Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tin và Làm Chứng

§ Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Chúa Nhật Phục Sinh Năm C (04.04.2010)
Cv 10, 34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

I. Dẫn Vào Phụng Vụ

Đọc kỹ Phúc Âm và Công Vụ Tông Đồ, chúng ta sẽ thấy hai hành động TIN & LÀM CHỨNG luôn đi cùng với nhau như 2 yếu tố bất khả phân ly của đời sống một tín hữu. Chỉ sau này, và nhất là ngày nay, mới có sự tách rời giữa hai hành động ấy, vì có nhiều Ki-tô hữu tin mà không làm chứng, tin mà không thể hiện niềm tin bằng cuộc sống. Đó là thảm trạng lớn lao nhất của Ki-tô giáo ở thời đại chúng ta.

Hôm nay Hội Thánh mừng kính trọng thể Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh và mời gọi chúng ta nhìn lại xem:

(a) Mỗi người chúng ta đã là chứng nhân đích thực của Chúa Ki-tô Phục Sinh chưa?

(b) Chúng ta cần phải làm gì hơn nữa để làm chứng cho lòng tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô Phục Sinh?

II. Lắng Nghe Lời Chúa Trong Ba Bài Thánh Kinh

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 10, 34a.37-43): Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

34 Bấy giờ, tại nhà ông Cô-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói: 37 “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."

2.2 Trong bài đọc 2 (Cl 3,1-4): Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự.

1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 20,1-9): Đức Giê-su phải trổi dậy từ cõi chết.

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.”

III. Khám Phá Chân Dung Và Sứ Điệp Của Thiên Chúa Trong Ba Bài Kinh Thánh

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 10, 34-43) là một chứng từ rất quan trọng của Thánh Phê-rô, vị tông đồ trưởng, người trong cuộc Thương Khó của Thầy mình, đã chối bỏ căn tính của Thầy và chối bỏ cả mối tương quan sư-phụ của Thày với mình. Có lẽ vì lúc đó, ông Phê-rô vừa chưa đủ tin tưởng ở Thày vừa sợ những kẻ thù của Thầy. Nhưng sau khi đã tin và cảm nghiệm Thầy đã trỗi dậy từ cõi chết như Lời Thánh Kinh thì ông đã mạnh dạn và hăng hái tuyên xưng lòng tin của mình và can đảm làm chứng cho căn tính và sứ mạng của Thầy. Lời chứng của Phê-rô vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đoàn, cộng đoàn các môn đệ và tín hữu thời kỳ đầu của Ki-tô giáo.

-- > Trong đoạn sách Cv 10,34a.37-43 trên chúng ta thấy rõ chân dung, vai trò và sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô trước và sau Khổ Nạn Thập Giá: “Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."

3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 3,1-4) là lời khuyên của Thánh Phao-lô Tông Đồ về định hướng và cách sống mà những người tin theo Chúa Ki-tô Phục Sinh phải có. Đó là “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ không chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”

-- >Trong đoạn thư Cô-lô-xê 3,1-4 trên, chúng ta thấy sau khi hoàn thành công trình cứu rỗi nhân loại, Chúa Giê-su ngự bên hữu Chúa Cha, ban sự sống của Thiên Chúa cho mọi người và sẽ xuất hiện trong vinh quang để đem vinh quang cho những ai sống theo Người. Ngự bên hữu Chúa Cha vừa có nghĩa là Chúa Giê-su là Thiên Chúa như Chúa Cha vừa có nghĩa là Chúa Giê-su được Chúa Cha tôn vinh (thưởng công).

3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 20,1-9) là tường thuật những gì xẩy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh của Hội Thánh chúng ta ngày nay. Những việc xẩy ra có liên quan mật thiết tới ba con người gần gũi nhất với Chúa Giê-su Na-da-rét. Đó là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và ông Gio-an. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la là người đầu tiên phát hiện ngôi mộ trống. Bà chạy về báo cho hai môn đệ thân tín nhất của Thầy. Hai ông này lập tức chạy tới mộ, cũng thấy ngôi mộ trống, không thấy Thầy Giê-su đâu cả, chỉ thấy vải liệm còn trong mộ. Nhưng ông Gio-an và ông Phê-rô đã tin là Thầy Giê-su đã sống lại như lời Thánh Kinh.

-- >Qua Bài Phúc Âm Ga 20,1-9 chúng ta không nhìn thấy Chúa Giê-su Phục Sinh, mà chỉ thấy những dấu vết, những chứng tích của Người mà thôi. Chỉ có bấy nhiêu thì chưa đủ làm cơ sở cho Niềm Tin Phục Sinh. Tin Mừng Phục Sinh gắn liền với những lần hiện ra của Chúa Giê-su cũng như những lời giáo huấn và hành động của Đấng Phục Sinh.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Tin & Làm Chứng Cho Chúa Ki-tô Phục Sinh như lời của Thánh Gio-an trong Sách Phúc Âm (Ông đã thấy và đã tin) và của Thánh Phê-rô trong Sách Công Vụ Tông Đồ (Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm….).

Làm chứng hay thể hiện lòng tin bằng tâm tình, thái độ, cử chỉ, lời nói và việc làm. Làm chứng hay thể hiện lòng tin không chỉ trong thánh đường, mà còn trong gia đình và/nhất là ngoài xã hội.

IV. Sống Với Thiên Chúa Và Thực Thi Sứ Điệp Của Người

4.1 Sống với Thiên Chúa

Là Cha của Đức Giê-su, Đấng đã làm cho Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết và siêu tôn Người vì Người đã vâng lời chịu chết để cứu nhân loại;

Là Chúa Ki-tô Phục Sinh vinh hiển sau cuộc Khổ Nạn Thập Giá.

4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa

Để thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, tôi nhìn lại xem cách sống đức tin của tôi hiện nay có thực sự là của một chứng nhân của Chúa Ki-tô Phục Sinh không?

Nói cách cụ thể hơn, những người tiếp xúc, gặp gỡ tôi hằng ngày có nhận ra tôi là môn đệ của một Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người, chết và phục sinh để cứu độ nhân loại không?

Nếu tôi chưa đích thực là một chứng nhân của Chúa Ki-tô Phục Sinh, thì tôi phải làm gì hơn nữa?

V. Cầu Nguyện Cho Thế Giới Và Hội Thánh

5.1 “Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân tộc sống trên mặt địa cầu này để càng ngày càng có nhiều người khám phá ra Đức Giê-su là Thiên Chúa và tin theo Người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

5.2 “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường,”Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất các cả các Ki-tô hữu, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi người tín hữu nhiệt tâm làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô chết và phục sinh

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

5.3 “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người đang sống theo chủ nghĩa vô thần duy vật và chủ nghĩa thực dụng để họ nhận ra sự hiện diện của một thế giới vô hình siêu việt.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

5.4 “Ông đã thấy và đã tin.”Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy trải nghiệm được sự hiện diện và hành động nhiệm mầu của Chúa Phục Sinh trong cuộc đời mnình mà làm chứng nhân cho Người!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.04.2010. 16:00