Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trên con đường mòn của kiếp nhân sinh

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

CHÚA NHẬT PHỤC SINH (2008)

Hôm nay các tờ lịch trên thế giới đều đồng thanh gọi tên: NGÀY CHÚA NHẬT, Ngày mà cách đây 2000 năm trước, khi Kitô giáo chưa xuất hiện trong thế giới nầy thì người ta vẫn gọi tên là “Ngày Thứ Nhất” hay “Ngày Mặt Trời” (Sunday). Tuy nhiên, kể từ cái buổi sáng Tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi các phụ nữ thân quen của Thầy Giêsu đến thăm mộ Thầy chỉ thấy “Mồ Trống”, các thiên thần báo tin Thầy đã sống lại…Rồi các “ngày thứ nhất tiếp sau”, Đức Kitô phục sinh đã hiện đến gặp các môn sinh…Cứ như thế, cuộc gặp gỡ của các kitô hữu ban đầu diễn ra đều đặn vào “ngày thứ nhất trong tuần” và họ đã gọi ngày của cuộc họp mặt đặc biệt đó là “Ngày của Chúa”. Kể từ đó “Ngày của Chúa”, hay Chúa Nhật đã đi vào nhịp thời gian, đã hằn sâu trong lịch sử và cuộc sống của loài người...

Phucsinh06.jpg

1. Phục sinh: Chân lý đến từ cuộc gặp gỡ.

Như vậy, có thể nói ở nơi cội nguồn của Kitô giáo, ở điểm xuất phát của niềm tin Kitô chính là cuộc gặp gỡ với Đấng từ trong cõi chết sống lại. Một cuộc gặp gỡ giữa thân phận con người mang đầy vết thương của tội lỗi và nỗi niềm buồn đau thất vọng của cái chết với thân phận của một Đấng Cứu độ quyền năng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Cuộc gặp gỡ để đóng lại cái hồ sơ đen tối của “Ngày Thứ Sáu buồn đau ảm đạm” để mở ra một chương mới trong lộ trình cứu độ của Thiên Chúa: con đường phục sinh để dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng.

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật nầy giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về như cuộc trở về vào buổi sáng “Ngày Thứ Nhất trong tuần” gần bên “Ngôi mộ trống”, nhưu cuộc trở về để gặp mặt, để ban bình an, ban Lời chân lý như cuộc trở về trong mái nhà tiệc ly nơi các môn sinh đang họp mặt đợi chờ trong lo âu thấp thỏm. Cho dù với một không gian khác và vào một thời điểm khác, nhưng cuộc họp mừng Chúa Sống Lại hôm nay cốt lõi cũng chỉ là cuộc hội ngộ với Đấng Phục Sinh đang trở về, đang hiện diện, đang ủi an và chia sẻ tình yêu thân mật và hồn nhiên như Ngài đã hiện diện và sẻ chia cùng các môn sinh với “bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân trên bờ hồ Tibêriát” (Ga 21, 1-14), hay như bữa cơm chiều đạm bạc thân thương bên quán vắng Emmau (Lc 24,13-35). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay:

Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người trên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại

Cùng với Phêrô, mọi Tông đố khác, các bài giáo lý đầu tiên của Kitô giáo do các Ngài thực hiện, niềm tin nguyên thủy mà các Ngài muốn chuyển tải cho thế giới, giản đơn, cũng chỉ với một đề tài duy nhất đó là “Chúng tôi làm chứng: Đức Kitô đã chết và đã sống lại”.

Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời…” (1 Ga 1,1-2)

Phaolô, một tông đồ trở lại cũng đã dõng dạc:

Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy; điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các Ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. (Cv 13,32-33)

Thế nhưng, cũng đã có những lập luận cho rằng: những lời khẳng định trên chỉ thuần túy là do óc tưởng tượng của con người, hay do một âm mưu tinh quái nào đó đạo diễn.

Cứ cho là như thế đi thì thử hỏi đã 2000 năm rồi, tại sao sự “dối trá bịp bơm như thế lại không bị lật tẩy”, tàn rụi như bao nhiêu sự dối trá khác đã “đội nón ra đi” trong khi chân lý Phục Sinh lại cứ trụ vững hiên ngang và càng ngày đơm hoa kết trái phong phú giữa dòng chảy khắc nghiệt của lịch sử con người ? Điều đó, chỉ có thể cắt nghĩa được: bên sau Lời chứng ấy, bên trong Tin Mừng ấy, ở giữa câu chuyện phục sinh ấy, mồ trống ây, có một Đấng Phục Sinh đang thực sự hiện diện trong quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Vâng, Kitô giáo chính là Đức Giếu-Kitô đang hiện diện, Kitô giao chính là cuộc gặp gỡ giữa con người và một Đấng Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ đã trở thành cốt yêu của đức tin, của việc tôn thờ, của định hướng sống; và như thế, cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay chính là tái diễn cuộc gặp gỡ ấy, và hơn nữa, chính là sống lại chính cái biến cố phi thường của Đấng đã vì yêu thương mà nhập thể làm người, đã vì yêu thương mà loan báo Tin Mừng cứu độ và giải thoát, đã vì yêu thương mà hiến thân chịu chết và cũng đã vì yêu thương đã sống lại để ban nguồn sống mới.

2. Đức Kitô phục sinh mở cửa huyền nhiệm cuộc sống:

Nhưng sau cuộc phục sinh của Đức Kitô thì chuyện gì đã xảy ra cho thế giới ?

Quả thật nếu Đức Kitô không sống lại, thì không ai, không một ý thức hệ nào, một triết thuyết nào, một hiền nhân nào có thể giải mả được những “phi lý trong cuộc đời nầy”. Hai môn đệ trẻ của Chúa Giêsu trên cuộc hành trình về làng Emmau vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần cũng đã đặt vấn đề về sự phi lý đó: “tại sao ông Thầy Giêsu người Na-da-rét, uy tín trong lời nói việc làm, thánh thiện và công chính đến thế mà lại phải chết thảm ?” (Lc 24,1-35).

Và trong cuộc sống đời thường hôm nay hằng ngày đang xảy ra bao nhiêu chuyện phi lý như thế: Tại sao cuộc sống đang tươi đẹp hạnh phúc (như ….) bỗng dưng phải từ giã cõi đời trong một tai nạn xe thảm khốc ? Tại sao đứa bé kia có tội tình gì mà vừa mới lọt lòng mẹ đã mang dị tật bẩm sinh ? Và tại sao người thiếu nữ dịu dàng khả ái tương lai đang rạng rỡ với mãnh bằng đại học xuất sắc kia lại đành chấp nhận bản án tử với căn bệnh ung thư quái ác ?... Hay xa hơn một chút, sâu hơn một chút trong ý nghĩa của kiếp nhân sinh: Con người sinh ra để làm cái gì ? Thế giới nầy rồi sẽ kết thúc ra sao ? Đau khổ, bất hạnh, sự dữ, cái chết…có ý nghĩa gì không hay chỉ là một thứ “định mệnh” khắc nghiệt, một thứ trò chơi của quyền lực vô minh…?.

Nếu Đức Kitô sau buổi chiều thê lương Thứ Sáu cứ “bặt vô âm tín”, để sau đó xác thân từ từ thối rữa trong mộ đá… thì chắc chắn cho đến mãi hôm nay, vẫn còn những chàng trai, những cô gái, những cụ già, những em thơ…trên mọi nẻo đường trần thế cứ hoang mang hoài, cứ thắc mắc hoài, trăn trở hoài về những vấn nạn của cái sống và cái chết, của hạnh phúc và khổ đau, của hôm nay và vĩnh cửu…(như một đoạn bài thơ “Bài Ca của Người lữ hành”:

Và trên con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuộc,
Ngài đã cho tôi
Tìm ra “ý nghĩa cuối cùng”
Của “những chuyện xảy ra”
Trên con đường mòn:
Đằng trước, đằng sau, chung quanh, khắp chỗ,
Người ta đánh nhau, dập đầu máu đổ,
Người ta yêu nhau, phản bội, hận thù.
Người ta đói, người ta no,
Người ta giáu, người ta khổ.
Người ta sinh ra một đời nặng nợ,
Người ta loay hoay cơm áo gạo tiền,
Người ta mù loà, què cụt, điếc, điên,
Người ta nằm xuống, một đời, ngôi mộ !...

Và Đức Kitô phục sinh đã đến, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho họ cũng như cho bao nhiêu thế hệ con người. Biết bao nhiêu người đã cảm nhận được điều đó như cách cảm nhận của đoạn cuối bài thơ trên:

Thì ra đó là một bài ca
Kể câu chuyện một “Người Hành Lữ”:
Người Hành Lữ đó,
Từ trời cao đã nhìn thấy khổ đau,
Rồi cam tâm từ giã chốn “sang giàu”
Ôm phận bạc hoá thân làm người thế.
Và trên con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời chán ngấy
Người đã đồng hành với hết thảy anh em.
Đã chen vai sát cánh,
Đã sục sạo đi tìm,
Tìm ánh mắt, bờ môi khô mệt mỏi.
Tìm từng đôi vai chất đầy gánh tội,
Tìm những con tim bao ngày tháng giá băng.
Tìm những mãnh đời hoang,
Điên dại khô cằn…
Người ôm hết trong vòng tay nhân ái…
Nhưng đoạn cuối của bài ca ấy,
Tôi học hoài mà chỉ nhớ đôi câu:
“Rồi có một đêm thâu,
người ta xúm lại,
bắt lấy Người trói chặt đem đi…
Chiều hôm sau trên đồi nắng úa,
Người bị giết,
Treo trên hai thanh gỗ sồi tréo lại…
Nhưng chưa được ba ngày
Người ta xôn xao bàn tán:
“Rằng: Người đã sống lại rồi,
Người dã chết cho chị, cho anh, cho tôi,
Và đã phục sinh, hoàn thành ơn cứu chuộc…”

3. Đức Kitô Phục sinh trên con đường mòn của kiếp nhân sinh:

Và như thế, sống mầu nhiệm Chúa sống lại đó chính là đón nhận, gặp gỡ và bước đi “trên con đường mòn của kiếp nhân sinh” với Đấng đã chết và đã sống lại, Đức Kitô, Đường, Sự thật và Sự sống.

Chính sự tiếp nhận Đấng sống lại từ cõi chết sẽ mang lại hoa trái của niềm vui và sự sống, của ánh sáng và hy vọng, cho dù một tiếp nhận tình cờ như kiểu Gia-kê, môt tiếp nhận “bất đắc dĩ” như Simon vác đỡ thánh giá, một tiếp nhận bắt buộc khi bị đánh ngã như Phaolô trên đường Damas, một tiếp nhận lúc đường cùng khi không còn gì để bám víu như Phêrô sau “những bước chân trên sóng”, một tiếp nhận đầy mắc cở thẹn thùng như “người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình”, hay sự tiếp nhận trong nổi đau ngút ngàn của Matta, Maria khi vừa mất em, hay sự tiếp nhận đầy niềm tin phó thác của người sĩ quan ngoại giáo: “Lạy chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến nhà con. Chúa chỉ cần phán một lời…”, hay như sự tiếp nhận đầy ngỡ ngàng, chân chất như chàng mù từ lúc mới sinh “Lạy Ngài con tin”.

Và đó cũng chính là ý nghĩa của đoạn cuối bài thơ về “Người lữ hành”.

Tới đó, bài ca chấm dứt…
Khi tôi thuộc rồi,
Thì Ngài cũng lặng lẽ biến đi tự bao giờ,
Bỏ lại mình tôi,
Trên con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuộc.
Vừa hát khẽ bài ca,
Tôi một mình lê bước
Nhưng hình như,
Đang vọng lại Lời Ngài phía trước:
“Nhập thể – yêu thương – hiến tế – giao hoà…
Bài ca đó, viết đi, đừng bỏ cuộc,
Từng nét chữ phải hoà theo nhịp bước,
Phải thấm đầy ý nhạc yêu thương…”
Và tôi cứ thế bước lên đường,
Con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuôc…

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.03.2008. 00:47