Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tưởng nhớ người quá cố

§ Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Khi tưởng nhớ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc khơi dậy nơi những người còn đang sống trên trần gian. Tâm tình này đạo đức và rất tình người. Tâm tình này cũng dẫn đưa chúng ta đến suy nghĩ về những khác biệt trong đời sống của mỗi người. Nhưng mọi người đều có điểm chung: ai cũng có ngày mở mắt chào đời từ trong bụng mẹ đi ra và ngày sau cùng của đời sống rồi được bọc trong cỗ quan tài chôn vùi dưới lòng đất mẹ.

Những người đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian về thế giới bên kia và những người còn đang sống vẫn luôn thuộc về nhau. Chúng ta và họ, tất cả đã cùng chung sống với nhau, đã cùng chia sẻ cuộc sống niềm tin, cuộc sống tình người với nhau. Họ đã ra đi. Nhưng họ vẫn hằng hiện diện trong trái tim tình yêu của chúng ta. Họ vẫn hằng sống động trong tâm tình biết ơn của chúng ta.

Mỗi khi cùng nhau dâng thánh lễ tưởng nhớ đến người qúa cố, là muốn nói lên: Không chỉ một mình tôi làm việc này. Nhưng tất cả mọi người trong thánh đường đang cùng dâng thánh lễ cũng tưởng nhớ đến thân nhân của họ đã qúa cố. Vì cuộc đời ai mà không có lần đau buồn chia lìa vĩnh biệt người thân của mình đã qua đời. Và trong thánh lễ tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô không chỉ chúng ta người còn đang sống mà cả những người đã qúa cố cùng quây quần bên bàn tiệc thánh lễ: Tôi tin các Thánh cùng thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen (Kinh tin kính).

Bánh thánh, Mình Máu Chúa Giêsu nối kết người còn sống và người đã qua đời lại với nhau trong niềm tin và tình yêu mến.

Với niềm tin và tâm tình yêu mến chúng ta hôm nay nơi nghĩa trang trước nấm mồ :

1. Tưởng nhớ đến Ông Bà, Cha Mẹ đã ra đi về cùng Thiên Chúa. Họ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, lo lắng dạy dỗ chúng ta nên người. Họ là những người đã không chỉ nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa, bằng cơm ăn áo mặc, lo lắng cho sức khỏe. Nhưng họ đã hy sinh suốt cả cuộc đời làm tròn nhiệm vụ là cha mẹ được Thiên Chúa giao phó, nuôi dạy hun đúc đời sống niềm tin tinh thần đạo đức chúng ta.

Tình yêu đó, công ơn đó xin muôn đời ghi nhớ và mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng con đều nhớ đến và mang dâng lên bàn thờ.

2. Tưởng nhớ đến những người thân yêu ruột thịt trong gia đình đã an giấc nghìn thu: họ là chồng hay vợ; là con cái, cháu chắt, anh chị em, cậu cô chú bác, cô dì. Với họ chúng ta đã cùng nhau trải qua những chặng đường đời sống vui buồn cay đắng ngọt bùi, đã cùng nhau sống những giờ phút thành công cũng như thất bại, hy vọng có lo âu sợ sệt cũng có. Một phần đời sống của ta từ nơi họ và một phần đời sống của họ cũng từ nơi ta.

Ân nghĩa, tình yêu và những kỷ niệm này luôn hằng khắc ghi trong tâm khảm ngươì còn đang sống và xin dâng lên bàn thánh hợp cùng hy lễ Chúa Giêsu trên thánh gía.

3. Xin tưởng nhớ đến các linh mục, những người được Thiên Chúa và Hội Thánh trao nhiệm vụ săn sóc việc tinh thần đạo đức cho các tín hữu trong các xứ đạo. Sau những năm tháng âm thầm hy sinh làm việc tông đồ, như mọi người, họ đã nghe tiếng Chúa gọi trở về đời sau.

Sự hy sinh và lòng quảng đại sống rao giảng, làm nhân chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa trong các xứ đạo của linh mục là ân đức của Chúa ban tặng cho con người. Người tín hữu Chúa Kitô vui mừng và cảm thấy an ủi vì có linh mục, vị hướng dẫn tinh thần, cùng đồng hành với trong cuộc sống niềm tin vào Thiên Chúa. Linh mục vui và cảm thấy được nâng đỡ vì có Thiên Chúa luôn ở cùng ông trong mọi hoàn cảnh và nhất là được cùng chung sống xây dựng phát triển đời sống niềm tin với mọi người tín hữu.

Các cha giờ đây nằm sâu trong lòng đất mẹ, nhưng những người tín hữu xưa kia đã cùng chung sống trải qua trong xứ đạo không quên ơn các cha. Nơi bàn thánh xưa kia các cha cùng dân Chúa dâng thánh lễ, ngày nay khi dâng thánh lễ họ cùng hợp với của lễ Chúa Giêsu nhớ đến cầu nguyện cho các cha.

4. Xin nhớ đến các Nữ Tu đã chọn đời sống thanh tịnh theo tiếng gọi của Chúa trong Hội Dòng, đã được Thiên Chúa gọi về đời sau. Xưa kia chị em đã nghe Tiếng Gọi của Chúa từ trời cao từ bỏ mọi sự có thể có và được phép hưởng dùng, chọn sống đời nhiệm nhặt, đời phục vụ cho ích chung của nước Chúa và con người. Đời sống từ bỏ hy sinh vác thánh giá và âm thầm cầu nguyện của chị em là nhân chứng sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa trần gian.

Xin dâng lên bàn thờ Chúa trong các thánh lễ cầu cho các chị em.

5. Xin nhớ đến các Bạn bè người quen thân, các Ân nhân ngày xưa đã cùng nhau trải qua những giờ phút vui buồn, những kỷ niệm êm đẹp, những giúp đỡ ủi an nhau. Giờ đây họ đã thành người thiên cổ.

Xin cám ơn lòng ưu ái tình người chúng ta đã trao cho nhau và xin dâng các Bạn lên bàn thờ Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống và ơn cứu chuộc của chúng ta.

6. Xin nhớ đến những nạn nhân đã qua đời vì thiên tai bão lụt, hạn hán, đói khát bệnh tật, chiến tranh, những người mồ côi bơ vơ không có ai nhớ đến. Họ cũng là con Chúa và niềm tin dạy chúng ta: họ cũng được Thiên Chúa cứu độ.

Nơi bàn tiệc thánh Chúa Giêsu họ có chỗ ngồi đồng hàng với tất cả mọi người.

7. Trước nấm mồ chúng ta muốn đọc lại sứ điệp của những người đã ra đi về đời sau nhắn gửi lại:

Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất. Nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Đấng sinh thành ra tôi.

Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này. Nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa cứu độ tôi và cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng xi-măng cát đá. Nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi. Vì ngài là Cha đời tôi và hằng yêu mến tôi.

Và tôi tâm niệm rằng:
Những gì ngày xưa tôi xây dựng làm ra, giờ này tôi phải bỏ lại tất cả.
Những gì ngày xưa tôi thu góp tích lũy để dành, giờ này tôi không mang đi được.
Nhưng những gì ngày xưa tôi cho đi, bây giờ tôi nhận trở lại.

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.10.2008. 01:55