Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Yêu Thương, Cách Loan Báo Tin Mừng Tốt Nhất

§ Phêrô Vũ văn Quí

CN VI TN B – Mc 1, 40-45

Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi!” (Mc 1, 41).

Khi cảm nhận được trái tim đầy yêu thương của Chúa Giêsu trước người phong hủi đến gặp Người, tôi nhớ thật rõ những tâm tình của cố ĐC Gioan Cassaigne, Giám Mục của người cùi Việt Nam, khi Ngài nói về những bệnh nhân thân yêu của Ngài:

”Họ quá đau khổ, đừng làm hay có cử chỉ gì khiến họ đau khổ hay buồn tủi thêm. Họ là những người đáng quí, đáng thương và tha thứ. Phải băng bó họ lại cả hai vết thương một lúc, thể xác và tinh thần”.

Hay khi đi kiếm người cùi lẩn trốn trong rừng rậm ở Di Linh để sống  theo tinh thần của thánh Phaolô khuyên dậy “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11, 1) và để “bắt chứơc Đức Kitô” là giơ tay ra đụng vào những con người đang bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội, cố ĐC Gioan Cassaigne đã từng nói: ”Tôi muốn được cùi để có thể hiểu và thương người cùi nhiều hơn”. Với tất cả tấm lòng vì người nghèo, người cùi mà Ngài đã chọn khẩu hiệu Giám Mục của Ngài là Bác Ai và Tình Yêu (Caritas et Amor).

Nhìn vào đời sống chứng nhân của vị GM người cùi Việt Nam, tôi mới thấm thía những lời xúc tích của Tin Mừng như thánh Marcô diễn tả: “Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi!”. Hành trình loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu phải được thể hiện vừa chất chứa khao khát trong tim, vừa bằng hành động cụ thể, dù cho xã hội lúc đó qui định như sách Lêvi hướng dẫn: “Người bệnh phung phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “ô uế! Ô uế”! Bao lâu còn bệnh, người ô uế phải ở riêng, ngoài trại.” (Lv 13: 45) Trước phán quyết đáng hãi sợ: phán quyết buộc người bệnh sống tha hương, ngay nơi mình ở, buộc phải xa gia đình, buộc phải cách ly ra khỏi cuộc sống cộng đồng tôn giáo của mình, Chúa Giêsu đã minh chứng những nét đặc thù nghệ thuật yêu thương của Người không chỉ đến gần và chữa lành cụ thể một con người mà còn muôn nhắn gửi đến các vị tư tế, những ngừơi yêu thương trên môi miệng, về nghệ thuật cao quí ấy nữa.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã bắt chứơc Đức Kitô và ngài cũng đã nói: “Để yêu mến một người cần tiến tới gần người đó... Tôi không bao giờ săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc các con người cụ thể thôi”.

Trước nghĩa cử cụ thể là “giơ tay ra đụng vào người phong hủi”, hay trước cử chỉ yêu thương bằng cách phục vụ tận tình chu đáo của Chúa Giêsu, người được chữa lành đã có một tác động mãnh liệt để rồi “anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi” (Mc 1, 45). Hình ảnh này làm tôi nhớ lại lời thơ của Hàn Mạc Tử, sau khi anh đã ngập sâu trong tình yêu cao trọng hơn để hòan toàn phó thác vào một niềm tin đạo đức thiêng liêng mà từ ngày đau nặng anh đã cảm nếm được. Đó là sự cầu cứu với Tràng hạt mân côi, ơn phù trợ Từ Bi, để rồi anh cùng giúp Thanh Huy, người bạn tình thơ của anh, bay lên cao cùng với anh.

Lời thơ trích trong “Bức Thư Xanh” thật da diết nhưng ẩn chứa sâu thẳm lời chúc tụng tôn vinh:

Thanh Huy hỡi! Nàng chưa là châu báu
Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ
Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ
Mắt mờ lệ ở sau hàng chữ gấm
Ta đã nuốt và hình như đã cắn
Cả lời thơ cho vãi máu Nàng ra
Điên rồi sao? Mê rồi? Hoảng rồi à?
Ờ được lắm, lên Trăng chơi một chuyến
Nhưng khoan đã, đang say kinh cầu nguyện
Cũng đang lần tràng chuỗi hột Từ Bi
A, Thanh Huy, A Thanh Huy! Thanh Huy
Ta cắp Nàng bay cao hơn tiếng nhạc.
Cho Nàng hớp đầy môi, hương khoái lạc
Cho hồn nàng dính chặt với hồn ta
Tình đôi ta muôn kiếp gỡ không ra.

Tâm tình này của Hàn Mạc Tử đã dọn đường cho bài Ave Maria cách sau đó mấy tháng, trong đó anh viết:

… Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm…

Thật cảm động khi những con ngừơi được “Chúa Giêsu đưa tay đụng vào” qua những “tồng đồ của người cùi”, lặng lẽ chấp nhận và phó thác như ĐC Gioan Cassaigne nhắc nhở: ”Chúng ta không thể làm cho Chúa Giêsu buồn, thì cũng đừng làm cho người cùi buồn vì họ là con Chúa là hình ảnh Chúa Cứu Thế đau khổ trên Thập Giá”.

Và cũng lúc này tôi cảm nhận được triết lý sống của cha Jerzy người Ba Lan khi người khuyên nhủ: ”Người ta sẽ không bao giờ thấy đau khổ khi chấp nhận đau khổ vì Chúa Giêsu”.

“Ngày nay ở vào thời đại chúng ta, thảm họa HIV-AIDS cũng sánh được với bệnh phong cùi trong Kinh Thánh, nó cũng bị người đời phân biệt đối xử và xa tránh như ngừơi phong cùi thời xưa. Đức Giêsu có thái độ nào đối với thảm họa thời nay? Có lẽ chúng ta sẽ hiểu đôi chút, nhờ kinh nghiệm của những người đã sống trong môi trường HIV-AIDS, hoặc phục vụ những người nhiễm HIV. Một bài viết trong tạp chí The Tablet (số tháng 5, 1995) do tác giả Kevin Kelly nói về những ngừơi đang mang chứng bệnh quái ác này... Tác giả nhắc đến ba người đàn ông Thái Lan đã nhiễm HIV qua đường mua dâm. Khi dân làng biết họ mang HIV dương tính, thì mọi ngừơi xa lánh và họ đâm ra tuyệt vọng. Lúc gần chết họ trôi dạt vào một nhà điều dưỡng Công giáo.

Họ được yêu thương và tận tình săn sóc, được bồi dưỡng đầy đủ nên  dần dần họ phục hồi tạm thời, rồi cả ba ngừơi tự hiến thân hoạt động trong tổ chức chăm sóc ngừơi bị nhiễm HIV-AISD bị thân nhân bỏ rơi, đồng thời giáo dục giới trẻ cho biết đề phòng loại virus này. Cả trong trường hợp này nữa, sự tận tâm của họ thật anh hùng và đức tin thâm sâu của họ cũng thật đáng nể. Chính những ngừơi này thú nhận rằng, phẩm chất cuộc sống của họ đã trở nên sâu sắc hơn nhiều. Wimsol có lần nói với tôi “AISD là quà tặng đối với tôi” và Thaksin đã phát biểu trong  một cuộc họp của nhóm thần học gia của chúng tôi: “So sánh cuộc sống bây giờ với cuộc sống trước khi tôi nhiễm HIV-AISD, tôi thấy như đêm so với ngày”.

Đức Giêsu ngày nay vẫn còn chạm đến người bệnh giống như hồi thế kỷ I tại Palestine, khi Ngài chữa lành những người phong cùi”. (Trích “Gặp Gỡ Chúa Kitô Lịch Sử”, Lm William A. Barry, S.J; Lm Phêrô Nguyễn Đức Thiêm chuyển ngữ)

Và tôi không thể nào che dấu xúc động khi nhớ lại lời trăn trối cuối cùng của cố ĐC Gioan Cassaigne khi Ngài mang trong cơ thể mầm bệnh Hansen và đã thốt ra cách nay trên 30 năm mà tác giả Thi Chương ghi lại như sau:

“Chúng tôi rất nghèo và rất cần sự giúp đỡ của những người-có-trái-tim... Cha hiện đang đau đớn tột cùng của thể xác. Nhưng cha vui mừng được đau đớn như vậy bởi vì Chúa muốn. Cha xin dâng tất cả sự đau đớn đó để Chúa cho con cái cha bớt đau đớn và sớm được phục hồi để Chúa ban cho chúng mãi mãi được no ấm. Cha cám ơn tất cả những ân nhân của làng cùi, cám ơn hết lòng, lòng của một vị Thừa Sai”.

Chúa Nhật VI TNB, 14/02/2009

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.02.2009. 11:56