Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tính phổ quát của Nước Trời

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XX Mùa Thường Niên / A
(Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28)

Cả hai bài Sách Thánh cũng như bài Tin Mừng của Chúa Nhật XX hôm nay cùng đồng thanh nhắc lại một chân lý minh nhiên, đó là: Tính phổ quát của Nước Trời, nghĩa là ơn cứu rỗi được dành cho hết mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, tôn giáo, chính kiến hay văn hóa! Tất cả mọi người được sinh ra trên mặt đất này đều được kêu mời làm con cái Thiên Chúa, được thừa hưởng ơn cứu rỗi.

Thật vậy, trong Bài Ðọc trích sách tiên tri I-sai-a, chúng ta thấy Thiên Chúa đã dùng miệng vị ngôn sứ của Người để mặc khải cho nhân loại biết rằng: Nhà của Người là nhà cầu nguyện cho hết mọi dân tộc.

Còn trong Bài Ðọc thứ hai, thánh Phaolô viết cho các tín hữu ở Roma, tức các lương dân mới trở lại đạo rằng: Vì sự cứng lòng bất phục tùng của dân tộc mà Chúa đã tuyển chọn, nên Người đã ban phát tình thương vô biên của Người cho tất cả họ vốn là lương dân.

Sau cùng, trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Ðức Giêsu đã công khai ca ngợi đức tin mạnh mẽ của người phụ nữ ngoại giáo xứ Ca-na-an trước đám đông dân chúng; và đây cũng không phải là lần đầu tiên Người đã làm như vậy. Từng có lần Người cũng đã cảm phục đức tin của viên sĩ quan ngoại đạo Roma: "Thật, Ta nói cho các ngươi hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, Ta cũng chưa thấy một người nào có được một lòng tin mạnh mẽ như thế" (Lc 7,9b).

Nói cách khác, vì nhờ đức tin mà tất cả mọi người không phân biệt ai đều có quyền được làm con Thiên Chúa và cùng được đồng thừa hưởng Nước Trời với Ðức Kitô!

Còn đức tin là một ơn nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta theo nhiệm ý bất khả tri của Người, chứ không do công sức và sự cố gắng học hỏi của chúng ta. Bằng chứng là đã có biết bao bậc vĩ nhân hiền triết từng thấu hiểu đạo lý Phúc Âm mà vẫn không được ơn trở lại, ví dụ như ông Mahatma Gandhi, v.v… Họ chỉ là những người "kính nhi viễn chi", tôn kính nhưng chỉ đứng xa mà nhìn thôi! Ðàng khác, về phía nhân loại, điều kiện để được lãnh nhận ơn đức tin, con người cần phải có tâm hồn khiêm tốn, thành tâm tìm kiếm chân lý tối hậu. Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận sự "mặc cả" hay "trả giá" hoặc đặt điều kiện của con người trong việc lãnh nhận các ơn huệ Người ban. Thiên Chúa muốn ban ơn gì, ban cho ai và ban khi nào, là hoàn toàn tùy thánh ý công minh và đầy yêu thương của Người.

Theo nhà thần học thời danh, giáo sư Bernhard Häring, thì đức tin được mặc khải trong Kinh Thánh là sự cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa là chính sự sống và là Chúa thật của tâm hồn chúng ta, là sự cứu rỗi của chúng ta. Nhưng sự cảm nghiệm đó không chỉ là công việc thuần túy của trí năng và của ý chí mà thôi, nhưng phải chi phối toàn diện con người chúng ta, các tài năng tinh thần và cả cuộc sống chúng ta nữa, và rồi chúng ta sẽ được phúc nếm thử nguồn ơn cứu rỗi(1).

Dĩ nhiên, những cảm nghiệm về Ðức tin ở đây không đồng hóa với những nghiên cứu tìm tòi để đạt tới được những tri thức về đức tin, mặc dù những nghiên cứu tìm tòi đó đóng góp một phần rất quan trọng trên con đường tiến gần đức tin hơn. Do đó, giáo sư Häring còn xác quyết là: "Những ai chỉ muốn san sẻ niềm tin của mình cho người khác bằng những ý niệm khô khẳng, thì chỉ chuốc lấy thất vọng"(2).

Thật vậy, mặc dù trước khi tin, trí năng con người cũng phải chấp thuận ít là mình tin cái gì hay mình tin vào ai hoặc tại sao mình tin, "Fides quaerens intellectum": đức tin cần đến trí năng, nhưng đức tin trước hết phải là thái độ sống cụ thể, nói cách khác, đức tin phải được cụ thể hóa một cách sống động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chứ không phải thuần túy là những ý niệm trừu tượng hay những nguyên tắc lý thuyết trống rỗng. Ðức tin vượt lên trên những tín lý khô cứng.

Bởi thế, sống đức tin và việc nghiên cứu thần học, việc tìm hiểu giáo lý có thể bổ túc hỗ tương cho nhau, nhưng không đồng hóa với nhau. Việc hiện thực hay sống đức tin hoàn toàn không lệ thuộc các hệ thống giáo điều cứng nhắc, nhưng là sự liên kết mật thiết với Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, biểu hiện tình yêu vô biên của Chúa Cha đối với nhân loại, và tiếp đến là san sẻ tình yêu đã lãnh nhận đó với mọi anh em đồng loại!

Nhà thần học Karl Rahner cũng xác quyết là việc thể hiện đức tin chỉ băng qua con đường dẫn tới đồng loại, mang đến cho họ hơi ấm của tình yêu cao cả chân thành, chia sẻ với họ những khắc khoải ưu tư của cuộc sống. Vì thế, mỗi khi chúng ta biết yêu mến tha nhân, tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi của họ đúng với lẽ phải, thì đương nhiên chúng ta đã sống trọn đức tin của mình, dù cho chúng ta có ý thức được điều đó hay không(3) !

Vậy, nếu chúng ta biết sống đức tin như thế, chúng ta đã là những chứng nhân hùng hồn cho sự hiện diện và cho tình thương vô cùng của Thiên Chúa giữa lòng đời.

Nhân loại hôm nay nói chung và đồng bào lương dân trên quê hương Việt Nam chúng ta nói riêng, đang chờ đợi những chứng nhân của Tin Mừng đầy xác tín như thế. Vì, ngày nay hơn bao giờ hết, con người đang phải sống trong một thế giới vật chất, vô thần và trống rỗng vì vắng bóng Thiên Chúa, hay nói đúng hơn: vì họ phủ nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đến và ở giữa xã hội loài người, nhưng loài người đã không tiếp nhận Người, loài người đã khai tử Thiên Chúa!

Vậy, chúng ta hãy noi gương các thánh Tông đồ xưa mà khiêm tốn thưa cùng Chúa: "Lạy Thầy, xin tăng thêm đức tin cho chúng con!"

Chú thích:

1. Frei in Christus, Verlag Herder, Freiburg 1989, Band I, trang 78-79.

2. xem như trên.

3. Karl Rahner, Theologie Der Freiheit, trong: Schriften zur Theologie VI, Zürich-Einsiedeln 1968,trang 217tt; xem: Karl Rahner, Grace in Freedom, New-York 1969, trang 217.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.08.2008. 09:36