Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thợ Gặt Thì Ít

§ Lm Mark Link, SJ

CN XI QN

Chủ đề: "Thợ gặt thì ít bởi vì chúng ta không làm hết tất cả sức mình để lưu tâm đến vấn đề".

Khi được phái đi giảng dạy ở các xứ thừa sai thường các tu sĩ buộc phải gởi bản tường trình đều đặn về cho bề trên dòng tu của mình. Bản tường trình này liên quan đến không chỉ diễn tiến công việc mà còn đến cả cuộc sống riêng tư của họ nữa.

Ðây là một đoạn trích từ một bản tường trình viết ra cách đây bốn trăm năm do Thánh Phanxicô từ Ấn Ðộ gởi cho thánh Ignatio Loyola ở Âu Châu. Sau khi tường trình về sự nghèo đói thê thảm của đám dân, Thánh Phanxicô viết tiếp: "Nhiều người ở đây không được trở thành Kitô hữu chỉ vì không có ai được chuẩn bị để đảm nhận sứ vụ giảng dạy cho họ... Con thường cảm thấy bị thôi thúc muốn đi đến các trường đại học Âu Châu đặc biệt là đại học Sorbonne ở Balê để la lên như một gã điên cho những kẻ giàu trí thức hơn là thiện chí. Yêu cầu họ xử dụng trí thức của họ làm sao cho lợi ích... phải chi trong khi nghiên cứu các môn nhân văn, họ cũng nghiên cứu sổ kế toán về những điều Thiên Chúa sẽ đòi hỏi họ qua tài năng Ngài đã ban cho họ! lúc đó nhiều người hẳn sẽ xúc động... thốt lên: "Lạy Chúa này con đây. Chúa muốn bảo con làm gì?" (trích trong phụ chương Dòng Tên gởi cho Thánh Bộ- trang 96-99).

Lá thư trên làm vọng lại những lời Chúa Giêsu trong Phúc âm hôm nay: "Mùa màng thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Các con hãy cầu xin chủ ruộng sai thợ đến gặt mùa màng của mình" (Mt 9: 37-38).

Và điều xác thực vào thời Chúa Giêsu cũng như thời thánh Phanxicô Xavier thì càng xác thực gấp đôi trong thời buổi hôm nay "Mùa màng thì nhiều mà thợ gặt thì ít". Ðiều này nêu lên một vấn nạn: "Tại sao ngày nay có ít thợ đến gặt hơn trước đây?" Tuy nhiên, trước khi trả lời cho vấn nạn trên, có lẽ chúng ta nên trả lời cho câu hỏi này trước: Mùa gặt Chúa Giêsu đề cập đến là gì? Và ai là thợ gặt mà Chúa Giêsu muốn nói đến?

Trước hết, Chúa Giêsu nói đến mùa gặt nào? Ðó là số thiên hạ đông đúc không chỉ ở các xứ truyền giáo mà ở ngay trong đất nước chúng ta, những người hiện đang tìm kiếm chân lý, hiện đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Họ là những người giống cậu bé tốt nghiệp trung học nọ mà báo chí trong nước từng nêu lên khi ta nói: "Cuộc đời còn có những cái quí hơn tiền bạc, tivi, tiệc tùng và danh vọng".

Còn những người thợ mà Chúa Giêsu đề cập đến là ai?

- Họ không chỉ là những học sinh tốt nghiệp trung học vào những năm vừa qua thường đi tu hàng đám, mà còn có cả những sinh viên tốt nghiệp đại học nữa. Theo ghi nhận, hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đi tu hơn là những học sinh tốt nghiệp trung học cho dù lớp người tốt nghiệp trung học đông đúc hơn lớp trước rất nhiều.

Và cuối cùng, đám thợ Chúa Giêsu đề cập tới là tất cả chúng ta đây. Mỗi người ở đây đều có thể làm một điều gì để đến với mùa gặt.

Ðiều này dẫn chúng ta trở lại vấn nạn ban đầu: "Tại sao ngày nay có ít thợ "đến với mùa gặt" hơn là trước đây?"

Chỉ cần xét ba lý do sau đây thì sẽ rõ.

1. Thứ nhất, sở dĩ thế là vì chúng ta không thực hành điều Chúa Giêsu truyền bảo chúng ta "Hãy cầu xin chủ ruộng sai thợ gặt đến". Chúa Giêsu đã đặt trong tay chúng ta mọi thứ chúng ta cần để "dấn thân vào mùa gặt" nhưng chúng ta đã không sử dụng nguồn mạch nền tảng nhất tức là lời cầu nguyện. Chẳng hạn, có bao nhiêu người trong chúng ta đây thường xuyên cầu xin Chúa thôi thúc tâm hồn các bạn trẻ để họ nghiêm chỉnh đáp lại ơn gọi làm tu sĩ hoặc linh mục? Có bao nhiêu người trong chúng ta đây thường xuyên cầu xin Chúa thôi thúc tâm hồn những người đã lập gia đình để họ nghiêm chỉnh dấn thân vào mùa gặt bằng lời cầu nguyện, sự giúp đỡ tài chính hoặc bằng bất cứ việc gì? Và cụ thể hơn, hãy xét xem lần sau cùng mà chúng ta cầu xin "Chủ ruộng sai thợ gặt" là lúc nào?

2. Tuy nhiên, còn có lý do thứ hai khiến ngày nay có ít thợ dấn thân vào mùa gặt hơn trước kia. Lý do này liên quan đến các gia đình. Gia đình không còn là vườn ươm ơn kêu gọi đi tu. Một lần nữa, nói cho cụ thể, lần sau cùng chúng ta nói cho con em mình về việc lựa chọn đời sống tu từ phục vụ là lúc nào?

3. Cuối cùng là lý do thứ ba. Lý do này liên quan đến cá nhân mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này như sau: Giả sử chúng ta là một thanh niên, liệu có bao giờ chúng ta mở lòng dâng hiến cho Chúa trong cuộc sống tu sĩ không? Hoặc chúng ta lại thuộc về một trong những kẻ mà Thánh Phanxicô từng nói: "Phải chi trong khi nghiên cứu về các môn nhân văn, họ cũng biết nghiên cứu đến sổ kế toán về những gì mà Chúa sẽ đòi hỏi qua tài năng Ngài đã ban cho họ".

Và giả sử chúng ta là người lớn tuổi, chúng ta có bao giờ nghiêm chỉnh tự vấn xem mình có thể làm gì để "dấn thân vào mùa gặt" không? Có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó trực tiếp giúp cho chủ ruộng trong vấn đề gặt, chẳng hạn bằng lời cầu nguyện, sự giúp đỡ tài chính hoặc một sự dấn thân cá nhân thực sự nào đó không?

Bài Phúc âm hôm nay đặt ra trước mỗi người chúng ta một sự thách thức. Chúng ta sẽ đương đầu với nó như thế nào?

Bước tối thiểu đầu tiên các gia đình phải làm là tăng thêm một lời nguyện cho ơn gọi vào giờ kinh trong các bữa ăn và giờ kinh tối. Ðiều này có tác dụng như một lời nhắc nhở tế nhị cho con em chúng ta để chúng nó có thể cân nhắc ơn gọi đi tu.

Tương tự thế, những kẻ không sống trong cơ cấu gia đình cũng nên gia tăng một lời cầu trong kinh nguyện hằng ngày với cùng một ý hứơng như trên.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy nghe lại lần nữa một đoạn văn trích từ lá thư thánh Phaxicô Xavier gởi cho thánh Ignatiô Loyola:

"Con thường cảm thấy bị thôi thúc muốn đi đến các đại học Âu Châu đặc biệt là đại học Sorbonne ở Balê và la lên như một gã điên cho những kẻ giàu tri thức hơn là thiện chí để yêu cầu họ sử dụng tri thức của họ sao cho có lợi ích... Phải chăng trong khi nghiên cứu về các nhân văn họ cũng đồng thời nghiên cứu sổ kế toán mà Thiên Chúa sẽ đòi hỏi họ về tài năng Ngài đã ban cho họ! lúc đó nhiều người hẳn sẽ xúc động thốt lên: "Lạy Chúa, này con đây. Chúa muốn bảo con làm gì?"

Lm Mark Link, SJ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.06.2008. 01:17