Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thinh Lặng Trước Đau Khổ (MC3C)

§ Lm Trịnh Ngọc Danh

Phục vụ trong khổ đau

Đứng trước những câu hỏi liên quan đến đau khổ, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Đan cử như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Ba Muà Chay năm C (Luca 13:1-9), người ta muốn Ngài trả lời về lý do tại sao một số người bị chết thê thảm? Tội của họ? Hay tội của ai? Chúa đổi đề tài ngay và nói với họ rằng nếu họ không ăn năn hối cải, thì hãy coi chừng. Cũng tương tự như thế, khi người ta chất vấn Ngài về việc anh mù từ thủa mới sinh là do tội của anh hay cha mẹ anh gây nên, Chúa không giải thích mà chỉ nói, “Chẳng phải tội ai cả, mà là qua đó vinh quang Thiên Chúa đuợc tỏ hiện” (Ga 9, 2-3). Ngay cả việc chính Ngài trải qua tử nạn, đau khổ, và sự chết, Ngài cũng không tìm cách giải thích cho ai. Ngài chỉ loan báo ba lần về sự đau khổ Ngài sẽ phải chịu như một công thức, “Con Người sẽ phải chịu bách hại, chịu giết chết đi, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại” (Mt 20,18). Trong cơn đau đớn và hấp hối trên thập giá, Đức Mẹ, một người hằng suy gẫm Lời Chúa, cũng chỉ đứng thinh lặng để thông phần với con. Ngay cả Chúa Cha cũng không có lời giải thích nào giành cho Chúa Con trên thập giá. Như vậy ta có thể kết luận đau khổ là một định luật không ai tránh khỏi.

Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi liên quan đến đau khổ bằng lời nói. Ngài biết rằng lời nói sẽ không đủ và thuyết phục người nghe. Trên núi Hiển Linh, Ngài cho ba môn đệ thưởng thức câu trả lời phần nào và cấm các ông không được loan báo cho ai biết cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại. Nghĩa là Ngài muốn các ông tự tìm ra câu trả lời qua cuộc đời hy sinh, chịu chết và sống lại của Ngài. Chúa để lại tấm gương phục vụ trong đau khổ và Chúa dạy chúng ta cách tốt nhất để trả lời cho đau khổ và an ủi người đau khổ là hãy thinh lặng và suy gẫm trước hết.

Nói về đau khổ thì những kinh nghiệm trong cuộc sống đã dạy chúng ta những bài học rõ ràng và minh bạch về sự liên kết mật thiết giữa đau khổ và vinh quang. Người Mỹ có câu “No pain no gain.” Tạm dịch là “không đau khổ thì không vinh quang.” Ai đã từng lái xe đạp để đi học và đi đây đó ở Sài Gòn. Mỗi khi phải leo cầu thì rất mệt nhọc. Cầu càng cao thì đạp xe càng mệt, nhưng càng mệt bao nhiêu thì niềm vui sướng của sự thả dốc càng lớn. Cũng vậy, học hành càng trải qua khó khăn vất vả, thì niềm vui của bài thi đậu đạt điểm cao càng to lớn. Có được một sức khỏe tốt hoặc một thân hình đẹp đẽ không phải là chuyện dễ dàng, mà phải kiêng khem nhiều thứ, ăn uống điều độ và nhất là phải tập thể dục đều đặn. Muốn gia đình hạnh phúc và con cái khôn lớn nên người, cha mẹ cần phải hy sinh sinh giấc ngủ để chở con cái đi học, đi lễ, đi sinh hoạt trong những nhóm tốt. Họ phải nhịn đi nhiều thứ cho riêng mình để nhường cho con cái và hướng về chúng. Nói tóm lại, tất cả mọi sự tốt lành và vinh quang đúng nghĩa trên đời phải đi qua một cửa ngõ của sự cố gắng, hy sinh và gian khổ.

Những kiểu vinh quang không qua cửa ngỏ của đau khổ thì không có giá trị cao và không phải là kiểu vinh quang giống Chúa. Ăn cắp lường gạt để nên giàu có, đánh đổ người khác để leo lên chức lớn, trộm tài liệu thi để thi đậu, dùng thuốc để đạt huy chương vàng, chỉ trông cậy vào mánh lới để nên có tiền…là những kiểu vinh quang đường tắt. Các tông đồ truớc khi nên thánh thường mơ ước đuợc thành công bằng con đuờng tắt nên hay bị Chúa tránh mắng. Sau ba lần Chúa loan báo tử nạn phục sinh, thì cả ba lần các ông không hiểu ý Chúa và còn cám dỗ Chúa khỏi khổ, xin Chúa cho ngồi bên hửu bên tả, và xem ai làm lớn.

Một điều các bậc cha mẹ nên lo và đáng lo cho con cái là vì con cái không hề nếm mùi khổ. Thật vây, vì con cái chưa trải qua những gì gọi là vất cả, khổ luyện, nên sẽ khó lòng đương đầu với những khó khăn và thử thách sắp tới. Nhớ lại hồi còn bé, tôi quá sức vui mừng mỗi khi có được một cái áo mới để mặc trong ngày Noen, và nhất là còn giây phút nào thích thú cho bằng được cằm cái đùi gà trên tay trong ngày Tết. Năm nào gia đình tôi nhận được giấy lãnh đồ Mỹ thì năm đó cả nhà có vui vẻ suốt năm. Nghèo và khổ vậy đó, nhưng khi nhận được chút quà cáp và sự chia sẻ của ai, thì y như đang sống trên thiên đàng vậy. Phải nếm cái nghèo thì mới biết cách hưởng cái giàu; phải biết khổ thì mới biết suớng; phải trả giá hy sinh thì mới biết hưởng thành công đạt được; và nhất là phải chết trong yêu thương phục vụ thì mới biết hưởng thế nào là phục sinh trong vinh quang. Mùa Chay Giáo Hội tạo cơ hội cho mọi người nhất là con em chúng ta đi vào kỷ luật của sự cầu nguyện, ăn chay, và bác ái. Phải tập khổ trước thì niềm vui đạt được mới xứng đáng và có gía trị tinh thần cao.

Chúa Giêsu đã trải qua nghèo khó, hy sinh và đau khổ đến mức tận cùng rồi, cho nên niềm vui phục sinh của Ngài chắc chắn rất vĩ đại. Ngài xuống thế từ trời cao, sống khiêm nhường, nghèo khó, chia sẻ, yêu thương và tha thứ. Ngài khiêm nhường đến độ cúi xuống rửa chân cho những tôi tớ của Ngài. Ngài chịu khổ hình và bị chửi rủa một cách thậm tệ trong những giây phút hấp hối đau đớn nhất. Ngài vẫn bình tĩnh và mạnh mẽ biểu lộ lòng yêu thương và tha thứ cho kẻ thù của Ngài. Ngài đã khổ nhất thì chắc chắn Ngài hạnh phúc nhất. Ngài đã chết thê thảm nhất thì Ngài cũng sẽ chỗi dậy vinh quang nhất. Nếu chúng ta song hành với Ngài trên bước đường thập giá thì chắc chắn sẽ được dự phần vinh quang với Ngài.

Lạy Chúa! chúng con tuyên xưng Chúa chết đi, chúng con tuyên xưng Chúa sống lại và chúng con tuyên xưng Chúa sẽ đến. Chúng con tin rằng chúng con sẽ đau khổ, sẽ chết đi và sẽ đuợc sống lại với Ngài Amen.

Lm Trịnh Ngọc Danh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.03.2010. 09:49