Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tự do đáp lại lời mời gọi

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Chúa nhật 2 Thường Niên B

TỰ DO ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI

Có Đức Tin để tin vào Thiên Chúa là một hồng ân. Hồng ân ấy bắt đầu từ một tiếng gọi, mà người gọi biết chắc rằng khả năng con người đủ có thể nhận ra được. Tiếng gọi ấy mời con người không chỉ tiếp cận với Thiên Chúa vô hình, mà còn mời con người sống sự sống của Thiên Chúa - sự sống thuở ban đầu Ngài đã ban tặng cho con người, sự sống siêu nhiên. Từ tiếng gọi thần linh đến việc nghe và đáp lại làm thành một ơn gọi. Ơn gọi nào cũng rất tự do. Thiên Chúa, Đấng kêu gọi, biết rằng chính sự tự do làm cho ơn gọi mặc lấy một giá trị đặc biệt. Sự tự do ấy bao gồm việc Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta, và chúng ta dùng tự do để đáp lại tiếng Chúa.

Thiên Chúa vô hình

Thiên Chúa vô hình trong cựu ước, khi kêu gọi các tổ phụ, các tiên tri cộng tác với Ngài trong chương trình cứu rỗi nhân loại, Ngài cũng đã tôn trọng tự do của con người để việc cộng tác của con người không chỉ vì Đức Tin mà còn vì lòng kính mến. Các tổ phụ đã nêu cho chúng ta một tấm gương đáp lại lời mời gọi đức tin một cách tự do nhưng cũng rất quả cảm.

Khi Thiên Chúa vô hình gọi Samuel, cậu cứ tưởng là thầy cả Hêli gọi. Sau ba lần chạy đến với thầy cả Hêli vì nhầm tưởng, “Hêli biết Chúa đã gọi Samuel” nên đã hướng dẫn cậu đáp lại tiếng Chúa, vì tự do của cậu chưa trưởng thành. Câu chuyện của Samuel làm tôi nhớ đến hành trình đức tin của tôi. Khi tôi chưa bập bẹ được tiếng nào để thưa với Chúa những điều tôi muốn, thì Cha Mẹ đã thay lời; khi tôi chưa đủ tự do để đáp lại tiếng Chúa, thì cha mẹ tôi dùng tự do và trách nhiệm thật huyền nhiệm của bí tích hôn nhân mà đưa tôi đến với nguồn sống thiêng liêng, với ơn đức tin qua phép rửa tội. Và từ đó, tôi đã được lớn lên như cậu Samuel kia, luôn có Thiên Chúa ở cùng.

Thiên Chúa hữu hình

Và Thiên Chúa đã hữu hình qua Đức Giêsu Kitô: “Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày nầy, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con” (Dt 1,1) mà hôm nay, Thánh Gioan tiền hô giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa”: “Thấy Đức Kitô đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa. ” (Ga 1,36). Thánh Gioan không giới thiệu gì thêm, như lệ thường người ta vẫn giới thiệu các ông lớn, hay người nổi tiếng. Nhưng từ “Chiên Thiên Chúa” đã đánh động hai môn đệ của mình là Anrê và Simon. Hình ảnh “con chiên”, con vật chịu sát tế, quá thân thuộc với hai ông. Chiên Thiên Chúa đồng nghĩa với việc “Con Thiên Chúa chịu sát tế”, ý tưởng ấy để lại trong các ông một sự ngưỡng mộ lạ lùng và hai ông đã theo Chúa: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu”” (Ga 1,37).

Nhưng, để xác nhận sự tự do của hai môn đệ ông Gioan, Chúa Giêsu hỏi các ông: “ Các ông tìm gì thế?” Câu hỏi yêu cầu họ phải nói lên cái ý hướng ngay lành, khát khao nồng cháy của họ khi đến với Chúa Giêsu, vì Ngài không chấp nhận việc đi theo Ngài do bởi một xu hướng nhất thời, mặc dầu, Chúa vẫn biết lòng các ông đơn sơ lắm, ý hướng chủ quan của các ông cũng đơn sơ lắm. Vì thế Ngài đã hướng dẫn họ “Hãy đến mà xem” khi họ trả lời có vẻ chưa thông suốt “ Lạy Thầy, Thầy ở đâu”.

Đáp lời mời của Chúa Giêsu, họ đã đến xem chỗ người ở và ở lại với Người. Thánh Gioan không mô tả “chỗ người ở” như thế nào, nhưng chắc chắn, chỗ ấy không phải chỉ là một không gian cụ thể giản dị của con Thiên Chúa làm người, mà chỗ ấy còn là một huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa nơi Người Con, mới có thể có một sức hấp dẫn lạ kỳ đến nỗi hai ông đã “ở lại với Người”. Bút pháp huyền bí của Thánh Gioan luôn dẫn chúng ta vào những huyền nhiệm của Thiên Chúa. Một cách nào đó, qua việc tự nguyện tìm kiếm Thiên Chúa, trong đó có việc tìm cho thấy tận mắt, tìm cho hiểu nguồn ngọn tận tường, Chúa Giêsu đã tác động trực tiếp lên lòng chân thành của con người, để con người được mãn nguyện.

Họ đã ở lại với Chúa Giêsu. Họ được mãn nguyện. Và chính Chúa Giêsu cũng mãn nguyện. Cách nói “ở lại, ở với, ở trong, ở giữa” mà thánh Gioan dùng nhiều trong phúc âm của Ngài luôn mang nghĩa “sống sự sống của Thiên Chúa”.

Như vậy, khi đáp lại tiếng Chúa kêu mời để với Đức Giêsu một cách tự do, con người không chỉ được Lời Chúa hướng dẫn cho sự tự do ấy trưởng thành, mà còn được kết hiệp với chính Chúa Giêsu trong sự sống của Thiên Chúa.

Thiên Chúa hữu hình qua các chứng nhân

Để từ đó, người sống với sự sống của Thiên Chúa sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho một Thiên Chúa vô hình trở thành hữu hình ngay trong lòng nhân loại. Thiên Chúa bỗng trở nên rất gần gũi với chúng ta, vì Ngài đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Sứ điệp của Thiên Chúa được chuyển giao cho chính Con Một mình, và người con chí ái ấy, đã chuyển giao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta đang sống chính sự sống của Người.

Sự sống ấy, chắc chắn phải là sự sống tuyệt vời lắm, mới thôi thúc hai môn đệ Anre và Simon đi gặp anh em mình ngay và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô)”.

Xác nhận việc đã gặp được Chúa, đang sống trong Chúa, và mời gọi mọi người đến với Chúa là công việc của mỗi Kitô hữu. Lòng nhiệt thành giới thiệu Chúa cho người khác phải được bắt đầu từ việc cảm nếm sâu xa niềm vui sống với Thiên Chúa, và ước muốn chia sẻ niềm vui sống ấy cho mọi người. Lòng nhiệt thành ấy đi đôi với sự tự do siêu nhiên của lòng yêu mến Chúa, và không thể song hành với một áp lực tiềm ẩn trong lòng tham danh tham lợi cho cá nhân mình.

Một giáo lý viên chia sẻ với tôi trường hợp của em Duy: Em Duy là học sinh giáo lý của cô, rất ngoan ngoãn, dễ thương, nhưng ít thuộc bài. Cô đã nhiều lần nhắc bảo, nhưng vẫn vậy. Cô phải đến tận nhà tìm hiểu, thì ra, bà nội của em không có đạo, và không cho em học bài giáo lý trong nhà. Cô tỏ ra nhiệt tình với em hơn, bằng cách, xin mẹ em cho Duy đến nhà cô để học. Và kết quả là em đã học giáo lý tốt hơn, được xưng tội rước lễ. Em rất mừng.

Tôi rất thán phục một giáo lý viên không chỉ dạy ở lớp, mà còn thể hiện đời sống giáo lý ngay trong cuộc sống. (xin xem bài thơ “Tâm sự Giáo lý viên”, Đồng xanh thơ 17, thơ Tuyết Mai Texas, dunglac.org)

Cũng vậy, mỗi chúng ta, khi đã sống trong niềm vui sống với Thiên Chúa, thì sự sống ấy ắt nhiên sẽ trào tràn ra thành lời, thành việc, thành những chứng nhân cho một Thiên Chúa hữu hình đang ở với chúng ta, đang ở với nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, chỗ Chúa ở là chỗ của tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa. Xin cho chúng con tìm đến và ở lại trong tình yêu, trong hạnh phúc tuyệt vời ấy để chúng con được sống sự sống của Thiên Chúa. Và khi có sự sống của Thiên Chúa trong chúng con, xin cho chúng con nhiệt tình chia sẻ sự sống ấy cho mọi người.

Pm. Cao Huy Hoàng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.01.2009. 08:51