Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tinh thần trái tim tỉnh thức

§ Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Khi lên ngôi làm Vua cai trị nước Israel, nhà Vua trẻ tuổi Salomon đã không cầu xin Thiên Chúa cho mình được giầu sang phú qúy, sống lâu trường thọ, sức mạnh uy quyền dũng mãnh làm bá chủ thống trị mọi dân nước muôn năm vĩnh cửu, mưu lược chiến thắng đè bẹp quân thù.

Không, vua trẻ tuổi Salomon đã không cầu xin như thế. Nhưng cầu xin cho được một tinh thần có trái tim tỉnh thức biết phân biệt điều phải trái, điều tốt dữ, để cai trị đất nước. (1 Sách Các Vua 3,9).

Lời cầu xin khác thường của vua Salomon đơn thành và chan chứa lòng khiêm nhượng đó là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống con người, dù ở thứ bậc nào trong xã hội và vào thời đại nào.

Lời cầu xin tuy đơn giản nhưng lại rất cần thiết và hữu ích cho đời sống.

Nhưng thế nào là tinh thần trái tim tỉnh thức?

1. Hình ảnh trái tim người mẹ

Trong đời sống hằng ngày người mẹ nuôi con, nhất là trong suốt thời gian những năm tháng khi con còn thơ bé, là hình ảnh nói về tinh thần trái tim tỉnh thức rõ nét cùng sống động nhất.

Từ khi người con từ cung lòng mẹ mở mắt chào đời cho tới khi em bé biết nói, tất cả mọi nhu cầu em cần cho em đều cần đến mẹ hiểu nhận ra và làm cho em.

Em chưa biết nói, nhưng những tín hiệu không lời của em được mẹ em bắt nhận cùng phân biệt ra ngay được.

Em chưa có khả năng biết nói ra điều mình muốn, nhưng nhìn gương mặt em, làn da thớ thịt em, nghe em ê a, nghe tiếng em khóc la…là mẹ em nhận ra tín hiệu con mình đói đòi ăn, hay muốn được thay tã quần áo mới, đoán con mình đau yếu thế nào, biết em khó chịu mệt nhọc muốn được đi ngủ, hay em đã thức giấc đòi mẹ, nóng hay lạnh…

Tinh thần trái tim người mẹ luôn lúc nào cũng tỉnh thức bên con mình, dù ban ngày hay ban đêm cả trong giấc ngủ. Có thế, người mẹ mới nhậy bén cảm nhận ra được nhu cầu của con mình đang cần tới.

Khả năng này không ai huấn luyện cho người mẹ. Nhưng được Đấng Tạo Hóa phú bẩm ban cho tự nhiên như thế.

Vả khả năng tinh thần trái tim tỉnh thức này nơi người mẹ, tuy có mẫu số chung, nhưng lại cá biệt nơi từng người mẹ, và từng hoàn cảnh khác nhau. Có thể nói được Đấng Tạo Hóa đã đặt sẵn khả năng tinh thần trái tim tỉnh thức nơi mỗi người mẹ một làn sóng tần số của cột thu lôi riêng biệt để bắt nhận ra tín hiệu của con mình.

2. Hình ảnh trái tim trong kinh thánh.

Khi nói hay nghĩ đến trái tim, con người chúng ta thường có ý niệm hình ảnh về trái tim là nơi chốn của tình cảm, nhất là của tình yêu. Vì thế, khi nghe vua Salomon cầu xin cho mình tinh thần trái tim tỉnh thức, ta nghĩ ngay đến sự gì thấm nhuộm tình cảm, đến trực giác. Nhưng lời cầu xin của nhà vua trẻ tuổi Salomon tập trung hướng về điều gì khác hơn.

Theo Kinh Thánh và cũng theo hình ảnh tưởng tượng của con người, trái tim ở vị trí trung tâm thâm sâu trong mỗi con người. Trái tim là nơi chốn của lý trí sự hiểu biết, của những dự tính suy nghĩ, và cũng là nơi chốn của tình cảm và lương tâm.

Một trái tim tỉnh thức là một tinh thần chú ý biết lắng nghe, để hiểu biết cùng biết phân biệt được những điều đã nghe, đã cảm, đã nhìn quan sát nhìn thấy.

Trong đời sống giữa con người với nhau trong xã hội, biết lắng nghe và được chú ý lắng nghe không chỉ là một nghệ thuật, nhưng là nhu cầu rất cần thiết cho đời sống tinh thần cũng như thể xác.

Khả năng hay nhân đức tốt lành một tinh thần trái tim tỉnh thức này được diễn tả là sự khôn ngoan.

3. Sự khôn ngoan và vua Salomon

Sự khôn ngoan theo Kinh Thánh trước hết là sự thực hành trong đời sống với lòng cẩn trọng, để nhận ra con đường hành động cho đúng dẫn đến thành công. Sự khôn ngoan cũng đòi buộc sự hiểu biết qua sẵn sàng học hỏi, qua tiếp tục học tập đào tạo nghiên cứu, nhưng phải có lòng đơn thành khiêm nhượng cùng tôn trọng lẽ phải.

Sách Châm Ngôn (Châm Ngôn 8) đã diễn tả đức khôn ngoan là trật tự do Thiên Chúa đã khắc ghi tạo dựng trong thiên nhiên, để con người có thể khám phá ra ý nghĩa trong những cấu trúc được sắp đặt có thứ tự trong thiên nhiên.

Khi con người càng hiểu biết nhiều hơn về trật tự trong thiên nhiên, họ càng hiểu nhận ra Thiên Chúa hơn. Đó là sự khôn ngoan.

Nhà vua trẻ tuổi Salomon cầu xin Thiên Chúa cho mình khả năng sự khôn ngoan. Vì Ông tin tưởng khả năng này có giá trị hơn được sống lâu dài, hơn sự giầu sang phú qúi, hơn quyền hành uy dũng bách chiến bách thắng, hay những điều các vua chúa thường hay theo đuổi mong muốn.

Đức Thánh Cha Benedictô XVI. năm 2011 đã có suy tư:

„ Thánh Phaolô viết „ Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Mô-sê.15 Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải.“ (Roma 2.14-17). Ở đây hai tư tưỏng căn bản tự nhiên và lương tâm được nhấn mạnh nói đến.

Lương tâm thật ra không là gì khác hơn là một tinh thần trái tim tỉnh thức mà Vua Salomon nói đến trong lời cầu xin, cũng không là gì khác hơn là ngôn ngữ của lý trí con người.“ (Đức Thánh Cha Benedictô XVI., Diễn văn ngày 22.09.2011ở Quốc Hội nước Đức bên Berlin).

Trong đời sống con người, khi khởi đầu một giai đoạn con đường đời sống mới, thường có những tâm niệm ước muốn lời cầu xin thầm kín hay bày tỏ công khai ra ngoài.

Nhà vua trẻ tuổi Salomon trong giờ phút lên ngôi trị vì đã cầu xin cho mình được có tinh thần trái tim tỉnh thức để biết phân biệt phải trái, lành dữ trong việc cai trị mang lại hoà bình cùng công lý cho người dân.

Phải chăng đây cũng là tâm niệm, công thức hay thước đo không chỉ cho những nhà chính trị cai trị đất nước xã hội, nhưng còn cho mọi người trong đời sống ở vào bất cứ địa vị hoàn cảnh nào!

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Đọc nhiều nhất Bản in 29.07.2017 20:23