Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Yêu quên mình

§ Thanh Thanh

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A (Mt 15,21-28)

Nói đến yêu quên mình, không hình ảnh nào đẹp và cao quý cho bằng trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ được tục ngữ, ca dao, văn thơ, âm nhạc, hội hoạ… chẳng có sách vở hay miệng lưỡi nào có thể ca ngợi hết được. Nhưng trái tim mẹ hiền muốn nói ở đây đích thực là Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng vô cùng quyền năng và cao quý, vô cùng hoàn hảo và thanh khiết, vô cùng tuyệt đối và hằng hữu, nhưng Ngài lại thể hiện tình yêu của mình giống con người. Ngài hành xử giống như người mẹ, không những một lòng gắn bó không rời xa con, mà còn đồng hành, sẵn sàng hy sinh đời mình và mọi sự cho con suốt cả đời.

Con cái kết tinh từ tình yêu vợ chồng, thì con người cũng được tạo thành bởi tình yêu chia sẻ của Thiên Chúa.

Mẹ và Con

Hình ảnh người đàn bà dân ngoại Canan đến xin Đức Giêsu chữa cho con khỏi bị quỷ ám là một ví dụ. Bà quên đi bản thân, không quan tâm đến áp lực của cộng đoàn lương giáo, chẳng để ý đến người khác xì xèo dòm ngó thế nào. Không nghĩ đến thể diện, thế giá, danh dự, kể cả lòng tự trọng. Bà cũng không quan tâm đến sức khoẻ, thời gian hay tiền bạc. Bà chấp nhận chịu thiệt thòi để có lợi cho con. Sẵn sàng chấp nhận mọi lời chói tai, sỉ nhục, chê cười, chống đối, miễn là tốt cho con. “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26).
Sức mạnh của tình yêu và lòng tin giúp bà vượt qua mọi trở ngại từ phía bên ngoài. Không gì chia cắt hay ngăn cản tình thương của bà dành cho con, dù là thương tích về thân xác hay đau khổ về tinh thần.

Giáo hội Mẹ chúng ta

Giáo hội luôn đồng hành với con mình là các tín hữu nói riêng và con người nói chung. Đồng hành cũng có nghĩa phải đối mặt với mọi áp lực của xã hội, của sự dữ, của các bè rối, của ma quỷ chống phá nhằm chia rẽ các con cái, mọi người với nhau, con cái với Giáo hội. Giáo hội luôn sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt thòi, bị người khác khinh chê, hiểu lầm. Với Giáo hội, mặc kệ, miễn là con cái an toàn là được.

Nhìn vào lịch sử Giáo hội, chỉ vài chục năm gần đây cũng cho ta thấy Giáo hội thật tuyệt, khi lên tiếng can thiệp để bảo vệ con cái mình khỏi những bị sai lầm do các phong trào, các thế thế lực satan khi chúng muốn can thiệp vào quyền tối thượng của Thiên Chúa là sinh tử. Tin Mừng về sự sống là một trong nhiều văn bản sáng giá của Giáo hội để chống lại các thứ sai lạc là:

- Cho chết êm dịu
- Cho phá thai
- Cho thụ tinh nhân tạo
- Cho phép can thiệp để chọn phái tính theo sở thích khi sinh con
- Cho phép hôn nhân đồng tính

Chưa hết, còn các lãnh vực khác về khoa học, y tế, giáo dục, xã hội…cũng được Giáo hội quan tâm, lên tiếng, tranh đấu:

- về quyền được sinh ra,
- quyền sống của trẻ thơ
- quyền được chăm sóc và lớn lên
- quyền bình đẳng nam nữ
- quyền tự do tín ngưỡng, tự do nhân quyền

Đây chẳng phải Giáo hội đã và đang yêu thương lo lắng cho mình đó sao.

Thiên Chúa là Mẹ hiền

Từ hình ảnh người đàn bà Canaan đến giáo hội, ta cùng chiêm ngắm tình yêu của người thực sự chính là Thiên Chúa.

Lịch sử dân thánh cho thấy Thiên Chúa không hề rời bỏ con mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù ở nơi thành thị hay thôn quê, sa mạc hay biển khơi, đồi núi hay đồng bằng, đêm tối hay ban ngày, hạnh phúc hay đau khổ, và dù cha mẹ có bỏ con thì Thiên Chúa cũng không bỏ con người được.

Ngài như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh để khỏi mưa nắng, để được ấm áp, được bảo vệ an toàn khỏi thú dữ ăn thịt là diều hâu, đại bàng… Ngài như người mẹ bồng con bên hông. Con cái luôn nhận được hơi ấm tình yêu và luôn muốn như trẻ thơ nép lòng mẹ hiền trong tin tưởng và phó thác.
Vì con cái mà Ngài sẵn sàng chấp nhận chịu hao tổn, thiệt thòi những người cộng tác là các tiên tri. Còn hơn thế nữa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 16)

Ngài không những quên mình, mà còn tự huỷ mình. Thật không thể tưởng tượng nổi.

Thử nghĩ xem, con người có ai vì yêu chó mà dám chấp nhận trở thành chó không. Vậy mà Thiên Chúa vốn vô cùng hoàn mỹ lại dám trở thành người, một thụ tạo mỏng giòn và yếu đuối.

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Đức Giêsu, nơi Ngài biểu lộ tròn đầy tình yêu của Cha cho nhân loại.

Từ Thiên Chúa làm người, làm con, làm anh, làm bạn, rồi trở thành người phục vụ, người tôi tớ, rồi đến trở thành tội nhân, dù Ngài vốn vô tội. Ngài dấn thân, hiến thân vì yêu thương con người. Ngài hô to và giương cao tình yêu thập giá để mọi người nhìn lên mà được sống. Ngài thực hiện với tất cả tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi để chết thay, chết vì nhân loại.

Vâng, Chúa ơi, mẹ hiền của chúng con.

Thanh Thanh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.08.2008. 08:37