Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Yêu Người Thân Cận

§ Phêrô Vũ văn Quí

(CN 30TN – Mt 22, 34-40)

Tối Chúa Nhật Truyền Giáo, vào lúc 8 giờ 30, tại Saigon, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Kontum. Với giọng nói tiếng Việt phát âm không chuẩn, tôi chưa nhận ra ngay người đối thoại. Nhưng chỉ vài giây sau khi nghe được những từ Mái Ấm Vinh Sơn 4, tôi đã rõ người nói chuyện với tôi là một Sơ hay Ýa thuộc Dòng Ảnh Vảy đang phụ trách mái ấm trên. Sơ cho biết nhà mồ côi dành cho khoảng 50 em côi cút người dân tộc đã nhận được quà của ân nhân từ Mỹ gửi về qua trung gian là tôi. Với niềm vui trào dâng vì sự quan phòng kỳ diệu của Chúa, Sơ nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến người của Chúa từ nước Mỹ đã nhớ đến những người con, người cháu ở nơi hẻo lánh xa xôi này. Xin Chúa chúc lành cho tình nhân ái này!

Khi nghe được những rung cảm chân tình của Sơ Dòng Ảnh Vảy nói thay cho các em mồ côi ở nơi ngút ngàn hoang sơ đó, tôi mới cảm nhận được ý nghĩa cao cả của lời mời gọi thiết tha của Chúa: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22, 39)

Người thân cận” mà Chúa muốn nói đến là ai?

Người bạn ở Mỹ và những đứa trẻ côi cút người Thượng hoàn toàn xa xôi cách trở về không gian và ở hai thế giới khác nhau, thuộc hai dân tộc khác nhau về đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất. Người chị em ở Mỹ khi đọc được vài tâm tình của tôi về nhà mồ côi này đã chạnh lòng thương đến những mảnh đời nghèo khổ ấy. Từ tiếng lòng thổn thức, từ tia chớp chói sáng từ lòng thương xót mà chị đã không còn nghĩ đến hoàn cảnh sống cũng khá vất vả của chị, khi gia đình chị có ba đứa con còn đang phải đến trường và ngay cả chồng chị cũng đã và đang đi học để hy vọng tiến thân trong xã hội văn minh mà gia đình chị đang phải miệt mài vươn lên. Duy chỉ có một mình chị đang làm trong một trung tâm dưỡng lão để kiếm sống cho cả nhà, thế nhưng từ tâm hồn chạnh lòng thương, chị đã nhận ra những ngừơi khốn khổ trên cao nguyên hoang sơ kia là “những người thân cận” của chị.

Cũng như trong “dụ ngôn người Samari tốt lành” (Lc 10, 29-37), Chúa Giêsu đã đặt ra cho tôi và mọi người câu hỏi “phải chăng người Samari cũng là người thân cận của người bị nạn?” Quả là Người đã đưa ra một chìa khóa vạn năng để giải quyết vấn đề là: người Samari, kẻ xa lạ với người bị rơi vào tay kẻ cướp, nhưng rồi từ tận sâu thẳm, lòng thương xót của tâm hồn đã làm cho ông ta trở thành người thân cận. Qua hình ảnh đầy biểu tượng này, Chúa Giêsu cũng muốn tôi phải học để trở thành “người thân cận” ngay tận từ bên trong. Vấn đề không còn là người khác có phải là người thân cận của tôi hay không, mà vấn đề chính yếu ở đây là “tôi”. Tôi phải trở nên người thân cận từ bên trong và khi tôi làm, người khác kia được kể như “chính tôi” cho tôi.

Nhờ đó, tôi phần nào cảm nghiệm được lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa Giêsu như thế nào khi Người nói: “người phải yêu người thân cận như chính mình”!

Khi cảm thấu được “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4, 7) thì trái tim con người sẽ biến thành lòng mến nhưng không, xả kỷ, tận hiến, cho đi cả trái tim, cả thân mình, cả mạng sống, cả cuộc sống. Cựu ước dùng cụm từ “yêu mến người thân cận” trong một cái nhìn còn thiển cận, còn khiếm diện. Ngoại kiều và những người lân bang đã lọt ra ngoài đích nhắm của việc yêu người, huống chi nói đến kẻ thù. Nhưng rồi Tân ước sẽ phá bỏ mọi ranh giới. Câu chuyện người Samari nhân hậu đặt vấn đề: Ai là người thân cận, là người đồng bào đồng loại của tôi?

Khi tình yêu là lòng mến, nó làm cho kẻ ở xa, tức người dưng nước lã và thù địch trở thành người thân cận của tôi. Thậm chí, trong trường hợp “dụ ngôn người Samari tốt lành”, tình yêu đã biến Đức Giêsu thành người thân cận với hết mọi người, cách riêng những kẻ gặp đau khổ hoạn nạn. Để khuyên nhủ dậy dỗ, Thánh Augustinô đã viết:

“Đây đích thân Chúa đến để dậy dỗ. Ngài là bậc thầy của lòng mến, vì Ngài đầy áp mến thương. Như Ngài đã tiên báo về chính mình, là Ngài ban bố lời Ngài cách vắn gọn hồi còn ở thế gian, sau đó Ngài tỏ cho ta thấy, Lề luật Môsê và các ngôn sứ được tóm gọn trong hai điều răn về lòng mến.

Hỡi anh em, ta hãy cùng nhau nhăc lại hai điều răn đó. Vì chúng phải được suy đi gẫm lại và hiểu cho rõ, chứ không chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong trí khôn ta khi ta chợt nhớ đến. Phải, chúng không thể nào phải bị xóa mờ khỏi trái tim ta. Cho nên đối với ta, hãy tuyệt đối đặt lòng mến Chúa yêu người lên trên hết: “Ngươi hãy mến yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn người, và yêu đồng loại như chính mình”.

Hãy năng tâm niệm, chiêm ngắm, ghi tạc, thực hành đức mến.

Yêu mến Thiên Chúa là giới răn trọng nhất trong các giới răn; nhưng yêu thương đồng loại lại được ưu tiên trong thực hành. Vì chưng, Đấng đã truyền dậy bạn hai giới răn của lòng mến, Ngài không giới thiệu với bạn việc yêu người trước rồi mến Chúa sau, nhưng trước tiên Thiên Chúa rồi mới đến đồng loại.”

Lay Cha Chí Thánh,
Xin ban Thánh Thần đến để biến đổi trái tim của chúng con biết rung động trước những mảnh đời khốn khổ khác, hầu xứng đáng đáp trả Tình Yêu Nhập Thể của Con Chí Ái Cha đã đến làm người thân cận của chúng con. Amen.

Chúa Nhật 30TN, 26/10/2008

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.10.2008. 23:41