Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thiên Chúa quì gối!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Thứ Năm Tuần Thánh /B
(Sh 12,1-8,11-14; Ga 13,1-15)

Người ta có thể nói rằng hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, là một sự kéo dài mầu nhiệm Giáng Sinh. Vâng, với bài tường thuật về việc rửa chân cho các môn đệ của Ðức Giêsu, chúng ta có thể nối liền với ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Vì trong lễ Giáng Sinh chúng ta cử hành mầu nhiệm: Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân. Thiên Chúa đã hạ mình xuống, xuống thật sâu và trở thành một phàm nhân, trở thành một người trong chúng ta và như chúng ta, trừ ra tội lỗi. Thiên Chúa đã tự làm cho mình thành bé nhỏ.

Hôm nay chúng ta đã nghe tường thuật về hành động cụ thể của Ðức Giêsu: Người đã quì gối để rửa chân cho các môn đệ. Qua bài tường thuật của Phúc Âm Gioan, chúng ta biết được Thiên Chúa đã sống thân phận con người như thế nào và Người đã tự trở nên bé nhỏ ra sao. Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta được nghe tường thuật: Ðức Giêsu đã tiến vào giáo đô Giê-ru-sa-lem không phải bằng chiến mã oai hùng của đoàn kỵ binh hay bằng xe kỵ mã, nhưng bằng con lừa bé mọn, con vật thuộc quyền sử dụng của hạng thứ dân. Thế nhưng, nay nó là con vật của niềm hy vọng vào đấng Thiên Sai.

Qua màn bi kịch rửa chân cho các môn đệ của Ðức Giêsu, thánh sử Gioan đã tóm tắt việc Thiên Chúa tự trở nên bé nhỏ dưới những điều kiện nào. Với hành động rửa chân cho các môn đệ, Thiên Chúa đã chỉ cho ta thấy Người quan niệm việc dấn thân phục vụ con người với tất cả tình yêu thương phải được cụ thể hóa như thế nào. Nói một cách cụ thể: Việc phục vụ cận nhân không chỉ bằng lời nói suông, nhưng phải bằng hành động tích cực cụ thể.

Hành động cụ thể xưa kia của Ðức Giêsu đã được các môn đệ hiểu ngay. Thực ra, công việc rửa chân cho chủ nhà và các người khách mời hoàn toàn là công việc của những kẻ tôi tớ mà thôi. Và ngày xưa, việc rửa chân là rất cần thiết, tương tự như việc rửa tay ngày nay vậy. Bởi vì những người đồng thời với Ðức Giêsu thường đi lại bằng chân không hay mang dép. Trên đường đi từ nhà mình cho tới nhà người hàng xóm thì chân đã dính đầy bụi bặm rồi. Vì thế, bên cạnh cửa dẫn vào nhà luôn có những cái chum đựng nước sẵn để cho khách tự rửa chân hay do một đứa nô lệ đảm trách công việc thấp hèn đó. Một người Do-thái tự do không bao giờ làm việc đó, cả đến một người Do-thái nô lệ cũng không làm việc đó nữa. Công việc rửa chân là phận sự chỉ dành cho những đứa nô lệ ngoại đạo mà thôi.

Bởi vậy, là một dấu chỉ của lòng tôn kính và biết ơn đặc biệt khi một người học trò sau bao năm sống chung với vị sư phụ đã mang nước rửa chân cho ông. Một người chủ nhà khi muốn bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với một vị thượng khách, ông cũng đưa nước rửa chân cho vị thượng khách của mình. Chúng ta chắc hẳn hãy còn nhớ cảnh một người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt và tóc mình để lau chân cho Chúa. Nhân dịp đó Ðức Giêsu đã trách người Pha-ri-sêu chủ nhà, kẻ đã mời Người: «Ta đến nhà ngươi, nhưng ngươi chẳng đưa nước cho Ta rửa chân.»

Chúng ta thử quan sát một cách hết sức cụ thể hành động rửa chân, để biết được sự việc phải xảy ra như thế nào. Trước hết, để mở giày hay dép ra và để rửa sạch chân, người ta phải cúi thấp xuống, phải cong lưng xuống. Các bắp cơ ở lưng phải căng ra và rồi kéo xuống bắp cơ ở hai chân. Vì thế trong tuổi già, khi chân đã chồn và lưng đã mỏi, thì đó là cả một công việc vô cùng vất vả khó khăn.

Vì thế, trong thực tế, việc rửa chân cho ai có nghĩa là phải qùy gối dưới chân người đó. Xưa kia, đó là cử chỉ bày tỏ thái độ tôn kính và vâng phục. Hành động đó không còn là cử chỉ chào kính lịch sự nữa, nhưng là thái độ phục vụ.

Nhưng việc Ðức Giêsu cúi xuống và ngồi chồm hổm để rửa chân cho các môn đệ của Người: Ðó cả là một việc phục vụ thấp kém nhất, đến nỗi các môn đệ không bao giờ dám chờ đợi hay nghĩ tới. Trong một vài bức ảnh do các nhà họa sĩ vẽ mô tả việc Ðức Giêsu rửa chân cho môn đệ, chúng ta thấy Phêrô trong một trạng thái hoàn toàn vừa sửng sốt vừa hoảng sợ khi Ðức Giêsu muốn rửa chân cho ông. Ðiều đó muốn nói lên rằng: «Không thể được! Làm sao lại có thể như thế được!» Nhưng đó lại là sự thật. Thiên Chúa đã hạ mình xuống làm phàm nhân, đã không xuất hiện trước một màn biểu diễn nơi công cộng hay trong một cuộc đấu khẩu hoặc bình luận thuần túy lý thuyết. Thiên Chúa tỏ mình ra một cách hết sức cụ thể, gần gũi và thực tế.

Ðiều Ðức Giêsu làm cho Phêrô cũng có liên quan đến chúng ta! Phêrô đã cảm nghiệm và nhìn thấy được điều Ðức Giêsu muốn làm cho mình. Ðó là một điều quá cụ thể trước mắt ông, động đến ông và nhất là động chạm đến thẩm cung của tâm hồn ông. Vì thế, theo phản ứng tự nhiên của bản năng, trước hết ông đã từ chối. Thật ra, đứng vào hoàn cảnh của Phêrô, chúng ta cũng không thể phản ứng khác được. Chúng ta chối từ và rút lui, vì chúng ta không thể chấp nhận được sự đảo lộn giai cấp đang xuất hiện trước mắt: Chủ trở thành tớ, tớ lại trở nên chủ, sư phụ trở thành học trò, học trò lại trở nên sư phụ!

Như Phêrô, tất cả chúng ta đều có những «đôi chân» không chỉ của thể xác, nhưng còn của linh hồn, mà với bất cứ giá nào chúng ta cũng không hề muốn Ðức Giêsu rửa sạch cho. Ðó là những đôi chân của những bóng đêm đen tối, của những lỗi lầm và của những dan díu đầy tội lỗi của chúng ta. Những đôi chân dơ bẩn đó, mặc dù chúng ta thường không đủ khả năng để tự rửa sạch được, chúng ta cũng không muốn để ai giúp chúng ta rửa cả, kể cả Thiên Chúa. Với những điểm nóng, quá nóng đó, chúng ta thường tìm cách tránh né các cuộc gặp gỡ có tính cách cứu độ với Ðức Giêsu. Bởi vì, sự cứu độ đòi hỏi con người phải đổi mới cuộc đời, phải thay đổi kiểu sống lệch lạc của mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã trở thành con người, không phải để ngồi trên ngai vàng cai quản muôn dân, song là để rửa sạch chân cho chúng ta, chân bên ngoài và chân thầm kín. Ðó chính là cách thức Thiên Chúa bày tỏ tình yêu vô cùng của Người đối với chúng ta. Ðiều Ðức Giêsu đã làm nơi các môn đệ, là dấu chỉ vĩnh cửu sự hy sinh của Người.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ðiều cuối cùng và là điều quan trọng nhất trong buổi chiều nay, chính là sự tạ ơn, là bí tích Thánh Thể. Trong buổi chiều nay, Ðức Kitô đã hy sinh đời Người cho chúng ta. Và câu trả lời của người Kitô hữu về những gì Ðức Giêsu đã làm và đã bày tỏ cho chúng ta trong chiều Thứ Năm Tuần Thánh là tiếng thưa «vâng» Amen và Halleluia, cũng như: Hãy làm điều Người đã làm, để luôn tưởng nhớ đến Người, mãi cho đến tận thế.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.04.2009. 08:16