Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trao trọn trái tim

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Trong quan niệm đời thường, trái tim của con người để chỉ tấm lòng, chỉ tình yêu, ở nơi trái tim chứa đựng mọi tình cảm của con người. Nhưng trái tim còn một chức năng quan trọng, đó là biểu hiện của sự sống. Khi trái tim còn đập, là sự sống còn tràn trào. Khi trái tim ngừng đập, đó là sự chết. Ở nơi Chúa Giêsu, sự sống và tình yêu là một. Nói như Chúa Giêsu tuyên bố “Ta là sự sống” (Ga 14,6) hay nói như thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) đều chính xác.

Tình yêu là sự sống của Chúa hay sự sống của Chúa Giêsu là tình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hiến tế. Mạng sống của Chúa Giêsu cũng là mạng sống hiến tế. Chúa Giêsu trên Thập Giá là của lễ hiến tế trọn hảo dâng Chúa Cha. Sự sống của Chúa Giêsu được trao ban cho đến hơi thở cuối cùng thì trái tim tình yêu nơi Chúa Giêsu cũng trao ban đến giọt máu cuối cùng. Lưỡi đòng đã đâm xuyên qua cạnh sườn Người, từ đó máu cùng nước chảy ra (Mt 19,34). Xét theo nghĩa nhân loại thì máu và nước chảy ra khi Chúa Giêsu đã chết. Vậy phải chăng, trái tim tình yêu của Chúa, máu và nước nơi trái tim Chúa không còn ý nghĩa gì nữa vì Chúa Giêsu đã chết. Không! Lời Kinh tiền tụng mà Giáo Hội đọc trong lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy:

Từ cạnh sườn bị đâm thủng,
Người đã để máu và nước chảy ra
hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh

Máu và nước chảy ra từ Trái Tim bị đâm thâu làm phát sinh các bí tích của Hội Thánh, bởi vì Chúa Giêsu đã chết và phục sinh, là một bản án tố cáo tội lỗi của con người, khốc hại đến nỗi Ngài phải chết, nhưng Ca Tiếp liên của đêm Phục Sinh đã vang lên:

“Tướng lãnh sự sống đã chết đi
nhưng vẫn sống mà cai trị.”

Máu và nước chảy ra từ Trái Tim bị đâm thâu sau khi Chúa Giêsu tắt thở vẫn phát sinh các Bí tích vì đó là sự sống của Chúa Giêsu Kitô, đã hòa nhập trong máu.

Ngày nay, Thập Giá còn đó, nhưng sự sống của Chúa Giêsu không còn thể hiện như khi Chúa Giêsu hiện diện trên đồi Calvaire vào thứ Sáu khổ nạn thời các Tông đồ đã chứng kiến. Song hiến tế ấy vẫn còn, đó chính là Bí tích Thánh Thể mà chúng ta dâng thánh lễ mỗi ngày, tôn thờ Chúa mỗi ngày qua Bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Thể của Chúa Giêsu, tình yêu và sự sống hiến trao là một, vẫn tiếp tục được trao ban cho chúng ta. Chúng ta không còn nhìn thấy sự đổ máu như là trên Thập Giá ngày xưa. Phải chăng máu của Chúa Giêsu đã đổ hết ra rồi (!). Và ngày nay, Mình và Máu Chúa hiện diện một cách hữu hình trong Bí tích Thánh Thể nhưng chúng ta không còn thấy máu nữa, chúng ta không còn nhìn thấy hình dáng cụ thể nữa vì ba mươi ba năm cứu độ trong cuộc đời nhập thể làm người của Đức Giêsu đã hết. Còn bây giờ là thời gian của tình yêu nối dài qua thừa tác vụ của Giáo Hội: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Chúa Giêsu hiện diện qua sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, để Thánh Thần Tình Yêu liên kết Giáo Hội, giảng hòa mâu thuẫn, trao ban sức sống, canh tân thế giới và qui tụ con cái đang tản mát khắp nơi. Chúng ta nhìn thấy tình yêu và sự sống trong Bí tích Thánh Thể, trong sức hoạt động của Chúa Thánh Thần, và vì vậy, Trái Tim mục tử của Chúa Giêsu đang tiếp tục thực thi lòng thương xót qua đôi tay của các thừa tác viên của Giáo Hội và tình yêu của Chúa trong Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động, liên kết mọi thành phần trong Giáo Hội. Trái Tim mục tử của Chúa Giêsu vẫn đang sống và được trao ban. Tại sao chúng ta không nhận được? Bởi vì tình yêu phải đáp đền bằng tình yêu. Muốn lãnh nhận được lòng thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu thì chúng ta phải có một tình yêu đích thật. Thế nào là tình yêu đích thật? Tình yêu đích thật là tình yêu nên giống Thánh Tâm Chúa Giêsu, là một tình yêu không phôi phai, là một tình yêu chân thành:

- Nhiễm một chút giả dối, người ta không cảm nhận thấy tình yêu;
- Lẫn một chút gian giảo, người ta không nhận thấy tình yêu;
- Pha trộn những đam mê trong đời thường, người ta không cảm nhận thấy tình yêu.

Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều này: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa”(Mt 5,8). Điều mà Chúa Giêsu nói không chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ nam nữ là những người khấn đức trong sạch mới được nhìn xem Thiên Chúa. Sự trong sạch này thể hiện một cõi lòng thanh trong và là dành cho tất cả mọi thành phần dân Chúa: độc thân, gia đình,. .. tất cả mọi thành phần đều có thể sống đời trong sạch trong bậc sống của mình để với một quả tim trong sạch là quả tim chỉ chất chứa sự thật như Chúa Giêsu Kitô, không phôi phai, không có những đam mê ích kỷ của con người, không nhúng chàm trong bóng đêm của sự tội, những trái tim được đập nhịp trong phục vụ, trong yêu thương, trong trao ban ngay chính trong gia đình mình, ngay chính những người thân của mình, ngay trong môi trường mà mình đang được phục vụ. Đó chính là tình yêu đích thật sẽ cảm nhận được tình yêu.

Chúa Giêsu còn tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10,14). Chúa biết ta như thế nào? “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù người mẹ có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Một tình yêu tràn đầy lòng thương xót và tín trung là đặc tính tình yêu của Chúa. Còn chúng ta thì sao? Nếu chúng ta cũng tín trung, cũng hiến thân thì chúng ta sẽ thực hiện được điều Chúa phán “các chiên Ta biết Ta”. Chính vì vậy:

“Dân nghèo lao động khổ đau,
Vui nghe lời Chúa kêu cầu Chúa thương”

Những người bé mọn, những người đơn sơ, những người nghèo hèn nhưng họ có một quả tim trong sạch, họ lắng nghe được tiếng Chúa, họ nhận ra lòng thương xót của Chúa. Những người thành tâm, cho dù là viên đại đội trưởng đã hành hình Chúa Giêsu theo lệnh, nhưng khi thấy tất cả những sự kiện xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết, ông ấy cũng phải thốt lên “ Đúng người này là Con Thiên Chúa”; người trộm bị án tử hình trên Thập giá cũng đã mắng tên đồng phạm với mình rằng “Chúng ta bị như thế này là đích đáng, xứng với tội chúng ta đã làm. Còn ông này, ông có tội gì đâu mà tại sao mi lại lên án”, rồi anh ta tin tưởng vào Chúa và thưa với Chúa “Lạy ông Giêsu, khi nào về Nước Trời xin nhớ đến tôi” (Lc 23,40). Anh ta cũng đang thực hiện một lòng thanh sạch sau khi đã nhúng chàm và chính lòng thanh sạch đó, anh ta đã được Chúa Giêsu hứa: “Thật, Ta bảo thật ông, hôm nay Ta cho ngươi ở nơi vui vẻ cùng Ta” (Lc 23,43). Trái tim đầy lòng thương xót của Chúa đã cho anh ta thấy tình yêu của Chúa vì anh ta có lòng thanh sạch, mặc dầu anh ta đang bị mang tội tử hình đến mức phải chết ô nhục trên thập giá, vì anh đã hoán cải, vì anh tin tưởng vào Chúa Giêsu, anh quyết rũ bỏ cuộc đời mình và ngước nhìn lên Chúa Giêsu là ánh sáng. Bởi vậy, giây phút cuối cùng anh đã có được lòng thanh sạch, anh xứng đáng được nhận lời Chúa Giêsu hứa là cho được nhìn xem Thiên Chúa trong Nước Trời.

Ngày lễ kính Trái Tim Chúa Giêsu hôm nay cũng chính là một lời mời gọi.
Trái tim của Chúa mở ra là một lời mời gọi.
Cánh tay của Chúa giang ra là một lời mời gọi.
Thập Giá Chúa giương cao là một lời mời gọi: “Khi nào Ta bị giương lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32)

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu,
Trái Tim Chúa tràn đầy lòng thương xót.
Cuộc sống của chúng con quá vất vả
Một nắng hai sương,
Ba chìm bảy nổi
khiến chúng con cứ lún sâu mãi vào những lắng lo của trần thế

Chúa không bóc lột thời giờ của chúng con,
Chúa không bóc lột sức khỏe của chúng con,
Nhưng Chúa muốn chúng con nhìn lên Chúa
trong những giây phút vất vả,
trong những thử thách trong cuộc sống
để chúng con nhận ra rằng:

Trái Tim Chúa còn đau khổ hơn chúng con.
Cái chết của Chúa còn ô nhục hơn
cuộc đời bi thương của chúng con.
Nhưng Trái Tim Chúa chính là nơi cho chúng con
tin tưởng chạy đến với Chúa
lúc vất vả gian lao,
lúc khó khăn thử thách,
và nhất là trong những thách đố của cuộc đời
khi chúng con phải đứng trước cái chết.

Xin cho chúng con nhận được
lòng thương xót vô biên nơi Trái Tim Chúa.
Xin cho chúng con sống trong ánh sáng,
Xin cho chúng con sống trong tình yêu
vì chính lòng thương xót của Chúa,
trong trái tim tình yêu của Chúa
là sự sống mới cho chúng con,
là sự sống đời đời cho chúng con,
và là phần thưởng cho những cõi lòng thanh sạch
được nhìn xem thấy lòng thương xót Chúa. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.06.2010. 21:42