Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tin hay không Tin?

§ Lm Jos Đinh Công Phúc

Tin hay không tinchấp nhận hay từ chối…. Những lời của bài hát này đã đi sâu vào hồn tôi từ lúc nào, tôi không nhớ. Tôi cũng chẳng nhớ đây là bài hát của tác giả nào. Tôi chỉ biết rằng những lời diễn tả thật sâu sắc về Đức tin của tác giả đã khơi dậy sự khao khát của chính tôi về niềm tin của mình. Thực sự, cho dù tin hay không – cuộc đời của tôi vẫn tiếp tục. Cái khác biệt độc đáo ở đây là sự đón nhận hay khước từ sẽ quyết định sự sống mãi hay trầm luân, sự sáng ngời hay mù tối etc. Chính vì cái hệ quả này của Đức tin mà tôi muốn nhìn lại mình một cách nghiêm túc hơn.

Trước nhất, cuộc sống của chúng ta không thể không có niềm tin. Không ai có thể có một cuộc sống thực sự, nếu không có niềm tin. Chúng ta có những niềm tin siêu nhiên mà chúng ta gọi là Đức tin. Tin mà còn có Đức nữa, vì tự nhiên chúng ta chẳng có thể có được. Dù điều mà ta tin vượt ngoài khả năng hiểu biết, chúng ta vẫn tin. Chúng ta cũng có những niềm tin tự nhiên, một cái gì rất người, được diễn tả hằng ngày và thậm chí trong mọi giây phút của cuộc đời.

Để cho cuộc sống được hoàn mỹ, con người cần cả hai thứ niềm tin đó. Chúng ta cần sự bảo lãnh của một niềm tin siêu nhiên, vì không ai có thể hiểu biết mọi sự. Nhân loại cũng không thể giải mã được tất cả những mầu nhiệm, những bí ẩn của thiên nhiên và của con người. Chúng ta cũng cần những niềm tin rất là người, để cuộc sống có bình an, hy vọng. Chúng ta sẽ không thể có bình an và hy vọng, nếu chúng ta sống mà không tin nhau – trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội, hay trong Giáo hội.

Như vậy, cho dù chúng ta tin vào ai, vào cái gì – tin là cần thiết. Nó không thể thiếu trong cuộc đời của bất cứ ai. Nếu không còn niềm tin, đời sẽ không còn ý nghĩa. Nếu không còn niềm tin, cuộc sống và tương lai chỉ còn là một ảo ảnh mơ hồ. Mọi sự xấu xa, nghi ngờ, lăng nhục, ghen ghét, chửi rủa, giết chóc, hận thù, chiến tranh sẽ hiện diện khi sự tin tưởng không còn nữa. Vì thế, niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau sẽ giúp chúng ta loại bỏ đi những khuynh hướng tiêu cực của bản tính nhân loại, để phát triển những đức tính tích cực và cần thiết. Điều này giúp chúng ta sống một cuộc sống của ân sủng, đầy hạnh phúc, vui tươi, bình an và hy vọng. Tin hay không tin là sống mãi hay trầm luân là thế.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng: Tại sao tôi tin mà tôi không có bình an, hạnh phúc? Tại sao tôi tin mà niềm tin của tôi “bị đánh cắp,” vì phụ bạc, vì người khác không tin giống tôi? Tại sao tôi tin, mà người khác không làm giống như tôi tưởng, thậm chí Chúa cũng dường như hành động cách khác (Lạy Chúa làm sao con hiểu nổi?), etc. Ở trong hoàn cảnh này có lẽ chúng ta phải thành thực và khiêm tốn chấp nhận rằng: niềm tin của chúng ta có vấn đề! Rất có thể tôi đã quá tự cao và cho rằng chỉ những gì tôi nghĩ, tôi tin là đúng? Rất có thể tôi đã đảo lộn trật tự và giá trị thực sự của niềm tin, vì chủ nghĩa cá nhân, vì sở thích, vì tính ích kỷ của tôi, etc? Mẹ Giáo hội đã rất khôn ngoan để phòng ngừa những sự hiểu biết phiến diện, cá nhân chủ nghĩa khi nhấn mạnh rằng Đức tin và niềm tin của chúng ta có tính tông truyền, tính cộng đoàn là thế! Vì lẽ, cá nhân chủ nghĩa, phe nhóm, sự hiểu biết phiến diện…. là những nguyên nhân của sự sai lầm, chia rẽ, bất công, thù hằn, giết chóc…Như vậy, nếu sự tin tưởng của chúng ta gây mâu thuẫn, gây bất bình, gây nghi ngờ…hoặc chúng ta không hiểu nổi – chúng ta cần đặt lại vấn đề về chính niềm tin của mình. Chúng ta cần nhìn lại vấn đề dưới những lăng kính khác hơn, xa và lạ hơn, bao quát hơn.

Có lẽ, những câu hỏi muôn thủa của Đức tin có thể sẽ giúp chúng ta khai sáng một niềm tin thực sự: Tin là gì? Tôi tin vào ai? Tại sao tôi lại dám tin như thế, etc?

Tin là gì? Bài thánh ca thách thức tôi nhìn lại Đức tin của mình đã trả lời rất ngắn gọn và rõ ràng: Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối…Thật đơn giản! Nếu tôi tin là tôi chấp nhận. Nếu tôi từ chối, thì rõ ràng tôi đã và vẫn tiếp tục không tin. Thế nhưng, tin hay không tin, không chỉ đơn giản là những thái độ từ chối hay chấp nhận dễ dàng, mau qua như con người thời nay thường làm. Nếu thế thì hệ quả của nó thật là nghiêm trọng. Đây là vấn đề mà dù cá nhân hay tập thể, xã hội hay Giáo hội đang phải đối diện. Chỉ cần một cái nhìn người ta đã có thể đến với nhau, chấp nhận nhau. Nhưng cũng chỉ một giờ, vài ngày hay mấy tháng, người ta đã trở nên ghê tởm nhau, xa tránh nhau. Quá đơn giản. Quá dễ dãi.

Giá trị của niềm tin thực sự sẽ không bao giờ hiện diện trong những thái độ dễ dãi, đơn giản như thế này. Đúng ra chúng ta có thể nói đây không còn phải là tin, mà là thích. Tôi cảm thấy thích, và tôi chấp nhận. Khi mà tôi không còn thấy thích nữa hoặc tôi không thích, thì mọi sự cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Ngược lại, thái độ và hành động của niềm tin không phải là thích mà là hiểu – ít nhất trong một giới hạn nào đó. Chính vì thế, cái chấp nhận của niềm tin hoàn toàn khác xa những cái chấp nhận mau qua, nay thay mai đổi. Nó đòi hỏi một sự dấn thân thực sự, một cuộc sống. Nó gắn liền với mạng sống của một con người. Thế mới nói – tin là sống, là sống mãi. Thế mới nói – tin là dấn thân. Thế mới nói – tin là theo, etc. Và nếu chúng ta có thể nói rằng tôi sẽ bỏ niềm tin của tôi, bỏ đức tin của tôi – thì đúng ra thực sự tôi đã chưa bao giờ tin!

Tôi thì không khá gì về mặt ngôn ngữ học, nhưng nghĩ đến đây, tôi thấy ngôn ngữ Việt của chúng ta giúp ích rất nhiều cho chúng ta hiểu thế nào là tin hay không tin. Nếu như tôi đúng, thì ngôn ngữ Việt của chúng ta không chỉ diễn tả cái mà chúng ta tin. Thực sự nó đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để cái niềm tin của chúng ta được diễn tả. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều đó. Chúng ta thường không chỉ nói Tin một cách bâng quâ, đơn độc. Khi chúng ta nói tin, thường chúng ta kèm theo một chữ nào đó. Tin kính, đã tin thì kính, đã kính thì nể, là trọng. Tin yêu, đã tin là yêu, đã tin là mến. Tin cẩn, đã tin thì phải cẩn trọng, đã tin thì phải kính cẩn. Tin cậy, đã tin là cậy. Không phải là lợi dụng, dựa dẫm, mà là phó thác tin tưởng, noi theo, etc. Đây chỉ là một vài ví dụ. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trong từ điển Việt ngữ của chúng ta. Như vậy, cái chấp nhận của niềm tin và đức tin chẳng đơn giản chút nào, mà là một cuộc sống, là sự sống và là con người. Nó không dễ dàng nay thay mai đổi.

Tôi tin vào ai? Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ càng xác định rõ ràng hơn những vấn nạn niềm tin của chúng ta. Tôi có thể dễ dàng trả lời rằng tôi tin vào Thiên Chúa. Điều này thì đúng, thế nhưng chưa đủ, và có thể nói thậm chí còn thiếu nền tảng. Đây là một trong những vấn nạn khó khăn của con người thuộc mọi thời đại. Lý do là vì Chúa thì vô hình. Xưa thì không biết, nhưng ngay tại thời điểm này thì tôi nghĩ không ai dám ngạo mạn nói rằng tôi biết rõ Chúa nên tôi tin! Tôi cũng có thể nói rằng tôi tin Chúa đã mạc khải, đã và đang hiện diện. Điều này thì cũng đúng, nhưng chỉ có mạc khải không thôi thì cũng chưa đủ. Đó là chưa kể thế nào và đâu là mạc khải thực sự của Thiên Chúa! Và cho dù bạn có sở hữu tất cả mạc khải của Thiên Chúa đi chăng nữa, thì chưa chắc là bạn đã có đủ ơn để hiểu đúng. Chính vì thế, ngoài những xác tín như trên, tôi lại còn phải nói rằng tôi tin vào Giáo hội – với một truyền thống giàu và sâu sắc trong kinh nghiệm, với hai ngàn năm của sự khôn ngoan vừa Chúa mà vừa người nữa.

Hơn thế nữa, Chúa cũng không chỉ mạc khải gói gọn một cách đơn thuần trong sự hiện diện hữu hình của Giáo hội, mà là từ muôn thủa và dưới nhiều dạng nhiều cách (Do Thái, 1: 1). Giáo hội cũng không phải là một thực tại tôn giáo duy nhất trong thế giới này. Vì thế, những xác tín của tôi đã được lãnh nhận từ Giáo hội lại cũng cần được bổ túc và làm cho giàu có bởi những xác tín của tôi về chính tôi, về thế giới này, và cả những kinh nghiệm tôn giáo cùng xác tín của tất cả những anh em cùng và khác niềm tin với tôi nữa.

Có vẻ đây đã là một cái nhìn khá tổng quát, nhưng phải nói rằng, nó còn phải được nhìn trong nhiều khía cạnh. Chính vì thế mà không ai trong chúng ta dám hãnh diện cũng như can đảm tuyên bố rằng, tôi biết hết và biết đủ, tôi không cần ai, hoặc người khác phải theo tôi, ngoại trừ là tôi có vấn đề. Và chính cái vấn đề đó đã thể hiện tôi là ai, khi mà tôi nói rằng: Tôi không tin Giáo hội nữa, tôi không tin vào cái tổ chức đó nữa. Điều này nói lên rằng tôi đã ở trong tình trạng bệnh hoạn của niềm tin, một đức tin méo mó, một niềm tin chết. Như thế, để trả lời cho câu hỏi “tôi tin vào ai” cũng chẳng hề dễ dàng. Nó đòi hỏi nhiều có gắng, không chỉ của riêng tôi, mà của cả một Giáo hội, cả nhân loại. Và đây là lý do Giáo hội kêu mời chúng ta kiên trì lắng nghe tiếng Chúa qua và cùng với Giáo hội cũng như mọi anh em của chúng ta. Đức tin tông truyền và đồng hành trong đức tin cũng là thế. Để đức tin được vững mạnh và triển nở một cách sung mãn, chúng ta cần có nhau, cần lắng nghe nhau, và cùng đồng hành với nhau. Để trả lời cho vấn đề đức tin, chúng ta đã và vẫn còn cần đến những kinh nghiệm và sự hiểu biết của mọi người, cho dẫu rằng những suy nghĩ đó có trái ngược với chúng ta đi chăng nữa. Chính sự khác biệt trong cái thế giới này, là sự giàu có của Thiên Chúa, và cũng là sự giàu có của nhân loại mà chính Chúa đã ban cho chúng ta.

Tại sao tôi lại dám tin như thế? Tôi dám tin vào Thiên Chúa, vào Giáo hội, nơi anh em vì nhiều lý do. Tôi dám tin vào Thiên Chúa cũng như sẵn sàng dấn thân vì lẽ tôi tin rằng: Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Dù có thể chẳng bao giờ tôi có thể hiểu Ngài. Dù tôi vẫn phải thốt lên rằng: Lạy Chúa làm sao con hiểu nổi? Tôi cũng có thể sẵn sàng đáp lại lời tin và yêu đối với Giáo hội, vì lẽ rằng Mẹ Giáo hội đã và đang cố gắng làm cho Thánh ý Chúa được thực hiện; Mẹ Giáo hội đã sống và đúc kết tất cả những kinh nghiệm thăng trầm của nhân loại trải dài suốt hai ngàn năm lịch sử - chắc chắn Giáo hội khôn ngoan hơn tôi nghĩ! Tôi cũng dám tin vào tương lai, vào mọi người, vì lẽ nếu không vì sự lầm lẫn trong đánh giá cũng như ảnh hưởng của tội lỗi trong việc tìm kiếm chân lý – không ai muốn đối sử mất nhân tính cũng như hành động trong sai lầm. Và tôi tin rằng Chúa có cách của Ngài để hướng dẫn lịch sử cứu độ. Ngài đã cầu nguyện cho những ai đã sai lầm, và cho chính tôi: Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm! Thực sự những sai lầm này không chỉ trong quá khứ, mà vẫn đang và sẽ còn tiếp tục bị vấp phạm và được thực hiện bởi nhiều người. Cho dù tội lỗi có lan tràn, thì ân sủng của, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ không thiếu. Tội, mà còn được gọi là Hồng Phúc –vì thế mà tôi luôn cần đến Chúa. Thiên Chúa luôn có cách của Ngài. Vấn đề là tôi cần sự khiêm tốn, cần mở lòng ra để đón nhận, cần chấp nhận những điều tôi chưa có thể hiểu, etc. Và chính vì thế mà cho dù tôi không hiểu, tôi vẫn tin.

Như vậy, tin hay không tin không chỉ đơn giản là một sự chấp nhận dễ dãi, mau qua – nay thay mai đổi. Nó cũng chẳng đơn thuần là một quyết định có tính cách cá nhân của riêng tôi, cho dù tin là một hành động cần có tính cá nhân của chủ thể. Tin, dẫu đối thần hay là đối nhân, vẫn là một quyết định bền vững được dựa trên cả một kho tàng mạc khải và những kinh nghiệm của cả nhân loại. Chính vì thế nó đòi hỏi tôi phải khiêm nhường, lắng nghe, chấp nhận, etc. Hành động tin của tôi cũng không đơn giản chỉ có tính cách hình thức chấp nhận bên ngoài, mà nó là cả một sự thay đổi tận căn của một đời sống. Tin hay không tin, đời sống này sẽ quyết định vận mệnh trường tồn. Tin là chấp nhận, là đi theo, là mở lòng, là hy vọng, là sống…cho dẫu rằng đời lắm chông gai, bách hại, mờ tối, etc…là thế. Nếu cần nhìn lại một chút niềm tin của mình có thực sự hay không, bài thánh ca “Tin hay không tin…” có thể sẽ giúp bạn và tôi rất nhiều!

Lm Jos Đinh Công Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.05.2010. 12:49