Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trở nên sứ giả về lòng rộng lượng và ước muốn hoà giải của Thiên Chúa

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 4 Mùa Chay C
Gs 5: 9a, 10-12; 2 Cr 5: 17-21;Lc 15: 1-3, 11-32

Nơi vùng lân cận Brooklyn, tức sinh quán của tôi, thân phụ mẫu tôi đã cấm tôi chơi môn “bi-da lỗ” tại những quán bi-da trong vùng. “Bi-da lỗ” là tên gọi cũ trước khi nó được lăng-xê thành môn chơi cho người sành điệu và được cải tên thành “bi-da nghệ thuật.” Thân phụ tôi đã cắt nghĩa cho tôi, “Con không nên lang thang lêu lổng với đám trẻ trong quán Bi-da, mang tai mang tiếng lắm. Con nên nhớ, gần mực thì đen gần đèn thì sáng.” Vốn tính lòng lành, Thân phụ tôi đã cho tôi lời khuyên tốt lành ấy làm vốn sống.

Không biết Thánh Giu-se có từng khuyên Đức Giê-su như thế này không: “Con coi chừng đám dân chúng mà con đang lân la với họ, con không muốn mang tiếng xấu chứ?” Chẳng có chỗ nào trong Tin Mừng thuật lại cho chúng ta việc Thánh Giu-se hay Đức Mẹ khuyên bảo Đức Giê-su như vậy. Thánh Giu-se và Đức Mẹ được mô tả như những người mộ đạo, nghĩa là những người vẫn đều đặn lên Giê-ru-sa-lem vào những ngày lễ thánh, nên có lẽ các ngài cũng đã dạy dỗ con mình kỹ lưỡng và chắc hẳn các ngài cũng đã khuyên bảo Đức Giê-su về chuyện nên kết bạn với ai. Nhưng giả như các ngài có làm như vậy, thì khi thành niên, ra như Đức Giê-su vẫn có những quyết định của chính Người. Điều đó, hẳn đã rõ ngay từ dòng đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, “Tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.” Chẳng có ai còn nói rằng, Người đã xua họ đi để bảo vệ thanh danh của Người, giữa đám dân chúng ái mộ Người, đặc biệt là các lãnh đạo tôn giáo. “Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư liền xầm xì…”

Họ đã nhiều lần than phiền trong suốt quãng thời gian Đức Giê-su thi hành sứ vụ, vì đây không phải là lần duy nhất Người giao thiệp với những người bị loại trừ và mang tiếng xấu. Việc Đức Giê-su thậm chí còn dùng bữa với những người tội lỗi đã làm cho tình hình xấu hơn và đã thực sự hạ thấp thanh danh của Người trong mắt những người nhiệt thành giữ đạo. Chẳng phải là Người đã ít nhiều có được sự kính trọng nhờ vào tình cảm của những người đồng đạo đó sao? Tôi tự hỏi, chẳng biết có bao nhiêu người ngoan đạo đã cố gắng kéo Người ra một chỗ, rồi khuyên Người “rũ bỏ các việc ấy đi”! và đừng dây mình vào những kẻ lắm tai tiếng ấy!

Thực vậy, có vẻ như Đức Giê-su đã “xé rào” để liên đới với các tội nhân. Chắc hẳn có rất nhiều “người công chính” đã muốn góp ý về chuyện ấy! Sự bất bình của họ trải dài trong suốt các Tin Mừng. Đức Giê-su vẫn thường sử dụng các dụ ngôn để trả lời cho những lời chất vấn về các giáo huấn của Người, đặc biệt trong khi đối đáp với những ai chỉ trích Người. Cũng như chúng ta được chứng kiến trong ngày hôm nay, các giới chức trong đạo đã nghĩ mình hiểu biết về Thiên Chúa và ý định của Người hơn cả chính Thiên Chúa nữa! Hôm nay, câu trả lời của Đức Giê-su về lời chỉ trích mang hình thái dụ ngôn Người Cha Độ Lượng (Đứa Con Hoang Đàng).

Gần đây, tôi cùng với một nhóm giáo dân ngẫm nghĩ lại dụ ngôn này. Số giáo dân hiện diện khoảng 30 người và nhiều bậc cha mẹ đã không bằng lòng về dụ ngôn này. Họ nghĩ đó là một mẫu gương xấu trong việc nuôi dạy con cái và người cha đó sao mà ngờ nghệch đến độ giao tài sản của mình vào tay các con. Một số người đã đề nghị, nếu đó là việc chẳng đặng đừng, thì ông chỉ nên trao tài sản ấy cho đứa con có trách nhiệm kia. Ít ra, anh ta vẫn là người siêng năng cần cù và không muốn lãng phí gia sản trong kiểu sống phóng đãng. Có một bà đã nghĩ rằng, người cha nên tham khảo ý kiến vợ ông, “bà ấy sẽ là người khôn ngoan hơn ông chồng ngớ ngẩn này!” Dĩ nhiên họ có quyền nghĩ như vậy. Có nhiều cách thức tốt hơn để nuôi dạy con cái. Chắc hẳn người cha không nên trao một phần gia sản của gia đình cho đứa con vô trách nhiệm như người con thứ.

Tuy nhiên, một dụ ngôn không phải là một bài giảng luân lý và dụ ngôn này không phải là dụ ngôn mà Đức Giê-su ra công dạy dỗ các bậc cha mẹ cách thức phải nuôi dạy con cái thế nào. Mặc dù đây là dụ ngôn về người cha và những đứa con, thế nhưng Người Cha ấy lại hết sức đặc biệt.

Chúng ta hãy đọc dụ ngôn của bài tin mừng hôm nay trong ý hướng của Thư Thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Chúng ta phải nắm bắt được sự hồ hởi trong sứ điệp của Thánh Phao-lô, “phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” Có lẽ Thánh Phao-lô cũng chỉ lập lại dụ ngôn hôm nay một cách rõ ràng hơn, để rồi qua kiểu nói của ngài, ngài cũng cho biết Thiên Chúa là Người Cha Độ Lượng, là Đấng đã làm cho những ai bị tội lỗi làm cho trở nên thù nghịch và kém cỏi, nay trở thành thọ tạo mới. Cũng như người con thứ, chúng ta rời xa Thiên Chúa và muốn sống buông thả theo cách của chúng ta. Kết cục sẽ là tai ương bất hạnh cho chính bản thân chúng ta và những người xung quanh. Cũng như khi Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và giống như Người ở thuở ban đầu, thì giờ đây, Thiên Chúa sẽ tái tạo chúng ta thành con người mới, theo hình ảnh và giống như Đức Ki-tô.

Thánh Phao-lô nói chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, tương quan của chúng ta với Người được khôi phục, không phải do công kia việc nọ chúng ta làm, nhưng là nhờ sáng kiến của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô. Không chỉ có cái chết hy hiến của Đức Giê-su, mà cả đời sống hy hiến của Người đã hoàn trọn sự giao hòa của chúng ta với Chúa. Suốt hành trình tại thế, Người đã trao ban chính mình cho chúng ta trong tình yêu. Đây là hành động của Thiên Chúa, nếu chúng ta đón nhận trong niềm tín thác, chúng ta sẽ được giao hòa với Người.

Đức Giê-su vẫn là hiện thân khả thị khả giác của lòng trắc ẩn và khoan dung tha thứ của Thiên Chúa. Các giới chức tôn giáo đã cảm thấy khó chịu về Người. Coi bộ Người giao hảo với Thiên Chúa quá dễ dàng. Họ cho điều này là bất xứng, vì Thiên Chúa là Đấng hết sức cao vời đối với con người. Họ đã phàn nàn, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Những lần phản kháng và chống đối của họ là cớ để Đức Giê-su kể dụ ngôn này; phong thái tường thuật về dụ ngôn mà Người thực hiện cũng là cách cư xử của Người, bởi lẽ nó cho thấy Thiên Chúa hành động như thế nào. Thiên Chúa là Đấng rất mực yêu thương chúng ta! Người là Cha giàu lòng thương xót hằng mở lòng đón tiếp chúng ta!

Mùa Chay, chúng ta xin Chúa thứ lỗi cho chúng ta. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng rơi vào trường hợp như người con thứ, rời bỏ mái nhà của mình, lang thang phiêu bạt, rồi quyết định trở về và được cha hào sảng chào đón trong vòng tay yêu thương. Tuy vậy, ngoài trường hợp là những người tội lỗi biết hoán cải, chúng ta còn là những người thế nào nữa đây? Chúng ta là những người đi đạo hằng cố gắng tín trung với Thiên Chúa và đường lối của Người. Bằng nhiều cách, chúng ta vẫn giữ được điều ấy. Để rồi, chẳng phải là chúng ta lại xem mình như người con đã ở lại nhà, tức là người siêng năng và biết quán xuyến? Dụ ngôn này cũng không chừa chúng ta ra, nếu chúng ta xét đoán một ai đó không xứng đáng với lòng nhân từ của Thiên Chúa; hoặc là việc làm của họ không đủ để đón hưởng lòng khoan dung của Người. Chuyện cứ như thể lòng nhân từ của Thiên Chúa chỉ có một số lượng giới hạn nằm rải rác đó đây, và nếu ai đó ít xứng đáng hơn chúng ta đoạt lấy được, thì sẽ làm cho lòng nhân từ của Chúa dành cho chúng ta vơi đi. Điều đó ra như không công bằng đối với những mẫu người hăng hái chỉn chu như chúng ta, tức những người được xếp vào hạng không chỉ cùng với người con cả ưa phẫn nộ, mà còn với cả các Pha-ri-sêu và kinh sư hay xầm xì.

Hầu hết chúng ta được những bậc cha mẹ cần lao nuôi dạy và các ngài đã dạy bảo chúng ta cũng lao động cần cù như vậy. Những lời khuyên răn của các vị đã giúp chúng trở nên người tốt khi chúng ta một lòng trung thành cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên các dụ ngôn không màng đến “thứ đạo đức lao động” của chúng ta, mà có ý ám chỉ “đạo đức lao động” của Thiên Chúa. Các dụ ngôn mời chúng ta bước vào một thế giới hoàn toàn khác, là nơi mà đường lối của Thiên Chúa điều khiển xuyên suốt, còn những khuôn tắc của chúng ta ở thế gian này sẽ bị vất ra cửa sổ!

Người cha không chỉ giơ tay đón lấy đứa con hoang đàng mà cả đứa con tận trung nữa. Mặc dù người con cả ở trong gia đình về đàng thể lý, nhưng rồi anh cũng bị lưu lạc. Anh không nhận thức được những điều anh đã làm với tư cách một thành viên trong gia đình, thay vào đó, anh nói, đã bao nhiêu năm trời anh “hầu hạ”. Một người cha muốn đứa con trong gia đình cảm thấy như là một nô lệ là điều không phải đạo. “Con ơi, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.” Chúng ta không biết người con cả có đón nhận thâm ý của người cha hay không.

Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta đã được giao hòa với Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô. Trong khi chỉ có một người được tha thứ, thì những hai người được giao hòa. Người con thứ đã trở lại nhà và đã đón nhận vòng tay tha thứ của cha mình. Người con cả đã cần phải chấp nhận lời mời của cha mình và vào dự tiệc, “nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ.” Giao hòa là ân ban của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta phải đáp trả dưới hai chiều kích: đón nhận ân ban ấy và theo như Thánh Phao-lô giải thích, là trở nên “một thọ tạo mới trong Đức Ki-tô.” Thế rồi, Thánh Phao-lô còn nhắc nhở chúng ta là phải đáp trả thêm nữa, bằng việc làm “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô.” Thiên Chúa đã thực hiện công trình hòa giải của Người trong vị thế là người đại diện cho chúng ta và giờ đây Người trao phó sứ điệp hòa giải cho chúng ta là những sứ giả của Người.

Một sứ giả đến một quốc gia khác trong tư cách là người đại diện cho bản quốc và chính quyền của ông ta. Công việc của ông là thiết lập và gìn giữ những mối giao hảo giữa hai quốc gia. Khi sự bất hòa nảy sinh, thì sứ giả cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề và thúc đẩy việc hòa giải. Phải mất nhiều công phu đào luyện mới có thể trở thành một sứ giả lành nghề.

Chúng ta là những sứ giả, những người đã được đào tạo bằng cách lắng nghe và đón nhận sứ điệp tình thương của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô. Giờ đây, chúng ta hãy thực hiện những gì tốt nhất để tìm thấy chính mình trong bất cứ “xứ sở” nào như: công ăn việc làm, trong các môi trường xã hội, trường học, hay thậm chí ngay trong gia đình của chúng ta. Vì là những sứ giả lành nghề, nên trong khi phát ngôn và hành động, chúng ta nói về lòng rộng lượng thứ tha và ước muốn hòa giải của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Một lần nữa, trước khi chúng ta bắt đầu lên đường trong nhiệm vụ là những sứ giả, chúng ta cùng nhau quây quần tại bàn tiệc mà Thiên Chúa hằng nuôi dưỡng chúng ta bằng mình và máu của Người Con trung tín. Người là lương thực của “quê nhà” chúng ta, Đấng đã tái tạo nơi chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa, tức là điều chúng ta sẽ phản ánh cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, vì chúng ta là những sứ giả của Đức Ki-tô.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh em Học Viện Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.03.2010. 21:41