Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Việc làm chứng của người môn đệ trong Tông Đồ Công Vụ

§ Lm Giuse Phạm Thanh Quang, DCCT

Qua sách Công Vụ Tông Đồ (Cv), thánh Luca đã cho ta thấy Giáo Hội Công Giáo thời sơ khai là một Giáo Hội hết sức “sầm uất”, đầy năng động, đầy khí thế, đầy sinh lực. Giáo Hội hay nói đúng hơn là các Tông đồ, môn đệ đã hăng say loan báo Tin Mừng và đẩy mạnh việc làm chứng. Chúng ta thấy rõ điều này trong Cv 1,12-5,42. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy rõ sách Cv hiểu thế nào về việc làm chứng của các môn đệ. Chúng ta cùng nhau lược qua Cv 1,12-5,42 để có thể thấy rõ hơn sách Cv có cái nhìn thế nào về “việc làm chứng của các môn đệ”. Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này để có thể đưa ra được lời giải đáp thỏa đáng.

1. “Việc làm chứng của các môn đệ” được hiểu như thế nào? Nội dung của việc làm chứng ấy là gì?

Khi nói về “chứng nhân” ta thấy Sách Cv là quyển sách thuộc Tân Ước trong đó từ chứng nhân và các từ phát sinh (làm chứng, chứng tá, chứng từ) được sử dụng nhiều nhất: 29 lần. Bởi lẽ quyển sách này là sách về việc làm chứng. Quả thế, sách Cv là sách về việc làm chứng vì tác giả sách kể lại những lời chứng, những việc làm chứng, những phép lạ, những điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã thực hiện qua các môn đệ, những người theo Chúa Kitô. Vậy việc làm chứng này là những việc gì? Và nội dung việc làm chứng ra sao? Dựa vào Cv 1,12-5,42, chúng ta thấy rõ và có thể trả lời cho những câu hỏi này. Làm chứng ở đây không hẳn giống như làm chứng qua việc trình bày những gì đã thấy, đã nghe, đã đụng chạm như đã thấy, nghe, đụng chạm. Việc làm chứng ở đây phải được hiểu là một chứng nhân. Chứng nhân này đã từng gắn bó, trải nghiệm, kinh qua – có thể nói là sống chết – với người, với hoàn cảnh, với biến cố mà nay có nhiệm vụ nói ra, “tuyên cáo”, “chứng thực” những sự kiện biến cố ấy, kể cả việc lấy mạng sống mình để làm chứng cho sự thật (x. thêm Thánh Công đồng chung Vatican II, Phân Viện khoa thần học Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1972, tr 1006-1007). Bởi thế, chúng ta thấy rõ vì sao Luca đề cập đến việc tuyển chọn ông Matthia để thay thế cho Giuđa – kẻ phản bội Đức Giêsu. Việc chọn này không đơn thuần là việc chọn nhưng bao hàm lòng tin, cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng để việc làm này mang lại kết quả – chọn ra đúng chứng nhân tông đồ – theo đúng thánh ý Chúa chứ không theo ý người phàm (x. Cv 1,15-26). Lời của thánh Phêrô cho chúng ta thấy rõ: “… Phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi để làm chứng Người đã Phục Sinh” (Cv 2,22).

Đến đây, chúng ta mới có thể nói được rằng, việc làm chứng ở đây chính là việc làm chứng của các tông đồ, môn đệ Đức Giêsu. Họ là những chứng nhân – những nhà thần học về các hoạt động cứu độ của Chúa. Các môn đệ làm chứng cho Chúa Kitô, cho biến cố tử nạn, Phục Sinh Của Đức Kitô (x. Thuật ngữ Thần học, 2002, tr 25), cho sứ mạng Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa,… làm chứng tất cả những điều Người đã nói với mình (x. Cv 26,16; x. J.Dheilly, Từ điển Kinh Thánh, I, A-C, Desclec, 1993, tr 283-287; x. Ga 20,21; Lc 24,48; Mt 28,19-20; x. J.Dheilly, Sđd, IV, Q-Z, tr 1710-1715). Việc làm chứng ấy cũng chính là việc rao giảng Tin Mừng (Cv 2,14-36; Mt 24,14). “Các môn đệ sẽ phải long trọng chứng thực trước mặt mọi người về tất cả những sự kiện đã xảy ra từ Phép Rửa thánh Gioan Tẩy Giả đến lúc Người về trời, và đặc biệt về sự sống lại, biến cố này đã xác nhận Người là Chúa” (x. Cv 1,22; 2,32)… “Vai trò làm chứng nhân cho Đức Giêsu còn trở nên rõ rệt hơn, khi các môn đệ phải ra trước các quyền bính và tòa án để làm chứng về Người,…” (Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, I, Phân Viện Thần học Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1973, tr 326-327; x. Cv 4,1-22; 5,21-33).

Vậy việc làm chứng ở đây bao hàm cả lời nói, việc làm (x. Cv 5,21-33; 3,1-10), đời sống (x. Cv 2,42-47; 5,32-35) và cả mạng sống nữa (x. Cv 5,40-41). Tất cả nhằm làm chứng cho Chúa Kitô chết và Phục Sinh và ơn cứu độ của Người.

2. Việc làm chứng của người môn đệ là một sứ mạng?

Đúng vậy. Đó là một sứ mạng cao cả mà chính Chúa Kitô trao phó (x. Mt 28,19-20; x. Cv 1,8; 4,10; Gl 13,16; x. Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, I, Sđd, tr 326-327), để làm cho muôn dân được cứu độ và trở thành môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 28,19; Cv 5,42). Vì là sứ mạng từ Thiên Chúa, từ Chúa Kitô nên Giáo Hội hay đúng hơn là các môn đệ phải vâng lời Thiên Chúa hơn người phàm (x. Cv 4,4). Quả vậy, sứ mạng này quá cao cả, sức con người khó có thể thực hiện nếu không có ơn Chúa trợ giúp (x. Cv 4,33).

3. Việc làm chứng ấy dựa vào đâu? Và ai cộng tác với các môn đệ trong việc làm chứng?

Sau khi đã được đầy tràn Thánh Thần (x. Cv 2,4), và dường như Thánh Thần đòi buộc các tông đồ phải làm chứng cho Đức Giêsu” (x. Chú thích “l” Cv 4,20 của CGKPV, Kinh Thánh, Tân Ước, Tòa Tổng GM Tp.HCM, 1994, tr 512), các môn đệ đã mạnh mẽ giảng dạy, làm phép lạ,… nói chung là can đảm làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh (x. Cv 2,14-36); dù có bị bắt bớ, tống ngục cũng không từ nan, không chùn bước. Vì sao? Bởi vì các môn đệ đã dựa vào chính Thiên Chúa, Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa, Lời Đức Giêsu Kitô, dựa vào sức mạnh của Thánh Thần để thực hiện việc làm chứng. Chúng ta thấy rõ điều này khi các môn đệ quả quyết mạnh mẽ trước chất vấn của Thượng Hội Đồng Do Thái: “Bấy giờ ông Phêrô và các Tông đồ khác đáp lại rằng: ‘Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm (Cv 5,29). Sau đó, các môn đệ tiếp tục mạnh mẽ việc làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh – là Chúa và là Đấng Cứu Độ – (x. Cv 5,30-31). Các môn đệ không cậy dựa vào sức mình. Các ông có làm chứng được là nhờ vào sự biến đổi của Thánh Thần và ân huệ của Thiên Chúa. Người ta quá biết các môn đệ xuất thân từ đâu, trình độ thế nào. Các môn đệ chỉ “là những người không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân” (x. Cv 4,13-17; 2,14-36; 3,1-10), khiến cho người ta phải kinh ngạc, sửng sốt và thán phục (x. Cv 2,6-8; 4,13).

Tự sức các môn đệ không thể làm được gì. Sách Cv cho ta thấy rõ, chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã cùng cộng tác với các môn đệ trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Chỉ sau biến cố Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-12), các Môn đệ mới được đổi mới hoàn toàn: từ nhút nhát đến mạnh mẽ, từ dốt nát đến giỏi giang và uyên thâm, từ ngư phủ lưới cá trở thành dân được tuyển chọn để trở thành người “chài lưới người”, thu phục muôn dân về cho Chúa Kitô, để họ cũng được cứu độ (x. Cv 2,7-8; 4,13). Sách Cv cho chúng ta thấy rõ, tất cả việc làm chứng của các môn đệ đều được tác động, hướng dẫn, soi sáng của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là “cộng tác viên” đắc lực nhất của các môn đệ trong việc làm chứng để đem muôn dân về cho Chúa Kitô.

Ngoài ra, chúng ta cũng còn thấy tất cả tín hữu trong cộng đoàn cũng đồng tâm hiệp lực, cùng cầu nguyện, cùng sống và làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh (x. Cv 2,42-47; 4,32-34).

Các môn đệ đã dùng mọi khả năng, sức lực do Thánh Thần ban (x. Cv 2,1-4), phương tiện qua việc dùng lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh. Có khi gặp thử thách, khó khăn nguy hại đến mạng sống, nhưng các môn đệ vẫn sẵn sàng can đảm để làm chứng cho sự thật, cho Đức Giêsu Phục Sinh (x. Cv 4,31.33; 5,40-41).

4. Kết quả của việc làm chứng:

Sách Cv cho ta thấy, việc làm chứng của các môn đệ đã đem lại những kết quả thật kinh ngạc, nhanh chóng, hiệu nghiệm. Bởi lẽ, việc làm chứng (theo quan niệm rõ ràng của Sách Cv) của các môn đệ có liên hệ, liên quan mật thiết đến sự sống còn của con người, đến ý nghĩa, cùng đích tối hậu của con người, đến sự sống và ơn cứu độ của con người, đến khát vọng thâm sâu của con người là sự sống đời đời. Chính vì thế, sau việc làm chứng của các môn đệ, có rất nhiều người đã bị đánh động và tin theo, trở thành môn đệ Chúa Kitô (x. Cv 5,14). Nhiều người kéo đến (Cv 2,6), tin theo (2,41; 4,4; 4,7; 5,14),… “Mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47); cộng đoàn tín hữu sống gương mẫu, đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, làm lễ bẻ bánh,… (x. Cv 2,42-47; 5,32-35), đóng góp của cải để cộng tác vào việc làm chứng (x. Cv 4,36-37).

Việc làm chứng của các môn đệ đã đem lại kết quả đáng khâm phục và mỹ mãn: nhiều người tin nhận Đức Giêsu là Chúa và được đón nhận ơn cứu độ.

Sách Tông đồ Công vụ đã hiểu “việc làm chứng của các môn đệ” thật rõ ràng, không mơ hồ: việc làm chứng này có giá trị cả về mặt lịch sử và nhất là giá trị về ơn cứu độ. Việc làm chứng này là việc làm chứng về một sự thật có liên quan hệ trọng đến vận mạng của con người: Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa – đã nhập thể, nhập thế làm người để thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, qua chính đời sống, cái chết và Phục Sinh vinh hiển của Người. Tất cả những ai tin và đón nhận việc làm chứng này (cho Tin Mừng) cách tích cực thì đều được sống trong ân huệ, tình yêu, sự sống và ơn cứu độ sung mãn của Chúa Kitô (x. 1 Ga 1,2) – Đấng Phục Sinh – vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Dt 12,8) – và được sống trong sự sống sung mãn của Thiên Chúa hằng sống.

Lm Giuse Thanh Quang, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.04.2009. 11:15