Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thiên Chúa chúng ta giờ đây ban ơn cứu độ và biểu dương uy lực với vương quyền

§ Lm Jude Siciliano, OP

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Kh 11: 19a; 12:1-6a, 10ab; Tv 45; I Cr 15: 20-27; Lc 1: 39-56

Chẳng mấy khi chúng ta hiểu được đoạn Khải Huyền được trích tuyển trong sách bài đọc của chúng ta. Cả như tôi, thì chắc khó lòng có người nào trong anh chị em giảng giải về bài đọc ấy nếu không muốn nói là chẳng có ai. Dẫu có chừa lại sách Khải Huyền thì có lẽ, việc đọc sách thánh của anh chị em cũng không hề gì! Tuy nhiên, đây là cơ hội để chúng ta cải thiện tình trạng đó, thế nên tôi sẽ tập trung vào bài đọc một và thêm vào một số chú thích mà tôi cho là hữu ích trong dịp lễ này.

Hồi còn làm tuyên úy trại giam ở San Quentin - California, tôi lấy làm ngạc nhiên bởi sao có lắm bạn tù đọc Kinh Thánh mà lại say mê với sách Khải Huyền đến thế. Ấy phải chăng là vì họ đã bắt được sức hấp dẫn mãnh liệt nơi chuỗi biểu tượng có tính phóng đại và nghiệt ngã của quyển sách thánh, mà xem ra, phần đông các Ki-tô hữu muốn lảng tránh! Dần dà, tôi nhận ra rằng, họ đã bị cuốn theo những dòng mô tả về cuộc chiến đấu khắc nghiệt giữa thiện và ác vốn tràn ngập trong toàn bộ quyển sách. Họ đã tìm thấy ở đó nguồn trợ lực để hy vọng rằng một ngày nào đó, hệ thống tù đày quy mô nơi họ sống sẽ bị phá hủy đi cùng với các thế lực của thế gian này. Đây vốn là thông tin thời sự giúp những Ki-tô hữu tiên khởi đã chịu đau khổ dưới sự bách hại của Rô-ma, cũng như những tù nhân trong trại tù North Bloc ở San Quentin cảm thấy yên lòng. Và ấy cũng là tin tức xoa dịu tất cả chúng ta, những người đấu tranh chống tại các thế lực của con “Mãng Xà” trong xã hội chúng ta.

Theo tôi, ra như có một sức hấp dẫn khác nữa đối với những bạn tù, ấy là vì họ tin rằng, họ đã nắm được mật mã; họ có thể luận đoán được các biểu tượng và lối nói ẩn dụ hết sức phổ biến trong sách Khải Huyền. Dù sao đi nữa, họ đã cảm thấy mình là người trong cuộc, còn hết thảy những người khác chỉ là người ngoài. Thậm chí họ đã sử dụng “sự am hiểu” này như một phương thức để chịu đựng tốt hơn những người đồng cảnh ngộ với họ. Tuy nhiên, bất chấp họ có thể giải thích sai điều gì trong sách Khải Huyền đi nữa, thì anh chị em cũng có thể hiểu được sự mê mẩn của họ đối với quyển sách nói về các thị kiến và những lời tiên báo này. Quyển sách nói với những người chịu đau khổ dưới những thái cực và sức ép từ bên ngoài.

Sách Khải huyền được viết cho các Ki-tô hữu tiên khởi, những người đã bị ép buộc phải tôn thờ hoàng đế. Nếu không làm theo như vậy, thì họ không chỉ bị xem là gây mất đoàn kết tôn giáo mà còn cả chính trị nữa. Các Ki-tô hữu buộc phải chọn Thiên Chúa để phụng sự như xưa nay họ vẫn chọn. Nếu họ chọn thuận theo niềm tin Ki-tô hữu của mình, thì họ phải trả giá bằng chính sự sống của họ. Khải Huyền không phải là một quyển sách trừu tượng với những hình ảnh dị thường và các sự kiện thuộc thế giới bên kia. Sách được viết nhằm giúp các Ki-tô hữu giữ vững niềm tin và tỏ ý đoan chắc rằng Con Chiên (hoặc như trong bài đọc hôm nay là “người con, một con trai”) sẽ chiến thắng khải hoàn.

Còn niềm tin của chúng ta thì sao, liệu có chút gì dễ dàng hay hứa hẹn hơn chăng? Lướt qua trang báo trong những ngày này, bất giác chúng ta nhận ra rằng, những vụ dùng xe hơi đánh bom tại Iraq và Afghanistan vẫn ngày càng gia tăng; những thiếu sinh quân bị giết hại tại Sudan; dân chúng thuộc thế giới thứ ba đang khổ sở trước nạn dịch AIDS vì thiếu thuốc chữa trị; rồi vụ tràn dầu làm có thể làm ô nhiễm Vịnh Mexico trong vòng nhiều năm tới… Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, “Ai chịu trách nhiệm trước những điều này?” Nhìn ra thế giới xung quanh, chúng ta rùng mình trước mật độ thảm họa mà chúng ta được chứng kiến. Quyền lực nào sẽ thắng thế đây? Liệu chúng ta có phải là những người tin sẽ thuộc về phía chiến thắng, hay có lẽ nào sự nỗ lực bé nhỏ về phần con người của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa trước “con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng”?

Sách Khải Huyền có ý quả quyết rằng, sự thiện sẽ chiến thắng. Giống như các Ki-tô hữu thời đầu, chúng ta có thể bị xúi giục để chối bỏ niềm tin vào nguồn sáng của mình, để rồi sa vào chước cám dỗ và sức mạnh của những thế lực chống đối. Đấng Tối Cao mà những người Ki-tô hữu chúng ta bước theo là Đấng nào? Thiên Chúa công bình như kinh thánh cho biết là Đấng sẽ chấn chỉnh mọi sự, đấy là Thiên Chúa chúng ta hằng mong ước và có thể đặt niềm tín trung. Thế nên, sách Khải Huyền mời gọi chúng ta sửa lại lối nhìn của mình, không phải là tập trung vào những thử thách đau thương của chúng ta, cho bằng biết hướng về Thiên Chúa. Sức mạnh của con thú thật đáng sợ, đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời. Thế nhưng người con được sinh ra sẽ được Thiên Chúa che chở và chiến thắng khải hoàn.

Trong khi chưa có một mật mã nào giúp chúng ta giải thích được quyển sách này, thì ngôn từ của của nó thu hút trí tưởng tượng của chúng ta và khiến chúng ta có thể vẽ ra nhiều cách lý giải. Đã hẳn chúng ta phải chiến đấu, thế nhưng cũng có một sự thực rất đáng ngại, ấy là sự dữ đang hằm hè như muốn nuốt lấy tất cả những gì là sự thiện. Một dân mới là cộng đồng Ki-tô hữu đã được sinh ra trong đau khổ và cuộc chiến đấu lớn lao. Thế nhưng, bất chấp những mối đe dọa đến sự tồn vong, đứa con này vẫn được Thiên Chúa gìn giữ an toàn. Không có độc giả kinh thánh nào có thể quên những lối ẩn dụ trong sách thánh Híp-ri. Cũng như Thiên Chúa của người Do-thái đã bảo vệ họ, thì Người cũng sẽ tiếp tục bảo vệ dân mới của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa không “chia ở thì quá khứ”, nhưng vẫn bảo vệ, tái tạo cộng đoàn trong hiện thực, vì Đức Giê-su đã hiến dâng mạng sống của Người cho cộng đoàn ấy.

Cộng đoàn mà Gio-an hướng đến đang trải nghiệm sự chống đối cùng cực. Nhờ quyển sách này, họ được động viên để tín thác rằng, Thiên Chúa thấu biết cảnh ngộ khốn khổ của họ và Người sẽ đến để cứu thoát họ. Sự dữ sẽ đại bại. Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi trong thánh Lễ Đức Mẹ Lên Trời này, bài đọc một được nối kết với bài “Magnificat” của Đức Ma-ri-a. Niềm vui mừng hân hoan của Đức Ma-ri-a khi được Thiên Chúa bảo trợ: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế… dẹp tan phường lòng trí kiêu căng…” Đức Tin mà kinh thánh nói đến ở đây cho thấy hai mẫu thức và cung giọng khác nhau về cùng một niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Gio-an không viết lời tiên báo về những sự kiện cụ thể trong tương lai như một số người ngày hôm nay quả quyết, nhưng cố gắng để khuyến khích và an ủi các Ki-tô hữu vì nỗi khốn khổ rất cụ thể của họ. Gio-an viết để giúp họ cũng như chúng ta luôn biết tín trung, và còn để bảo đảm cho chúng ta rằng, đường lối và sự công chính của Thiên Chúa sẽ chiến thắng.

Chúng ta cũng hãy làm cho Đức Ki-tô giáng sinh vào xã hội của chúng ta nữa. Chúng ta được nhắc nhở rằng, qua cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô vẫn được Thiên Chúa che chở an toàn, và để rồi Người sẽ trở lại và đem tất cả chúng ta đến nơi được bảo vệ an toàn và được sống. Do đó, con Mãng Xà sẽ không bao giờ chiến thắng được. Người Ki-tô hữu sẵn sàng để lên tiếng giữa cuộc chiến chống lại muôn vàn những cuộc thị uy của ma quỷ, “Thiên Chúa chúng ta giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền.” Thiên Chúa là Đấng bảo vệ chúng ta giờ đây tỏ ý trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến hiện thời của chúng ta.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh em Học Viện Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.08.2010. 17:56