, dân mỗi ngày một ý thức rằng Thiên Chúa của giao ước chính là Đấng dẫn đưa dân trên đường sự sống, là Đấng luôn gần gũi với họ, nên họ vui mừng sung sướng vì ân huệ này. Và họ cảm thấy tự thâm tâm đòi buộc phải tỏ ra lòng biết ơn của mình (xem Tv 147,19ss).

Cựu ước đã được cử hành theo đúng nghi thức của một cuộc ký kết Giao Ước. Giao Ước, giao ước Sinai, được ký kết trên một đài cao: vùng Núi Sinai. 2. Có một cái bàn lễ, tức là bàn thờ được lập dưới chân núi và dựng 12 trụ đá cho 12 chi tộc israel. Người chủ Lễ: Oâng Maisen. Sinh tế: Các con bò. Máu của chúng được hứng trong 2 cái chậu lớn. Phần nửa dành cho Chúa thì được rưới lên bàn thờ; nửa còn lại rảy trên dân…(xem Xh 24,5-8). Sau khi giao ước được ký kết, những người đại diện cho dân dự vào bữa tiệc hiệp thông, ăn và uống trên núi thánh, trước mặt Thiên chúa Yahve (xem Xh 24,9-11).

Hy Tế:

Trong giao ước, yếu tố không thể thiếu đó là Hy Tế. Các hy vật được dùng để dọn thành bữa tiệc hiệp thông. Giao ước sinai đã được đóng ấn bằng một hy tế như thế (xem Xh 24,4-8). Thánh Kinh cho ta thấy rõ: Thiên Chúa không hưởng lợi lộc gì đối với các hy tế. Tuy nhiên, các hy tế và việc cử hành các nghi thức, giúp cho những tình cảm bên trong nơi mỗi người trở thành khả giác, chẳng hạn như tâm tình thờ lạy, muốn sống thân mật với Thiên Chúa, nhìn nhận mình là tội nhân, ước muốn đựơc tha thứ…Nó thánh hiến đời sống cá nhân, gia đình và cả quốc gia, nhất là trong những cuộc hành hương và các ngày lễ. Tuy nhiên, Thiên Chúa chỉ tỏ ra vui lòng và chỉ ưng nhận những của lễ này khi con người tiến dâng với tấm lòng sẵn sàng hy sinh những gì quý giá nhất, trong niềm tin sâu xa. Không có niềm tin và lòng mến, hy tế chỉ còn là một việc làm vô hiệu và giả hình và chắc chắn không làm đẹp lòng Thiên Chúa.

3. Trong Tân Ước Đức Giêsu dâng hiến mình làm Hy Tế:

Tân Ước, giao ước mới giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại. Với giao ước mới này, nhân loại đang oằn oại dưới ách thống trị của Satan, do việc ông bà nguyên tổ phạm tội. Nhân loại này đã được Thiên Chúa đoái thương và hứa sẽ ra tay cứu vớt (x. St 3,15). Giao ước mới này sẽ được ký kết bằng Máu của chính Con Thiên Chúa làm người. Máu của Giao Ước mới sẽ đổ ra trên đồi Golgotha, đã trở nên dụng cụ của ơn cứu độ chúng ta[1]: “Đức Kitô… Vị Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai…, đã tiến vào cung thánh một lần thay cho tất cả, không phải với máu dê đực và máu bò non, nhưng với chính máu của mình, và lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12). Con dê đực gánh tội, trong ngày xá tội trọng đại, mang theo mình tất cả tội lỗi của dân (xem Lv 16…) được tiên tri Isia ứng dụng cho Người Tôi Tớ của Yahve, người tôi tớ này sẽ hiến dâng mạng sống mình làm hy tế xá tội. Người tôi tớ tự mình, tự nguyện chịu chết thay cho các tội nhân. Sự dâng hiến không tỳ ố của Ngài sẽ sinh lợi cho nhiều người theo ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Giờ thánh, giờ cứu độ của thế giới[2], giờ mà Đức Giêsu tự nguyện đổ máu và chết trên Thập Giá, giờ đó là giờ cứu rỗi, là lúc Giao Ước Mới phát sinh hiệu lực; là lúc cửa Thiên Đàng mở ra; là lúc Nước Thiên Chúa rộng mở cho mọi người và mời gọi mọi người, không trừ ai, và người công dân vinh dự đầu tiên được bước vào Vương Quốc vĩnh cửu đó, không ai khác hơn là người trộm lành ! (x. Lc 23,39).

Việc dâng hy tế cho Thiên Chúa, trong các nghi lễ là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn chính là tâm hồn, là chính tâm tình con người khi dâng hy tế lên Thiên Chúa. Tâm hồn phải vượt trên hy tế (xem Mt 5,23; Mc 12,33). Qua sự nhắc nhở này, Đức Giêsu giúp cho mọi người hiểu biết ý nghĩa hy tế của chính Ngài. Ngài đến để phục vụ, Ngài tự nguyện hiến đời sống mình làm “Giá chuộc”, vì phần rỗi của nhiều người (xem Mc 10,45ss; Lc 22,37; Is 53,10ss). Qua những gì Ngài đã nói trong khung cảnh của bữa tiệc ly, Đức Kitô ám chỉ cách minh nhiên đến Xh 24,8 bằng cách áp dụng cho mình chính công thức của Maisen “Máu của Giao Ước Mới” (Mc 14,24ss). Việc đổ máu của Ngài là một cuộc đổ máu tự nguyện, mang lại sự tha tội cho nhiều người, khai sinh một dân mới, dân được cứu độ.

Như Môisê ở Sinai, Đức Giêsu, Thượng Tế và đồng thời cũng là Hy Tế, thiết lập một giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Từ nay, giao ước này là giao ước hoàn hảo và vĩnh viễn. Đức Kitô như vị Thượng Tế trong ngày xá tội nhằm thanh tẩy tội lỗi, Ngài đã đổ máu mình ra để hủy diệt tội lỗi, có hiệu quả hơn tất cả máu của các hy vật khác trong Cựu Ước. Từ nay, các tín hữu không chỉ nhận được sự thanh tẩy, nhưng còn nhận được ơn tha tội. Hiến tế của Đức Giêsu có một bảo đảm giá trị vô song, hiệu quả tuyệt đối và phổ quát.

4. Bí tích Thánh Thể theo quan điểm của Thánh Phaolô.

Từ kinh nghiệm về những “Bữa tiệc thánh” kính dâng chư thần của người dân Côrintô, thánh Phaolô đã giúp cho các Kitô hữu tại đây hiểu về bí tích Thánh Thể. Tại Corintô, những bữa tiệc thánh là phụng tự kính dâng chư thần. Trong những bữa tiệc này, các tín đồ tin rằng họ được thông phần vào thiên tính của các thần, là những vị đang hiện diện cách vô hình và cùng chia sẻ bàn tiệc với họ. Họ tin rằng họ được thông hiệp với thần minh khi dùng chính những thức ăn đã được dâng cúng cho thần minh. Niềm tin đó khá phổ biến vào thời thánh Phaolô, không chỉ đối với dân ngoại mà cả những người Do Thái cũng tin như thế, chẳng hạn 1Cr 10,18: “Những ai ăn tế phẩm, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao ?” Điều đó muốn nói, những người dâng lễ vật, một phần dâng cho Thiên chúa, một phần dành cho thầy tư tế và phần còn lại, họ mang về nhà và chia nhau ăn. Họ tin rằng nhờ ăn của lễ đã được đặt trên bàn thờ dâng kính Chúa Jahve, họ được chia lộc từ bàn thờ. Điều đáng cho ta lưu ý là người Do Thái không bao giờ dám cho mình là người đồng bàn với Yahve, ăn uống với Yahve, nhưng chỉ dám nói rằng mình được lãnh nhận một cái gì đó từ bàn thờ mà thôi[3]. Do đó, khi nói rằng, các Kitô hữu ăn bánh và uống chén của Chúa, được hiệp thông với Đức Kitô, Phaolô đã vượt ra khỏi tầm nhìn của Do Thái giáo. Đối với Phaolô, “Bữa Tiệc Ly” của Chúa, không phải là biểu trưng cho bữa tiệc chia lìa, hay biểu trưng cho sự hiện diện của Chúa trong quá khứ; trái lại, Tiệc Thánh của Kitô giáo là một mầu nhiệm của hiện tại. Chén thánh liên kết tín hữu với Máu thánh của Đức Kitô, và Bánh Thánh kết hiệp các Kitô hữu với Thân Mình của Người. Nhờ kết hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô, các Kitô hữu, cùng với Chúa Kitô là đầu tạo thành một thân thể. Sức sống chảy từ đầu, chuyền sang mọi chi thể, sức sống đó liên kết mọi chi thể lại với nhau. Tóm lại, theo quan điểm của Phaolô, các Kitô hữu, khi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, được Kitô hóa để dần dần trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với nhau. Chính bí tích Thánh thể gìn giữ các tín hữu luôn ở trong Đức Kitô: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở trong người ấy” (Ga 6,56). Khi thiết lập bí tích thánh thể, Đức Giêsu đã liên kết bí tích này với cuộc khổ nạn của mình và ban bí tích này cho chúng ta như “Giao Ước Mới” để tha tội cho muôn người. Phaolô hiểu rằng, khi thông hiệp với Mình và Máu Đức Kitô, các tín hữu chia sẻ thực Hy Tế của Chúa Giêsu[4]. Đối với Phaolô, tiệc Thánh không phải là bữa tiệc tầm thường, vì “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết,”(1Cr 11,26), nhưng là bí tích thánh thể do chính Chúa Giêsu thiết lập để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Người, và việc nhắc nhớ này sẽ còn kéo dài mãi cho đến tận cùng thời gian, cho đến khi Chúa lại đến. Như thế, việc kết hợp với Mình và Máu Chúa, nâng đỡ và giúp cho các tín hữu sống kiên cường trong hy vọng để chờ ngày Người lại đến.

5. Bí tích Thánh Thể: Giao Ước mới, Giao Ước ban Ơn Cứu Độ.

Giao Ước mới này đã được thực hiện cách nhiệm mầu, một cách “bí tích” nơi nhà tiệc ly, trước khi đã thực sự xảy ra trên đồi sọ. Khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Chúa Kitô đã cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả hãy cầm lấy mà ăn. Này là Mình Thầy, bị nộp vì anh em (xem Mt 26,26; Lc 22,19; 1Cor 11,24), Rồi Ngài cầm trong tay chén rượu nho và nói: Tất cả hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (xem Mc 14,24; Lc 22,20; 1Cor 11,25).

Chính Thịt và Máu của Đức Giêsu đã làm nên Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể chính là Bí Tích mang Ơn Cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng ta. Ơn cứu độ đó đã được Thiên Chúa Cha hứa ban ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Bí tích Thánh Thể là bí tích của ơn cứu độ, ơn cứu độ phổ quát. Mỗi bí tích Thánh Thể (Thánh Lễ) được cử hành, dù ở bất cứ nơi đâu, dù long trọng với sự hiện diện đông đảo của nhiều người hay chỉ âm thầm lặng lẻ của cá nhân vị linh mục, bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành, theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, Linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin được thực hiện trong bí tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại[5].

Chúng ta đã hiểu, đã sống và đã giúp cho giáo dân hiểu rõ về Bí tích Thánh Thể chưa?

6. Nhận định về tình hình sống đức tin của các Kitô hữu Việt Nam:

  1. Nghèo thông tin về Lời Chúa. Làm cách nào giúp cho giáo dân Việt Nam ham thích và thường xuyên đọc Lời Chúa (chung và riêng) ? Giáo dân Việt Nam chỉ quan tâm nhiều đến các Bí Tích, nhưng lại không có ai hướng dẫn, khích lệ và giúp đỡ để giáo dân có thể đọc, hiểu Lời Chúa và sống Lời Chúa.
  2. Nghèo về giáo lý (thần học), chưa có được một sự hiểu biết sâu xa về Giáo lý.
  3. Nghèo về hiểu biết các Giáo Huấn của Giáo Hội.


-----
1 X. EdE số 3.
2 X. EdE số 4.
3 X. Lm. A. Nguyễn văn Trinh, Bí Tích Học, tập II: Thánh Thể, 2002, trg. 197-198.
4 X. Lm. A. Nguyễn văn Trinh, Sđd, trg. 198-200.
5 EdE số 8.

Đọc nhiều nhất Bản in 26.04.2007. 18:04