Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tự do chọn lựa: bỏ Thầy hay không bỏ Thầy!

§ Lm Anmai, DCCT

Chúa Nhật 21 TN B
Gs 24, 1-2.15-17.18; Ep 5, 1-3; Ga 6, 54a.60-69

Từ thuở ban sơ, sau khi tạo dựng ra con người, Thiên Chúa hoàn toàn để con người tự do lựa chọn. Thiên Chúa không hề ép uổng con người. Ông bà nguyên tổ, được Thiên Chúa cho hưởng tất cả mọi sự tốt lành trong vườn địa đàng đấy và Thiên Chúa không cấm gì cả. Có chăng Thiên Chúa mở ngoặc đơn để dặn thêm hai ông bà đôi điều bên lề sự tự do mà Thiên Chúa đã trao cho hai ông bà. Thiên Chúa nói nhỏ thôi, Thiên Chúa đã nói với hai ông bà là đừng đụng vài cái trái của cây cấm đặt ở giữa vườn vì lẽ nếu ăn vào thì sẽ biết điều lành và biết điều dữ. Chắc cũng được ít ngày sống trong cái bầu khí vui vẻ vì tùng phục Thiên Chúa, nhưng ít ngày sau Ađam cùng Evà đã phạm cái điều mà Thiên Chúa đã bỏ nhỏ đấy. Hai ông bà đã lạm dụng sự tự do mà Thiên Chúa trao ban, hai ông bà đã đi quá cái tự do ấy và đã đẩy Thiên Chúa ra khỏi đời mình để rồi gánh lấy hậu quả nghiệt ngã.

Kinh nghiệm của hai ông bà ít nhiều để lại cho con cháu những bài học hết sức quý giá.

Trở về với bài đọc thứ nhất trong sách Giôsuê mà chúng ta vừa nghe.

Sau khi Môsê qua đời, Thiên Chúa mời gọi Giôsuê dẫn đưa dân Chúa vào đất hứa. Cũng giống trường hợp Ađam-Eva xưa, Thiên Chúa cũng mở ngoặc đơn để mà nói với Giôsuê và dân riêng của Ngài : “Từ sa mạc và dãy Li-băng kia cho đến Sông Cả, nghĩa là sông Êu-phơ-rát, -tất cả xứ người Khết-, và cho đến Biển Lớn, phía mặt trời lặn: đó sẽ là lãnh thổ của các ngươi. Mọi ngày đời ngươi, không ai sẽ đứng vững được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Mô-sê; Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi”. (Gs 1, 4.5). Và trong thời gian Giôsuê thay thế vai trò của Môsê thì Thiên Chúa đã đến và ở lại trên dân, dẫn dắt dân đi từ thành công này đến thành công nọ, trong đó cũng có đôi lần thất bại. Thế nhưng, dân thấy sự hiện diện cũng như tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho mình cách đặc biệt để rồi dân khẳng khái và chọn lựa đi theo Chúa như trang sách mà chúng ta vừa nghe.

Muốn hỏi lại lập trường của dân như thế nào về Thiên Chúa thì dân chúng đã trả lời hết sức mạnh mẽ và xác tín với Giôsuê "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi." (Gs 24, 16-19)

Không chỉ thế, dân còn mạnh miệng để thưa : cam đoan với Thiên Chúa và Dân còn nói với ông Giô-suê: "Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe lời Người." (Gs 24, 24).

Thế nhưng, đáng tiếc thay, nếu như chúng ta đọc tiếp hành trình lịch sử cứu độ của dân Do Thái chúng ta sẽ thấy thật ê chề. Họ vâng lời, họ tuyên xưng, họ cam đoan ấy nhưng chắc gì họ đã thật lòng ? Lòng dạ của họ vẫn thay đổi liên tục khi Thiên Chúa thử thách họ. Không chỉ một lần mà nhiều lần như thế trong cuộc đời. Họ cứ luẩn quẩn trong cái tôi cũng như lòng kém tin của họ để họ đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Họ hoàn toàn tự do trước lời mời của Thiên Chúa.

Và, ai cũng vậy, đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa đều được tự do : hoặc là tin Chúa, hoặc là bỏ Chúa.

Trang Tin mừng hôm nay, một lần nữa mời chúng ta xem lại lời mời gọi của Chúa và lời đáp trả của con người. Sau khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng Chúa là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống thì họ cảm thấy chói tai. Ban đầu thì họ còn xầm xì nhưng đến lúc cao độ, họ không còn xầm xì và trở nên nóng giận đến mức tranh cãi.

Hôm nay thì bi đát đã đến với Chúa Giêsu một cách rõ ràng. Không chỉ những người Do Thái vì kém tin vì không tin đã bỏ Chúa nhưng nhiềm môn đệ đã bỏ Chúa mà đi như Thánh Gioan vừa thuật lại cho chúng ta. Chúa Giêsu cũng thế, cũng để con người hoàn toàn tự do đáp trả lời mời gọi tin vào Chúa nên hôm nay Chúa hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? ". Hỏi một lần để biết lòng dạ các môn đệ chứ để bụng làm chi ?

Phêrô, có lẽ là đại diện cho nhóm Mười Hai vì ông là anh Cả đã khẳng khái thưa Thầy "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (Ga 6, 68.69).

Lời trả lời hôm nay của Phêrô thật sự chỉ mang tính tức thời, ngay lúc đó thôi vì lẽ sau đó, nếu chúng ta đọc tiếp tương quan thầy - trò, lòng tin của trò vào thầy chúng ta cũng thấy thật bi đát vì lẽ Phêrô cũng nhiều lần nhiều lúc muốn bỏ quách Chúa đi cho rồi. Theo Chúa mà chẳng thấy chút gì lợi lộc cả mà toàn gặp chuyện “xui”. Ít là làm Chúa gì đâu mà chẳng ra oai uy quyền gì cả khi lâm nạn ở trong cái vườn Giêtsêmani. Rồi sau đó còn bị bắt, còn bị đánh đập và bị giết nữa. Phêrô cũng là một con người, cũng chán nản khi Thầy mình không làm phép lạ, không ra tay uy quyền. Thế nhưng, sau khi Chúa Giêsu chết, phục sinh và hiện ra với mình, Phêrô đã thay đổi cuộc đời để rồi những ngày còn lại của cuộc đời, ông đã cam đoan theo Thầy của mình cho đến giây phút cuối của cuộc đời.

Vì sao Phêrô đã theo Thầy và thậm chí chết như Thầy ? Vì lẽ Phêrô đã yêu Chúa, đã thương Chúa. Bằng chứng, sau khi phục sinh Chúa hỏi Phêrô và Ngài đã đáp lại không chỉ một mà đến ba lần : “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Điều quan trọng là Phêrô đã nhận ra Chúa yêu Phêrô và Phêrô yêu Chúa, đơn giản thế thôi.

Cuộc đời của kitô hữu chúng ta cũng vậy thôi, cũng như dân Do Thái ngày xưa, cũng như Phêrô ngày xưa là đáp trả lại tiếng Chúa, lời mời của Chúa.

Không chỉ Phêrô nhưng những ai cảm nhận Chúa yêu mình thì mình sẽ yêu Chúa và mình sẽ có lối sống khác thôi. Như Phaolô vậy, Phaolô cảm nhận được Chúa yêu mình và Phaolô đã đáp lại tình yêu ấy. Ngài cảm nhận và Ngài khuyên cộng đoàn Êphêsô như chúng ta vừa nghe : “Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh” (Ep 5, 1-3).

Thật vậy, nếu chúng ta cảm nhận Thiên Chúa yêu thương chúng ta thì chúng ta có thái độ sống khác với người không cảm nhận. Và có thể chúng ta cảm nhận được đấy nhưng lòng chúng ta cứ trơ ra như đá để chối từ tình thương của Thiên Chúa.

Ngày mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn mời gọi lời đáp trả của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa vẫn để ta tự do đáp trả chứ Ngài không hề ép buộc. Chuyện tiếp tục theo Chúa hay bỏ Chúa là quyền tự do, là quyết định của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa biết nhu cầu của con cái mình và Ngài ban cho những ơn cần thiết cho từng người nhưng chuyện quan trọng là con người có nhận ra hay không để đáp trả lại.

Chuyện nhận ra và chuyện đáp trả không đơn giản. Chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài giúp chúng ta nhận ra tình thương Thiên Chúa để chúng ta đáp trả lại tình thương ấy.

Xin Thánh Phêrô chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta có một lòng yêu mến Chúa thật sự và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn để chúng ta cũng thưa với Chúa nếu như Chúa hỏi chúng ta như Ngài đã thưa với Chúa : Bỏ Thầy con biết theo ai ?

Lm Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.08.2009. 10:06