Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và sự liên đới trong kinh nguyện của con người

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Suy niệm trong Tháng Các Linh Hồn:

Trong suốt tháng mười một, Tháng Các Linh Hồn này, chúng ta không chỉ kính nhớ các Thánh, những người tín hữu mà qua Giáo Hội chúng ta đã biết chắc chắn rằng họ đã được Thiên Chúa đưa về Thiên đàng và ban cho hạnh phúc bất diệt, nhưng chúng ta còn phải cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố khác: Ông bà cha mẹ, anh chị em, bà con thân bằng quyến thuộc và bạn bè thân quen của chúng ta nữa, những người mà chúng ta chưa thể biết được số phận họ đang như thế nào. Vậy, chúng ta những người còn sống có thể làm được gì để giúp đỡ họ?

Thánh Lễ Missa và lời cầu nguyện cho các linh hồn

Trước hết, thiết tưởng ở đây chúng ta cũng cần nhắc lại là vào tháng 4 năm 2007 vừa qua, Thánh bộ Đức Tin đã đưa ra lập trường về trường hợp những trẻ sơ sinh chết trước khi được chịu phép Rửa Tội, là chúng không hề bị mất phần hạnh phúc vĩnh cửu. Có nhiều thành phần trong Giáo Hội vẫn chưa xác tín được lập trường đó. Nhưng một điều người ta cần phải hiểu rõ, là lập trường của Thánh bộ Đức Tin về các trẻ sơ sinh chết trước khi được chịu phép Rửa Tội, không hề có nghĩa là "Lửa Luyện Tội đã bị loại bỏ". Trái lại, qua đó, Thánh bộ Đức Tin muốn nhấn mạnh rằng: Người ta có thể tin tưởng phó thác vào tình yêu và lòng khoan dung vô biên của Thiên Chúa, là Người sẽ đón nhận những đứa trẻ sơ sinh đó vào trong sự thông hiệp hạnh phúc với Người, mặc dù chúng đã chết trước khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

Tuy nhiên, ở đây một câu hỏi quan trọng cần phải được đặt ra: Thánh Lễ Missa và những lời cầu nguyện, mà chúng ta cử hành cho các linh hồn những người đã qua đời, có mang lại hiệu quả gì không?

Nếu người ta muốn có được câu trả lời rõ ràng và chắc chắn, thì theo thiển ý tôi, trước hết người ta cần phải ý thức được hai chân lý cơ bản này:

1. Sự cứu rỗi và đời sống vĩnh cửu là một ơn cao cả mà Thiên Chúa ban cho con người một cách nhưng không, chứ con người tự sức mình sẽ không bao giờ đạt tới được. Vâng, phàm nhân chúng ta không bao giờ xứng đáng với ơn được cứu rỗi, dù cho chúng ta có nỗ lực và cố gắng bao nhiêu đi nữa. Sự cứu rỗi và sự sống đời đời chỉ được ban cho chúng ta qua cuộc khổ nạn, qua cái chết và sự phục sinh khải hoàn của Đức Giêsu Kitô mà thôi, nghĩa là qua Thiên Chúa.

2. Và chân lý cơ bản thứ hai là: Những người Kitô hữu chúng ta không bao giờ lẽ loi một mình, đó cũng chính là điều ĐTC Bênêđíctô XVI đã quả quyết trong bài giảng đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng của ngài: "Ai tin thì không lẻ loi một mình", nhưng luôn luôn sống trong sự liên đới cộng đoàn, tức mọi tín hữu đều cùng sống và cùng nâng đỡ lẫn nhau. Hay nói theo ngôn ngữ tân tiến ngày nay: Các Kitô hữu luôn luôn đoàn kết với nhau trong đức tin, nghĩa là trên con đường cùng đồng hành với Thiên Chúa và tiến về với Người, chúng ta cùng nâng đỡ lẫn nhau, và trước hết là qua Thánh Lễ Missa và qua các kinh nguyện của chúng ta.

Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất

Lời khẳng định rằng sự cứu rỗi chân thật chỉ do một mình Đức Giêsu Kitô mang lại mà thôi, người ta có thể tìm gặp được trong chính Kinh Thánh Tân Ước. Trong Thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phaolô viết: "Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa" (Ep 2,8tt). Vì thế, không phải hoàn toàn sai lầm khi có những phong trào trong Giáo Hội - ở đây người ta có thể nêu danh, trước hết là các anh em Tin Lành hay Thệ Phản – lên tiếng chống đối phản bác khi một số Kitô hữu có khuynh hướng muốn cho rằng con người có thể tự đạt tới được sự cứu rỗi bằng các việc lành mình làm.

Bởi vậy, chúng ta cần phải nhớ rằng "muốn đạt tới được sự cứu rỗi, tuyệt đối con người cần phải nhờ vào công nghiệp cứu độ của Đức Giêsu Kitô", như người ta đã đọc trong Sách Giáo Lý Công Giáo dành cho người lớn. Cả việc chúng ta cử hành Thánh Lễ Missa hay việc cầu nguyện cho một người nào đó, chúng ta không được hiểu là qua đó, chính chúng ta hay những người khác đã bằng một cách nào đó, có thể mang lại được sự cứu rỗi. Không! Vâng, không phải chính chúng ta đã mang lại được sự cứu rỗi cho họ, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mang sự cứu rỗi đến cho chúng ta và cho tất cả mọi người khác, chứ hoàn toàn không do công sức của phía con người. Phần còn lại thuộc về con ngươi, là họ cần phải mở rộng lòng trí tiếp nhận ơn cứu độ và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, ở đây một câu hỏi nhất thiết cần được đặt ra, đó là: Lời cầu nguyện và các lễ nghi phụng vụ được cử hành dành riêng cho các người sống cũng như kẻ chết có được ý nghĩa nào?

Từ câu hỏi này người ta khám phá ra và xác tín được nguyên tắc cơ bản của sự cứu độ :

Nguyên tắc cơ bản của tình yêu cứu độ: "Cùng nhau và cho nhau"

Đúng vậy, là những người Kitô hữu, chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình, nhưng luôn luôn sống trong tương quan huynh đệ với nhau và cùng sát cánh nâng đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc "cùng nhau và cho nhau" này không phải là một món quà, mà chúng ta có thể tùy tiện chấp nhận hay hay chối từ, nhưng nó thuộc về bản chất cuộc sống đức tin của chúng ta. Vì thế, tất cả mọi ơn gọi trong Giáo Hội đều là "ơn gọi cho người khác", nghĩa là ơn gọi để phục vụ người khác. Trong Thần học, người ta nói đến "sự trung gian" hay "sự thay thế" : Qua cuộc sống và lời cầu nguyện của mình, một người có thể bênh vực được cho người khác nhờ vào công nghiệp của Đức Kitô.

Chính Đức Giêsu cũng đã trải qua vai trò trung gian hay thay thế đó. Vâng, tất cả những gì Người đã lam, là làm vì chúng ta và cho phần rỗi của chúng ta. Chính cái chết của Người cũng là một cái chết cho chúng ta, đúng như lời Người đã nói ra trong Bữa Tiệc Ly: "Nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp cho các con… Nầy là Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con…!"

Ở đây chúng ta cũng cần ghi nhận là Đức Giêsu muốn cho con người được tham dự vào sứ mệnh cứu độ của Người. Tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta, chúng ta cũng có thể làm với Người và cho Người, đó là:

Nếu vậy, tại sao chúng ta lại không có thể chịu đau khổ và hy sinh hoặc hành động cách nào đó để có thể mang lại điều thiện hảo và hạnh phúc cho người khác?

Dâng thánh Lễ và cầu nguyện cho kẻ khác

Ở đây tư tưởng nền tảng về tình liên đới nhân loại mang một ý nghĩa sâu xa mới. Chúng ta có thể và cần phải làm tất cả những gì củng cố lẫn cho nhau trong đời sống đức tin và trên con đường cùng tiến về với Thiên Chúa. Một điều chúng ta không được phép quên là những gì Đức Giêsu đã làm vì phần rỗi của chúng ta, hay nói đúng hơn: công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người, thì Người đã làm trong một chiều kích phổ quát và hoàn toàn đầy đủ trọn vẹn, chứ không cần đến sự góp phần của chúng ta để làm hoàn hảo thêm.

Nhưng qua sự gắn bó liên kết với Đức Kitô và nhờ vào tình yêu mà Người đã dành cho nhân loại, chúng ta đã thực sự bày tỏ tình con thảo của chúng ta đối với Thiên Chúa khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta cử hành Thánh Lễ Missa hay khi chúng ta thành kính thắp lên một ngọn nến nhỏ trước bàn thờ Chúa. Nói cách khác, nếu hành động của chúng ta, hay nói cụ thể hơn, lời cầu nguyện của chúng ta và việc cử hành Thánh Lễ Missa, mang lại những tác động thực tiễn, thì hoàn toàn không phải do chúng ta hành động, nhưng là do chúng ta đã liên kết hành động của mình với hành động và với cuộc khổ nạn của Đức Kitô.

Nhưng không ở bất cứ nơi nào, sự liên kết đó với những hành động của Đức Giêsu trở nên một cách hữu hiệu và rõ ràng cho bằng qua việc cử hành Thánh Lễ Missa. Về điểm này, công đồng Trient (1545-1563) đã phán quyết rằng qua việc cử hành Thánh Lễ Missa, hy lễ Thánh Giá của Đức Giêsu "được hiện tại hóa, sự tưởng niệm đến Người được tiếp tục kéo dài cho tới thế mạt và tác động cứu rỗi phát xuất từ đó có sức tẩy rửa các tội lỗi chúng ta đã sa phạm hằng ngày" (DS 1740).

Vì thế, luôn luôn chúng ta cử hành Thánh Lễ Missa cho tất cả mọi người – người sống cũng như kẻ chết – hầu họ được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi đã sa phạm.

Những điều cần phải lưu ý

Việc cử hành Thánh Lễ Missa với mục đích như trên đã được các Kitô hữu nắm giữ ngay từ thời mới khai sinh Giáo Hội.

Còn các dấu tích kỳ cựu nhất về một thực tại - mà chúng ta gọi là "Lửa Luyện Tội", có lẽ được dịch từ tiếng La-tinh là "Puragatorium", và có nghĩa là nơi thanh tẩy, nơi tẩy rửa – người ta có thể tìm gặp trong các kinh nguyện cầu cho những người đã qua đời. Ở đây, một điều cũng cần ghi nhận là có lẽ sẽ không có ai còn cầu nguyện cho những người quá cố của họ nữa, nếu như họ biết chắc rằng với lời cầu nguyện của mình, họ chẳng giúp được gì cho người quá cố cả.

Tiếp đến, có lẽ chúng ta cũng cần dừng lại suy tư một chút về kiểu nói bình dân của người Công Giáo Việt Nam chúng ta hay sử dụng, đặc biệt trong Tháng Các Linh Hồn: "Các linh hồn mồ côi". Kiểu nói này đương nhiên làm cho người nghe phải hiểu rằng đó là những linh hồn không có ai cầu nguyện cho cả - hoặc họ vốn là những người neo đơn, cô thế cô thân, hoặc họ là những linh hồn bị anh em họ hàng con cháu quên sót hay ruồng bỏ và không còn cầu nguyện cho nữa, v.v…! Và vì thế họ cũng không được hưởng các ân xá của Chúa!

Có lẽ quan niệm về "các linh hồn mồ côi" như thế phát xuất từ quan niệm dân gian tự nhiên nằm sâu trong tư tưởng người Việt Nam chúng ta về "các cô hồn", tức những linh hồn đang phải lang thang phiêu bạt đây đó trong cảnh bơ vơ, chứ chưa tìm ra được nơi nghỉ ngơi an bình, vì không được ai hương khói cúng bái cho cả. Và để tỏ lòng an ủi và cầu mong cho các cô hồn đó được chóng siêu thoát, các gia đình bên lương thường làm một bàn thờ nhỏ trước sân nhà để thỉnh thoảng họ lại đốt và cắm lên đó một vài cây hương cho các cô hồn. Còn trên bàn thờ ông bà trong gia đình, họ thường đặt ba chén rượu: hai chén được dâng lên song thân, còn chén thứ ba để dâng cho các cô hồn. Cả khi thắp hương niệm trước bàn thờ Tổ tiên cũng thế, họ thường đốt ba cây hương : hai cây dành cho Tổ tiên cha mẹ, còn lại cây thứ ba để kính các cô hồn.

Phải chăng cái quan niệm dân gian đầy tình người rất đáng trân trọng đối với "các cô hồn" như thế đã chi phối quan niệm về "các linh hồn mồ côi" của người Công Giáo Việt Nam chúng ta?

Ở Đức, người Công Giáo không hề sử dụng kiểu nói: "các linh hồn mồ côi", nhưng là kiểu nói: "các linh hồn đáng thương" (arme Seelen), mà thoạt nghe người ta cũng có cảm tưởng như họ muốn ám chỉ "các linh hồn mồ côi". Nhưng thực ra, khi nói đến "các linh hồn đáng thương", người Công Giáo Đức chỉ muốn nói đến tất cả các linh hồn đang phải xa mặt Chúa và chịu mọi thử thách đau khổ trong Lửa Luyện Tội mà thôi.

Nhưng một điều chắc chắn mà đức tin Kitô giáo đã dạy cho chúng ta biết, đó là: Tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa, được Người yêu thương vô cùng, đến nỗi thà để Con Một mình chịu chết hầu cho chúng ta có thể sống, thà để Con Một mình chịu đau khổ hầu cho chúng ta được hạnh phúc.

Như vậy, chắc hẳn trước mặt Thiên Chúa không hề có linh hồn nào là "mồ côi" cả. Hơn nữa, Thiên Chúa cũng là Đấng Chí Công, nên trên nơi vĩnh cửu chắc chắn Người sẽ không bao giờ cho phép tái diễn lại cảnh bất công của kiếp đời trần thế nữa, là trong khi "kẻ ăn không hết, người lại vuốt bụng nhịn thèm". Trái lại, Người ban phát mọi ơn thánh đồng đều và tương xứng với công trạng của mỗi người, như Kinh Thánh đã mặc khải cho biết (Ga 5,29; Mt 25,31-46). Nếu không, những người giàu có khi còn sống ở đời này đã sung sướng và sau khi chết lại vẫn được may mắn hơn mọi người khác, vì trước khi chết họ đã gởi không biết bao nhiêu tiền bạc tới các Tu viện hay xứ đạo để "đặt cọc" xin Lể trước cho mình rồi, hoặc gia đình họ vì tiền dư bạc thừa nên đã xin không biết bao nhiêu Lễ Missa cho họ. Trong khi đó, những người đã nghèo đói khổ cực ở đời này, sau khi chết vẫn bị thiệt thòi, vì họ đâu có đủ điều kiện để xin Lễ.

Không! Trật tự của Thiên đàng không phải là trật tự của thế gian; và Thiên Chúa luôn luôn hành động theo thượng trí và theo quy luật công minh chính trực tuyệt đối của Người, chứ không theo những phạm trù phán đoán cũng như quy luật hẹp hòi và khiếm khuyết của loài người!

Thật ra, nói một cách khác quan, thì vấn đề gởi tiền bạc xin lễ trước cho mình tại các Tu viện hay tại các xứ đạo, v.v… không phải là một việc làm sai lạc hay tội vạ; trái lại, trong một góc độ nào đó, còn là một việc làm chứa đựng nhiều điểm tích cực và đáng khuyến khích. Tuy nhiên dựa theo tinh thần công bằng và bác ái Kitô giáo, người ta có thể quả quyết một cách chắc chắn rằng, nếu một người giàu có phải lựa chọn một trong hai việc làm: Hoặc gởi tiền xin lễ trước cho mình như đã nói trên, hoặc lấy số tiền xin lễ đó đem cứu giúp đỡ nâng những người đang phải sống trong cảnh nghèo đói túng cực, thì nhất thiết người đó phải thực thi việc làm thứ hai, vì chính việc thương giúp bố thí cho người nghèo khổ như thế là một việc làm cần thiết và nhất là hoàn toàn đúng với ý Thiên Chúa, vì thế chắc chắn sẽ mang lại nhiều ơn phúc cho linh hồn người đó hơn bội phần. Dĩ nhiên, nếu người đó có đủ điều kiện để thực hiện được cả hai, thì là một điều lý tưởng.

Từ lý do đó, chúng ta nên ý thức rằng:

Về phần chúng ta, bằng tình yêu của mình, chúng ta có thể hòa mình vào trong tình yêu vô biên của Người. Nhưng thử hỏi: Ai có thể chống cự lại tình yêu toàn năng của Thiên Chúa?

Trong cuốn sách "Einführung in das Christentum" - Dẫn nhập vào Kitô giáo, giáo sư Josef Ratzinger - hiện là Đức Bênêđíctô XVI – đã viết một cách rõ ràng về hy lễ Thập giá mang ơn cứu độ của Đức Giêsu như sau: "Nicht der Mensch ist es, der zu Gott geht und ihm eine ausgleichende Gabe bringt, sondern Gott kommt zum Menschen, um ihm zu geben" - Không phải con người đến với Thiên Chúa và mang dâng lên Người một hy lễ tương xứng, nhưnh chính Thiên Chúa đến với con người để ban cho con người hy lễ đó.

Đó chính là điều được hiện thực trong việc cử hành Thánh Lễ Missa. Và bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng tác động trong tất cả mọi sự, nên người ta cũng cần phải tránh tất cả những gì có thể gây nên cảm giác "sòng phẳng" trong các tương quan với Thiên Chúa, theo tiêu chuẩn "tiền trao cháo múc" hay "bánh ít chuyển qua bánh dì chuyền lại", nghĩa là tôi cho anh cái này, thì anh phải trả lại tôi cái kia, v.v…!

Không! Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta tất cả những gì mà Người - vì lòng thương yêu chúng ta - thấy tốt cho chúng ta. Và trong chính sự xác tín chắc chắn này, chúng ta cùng cầu nguyện và dâng Thánh Lễ Missa cho các kẻ đã qua đời, đặc biệt trong tháng mười một này, Tháng Các Linh Hồn.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.10.2007. 15:46