Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tin vào quyền năng Chúa

§ Lm Anmai, DCCT

CN 12 B - G 38, 1.8-11; 2 Cr 5, 14-17; Mc 4, 35-41

Kèm theo lời rao giảng là hành động, đó phải chăng là nguyên tắc của Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin mừng của Ngài. Những phép lạ kèm theo như là củng cố cho lời giảng dạy của mình. Bởi đó, sau các dụ ngôn thánh ký liên tiếp trình bày các phép lạ như là sự tỏ bày quyền lực cứu độ của Chúa Giêsu

Và như lời dạy bằng dụ ngôn đã đưa dẫn tới sự tách biệt giữa 2 hạng người đối chọi nhau, thì ở đây cũng thế, quyền lực cứu độ đem lại ơn cứu rỗi cho những kẻ tin (x. Mc 5,34: lòng tin của con cứu chữa con) song cũng là sự kết án cho nhiều người (Mc 6, 3: họ vấp phạm vì Người).

Trở lại với phép lạ truyền cho sóng gió yên lặng, trình thuật này có thể lấy nguồn tài liệu của truyền thống Phêrô, chứng nhân tận mắt các biến cố. Dẫu sao, lối trình bày phép lạ này theo cung cách xua trừ ma quỉ cho phép chúng ta nhận ra ý nhắm thần học Maccô như sau : Việc khống chế của Chúa Giêsu trên gió và biển làm tỏ bày quyền lực của Người trên mọi thứ ma quỉ, ác quyền.

“Xảy đến một trận gió thổi mạnh, và sóng ập vào đò làm đò đã hòng đầy ngập. Ngài ở đàng lái, dựa trên ván véo mà ngủ. Họ đánh thức Người dậy. Thầy chẳng lo chúng tôi chết mất. Tỉnh dậy Người quát bảo gió và biển... và gió tắt biển lặng như tờ” (c. 37(39).

Trận gió táp, trên thực tế, biển hồ Tibêriađê vốn thường xảy ra những bão táp và những trận cuồng phong đột xuất, do sự xoáy cuộn giữa gió của Địa Trung Hải và gió thổi đến từ sa mạc Syriên. Đưa vào trong nhãn quan thần học Marcô, hiện tượng gió táp ở biển biểu trưng một cuộc tấn công của Satan, kẻ ác thù khống chế, ngay cả thiên nhiên. Bởi đó Chúa Giêsu quát bảo gió và biển theo cùng một cách như quát bảo ma quỉ (x. Mc 10,25). Hơn nữa, cách miêu tả của thánh Marcô còn cho thấy sự phân biệt giữa quỷ gió và quỷ biển; thế nên, gió tắt và biển lặng như tờ (c. 39b).

Song, cũng trong thần học Marcô, Đấng khống chế gió và biển bằng quyền lực thần linh, cũng chính là 1 con người thực sự : sau 1 ngày lao nhọc rao giảng, Người cũng cảm thấy mệt nhọc, nên khi lên đò, Người đã “dựa trên ván véo mà ngủ” (c. 38a).

Rồi Người nói với họ : Sao nhát đảm thế? Các ngươi chưa có lòng tin sao ? Và họ kinh hoàng sợ hãi mà nói với nhau : Ông này là ai vậy, mà gió và biển phải vâng phục ông ? (c. 4041).

Trước hết, cần phải nhắc nhở rằng: trong nhãn quan thần học Maccô, đức tin được nói đến như là đức tin vào chính Chúa Giêsu và vào quyền lực Thiên Chúa hoạt động qua trung gian của Người. Bởi vậy, với lời quở trách các môn đệ, Chúa Giêsu muốn khích lệ họ tin vào Người Đấng nắm giữ quyền lực thần linh.

Trong Tin Mừng Mathêu, người ta kinh ngạc sau khi chứng kiến phép lạ (Mt 8,27); còn nơi Marcô, chính các môn đệ và duy các môn đệ kinh hoảng sợ hãi nói với nhau: “Ông này là ai mà gió và biển phải vâng phục!”.

Trong sự âu lo hốt hoảng sợ chết (c. 38b) các môn đệ đã quên mất Người đang ở giữa họ là ai. Bởi vậy khi quở trách họ nhát đảm, Chúa Giêsu muốn cho họ biết nắm giữ đức tin vào Người, bất chấp mọi sự tấn công của thù địch.

Như kinh nghiệm đã có nơi Giáo hội sơ khai, người môn đệ của Đức Kitô phải thấy trước rằng đức tin của họ có nguy cơ bị tấn công, bị thử thách. Bởi vậy, họ cần nuôi dưỡng một đức tin ngày càng vững mạnh vào Người. Ngang qua vẻ yếu đuối mệt nhọc bên ngoài của Người (Người ngủ) cũng như qua bóng tối của thập giá, người môn đệ của Người cần phải xác tín hơn ở quyền lực thần linh của Người. Đấng tiêu diệt được mọi ác quyền mà phép lạ truyền cho gió và biển yên là một gợi nhắc cho những ai bước theo Chúa.

Lòng tin của các môn đệ – của những người theo Chúa - phải xác tín một cách mạnh mẽ và trường kỳ chứ không phải một ngày một bữa hay là dở dở ương ương.

Có một người nọ, thoạt đầu đã xác tín niềm tin của mình vào Chúa, đã nhận lãnh phép Thanh tẩy và ban đầu rất nhiệt tình với đời sống đạo và nhất là đã sinh hoạt với giáo lý viên hẳn hoi nhưng sau đó lòng tin đã nhạt dần. Nhạt dần đến mức là đã chung sống với một anh công an nhưng không hề có phéo đạo cũng như phép đời. Nếu muốn có phép đời với anh công an này thì phải bỏ đạo nhưng bỏ đạo cũng không được vì đã nhận phép Thanh tẩy đã tin vào Chúa. Cứ thế, người ấy cứ tiếp tục sống trong cái cảnh bỏ thì chẳng nỡ mà ở thì cũng chẳng yên.

Vì ở chung với anh công an ấy nên làm sao mà có thể thể hiện và sống lòng tin được. Vấn đề nằm ở chỗ này. Và như vậy, người của cô này không bình thường như mọi người, người cô vật và vật vờ như bị ai đó phá. Có đêm, 11 – 12 giờ, gia đình phải nhờ cha Xứ qua để cầu nguyện.

Có hôm cô đi lễ, vừa rước lễ vào mặt mày tái nhợt, chắc có lẽ cô không tin Chúa nhưng cô cứ rước Chúa để rồi tâm hồn cô không được bình an, cô đã không tuyên tín lòng tin của mình vào Chúa mà lại rước Chúa.

Thế đấy ! Lòng tin của con người luôn thử thách và luôn luôn mời gọi con người đáp trả.

Trở về bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe ấy là đoạn trích rất ngắn từ sách Gióp. Sách Gióp đề cập tới một vấn đề khá thực tiễn trong cuộc sống con người. Với thân phận của một loài thụ tạo, với những khiếm khuyết, giới hạn,yếu đuối, tội lỗi … Con người luôn bị đè nặng bởi những đau khổ do chính mình gây ra (có khi tự mình, có khi do dồng loại.). Với bản tính vốn tốt lành "nhân chi sơ, tính bản thiện" con người luôn khao khát, luôn tìm kiếm và cố gắng trở về với bản tính tốt đẹp lúc ban đầu của mình. Thế nhưng, con người luôn gặp phải những trở ngại, những rào cản, những ngăn cách. Trong thời đại văn minh hiện nay, khoa học như phát triển tới đỉnh cao. Những khám phá mới về vũ trụ, về con người, về thiên nhiên … đã làm cho nhiều người tưởng lầm rằng không có Chúa, hay thần thánh nào cả. Bên cạnh đó, những đau khổ, tội lỗi, bất công, chiến tranh, hận thù, chết chóc … vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ với chiều hướng gia tăng.

Trước những vấn đề phức tạp như vậy trong cuộc sống, những vấn nạn ngàn đời vẫn còn cần có lời giải đáp : Đâu là nguyên nhân của đau khổ ? Tại sao những người ăn ngay, ở lành mà phải chịu đè nén, bất công, đau khổ ? Liệu có một nền luân lý công bằng không ? Liệu có một Đấng Thượng Đế công minh quyền phép không ? Nếu có, tại sao Ngài lại cho phép bất công, đâu khổ, tội lỗi xảy ra ?

Cuộc đời của ông Gióp tuy chưa làm thoả mãn về những vấn đề đau khổ của con người trong cuộc đời trần thế nhưng cũng mang lại cho chúng ta một bài học quí giá nhờ tấm gương của ông Gióp, một con người đã sống bằng niềm tin. Vậy, tin vào một vị Thiên Chúa mà ta không biết các đường lối của Người, vẫn có thể đưa tới kiên nhẫn và bình an. Nhờ tấm gương đó mà mỗi chúng ta cũng biết kiên trung trong niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng Toàn năng và là Cha của chúng ta.

Mặc dù mạc khải về sự đau khổ đã được Chúa Giêsu tỏ rõ, nhưng vì bản tính con người chúng ta là yếu đuối và hay phản bội, bất trung. Trước những đau khô của cuộc đời, chúng ta dễ nản chí và đánh mất niềm tin. Qua tấm gương ông Gióp, chúng ta thêm vững tâm tin tưởng vào Chúa, mặc dù con mắt xác thịt chúng ta không thấy Ngài. Nhưng bằng lý trí và đặc biệt là nhờ con mắt đức tin, chúng ta chắc chắn rằng những đau khổ của cuộc đời này chỉ mau qua như cơn gió thoảng, nó chỉ như những thử thách để tôi luyện nhân đức chúng ta vì "vàng được thử trong lửa" hay như câu châm ngôn: "Lửa thử vàng, gian nan thử đức" mà ơn Chúa thì luôn đủ cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải biết sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của cuộc đời mà can đảm vượt qua chứ đừng vấp ngã, để rồi từ những cố gắng đó nhân đức của chúng ta như được tích luỹ thêm lên mãi. Và khi ra trước toà Chúa, chúng ta không phải hổ thẹn nhưng được hân hoan bước vào Tiệc Cưới như những cô trinh nữ khôn ngoan, như Vị Tân Lang của tiệc cưới thiên thu.

Nguyện xin Chúa thương ban thêm lòng tin cho chúng ta để chúng ta có thể đáp trả lại trước lời mời gọi của Chúa về lòng tin vào Ngài. Và xin Chúa ban thêm sức mạnh cho ta để ta can đảm sống và loan truyền lòng tin vào Chúa như ông Giob, như các môn đệ của Chúa ngày xưa vậy.

Lm Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.06.2009. 17:59