Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vải Thưa Che Mắt Thánh

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật XXXII TN (Năm B): Mc 12, 38 – 44

Tiger Cup năm 1996, Huấn luyện viên Weigang chỉ thẳng ngón tay vào mặt một cầu thủ và hỏi: ”thế mày đã nhận của tụi nó bao nhiêu?”. Chẳng ai trả lời. Các quan chức chính phủ và thể thao cũng làm ngơ. Hậu quả ra sao,thì ai ai cũng rõ: những năm, hàng loạt cầu thủ bán độ, ăn chơi trác táng, cờ bạc nghiện ngập; các quan chức thể thao thì lem nhem tiền bạc. Với rất nhiều người, danh dự là từ ngữ còn sót lại trong từ điển. Được bao nhiều người Việt trọng danh dự, không sùng ngoại mù quáng, biết nỗi nhục khi đi đâu cũng bị bĩu môi khinh bỉ, tra hỏi, hoạnh hoẹ? Ông Weigang bảo vệ danh dự mình bằng việc không bao giờ làm huấn luyện viên cho Việt Nam nữa. Vải thưa không che nổi mắt thánh, nhưng khi người ta cố tình dùng hàng lớp lớp vải thưa bao bọc che chống, thì người ta cho là “thần không biết, qủy không hay”. Với người vô thần, điều đó là…chân lý!

Tưởng rằng những vụ mua bán hàng loạt bằng cấp trong những năm qua, - giúp những người không qua hoặc không qua nỗi cấp 3 trung học, lại có bằng cử nhân, tiến sĩ và dĩ nhiên là thăng quan tiến chức,- là đã động trời lắm rồi, thì vừa qua mức độ trơ tráo, khinh mạn dân chúng đến mức không còn gì để diễn tả nỗi nữa : người ta trao giải thưởng "tốp 100 sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng” cho công ty Vedan, kẻ suốt 14 năm hủy hoại sức khoẻ hàng trăm ngàn dân và dù bị bắt tận tay day tận trán, vẫn không chịu khắc phục một phần hậu quả di hại cho người dân và dòng sông Thị Vải. Không phải tự nhiên mà công ty Vedan lì lợm, bất chấp dư luận lên án, bất chấp sự thật và tang chứng rành rành. Ăn của chùa, ngọng miệng: Những tay tham ô nay hẳn chạy đôn đáo để bịt trước, ém sau, làm cho vụ Vedan nếu không chìm xuống hẳn, thì cũng chỉ là một “tai nạn”. Nhưng trả ơn Vedan bằng việc trao giải thưởng “vì sức khoẻ cộng đồng” thì hoặc họ tính toán quá sai, hoặc họ biết rồi ô sẽ che dù và sự trơ tráo của họ rồi sẽ thành công, như đã thành công trong vô số lần trơ tráo trước đây. Vụ nầy nếu “chìm xuồng”, thì hậu quả là vô số người sẽ thấy trên đời nầy danh dự, lương tâm, trách nhiệm chỉ dành cho những người có máu “gàn”, quân tử ‘tàu”, mơ mộng hảo! Màn thưa mà Vedan sử dụng 14 năm qua và vải thưa mà những quan chức chính phủ liên hệ vừa dùng, dù không che được mắt thánh, không che mắt được người trần bình thường, nhưng phủ kín mít được những tiếng lương tâm yếu ớt trong đất nước vô thần nầy, vốn ít khi để lọt một con gà nhỏ, nhưng gần như dễ dàng bỏ sót cả đàn voi!

Năm 2004, ông Hwang Woo-suk và các cựu đồng nghiệp tại Đại học quốc gia Seoul tuyên bố trong một bài báo trên tạp chí Khoa học rằng họ đã tạo ra được phôi người nhân bản đầu tiên trên thế giới và đã nhân được tế bào gốc từ những phôi này. Nghiên cứu tế bào gốc là một vấn đề rất nhạy cảm và ông Hwang từng là nhà khoa học duy nhất ở Hàn quốc được cấp phép thực hiện những nghiên cứu , mà theo các nhà khoa học có thể giúp chữa được những bệnh khó chữa như Alzheimer's và Parkinson's. Một năm sau, nhóm nghiên cứu của ông Hwang lại tuyên bố trên cùng tạp chí trên rằng họ đã tạo ra được tế bào gốc phôi người phù hợp về gen đối với các bệnh nhân cụ thể, bước đột phá hứa hẹn có thể chống lại sự miễn dịch trong hệ miễn dịch của bệnh nhân. Nhưng rồi xuất hiện nhiều nghi vấn quanh những tuyên bố trên, khiến trường đại học Seoul phải thành lập một ủy ban điều tra và họ kết luận nghiên cứu đăng tải năm 2004 dựa trên những dữ liệu giả và đặt nghi ngờ đối với những phát hiện vào năm đó của ông Hwang.Tạp chí Khoa Học sau đó cũng rút lại cả 2 bài báo họ từng đăng tải. Khi một trí thức nhấn danh dự xuống vũng bùn và chà đạp dưới chân, thì chẳng còn gì mà họ không dám nói, dám làm. Tấm vải thưa không che nỗi mắt ai, lại che hết lương tâm và danh dự của họ. 

Nhóm “Voice of the Faithful” dự đoán tốn phí do các vụ linh mục lạm dụng tình dục gây ra cho Giáo Hội Hoa Kỳ là từ 2 đến 3 tỷ USD,đặc biệt là trong hai Tổng giáo phận Boston và Los Angeles. Tiền bạc còn có thể bằng cách nầy hay cách khác kiếm lại được, nhưng danh dự và nhất là công lao của bao nhiêu giám mục, linh mục thánh thiện đem đổ sông đổ biển. Những gì Mẹ Giáo Hội hoàn vũ và Mẹ Giáo hội Hoa Ký tom góp chắt chiu hàng trăm, hàng ngàn năm, đã bị những đứa con “ưu tú” hủy hoại trong nháy mắt. Tấm vải thưa nhục dục dâm ô họ tưởng che được cả mắt Chúa ,thì dù thời gian đã trôi qua khá lâu, vẫn bị phơi bày trần trụi,ô nhục. Người lãnh đủ không phải là họ, vì da mặt và ‘da’ lương tâm của họ đã quá dày cộp sần sùi, mà chính là Dân Chúa. Bài học “vải thưa không che nỗi mắt thánh” nầy xem ra chỉ làm giáo dân bàng hoàng, tủi hổ, đau buồn và gia tăng cầu nguyện, nhưng vẫn không được tất cả các linh mục xem trọng, vì hầu như không có ngày nào mà báo chí đạo cũng như đời không đưa tin nơi nầy, nơi kia có một vài, thậm chí là nhiều, linh mục tiếp tục phạm tội ác quái dị, xấu xa nầy. Có cả một giám mục Canada ra toà vì máy tính xách tay chứa đầy hình ảnh trẻ em với mục đích dâm ô ấu dục. Vị giám mục có lẽ đinh ninh laptop cá nhân và tấm áo giám mục cao trọng được mọi người kính nể - và né tránh – là tấm vải giúp che phủ kín như bưng những việc làm xấu xa đốn mạt của mình.

Nước Mỹ thấy mình như trải qua một cơn ác mộng mà không ai tiên đoán nỗi nguyên nhân cũng như hậu quả. Chỉ đến khi toàn bộ nền tài chính của quốc gia mạnh nhất về kinh tế bỗng như lâu đài bằng giấy, mau chóng sụp đổ tan tành khi gặp cơn gió chướng thật sự, chứ không phải những cơn gió tâng bốc nhau tận trời xanh : hậu quả kinh hoàng thì ai theo dõi cũng đã rõ và người ta so sánh còn tệ hại hơn cuộc khủng hoảng thập niên 1930 và ảnh hưởng thì chắc chắn vượt trên vụ khủng bố 11.09. Hàng triệu tiến sĩ kinh tế từ những Harvard, Princeton, Standford,…với hàng chục Nobel Kinh tế đã chẳng giúp nước Mỹ nhìn ra những lỗ hỗng và sai phạm khổng lồ của hàng bao ngân hàng, công ty, tập đoàn vốn nếu không ỷ lại, kiêu căng, thì sẽ thấy đó chỉ là những tấm vải thưa. Người dân Mỹ vỡ mộng vì niềm tin vào những đầu óc kinh tế hàng đầu thế giới tan theo công ăn việc làm và đời sống bấp bênh của họ. Dân Mỹ đang trả giá cho mặc cảm tự tôn của mình.

Bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay cũng đầy mặc cảm, nhưng là mặc cảm tự ti. Mấy đồng kẽm vừa nhỏ bé cả về kích thước lẫn giá trị, khiến Bà thấy mình như đem “vải thưa che mắt Chúa Yahvê”, coi thường Đấng mà Bà tin vô cùng quyền năng, giàu sang và đáng tôn thờ kính úy. Bà sợ nghe tiếng những đồng kẽm nhỏ nhoi đó chạm vào đáy hòm gỗ : nghe hèn kém biết bao, làm sao bì được với những đồng vàng lấp lánh của những tay trọc phú, thích vênh vang thả vào hòm từ độ cao có thể, để được mọi người trầm trồ thán phục. Trong lòng đầy ắp mặc cảm tự tôn, họ nghĩ rằng việc bỏ vào hòm một món tiền mà họ cho là hào phóng, là tấm vải che lấp được nguồn gốc bẩn thỉu tài sản họ có được từ bóc lột, gian dối, mưu mánh. 

Vải thưa hòng che mắt thánh cũng là suy nghĩ, hành vi của con, lạy Chúa, khi con coi một vài đóng góp nhỏ nhoi cho Giáo Hội, cho tha nhân, là đã công đức vô biên và là tấm vé giúp con lên thẳng thiên đàng. Bà goá hổ thẹn vì không có nhiều hơn để bỏ vào hòm công ích; còn con so bì sức lực,thời giờ,tiền bạc, để rồi đắn đo mãi mới chọn ra để dành cho Chúa và Giáo Hội những gì con xét thấy “hai bên – bên Chúa và bên con – cùng có lợi”. Lời con cầu nguyện, việc làm của con, đều trong khuôn khổ cuộc “trao đổi song phương” ấy. Với con, ban đầu chất do lượng mà có; dần dà chất và lượng là một. Tấm vải thưa ấy, suốt cả đời con, hể có dịp là được con đem ra dùng, để che mắt Chúa. Người ta vỗ tay ca ngợi con là quảng đại, là bác ái, là vị tha. Cũng tấm vải thưa ấy ngày càng được con coi là bửu bối. Kyrie, eleison : xin mở con mắt đức tin của con.

Đường Tình Chúa Dẫn Con Đi 22
Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 22

Hình ảnh rất dịu dàng nầy và quen thuộc với người xưa hơn là với chúng ta, hình ảnh được Chúa Giêsu lấy lại trong Phúc Âm (Ga 10), cùng lúc gợi lên con đường sự sống với mọi hiểm nguy liên lĩ, những đoạn đường chật hẹp tối tăm nơi người ta có thể sợ đủ mọi thứ. Sự yếu đuối và sự bất lực vốn là của chúng ta được hình dung qua một con vật hiền lành nhát đảm và bị đe doạ; cuối cùng là sự an toàn do người chăn chiên bảo đảm, với trong tay một cây trượng để dẫn dắt mà không dùng bạo lực và một cây gậy để đẩy lùi địch thù, và người chăn chiên biết rõ nơi nào có những đồng cỏ non dồi dào và những nguồn suối trong lành. Người ta không còn có thể đọc Thánh Vịnh nầy mà không cho người Mục Tử Thần Linh Danh mà Người đã muốn lấy, để đi trước chúng ta hoặc không nhớ rằng người biết chúng ta và gọi mỗi người chúng ta bằng chính tên của mình (Ga 10,3). Sẽ đến một ngày chúng ta sẽ được quy tụ trong một chuồng chiên (Ga 10,16). Sẽ đến một ngày Đấng Chăn Chiên, vốn đã trở thành người khách tuyệt vời của chúng ta, sẽ cho chúng ta ăn từ chính bàn tay Người (Lc 12,37). Chúng ta sẽ ở trong nhà Người (Ga 14,2). Sẽ chẳng còn phải sợ hãi quân thù. Sẽ chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên (Kh 21,2 tt).

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.11.2009. 14:30