Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thứ Sáu Tuần Thánh: Thôi đừng giết Chúa

§ +TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Bài Thương khó theo thánh Gioan

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

“Khi đến gần Chúa Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” . Chiêm ngắm dòng máu cùng nước tuôn chảy ra cả sau khi đã tắt thở, ta hiểu được tình yêu của Chúa. Yêu cho đến chết. Yêu cho đến cả sau khi chết. Chết rồi vẫn còn tuôn chảy dòng máu và nước. Như muốn vắt hết tất cả những gì còn lại để dâng hiến đến cùng. Yêu không còn giữ lại chút nào. Đúng như lời thánh Gioan diễn tả: “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài yêu thương cho đến cùng” . Yêu cho đến cùng tận của bản thân Ngài. Tất cả những gì có thể làm để yêu thương thì Chúa đã làm hết. Không còn có thể làm thêm gì được nữa. Yêu cho đến tận cùng con người. Không có con người nào ở ngoài tình yêu của Chúa. Yêu cả người tội lỗi. Yêu cả kẻ phản bội. Yêu cả người thù địch làm hại mình. Nếu Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu” . Thì còn hơn thế nữa, Chúa đã hi sinh tính mạng cả vì người phản bội, người thù ghét, người làm hại Chúa nữa.

Yêu thương như thế nhưng Chúa lại nhận được sự phản bội, sự thù ghét, sự thay đổi, sự dửng dưng và bị giết chết. Nhìn lại cuộc xử án Chúa ta thấy những thái độ sau đây đã góp phần giết chết Chúa.

Thái độ thù ghét của các thượng tế và biệt phái. Vì ghen tương, thù hận họ đã bày mưu, xúi giục dân chúng và quan quyền lên án Chúa.

Thái độ nhập nhằng của Philatô. Biết Chúa là người vô tội. Muốn cứu Chúa nhưng lại sợ mất chức quyền, nên đã kết án Chúa.

Thái độ phản bội của Giuđa. Đã theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán Chúa.

Thái độ hay thay đổi của dân chúng. Ngày Lễ Lá thì phấn khởi, tưng bừng đón rước Chúa vào thành, nhưng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lại hò hét kết án Chúa.

Nếu chúng ta có mặt hôm xử án Chúa, có lẽ chúng ta cũng đã kết án Chúa. Vì tuy chúng ta không thù ghét Chúa như các thượng tế và biệt phái, nhưng chúng ta có thể giống Philatô nhập nhằng trong thái độ. Philatô vì sợ mất quyền lợi nên đã kết án Chúa. Chúng ta cũng thế, trong đời sống hiện tại, biết bao lần chúng ta đã đặt địa vị của mình lên trên sự thật, đặt quyền lợi của mình lên trên công lý. Không bảo vệ sự thật và công lý nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình mình.

Chúng ta cũng có thể giống Giuđa coi trọng tiền bạc hơn đạo nghĩa. Biết bao lần chúng ta đã vì tiền bạc mà đánh mất tình nghĩa, vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm, vì tiền bạc mà tha hóa, gian giảo, lừa đảo.

Chúng ta cũng có thể giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ. Không có lập trường nên sợ dư luận, chỉ biết chạy theo đám đông. Sống giữa những người không tin nên không dám bày tỏ đức tin của mình. Thay đổi đức tin, thay đổi tình nghĩa như thay đổi quần áo. Sống hời hợt theo hình thức bên ngoài, thiếu chiều sâu và nền tảng bên trong.

Với lối sống như thế, ta chẳng khác gì Philatô, Giuđa và đám đông. Sống như thế, ta đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi.

Hôm nay trên thánh giá tất tưởi, Chúa đang nài van chúng ta thôi đừng giết Chúa nữa. Đừng tiếp tục lối sống cũ theo Philatô, theo Giuđa, theo đám đông. Hãy sống đời sống mới theo Chúa Giêsu. Sống theo Chúa Giêsu luôn yêu thương, yêu thương cho đến cùng. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, tìm ích lợi của Hội Thánh. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm quên mình, tìm những giá trị thiêng liêng cao quí. Sống theo Chúa Giêsu luôn trung thành với lựa chọn của mình, trung tín đến hi sinh cuộc đời mình, trung tín cho đến chết.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  1. Chiêm ngắm thánh giá Chúa, bạn thấy gì về tình yêu của Chúa?
  2. So sánh với Philatô, Giuđa, các môn đệ và đám đông, bạn thấy mình có thể giống ai?
  3. Bạn sẽ sống thế nào để người vô tội không bị oan ức nữa?

+Giuse Ngô Quang Kiệt
Tổng giám mục Hà Nội

+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.03.2008. 09:51