Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vua Giêsu Kitô

§ Đỗ Trân Duy

Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và là Thiên Chúa (Gio 1:1). Người từ một nơi trí khôn con người không thể hiểu, đã xuống thế làm người và sống với loài người (Mat 1:23). Nhưng Ngôi Lời không phải chỉ có một mình, bản thể của Người còn là Ngôi Cha và Thần Khí. Như vậy Ba Ngôi cùng tác động trong kế hoạch nhập thế. Ý niệm này không phải để giải thích Thiên Chúa nhập thế là ai, nhưng để nhấn mạnh vào điểm: Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa cho Thiên Chúa nhưng là Thiên Chúa cho loài người. Chính kế hoạch nhập thế của Ngôi Lời cũng có sự góp sức của con người. Đức Maria, một nữ nhân tự xưng là tôi tá hèn mọn, đã trở thành nhà tạm của Thần Khí (Luc 1:48), và qua quyền năng của Thần Khí đã sinh ra xác phàm cho Ngôi Lời.

Đấng Mêsia (Kitô)

Từ thời Cựu Ước, Thần Khí đã ngầm chỉ sự xuất hiện của Ngôi Lời qua hình bóng Đấng Mêsia. Mêsia hay Kitô (Messiah hay Christos) nghĩa là “Đấng được Thiên Chúa sức dầu” phong vua, vì vậy Đấng Mêsia ám chỉ vị vua. Các ngôn sứ và thánh vịnh đều dùng danh xưng Mêsia để chỉ vị vua tương lai của Israel. Các ngôn sứ cho biết Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Giacóp qua Đavít (ST 49:10; IIVua 8:19; TV 53:7). Triều đại Người tồn tại đến muôn đời (IISam 7:5-13; Isa 9:5-6). Biên giới của Vương Quốc Người mở rộng đến vô tận. Mọi dân tộc đều quy phục Người (TV 50:1-4; 72:8-11). Người là ánh sáng của muôn dân ngoại (Isa 52:10). Ngôn ngữ Người sắc như tên và bén như gươm (Isa 49:1) (1). Mọi dân tộc trông mong lời giảng dậy của Người (TV 42:1-6; 49:1-3). Người lập quốc không qua quyền bính thế tục nhưng bằng đức khiêm nhường và chịu đựng đau khổ. Bởi vâng lời Thiên Chúa Người hi sinh mạng sống để cứu độ muôn dân (Isa 53:10). Ơn cứu độ của Người không dành riêng cho một dân tộc nào nhưng cho mọi dân tộc (Isa 52:13; 53). Tiên tri Đaniel miêu tả Đấng Mêsia qua linh ảnh một nhân vật gọi là Con Người. Đaniel thị kiến một vị thần đến từ Thượng Đế. Vị này được ban cho quyền thế trên muôn dân. Đaniel không biết trình thuật vị này thế nào nên gọi là Con Người, nghĩa là một vị thần trông giống như người (Đan 7:13-14). Cuối cùng chính Thiên Chúa tiết lộ về Đấng Mêsia. Khi vua Akhaz trong hoàn cảnh đối đầu với quân thù, Giavê sai Isaiah báo cho vua biết Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu dòng Đavít. Isaiah nói, “Thiên Chúa sẽ cho vua một dấu chỉ. Hãy nghe, một trinh nữ sẽ sinh ra một con trai, và sẽ được gọi là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta)” (Isa 7:14). Tiên tri Mikêa chỉ điểm nơi Đấng Mêsia sẽ sinh ra, “Hỡi Bêlêhem, Êphrata, mảnh đất nhỏ nhất trong vùng Giuđa. Nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời khởi thủy” (Mik 5:1-2).

Tuy nhiên từ đời vua Akhaz dọc theo lịch sử Do Thái không ai biết dấu chỉ đó là ai. Rồi thánh Mátthêu tiết lộ dấu chỉ ấy chính là trinh nữ Maria. Ngôi Lời được sinh ra trong dòng dõi Đavít bởi vì thánh Giuse là hậu duệ của vua Đavít (Mat 1:18-25). Thánh Giuse không phải là cha thể xác của Ngôi Lời, nhưng khi ngài đặt tên cho hài nhi, theo tục lệ thời ấy, là chấp nhận hài nhi làm con của mình. Hài nhi có tên là Giêsu, trong tương lai sẽ nối ngôi vua của tổ phụ Đavít. Tuy nhiên không phải chí vậy, sự huyền nhiệm của mặc khải còn mang ý nghĩa sâu xa hơn. Vì Giêsu cũng là Emmanuel, nên triều đại Đavít mở rộng qua Vương Quốc Thiên Chúa. Triều đại Đavít không còn giới hạn trong mảnh đất Do Thái nhưng trải rộng khắp thế gian (Mat 28:19). Vương quốc mới bao gồm tất cả mọi vương quốc, nên vua Giêsu sẽ là vua trên các vua. Giáo Hoàng Bênêđích XVI nhận định rằng khi thánh Mátthêu thuật lại lời tiên tri Isaiah, ông không nói “trinh nữ sẽ gọi con trẻ là Emmanuel” nhưng nói “người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel” (Mat 1:23). Thuật ngữ “Người ta” ám chỉ loài người chúng ta. Muôn dân sẽ nhận ra con trẻ là Emmanuel. (2) Ngôn sứ cuối cùng, Gioan Tẩy Giả, xác nhận Đức Giêsu là Đấng muôn dân mong đợi (Gio 1:29-36). Vua Giêsu là Thiên Chúa ở cùng với loài người.

Đấng Emmanuel

Oái oăm thay, dân được tuyển chọn không nhận ra Đấng Emmanuel (IGio 3:1). Chức vị vua Giêsu không nằm trong sự mong đợi của giai cấp lãnh đạo Do Thái. Ngay trong đêm giáng sinh, tin “vua dân Do Thái ra đời” lan truyền khắp nơi (Mat 2:2; Luc 2:10-12). Vua đang trị vì là Hêrốt hoảng sợ bị mất ngôi, nên săn đuổi hài nhi để giết đi. Thánh Giuse nửa đêm phải lén đưa gia đình qua Ai Cập lánh nạn. Cho đến khi vua Hêrốt lìa trần, bấy giờ thánh gia mới dám hồi hương. Thánh gia định cư ở vùng Galilê.

Đức Giêsu lớn lên và đi khắp miền Galilê giảng đạo. Người nhận mình là Đấng Mêsia nhưng bảo các môn đệ giữ kín điều ấy (Mat 16:16-20). Tuy nhiên Người không phủ nhận khi có ai biết Người là Đấng Mêsia (Gio 4:25-26). Người thường tự xưng là Con Người (Mat 12:8; Mac 2:28; Luc 17:22; Gio 6:53). Người cũng xác định Đấng Con Người chính là Vua (Mat 25:31). Rồi Người tuyên bố hiến chương bát phúc cho quốc gia của Người (Mat 5:3-10).

Qua lối sống, Người biểu lộ phong cách của Đấng Emmanuel như đã được hình dung trong Cựu Ước. Lời phán của Người mang quyền lực đuổi quỉ, chữa bệnh nan y, và truyền cho kẻ chết sống lại (Mat 11:5). Người nhân danh chính Người để tha tội cho kẻ có tội (Mac 2:10). Người sửa đổi luật Môisen để kiện toàn luật lệ. Người truyền đạo cho dân ngoại, làm nhiều phép lạ, và nói tiên tri. Khi Người vào thành Giêrusalem dân chúng nghe tin túa đến cầm lá vạn tuế đón chào và hát rằng: “Hôsanna con vua Davít! Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến! vua Israel!” (Gio 12:12-15; Mat 21:9).

Lời giảng đạo của Người mâu thuẫn với lối sống của các vị chức sắc trong giáo hội Do Thái. Vì vậy họ sinh lòng thù hận và muốn diệt trừ Người. Các vị trưởng tế vin vào danh xưng vua để gán cho Người tội phản nghịch Xêda, vua của đế quốc La Mã đang thống trị Do Thái. Họ điệu Người đến dinh tổng trấn Philatô để mượn tay chính quyền La Mã giết Người. Trong sảnh đường các vị trưởng tế tố cáo Người nhiều điều. Trước sau Người chỉ đứng im lặng.

Cuộc thẩm vấn Đức Giêsu của Philatô (Gio 18:33-37) là một diễn trình rất quan trọng cho nền tảng Kitô học. Cho nên thiết nghĩ chúng ta nên suy niệm về cuộc thẩm vấn này.

Philatô hỏi: “Phải ông là vua dân Do Thái không?

Đức Giêsu từ đầu cuộc thẩm vấn đều giữ im lặng. Người im lặng chờ đợi và chỉ có câu hỏi này mới khiến Người lên tiếng: “Tự ông nói ra điều đó, hay có kẻ cho ông biết như thế?

Câu nói của Đức Giêsu không phải là câu trả lời, nhưng là một câu hỏi. Ngay lúc ấy Ngài đổi ngược vị trí từ một bị can thành Đấng Emmanuel. Câu hỏi của Người chính là dành cho chúng ta, “Tự chính ngươi, ngươi cho Ta là ai?” Chúng ta phải tự mình trả lời câu hỏi này. Chúng ta không thể dựa vào những gì người khác nói. Nhìn ra Đức Giêsu là ai là một tâm chứng, nó không phải là mớ kiến thức vay mượn từ bên ngoài.

Philatô trả lời: “Tôi có là dân Do Thái đâu?” Rất dễ cho Philatô đáp “tôi nghe người ta nói”, nhưng ông không dám nói thế vì lòng ông đang hoang mang. Chính vợ ông đã tiết lộ cho ông biết một dấu chỉ siêu nhiên về người bị can này (Mat 27:19). Ông trả lời theo ý tránh né đối diện với vấn đề. Tôi có phải là dân Do Thái đâu mà cần biết ông là ai?

Đức Giêsu mở ra một cánh cửa chưa từng bao giờ có, “Nước Ta chẳng thuộc về thế gian này.” Vương quốc của Người không thuộc về Do Thái nhưng là cho tất cả. Tất cả mọi người đều thuộc về Đức Giêsu, mặc dù họ có biết hay không.

Philatô hỏi: “Thế trong nước ấy ông là vua hay sao?

Đức Giêsu nói chính xác từng chữ: “Đúng như ông nói, Ta là vua. Vì lý do ấy mà ta sinh ra, cũng vì cớ ấy mà ta đến thế gian để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về sự thật đều nghe tiếng ta.” Đây là tất cả những gì Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết và hiểu. Bất cứ ai, hễ tin vào Đấng Emmanuel đều là dân của Người, tức dân Chúa.

Cuối cùng Philatô ngạc nhiên thốt lên: “Vậy ông đã làm gì?” Họ tố cáo là ông muốn làm vua Do Thái. Nếu ông phủ nhận, vậy ông đã làm gì khiến họ muốn giết ông? Ông là người vô tội. Kitô hữu chúng ta đều biết Đức Giêsu bị giết bởi một nguyên nhân khác. Cho nên câu hỏi “Vậy ông đã làm gì?” vang dội trong tâm hồn chúng ta một cảm xúc rất sâu xa.

Trong thông điệp Redemptor Hominia (Đấng Cứu Chuộc loài người) Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tái tuyên xưng “Chúa Cha cùng Thần Khí xức dầu và tấn phong Đức Giêsu Kitô làm Tư Tế, Ngôn Sứ và Vua” (Cat 783). Cả ba chức vụ này đều có tính cách duy nhất. Trong tân Ước danh xưng Tư Tế chỉ dành riêng cho Đức Giêsu. Nền tảng của chức vụ này là cuộc hiến tế trên thập giá và cuộc phục sinh của Người. Chức Ngôn Sứ cũng chỉ áp dụng cho Đức Giêsu, vì Người là Con duy nhất của Thượng Đế và là mặc khải cuối cùng. Đức Giêsu là vua vì thế giới được tạo ra qua Người và cho Người. Ba danh xưng trên là ba sứ mạng của chương trình cứu độ. Đức Giêsu đã thực hiện sứ mạng này bằng cách thành lập một triều đại mầu nhiệm gọi là Vương Quốc Thiên Chúa (Nước Trời). Vương Quốc ấy ở đâu. Người không nói “Nước Ta chẳng ở thế gian này” nhưng nói “không thuộc thế gian này.” Như vậy Nước Trời ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Lý do Đức Giêsu nhập thế là để thành lập Nước Trời trong thế gian. Đức Giêsu lên tiếng kêu gọi: “Hỡi muôn dân, ai thuộc về sự thật, nghe tiếng ta.”

Đấng Chăn Lành

Ngay cả Kitô hữu cũng có một thời khó khăn trong sự nhận diện Đấng Emmanuel. Mặc dù Kitô hữu chúng ta hiểu Vương Quốc mầu nhiệm là gì, nhưng danh xưng vua vẫn dẫn trí óc nhiều người đi vào quan hệ vua-tôi của mô thức chủng tộc. Kitô hữu đã quan niệm đời sống đạo như sau. Chúng ta là công dân của Vương Quốc Thiên Chúa. Thiên Chúa là Vua, nhân loại là thần dân. Thần dân không có liên hệ thân mật với Vua, ngoại trừ lòng trung thành, tôn kính và tuân giữ luật của Người. Bản tính con người thường hướng về dục vọng xấu, nên con người không bao giờ tuân giữ được luật Chúa cho trọn vẹn. Những vi phạm luật bị coi là tội lỗi. Ai phạm luật sẽ trở thành kẻ có tội. Kẻ có tội không có cách nào thoát khỏi án phạt vì Thượng Đế không thể hủy bỏ luật công chính của mình. Tuy nhiên khác với những vị vua trần thế, Thượng Đế là Đấng yêu thương dân mình. Thay vì dùng luật để xử án, Người đã dùng một giải pháp khác không chống lại luật công chính của Người. Thượng Đế đã gửi con yêu quí duy nhất của Người, là Đức Giêsu, đi nhận cái chết để đền tội thay cho con người. Đức Giêsu đã hòa giải giữa Thượng Đế—Đấng tạo luật và xử luật—và con người là kẻ tội phạm. Nhờ đó con người được ơn cứu chuộc.

Đáng lý ra truyền thống giữ đạo theo khuôn mẫu trên chỉ hợp với suy luận của người thời trung cổ, trên thực tế nó vẫn còn hợp với số đông người ngày nay. Đức Giêsu cố tránh liên hệ vua-tôi theo não trạng chính trị trên. Trong thời gian giảng đạo, dân chúng nhiều lần muốn tôn Người lên làm vua. Người biết ý họ nên luôn luôn bỏ đi trước khi việc ấy có thể xảy ra.

Trọng tâm của mô thức vua-tôi là vấn đề tội lỗi (được hiểu là phạm luật Chúa). Tội lỗi đã ngăn cản Thượng Đế và con người gần nhau. Con người đối diện với nỗi sợ hãi khi đến với Thượng Đế. Sự nhấn mạnh vào ý thức tội lỗi đã dẫn đến nhận thức: con người là kẻ có tội, sống trong tội, và không thoát khỏi tội. Mục đích tử nạn của Đức Giêsu là để chuộc tội cho thiên hạ, nhưng tội lỗi có thể được tha, bản chất tội lỗi của người vẫn tồn tại. Vì vậy giữ đạo là cuộc phấn đấu tuân theo luật buộc để hoàn tất những điều kiện mà Thượng Đế đòi hỏi. Người là Đấng siêu ngã kiểm soát mọi hành vi và tư tưởng của con người để luận án thưởng phạt. Mức độ chu toàn luật định và đền tội sẽ minh định sự cứu rỗi của linh hồn trước tòa phán xét cuối cùng.

Truyền thống liên hệ vua-tôi của nhân chủng quá đơn giản về mặt tâm linh. Mô thức sống đạo vua-tôi không có chỗ cho ơn sủng của Thiên Chúa xen vào. Khi Đức Giêsu giảng đạo, Người mô tả Thượng Đế là nguồn tình thương, nguồn tha thứ, và nguồn ân sủng. Người dậy dân gọi Thượng Đế bằng danh xưng thân mật Abba (Bố) (Mac 14:36; Rom 8:15). Một Abba, chậm nổi giận, hằng ngày nhìn ra đường để mong đứa con hoang đàng trở về. Khi mới thấy nó từ đàng xa, Abba vội chạy ra không phải để phán xét hay kết án, nhưng để vui mừng đón tiếp và tha thứ (Luc 15:11-24). Trong luật “thưởng phạt công bằng” chúng ta được cứu rỗi vì chúng ta sống đúng luật Chúa. Đức Giêsu kiện toàn lại rằng, chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin của chúng ta và nhờ lòng thương của Thiên Chúa.

Tuy Đức Giêsu tự nhận là Đấng Mêsia, nhưng Người ví dân của Người là đàn chiên và Người là Đấng Chăn Lành (Cat 763-764). Chủ chăn biết từng con chiên của mình bằng tên. Chủ chăn đi trước đàn chiên để dẫn lối, tìm nguồn nước, tìm nơi có cỏ ngon, và tìm nơi trú ẩn cho chiên. Chủ chăn hy sinh cả mạng sống của mình cho sự an toàn của chiên (Gio 10:1-16). Như vậy vua Giêsu chú tâm đến tình yêu. Để cho gần gũi hơn, Người ví mình là chú rể và dân của Người là cô dâu (Luc 5:34). Chúng ta là người yêu của Đức Giêsu, những cô dâu, đón chờ chàng rể (Mat 25:1-13). Đó là sự liên hệ của những người thuộc về nhau và hòa vào nhau để tồn tại.

Sống đạo trong mô thức yêu thương đã đổi ý thức luận phạt qua mức độ gắn bó với Thiên Chúa. Thiên Chúa không xuất hiện như Đấng xa cách và đầy quyền uy. Người là “cột lửa trong đêm” và đám mây ban ngày” dẫn lối cho dân đi trong sa mạc nhân sinh về vùng đất hứa. Như vậy chúng ta hãy chuyển từ khuôn mẫu truyền thống vua-tôi qua khuôn mẫu tâm linh. Trong khuôn mẫu thứ hai con người thuộc về Đấng chăn lành Giêsu Kitô, bất kể chúng ta có hiểu hay không (Gio 10:16). Đấng Kitô không tách rời chúng ta nhưng đi với chúng ta trong cuộc đời cho đến tận thế. Sống đạo là khả năng nhận diện sự hiện hữu của Đấng Kitô.

Con người vốn là kẻ tội lỗi, nhưng không bị thụ động ở vị trí là kẻ bị phán xét. Phạm nhân được nhận diện là kẻ lạnh nhạt với tình yêu của Chúa. Một vị thế chủ động trong nỗ lực hàn gắn tình yêu. Trong chiều hướng ấy tội lỗi không thuần túy là phạm luật Chúa, nhưng là sự bội ước tình yêu và không có tình yêu. Đức Giêsu gọi kẻ tội lỗi là kẻ mắc nợ (Luc 7:36-44). Có một tình yêu bao la ẩn trong từ ngữ ẩn dụ “mắc nợ”. Kẻ mắc nợ chưa hẳn là kẻ có tội, vì vẫn còn có dịp để trả nợ. Nhưng nếu gọi hắn là “kẻ tội lỗi”, trong tiếng gọi ấy đã có sự kết án rồi. Nói cho cùng, con người chúng ta, ai mà không mắc nợ ít hay nhiều. Đức Giêsu đã dậy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những kẻ có nợ với chúng con.”

Nếu vạn vật hiện hữu theo luật nhân quả thì yêu thương chính là nguyên nhân nội tại của Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguyên nhân và cũng là cứu cánh của con người. Vì vậy cuộc sống của chúng ta là tiến trình nỗ lực của ý chí tự do đi tìm gặp Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể qua Đức Giêsu, Thiên Chúa hữu hình. Thánh Kinh dẫn dắt chúng ta hiểu Đức Giêsu là Đấng Mêsia và Emmanuel. Những danh xưng này là những ý niệm để chiêm niệm. Thiên Chúa không thể ngưng đọng trong 1 danh xưng nào theo mô thức văn hóa trần thế. Người là Emmanuel nhưng lại chịu chết để cứu đàn chiên. Người là Vua nhưng lại đóng vai đầy tớ rửa chân cho thuộc hạ. Người là Mêsia nhưng lại nồng nhiệt như vị hôn phu. Đó là sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa. Con người được sinh ra qua hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng chỉ có thể tồn tại nếu có tình yêu. Chúng ta nên như những cây đèn đón tân lang trong đêm tối của cơn mê tham dục. Đèn không nên trống rỗng khiến phải tắt ngấm chìm vào đêm đen. Tâm hồn chúng ta nên đầy tràn dầu Thần Khí để đón Vua Giêsu Kitô kính yêu.

(1) Thánh Phaolô lập lại hình ảnh này “Đức Giêsu sẽ tiêu hủy hắn tan ra hư không bằng một làn khí từ miệng Ngài (IIThes 2:8). Thánh Gioan cũng lập lại, “Cả mãnh thú lẫn tiên tri giả bị ném vào hồ lửa lưu huỳnh. Toàn thể đạo binh của chúng bị tiêu diệt bởi lưỡi gươm sắc vọt ra từ miệng của Người cưỡi ngựa trắng (KH 19:21).

(2) Joseph Ratzinger, “God Is Near Us”. Ignatius Press, San Francisco. 2003. p. 16.

Đỗ Trân Duy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.11.2008. 09:32