Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng (Năm C) Lc 3,1-6

Nếu chỉ xét về lợi ích, thì Biển Chết chỉ có muối va muối khoáng. Độ mặn của nước Biển Chết không thể dùng làm nước uống và không có bất cứ sinh vật gì có thể sinh sống được, thậm chí những người có ý định quyên sinh cũng chẳng thể nào kết liễu đời mình, do bị tỷ trọng nước đẩy lên, không thể chìm được. Biển Chết là một trong tám cảnh thiên nhiên đẹp nhất của Israel. Biển ấy đang chết. Biển Chết đang chết vì không được tiếp thêm nước. Trong khi mực nước các đại dương và biển khơi đang dâng,do sự tan băng, đe doạ nhấn chìm nhiều vùng đất và hải đảo trên thế giớ, thì Biển Chết chịu tác động biến đổi khí hậu, sự ấm lên của trái đất và đang bốc hơi cạn khô dần. Các nhà khoa học ước tính nếu không được xem xét cải tạo, thì năm 2050, Biển Chết với diện tích ngày nay chỉ còn hơn 1.300 cây số vuông (67 km x 18 km), sẽ vĩnh viễn chỉ còn là một di tích lịch sử. Cái gọi là ‘đức tin’ nơi người Công giáo có được khi chịu phép rửa, cũng sẽ chóng khô cạn như dầu đèn của năm cô trinh nữ khờ dại, khi không mang dầu theo, khi không được nạo vét, tu sửa, tiếp nước.

Hồ Hoàn Kiếm với những “cụ” rùa hàng trăm năm tuổi sẽ biến thành một đầm lầy do bao thứ rác rến, đất đai trôi xuống đọng lại từ bao đời, nếu như không nhờ cái dịp “ngàn năm thăng Long” mà thuê một công ty Đức đến nạo vét. Nhiều người ngỡ ngàng khi biết nước trong hồ Hoàn Kiêm nơi sâu nhất cũng chỉ hơn một thước! Thay vì giữ gìn tôn tạo, người Hà Nội ‘thanh lịch’ vứt rác bừa bãi vô tư, như đã từng vô tư vặt trụi những cành anh đào từ Nhật Bản đưa qua triển lãm hoặc lén lút đốn hạ những hàng sứa lâu năm giữa lòng thủ đô. Cảnh mạnh ai nầy sống, chụp giựt, ích kỷ nay đã thành nếp. Người Sàigòn cũng chẳng hơn chi : những kênh rạch nước tù đọng, đen ngòm, hôi thối là hậu quả của nếp sống tắc trách của một số người. Đường phố Sàigòn vốn chật hẹp, ngày càng không chịu nỗi lượng xe hơi, xe máy tăng cấp số nhân, trong khi đường sá hầu như không tăng, cầu cống ngày càng yếu kém, hư hao. Kế hoạch đường thông hè thoáng sớm thất bại. Nói đến Sàigòn là nói đến nạn kẹt xe, bụi khói và tiếng ồn. Thói quen xấu - kể cả tật ăn nhậu, hút sách, nghiệp ngập - đều có một lần đầu, cơn cám dỗ đầu tiên – mà nếu ta coi thường, không kháng cự lại quyết liệt, không chỉnh đốn tâm hồn, thì sẽ thành ‘tật’ khó hoặc không thể sửa chữa, thành ‘cơn cám dỗ cuối cùng’.

Một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp nước ngoài ngại đầu tư vào Việt-Nam, ấy là sự yếu kém về giao thông, mà nói theo cách nhà nước, là ‘vừa thiếu lại vừa yếu’. Những tuần nầy, giới xe tải vò đầu bứt tai vì con đường huyết mạch quốc lộ 1 A không còn thông thương nữa, do cây cầu Bà Rén (Quảng Nam) xây trước năm 1975, hết chịu nỗi mỗi ngày gần bảy ngàn lượt xe qua lại, trong đó hơn hai phần là những xe ghi tải trọng 10 - 15 tấn, kỳ thực chở 20 - 30 tấn, chưa kể những xe container và những xe chất các kiện hàng siêu trường siêu trọng. Không oằn, không gãy mới là chuyện lạ. Ngành giao thông buộc các xe phải đi vòng theo lộ trình mới, do vậy đã làm dội chi phí lên rất nhiều. Người ta biết rõ điều nầy từ lâu, nhưng kế hoạch nâng cấp, sửa chữa đều dừng lại trên giấy tờ, cứ tiếp tục khai thác cho đến ngày rệu rã, hết phương cứu chữa, mới quay đầu nhìn lại. Rất nhiều những công trình giao thông tốn kém hàng ngàn tỷ, có khi chưa khánh thành đã vội xuống cấp, vì thói làm ăn gian dối. Khắp nơi thấy cảnh mặt đường bị cày xới, vá víu, ổ gà,ổ voi và vô số đoạn lún sụp gây ách tắc. Người dân đi lại chỉ biết lầm bầm than thở bất mạn. Chúa ban cho chúng ta Lời và các Bí Tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Bí tích Thống Hối, để chúng ta luôn có đầy dư sức mạnh chống trả và chiến thắng cám dỗ, và nếu do sơ sẫy mà thua cuộc, sa ngã, thì Chúa luôn giang rộng đôi tay đón chúng ta thống hối trở về.

Luận về những yếu tố đã giúp Miền Bắc cộng sản chiến thắng, thì hàng đầu phải kể đến đường mòn Trường Sơn, hình thành qua bao gian khó không nói hết được, mặc cho quân đội Hoa Kỳ rải xuống vô số đạn bom sát thương biết bao bộ đội và công trình đã và đang làm. Giống như bầy kiến,vừa ngưng tiếng bom, lại uà ra tiếp tục đào đắp, tu sửa, không bao giờ ngưng nghỉ. Miền Nam và người Mỹ thua, vì không có được sự cần mẫn, kiên trì, ’tiếng hàt át tiếng bom’ ấy. Hãy để lịch sử phê phán những chuyện lịch sử; với chúng ta đó lại là một bài học đắt giá : khi người ta ăn sung mặc sướng rồi, khi đã hưởng thụ đam mê tiền bạc và lắm thú vui, khi đã có chức cao quyền trọng, con người ngại hy sinh và cũng không ‘dại’ gì hy sinh vô nghĩa, trong khi các quan chức tham ô, ăn chơi, không hề có chút lòng yêu nước thương dân, dù miệng vẫn lải nhải do dân, vì dân! Nhưng Trường Sơn vẫn là một bài học đáng cho chúng ta suy nghĩ noi theo, đặc biệt như tin thần Tin Mừng hôm nay với lời kêu gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả : hãy dọn đường và sửa sang mọi lối đi để đón Đấng Messia đến! Đây không phải là một công việc làm lấy lệ hằng năm khi Mùa Vọng về (hay là tâm tình thống hối Mùa Chay), mà là việc ‘thanh kiểm tra’ hằng ngày, soi tận đáy lòng, và sửa sang ngay những chỗ u tối, hư hỏng, tội lỗi.

Vì thế sẽ không sai khi nói rằng cuộc sống nhân chứng và truyền giáo của tín hữu Công giáo là một công trường ngành giao thông công chánh : liên tục làm đường, bắc cầu, sửa sang đường sá, làm cho đường thông hè thoáng. Tóm lại, làm tín hữu là làm công nhân cầu đường Nước Trời (công chánh), sao để không chỉ đón Chúa đến, mà để tha nhân đến được với Chúa và với chúng ta. Còn hơn thế nữa, để chúng ta có thể vào và ở trong chính ngôi nhà mình, vì nếu chính đường vào nhà mình bị gai góc bịt kín, sụp lún, trơn trượt, thì làm sao giúp anh em dọn đường lòng nhà họ và làm sao có thể nhân danh Chúa mà mời họ vào nhà mình? Và cũng có thể nói “ông bộ trưởng giao thông công chính Gioan Tẩy Giả” được Chúa giao cho sứ mệnh dọn một con đường dẫn từ Cựu Ước sang Tân Ước. Những lời giảng dạy và những lời chỉ trích nghiêm khắc của Ngài đối với đù thành phần đạo đời thời bấy giờ, cũng như lời cảnh cáo Hêrôđê và nhất là cái chết của Ngài, cho thấy công việc dọn đường không thể nặng hình thức hoặc đơn giản và tùy hứng, như chúng ta vẫn nghĩ và vẫn làm! Trước khi muốn thực hiện công trình ‘giao thông công chánh’ ấy, Thánh Gioan Tẩy Giả đã ăn châu chấu với mật ong rừng, những thực phẩm đạm bạc, không do tay người đời làm ra, để giữ cho tâm hồn, thể xác thanh khiết ,và có sức mạnh của Chúa . Giao Ước Mới – Chúa Kitô - đến và cũng sẽ đi theo con đường mà Gioan Tẩy Giả giới thiệu: con đường khổ nạn! Không thể khác được! Nhưng đã cò một thời Giáo Hội (và ngày nay vẫn còn vô số Kitô hữu, từ linh mục,tu sĩ tới giáo dân) ưa thích những xa lộ thênh thang, mà lại do người khác xây dựng cho mình : danh lợi, vật chất, quyền uy, tiện nghi,…những thứ không hề có trong tinh thần Tin Mừng, trong lời Chúa Giêsu kêu gọi đi theo Người và hôm nay, trong lời kêu gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả.

Nhưng xem ra không chỉ lời của Gioan Tẩy Giả, mà cả lời của Giáo Hội, Lời của Chúa Kitô, chẳng khác nào viên đá nhỏ ném vào đại dương, như “tiếng kêu trong sa mạc”: có lời vọng lại, nhưng không người hưởng ứng! Lời nói gió bay! Nước đổ lá môn!

Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây! Không dễ gì có đường HCM ngày nay, nếu đã không có cả biển nước mắt, mô hôi và máu chảy suốt dãy Trường Sơn. Kitô hữu chúng ta suy nghĩ thế nào về con đường Nước Trời, con đường để Chúa đến trong thế gian và sẽ lại đến trong vinh quang, khi mà chúng ta đùn đẩy trách nhiệm, khước từ hy sinh, cân nhắc từng chút hơn thua? Những bộ đội, thanh niên xung phong đã thi nhau ùn ùn ra tiền tuyến, bị ném vào dãy Trường Sơn không hẹn ngày về, với lòng yêu nước và tinh thần quả cảm rất chân thành (bất kể là đang bị lạm dụng), còn người Công giáo thì một đoạn đường tới nhà thờ, bớt đi một giờ ngủ, bớt đi một nắm gạo mỗi ngày chia sẻ cho anh em nghèo đói nạn nhân thiên tại, mà vẫn không muốn làm. Thử hỏi làm sao để có, dù chỉ là một lối mòn nhỏ, cho Chúa bước đến với mình và với anh em?

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 26

Nhìn thấy Chúa! Đó là tiếng kêu sâu thẳm của mọi thánh vịnh. Tất cả những lời cầu nguyện nầy vốn đến từ Thiên Chúa, tím cách làm chúng ta quay lại và dẫn chúng ta về lại với Chúa. Tất cả chúng biểu lộ, trong tậm sâu thẳm, chúng cần đến Chúa và thỉnh thoảng một cách dứt khoát rõ ràng hơn và táo bạo hơn, là sự ao ước mãnh liệt được nhìn thấy Chúa. Nhìn thấy Chúa, có nghĩa là ở trong Người. Nhìn thấy Chúa, còn là được bao phủ trong ánh sáng toả ra làm dịu lòng từ thánh nhan Người, cảm nhận nơi chính mình sức mạnh làm an lòng từ ánh mắt của Người, khiến kẻ thủ của Người và kẻ nghịch thù cùng nó phải kinh hoàng, nhưng với những ai yêu mến Người, thì ánh mắt ấy dịu dàng biết bao. Ít có những thánh vịnh diễn tả mạnh mẽ hơn sự bảo đảm nầy, mà người ta tìm thấy được lập lại hết sức mạnh mẽ trong chương 8 thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma: “Nếu Thiên Chúa ở với ta, thì còn ai dám chống lại ta? ..Ai tách ta ra khỏi lòng mến Chúa Kitô?” (Rm 8, 31.35). Ít có những thánh vịnh nào nói hay hơn, bằng những lời đơn sơ hơn và dịu dàng hơn, khát vọng ‘nhìn thấy Chúa’, vốn với chúng ta còn hơn cả một hy vọng mơ hồ hoặc một lời cầu xin : một sự chắc chắn, nếu như chúng ta còn muốn cầu nguyện và giữ niềm cậy trông, sự chắc chắn ơn gọi của chúng ta (x. I Ga 3,2).

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.12.2009. 10:53