Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Xin Chúa ở bên con, giúp con sám hối

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 1 Mùa Chay
St. 9: 8-15; Tv 25; I Phêrô 3: 18-22; Mc. 1: 12-15

Anh chị em thân mến,

Cách đây vài ngày, tôi đang đứng trả tiền tại siêu thị, có một người thâu ngân trẻ mang bảng tên là Nô-ê. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người nghĩ rằng, tên của anh ta có liên hệ với trận lụt Đại Hồng Thủy mà chúng ta đọc được trong Sách Sáng Thế? Ngay cả đối với những người chỉ có một ít kiến thức về Kinh thánh cũng biết ông Nô-ê và gia đình, chiếc tàu, và những cặp động vật mà ông đã mang lên tàu, sự phá hủy và tận diệt của cơn lụt, rồi đến Móng cầu vòng trên trời. Tôi cứ tưởng tượng rằng ông Nô-ê lúc ấy đang cân cà chua thì trận lụt tới.

Câu chuyện về Nô-ê chắc chắn sẽ là nỗi trăn trở cho những người có đức tin. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong phần đầu của Sách Sáng thế, mọi vật đều ở trong sự hỗn loạn và tăm tối bao trùm cả vũ trụ. Sau đó, Thiên Chúa đã bắt đầu tạo dựng trời đất và vào cuối mỗi ngày, Chúa thấy mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Cuối cùng, sau khi tạo dựng nên con người, “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp”. Sau đó, tội lỗi xâm nhập vào và làm lây lan sự hỗn loạn khắp toàn thể nhân loại.

Các tác giả Kinh thánh mượn huyền thoại về Ba-by-lon để chuyển tải một số ý trong Kinh thánh: Thiên Chúa không thờ ơ đối với những bất công và tội lỗi của loài người, vì trong khi Thiên Chúa trừng phạt những điều ác, Ngài không tiêu diệt những người tốt. Lụt Đại Hồng thủy nhắc lại những hỗn loạn trong vũ trụ thời nguyên thủy (1:1) và một lần nữa, Thiên Chúa cho thấy là Ngài sẽ làm lại mọi sự nên tốt đẹp. Con người đã đem sự hỗn loạn và vô trật tự vào trong xã hội hoàn hảo mà ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên. Nhưng chính Thiên Chúa chứ không phải con người, quyết định gìn giữ những gì tốt lành Ngài đã làm ra. Do vậy, mới có việc con người và các tạo vật cùng nhiều giống loài khác được cứu thoát trong tàu ông Nô-ê.

Thiên Chúa thiết lập một Giao ước với Nô-ê và các thế hệ sau này. Giao ước trong Kinh thánh được thiết lập giữa hai đối tác không ngang hàng, và cả hai bên đều hứa hẹn với nhau về các mối quan hệ của họ trong tương lai. Nhưng theo sách Sáng thế, Giao ước lần này chỉ có Thiên Chúa hứa, không những đối với ông Nô-ê và gia đình, mà còn cho các thế hệ mai sau nữa; kể cả “các sinh vật”. Thiên Chúa cam kết "không bao giờ" tái trừng phạt sự dữ của con người bằng cơn lụt lớn như vậy nữa.

Thiên Chúa hứa bảo vệ tất cả các tạo vật. Nhưng một lần nữa, tội lỗi đã xâm nhập vào để phá hoại xã hội loài người và các tạo vật. Làm thế nào Thiên Chúa đánh bật được tội lỗi và mang lại một thế giới mới trong lúc con người vẫn ngoảnh mặt làm ngơ với Thiên Chúa? Nhưng Thiên Chúa vẫn hủy bỏ các trận lũ lụt. Tác giả Sáng thế cho biết: “Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại Giao ước giữa Ta với các ngươi, … và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa”(St: 9,14-15). Thay vào đó,Thiên Chúa đã có một kế hoạch khác.

Trong bài đọc hai, trích thư của thánh Phêrô, chúng ta thấy Thiên Chúa làm thế nào để đối xử với loài người trong khi họ vẫn phạm tội. Sẽ có một trận lũ lụt khác, nhưng không phải là trận lụt bao phủ trái đất, mà đây là trận lụt tràn trên chúng ta để rửa sạch mọi tội lỗi. Đó là Phép Rửa tội. Một lần nữa, Thiên Chúa thiết lập một Giao ước với chúng ta "qua sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô". Nhờ nước mà gia đình ông Nô-ê gồm 8 người đã được cứu thoát; Nước đó chính là hình ảnh của nước rửa tội để cứu rỗi chúng ta hôm nay.

Chúng ta bắt đầu Mùa Chay với những ý nghĩa quan yếu của Bí Tích Rửa tội. Chúng ta đang chuẩn bị dạy giáo lý cho tân tòng để họ sửa soạn nhận Phép Rửa tội trong ngày Phục Sinh. Chúng ta, những người đã nhận Bí Tích Rửa tội, cũng nhận được ơn Chúa trong Mùa Chay, để chuẩn bị giúp chúng ta lập lại lời hứa của Phép Rửa tội trong lễ Phục Sinh. Nhờ lời cầu nguyện, qua việc giữ chay và giúp người nghèo, chúng ta sẵn sàng nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa một cách trọn vẹn trong suốt cuộc sống của chúng ta.

Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta món quà gì trong Mùa Chay này vậy?. Một đời sống cầu nguyện sâu lắng? Một dịp giúp chúng ta trung thực dấn thân làm việc? Một đường hướng mới trong đời sống Kitô hữu của chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại? Đổi mới mạnh mẽ cách thức theo chân Chúa? Luôn biết vui mừng và cảm tạ về những gì chúng ta đã có được từ bàn tay nhân từ của Thiên Chúa? Một cử chỉ tha thứ cho những hờn giận trong quá khứ? Một đời sống hăng say hoạt động nhằm bồi dưỡng và chăm sóc cho trái đất chúng ta đang sống và tất cả các tạo vật khác đang sống quanh ta?. Ai mà biết được? Thiên Chúa chính là Đấng đầu tiên đến với chúng ta để thực hiện một Giao ước và Ngài luôn giữ lời Giao ước, là giúp chúng ta đổi mới qua Nước Hằng Sống, để cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Trong ân sủng đó, chúng ta sẽ đồng hành với Chúa Kitô và các tín hữu khác.

Đời sống rao giảng của Chúa Giêsu được khởi đầu bằng Phép Rửa ở sông Jordan. Khi Ngài từ dưới sông bước lên, đó là "trận lụt" của riêng Ngài; Và Chúa Thánh Thần đưa Ngài vào trong sa mạc đề chịu sự cám dỗ qua sự trình bày ngắn gọn của thánh Mác-cô. (vì thế không nên xem xét nhiều chi tiết khác ở thánh Lu-ca và Mát-thêu).

Từ cơn lụt Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa làm nên một tạo dựng mới và, một Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và loài người được bắt đầu trở lại. Ngài hứa sẽ giữ lời Giao Ước, là sẽ không hủy diệt tạo vật như thế nữa. Ngay sau bài Phúc âm này, sẽ tới đoạn thánh Gioan Tẩy Giả bị bắt và bị trảm quyết. Hình như bạo lực và tội lỗi vẫn cứ lộng hành mãi. Nhưng một sức sống mới lại bắt đầu với việc Chúa Giêsu đi rao giảng: "Nước Chúa đã gần đến". Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá, mọi sự lại chìm trong bóng tối. Và qua sự sống lại của Ngài, chúng ta có được cuộc sống mới. Có lẽ Thiên Chúa hay xử dụng mọi thất bại để gây dựng nên một cuộc sống mới chăng? Ai có thể làm Thiên Chúa thất bại được? Ai có thể đánh bại ý Thiên Chúa muốn sự tốt lành cho chúng ta và các tạo vật của Ngài?

Thiên Chúa đã không đứng ngoài thế giới của chúng ta. Qua Chúa Kitô, Thiên Chúa đã đứng cạnh chúng ta ngay trong lúc chúng ta đang chiến đấu chống lại tội lỗi và những xáo trộn của đất trời. Không một trận lụt nào, không lực lượng hủy diệt nào, và ngay đến cả cái chết, cũng không thể ngăn cản được sự hoạt động của Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài cho vạn vật. Lời Giao ước của Thiên Chúa với Nô-ê và các thế hệ sau này nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa luôn muốn hoạt động với chúng ta để cứu vớt những gì Ngài đã tạo dựng nên một cách tốt lành.

Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: Bổn phận của chúng ta là gì trong Giao ước với Thiên Chúa, để giữ gìn và đổi mới những gì đã bị tội lỗi gây xáo trộn? Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ người nghèo trên thế giới vượt qua bệnh tật và nghèo đói? Làm thế nào chúng ta có thể chăm sóc và làm sạch cho môi trường thiên nhiên? Chúng ta làm gì để có thể bảo vệ cuộc sống con người nhằm giảm thiểu tính bạo lực trong xã hội? Cần phải làm gì để bảo vệ nhân phẩm của mỗi người?

Nói cách khác, chúng ta phải làm những gì để có thể chu toàn bổn phận của chúng ta trong Giao Ước mới với Thiên Chúa. Lần đầu tiên được khởi sự từ thời Nô-ê và còn tiếp tục mãi trong suốt cuộc đời chúng ta qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô?

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.02.2009. 17:02