Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Ngài không hề hối tiếc

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XX Thường Niên - Roma 11, 13-15. 29-32

Tuần trước chúng ta thấy Thánh Phaolô than phiền về việc người Do Thái đã không nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia. Họ là những người anh em và đồng bào của ngài mà ngài luôn luôn hết lòng thương mến đến nỗi sẵn sàng bị loại ra khỏi Đức Kitô vì họ.

Như vậy có phải vì không chấp nhận Tin Mừng mà phần lớn con cái Israel sẽ mất ơn cứu độ không? Có phải vì thế mà những đặc ân Thiên Chúa ban cho dân Israel bị vô hiệu hó không? Trong Chương 9 Thánh Phaolô nói lên sự lo lắng của ngài dành cho với dân Israel vì họ không chấp nhận Tin Mừng. Ngài cho họ biết rằng Thiên Chúa không bất công đối với họ, nhưng họ bị loại ra vì họ cứng tin.

Hôm nay Thánh Phaolô đoan chắc với chúng ta là những Kitô hữu gốc Dân Ngoại rằng Thiên Chúa vẫn trung thành với lời Ngài hứa cùng các tổ phụ và ơn kêu gọi họ làm dân riêng của Ngài. Và “ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được”“một khi ngài đã ban ơn và kêu gọi thì Ngài không hề hối tiếc” (Rom 11:28).

C. 13 Tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại,

Ở đây, Thánh Phaolô nói với chúng ta là những Kitô hữu gốc Dân Ngoại, bởi vì Ngài được trao phó nhiệm vụ làm Tông Đồ Dân Ngoại. Là Tông Đồ Dân Ngoại không có nghĩa rằng chỉ có một mình Thánh Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại còn các Tông Đồ khác thì không. Và cũng không có nghĩa rằng ngài không có quyền rao giảng cho dân Israel . Thực ra Chúa truyền cho ngài không những đi đến các Dân Ngoại, mà còn rao giảng cho dân Israel sống chung với Dân Ngoại như Người đã phán với Anania khi truyền cho ông đến rửa tội cho Thánh Phaolô: “Hãy đi, vì người ấy là công cụ Ta đã chọn để mang danh Ta đến trước các Dân Ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9:15). Thánh Nhân cho chúng ta biết rằng chúng ta được Thiên Chúa cho đồng hưởng những đặc quyền của Dân Ngài như thế nào.

… tôi (sẽ) tôn trọng chức vụ của tôi. - Có nghĩa là ngài đặt thừa tác vụ của ngài lên trên tất cả mọi việc ngài làm. Động từ tôn tôn trọng ở thì hiện tại, chứ không phải tương lai như dịch ở đây. Thánh Phaolô tôn trọng thừa tác vụ này vì đó là ơn kêu gọi của Thiên Chúa. Chớ gì các Giáo Lý viên cũng tôn trọng ơn gọi làm Giáo Lý viên của mình như Thánh Phaolô.

C. 14 nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ.

Thánh Phaolô so sánh các Kitô hữu gốc Dân Ngoại với anh em đồng bào của ngài là dân Israel . Ngài muôn dân Israel thấy lòng yêu mến Chúa của Dân Ngoại mà phân bì. Phân bì đây không có nghĩa là ghen tương rồi thù ghét, mà có nghĩa là biết hăng hái đón nhận Lời Chúa, tin vào Chúa Giêsu một cách cuồng nhiệt hơn cả Dân Ngoại nữa (x. Rom 10:19). Nhờ thế một số người Israel có thể được cứu rỗi (x Rom 9:2,3; 10:1,2).

C. 15 Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Do việc họ bị loại ra mà thiên hạ được giao hòa. - Thiên Chúa là Đấng có thể biến sự dữ thành sự tốt lành cho những ai yêu mến Ngài. Chính vì Tội Tổ Tông mà Đức Kitô xuống thế để cứu chúng ta. Người sinh ra làm người Do Thái, và sứ vụ đầu tiên của Người là đem Tin Mừng đến cho con cái Israel, nhưng vì họ đã không chấp nhận Người nên hiện giờ họ bị tạm loại ra khỏi Dân Chúa, và nhờ đó các Dân Ngoại đươc giao hòa cùng Thiên Chúa qua việc đón nhận Tin Mừng do các Tông Đồ và Hội Thánh rao giảng.

… họ được thâu nhận… nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết? - Trong câu 12, Thánh Phaolô nói, “Nếu sự sa ngã của họ là sự phong phú của thế gian, và sự mất mát của họ là sự giàu sang của các Dân Ngoại, thì còn hơn biết mấy khi họ hoàn toàn trở lại (với Chúa)!” (Rom 11:12). Vậy “thâu nhận” ở đây có nghĩa là họ trở lại nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia của họ. Thánh Phaolô so sánh việc dân Israel bị loại ra như cái chết thiêng liêng và việc họ trở lại như việc Phục Sinh.

Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa bắt đầu từ dân Israel , nhưng dành cho mọi người. Chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thể hiện cách đặc biệt qua việc Ngài tuyển chọn dân Israel và được hoàn tất khi toàn thể Israel nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Về điều này, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết:

Ðấng Mêsia quang lâm vinh hiển (x. Rom 11:31) đến lúc nào là tùy thuộc vào việc "toàn thể Israel " (Rom 11:26; Mt 23:39) nhận biết Người. Nhưng hiện nay "một phần dân Israel còn cứng lòng" (Rom 11:25) "họ không tin" (Rom 11:20) Ðức Giêsu. Thánh Phêrô nói với người Do Thái ở Giêrusalem sau lễ Hiện Xuống: "Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ thảnh thơi mà Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Ðấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Ðức Giêsu đến. Ðức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa" (Cv 3:19-21). Thánh Phao-lô cũng phụ họa: "Nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại sẽ là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?" (Rom 11:15). Việc "người Do Thái trở về đông đủ" (Rom 11:12) trong ơn cứu độ của Ðấng Mêsia, sau khi các dân ngoại gia nhập đông đủ (x. Rm 11:25; Lc 21:24), sẽ làm cho dân Chúa "đạt tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô " (Ep 4:13) trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài "(1 Cr 15:28) (GLCG 674).

Công Đồng Vatican viết rằng chỉ một mình Thiên Chúa biết ngày dân Isreal trở lại.

Thánh Kinh làm chứng Giêrusalem không nhận biết thời gian Chúa thăm viếng mình và phần lớn dân Do Thái không tiếp nhận Phúc Âm; trái lại nhiều người còn chống đối việc bành trướng Phúc Âm. Tuy thế, theo lời Thánh Tông Ðồ, Thiên Chúa vẫn rất quý yêu người Do Thái vì Tổ Phụ họ và Ngài không ân hận vì đã ban hồng ân và kêu gọi họ. Cùng với các Ngôn Sứ và Vị Tông Ðồ, Giáo Hội chờ đợi ngày chỉ mình Chúa biết, ngày mà mọi dân tộc đồng thanh kêu cầu Thiên Chúa và "sát cánh phượng thờ Ngài" (Soph 3:9) (Nostra Aetate, #4).

C. 29 Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc.

Sau khi nhắc nhở chúng ta, là những Kitô hữu gốc Dân Ngoại, rằng đừng coi thường dân Do Thái vì họ mới là cành mọc ra từ cây dầu (Ôliu) chính là Dân Thiên Chúa, còn chúng ta “là cành cây dầu dại đã được ghép vào đó, và được cùng hưởng nhựa sống dồi dào từ rễ cây dầu” (Rom 11:17). Họ đã bị chặt đi vì họ không tin, còn chúng ta “chỉ có thể đứng vững nhờ đức tin mà thôi. Ðừng kiêu căng, nhưng hãy kính sợ” (Rom 11:20).

Đến đây Thánh Phaolô quả quyết rằng Thiên Chúa là Đấng một mực trung thành. Một khi đã ban ơn kêu gọi cho dân Israel thì Ngài không bao giờ hối tiếc (x. Ds 23:9). Vì thế Ngài sẽ tiếp tục gọi người Do Thái vào Dân Thiên Chúa. Ngài không chấp tội lỗi hay sự bất phục tùng của họ, nhưng luôn yêu thương họ với một tình yêu vĩnh cửu như Ngài đã hứa với tổ tiên họ trong Cựu Ước. “Vì Đức Giavê, Thiên Chúa của anh em, là Thiên Chúa đầy lòng thương xót; Ngài sẽ không bỏ rơi anh em hoặc tiêu diệt anh em, hoặc quên giao ước mà Ngài đã thề hứa cùng tổ phụ anh em” (Dnl 4:31).

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Một khi Ngài đã cho chúng ta tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô, Ngài giữ lời hứa của Ngài đối với chúng ta qua Đức Kitô. Trong đó hai lời hứa quan trọng nhất của Đức Kitô là: “Thầy sẽ ỡ cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20) và Thần Chân Lý để dẫn dắt chúng ta trong mọi sự (Ga 16:13). Đức Kitô và Chúa Thánh Thần vẫn ở với chúng ta trong Lời Người, trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Đức Kitô và Chúa Thánh Thần

C. 30 Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót;

Thánh Phaolô nhắc cho chúng Ta nhớ rằng mình từ đâu mà đến. Nhiều người Công Giáo hãnh diện rằng mình là đạo dòng nên coi thường những người không có đạo. Dù là đạo dòng, gốc của chúng ta vẫn là Dân Ngoại. Vì dân Israel cứng lòng tin, mà Thiên Chúa ban tặng Đức Tin cho chúng ta. Nhờ chấp nhận Đức Tin này mà chúng ta được Ngài thương xót. Cho nên chúng ta không có quyền tự hào về Đức Tin của mình mà phải tiếp tục trau dồi để Đức Tin được thêm vững mạnh. Khi còn là Dân ngoại chúng ta đã sống trong tội lỗi (x. Eph 2:2), giờ đây chúng ta sống trong tình thương của Thiên Chúa, được Ngài nhận làm con cái và cho thừa hưởng cùng một gia nghiệp của Dân Israel . Vậy chúng ta hãy nhìn đến đến sự nhân lành và nghiêm khắc của Thiên Chúa; Ngài nghiêm khắc với những kẻ vấp phạm, nhưng nhân lành với chúng ta, miễn là chúng ta tiếp tục sống trong sự nhân lành của Ngài; nếu không cả chúng ta cũng sẽ bị chặt đi (x. Rom 11:22).

C. 31 cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót.

Nếu Thiên Chúa có thể dùng sự bất phục tùng của dân Israel mà làm ích lợi cho Dân Ngoại, thì Ngài cũng có thể dùng sự thương xót mà Ngài tỏ ra cho Dân Ngoâi để dên Israel thấy mà trở lại để được thương xót.

Làm thế nào để cho Dân Israel thấy Chúa thương xót chúng ta? Thiên Chúa đang dùng mỗi người chúng ta để tỏ lòng thương xót của Ngài ra không những cho Dân Israel mà còn cho những Dân Ngoại khác là những người chưa nhận ra Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta trở thành công cụ của lòng thương xót. Chúa muốn dùng chúng ta để tỏ lòng thương xót của Người cho tha nhân. Chúa muốn chúng ta trở nên ánh sáng thế gian hầu sự sáng của chúng ta tỏa ra trước mặt người đời, để họ thấy những việc lành chúng ta làm, mà tôn vinh Cha chúng ta, Ðấng ngự trên trời (x. Mt 5:16).

C. 32 Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Thiên Chúa đã để mọi người bị giam hãm trong sự cứng lòng tin - không có nghĩa là Ngài làm cho mọi người ra cứng lòng, nhưng Ngài để cho người ta được tự do tin vào Đức Kitô hay không. Bao lâu một người, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, chưa tin vào Đức Kitô thì bấy lâu người ấy vẫn bị giam hãm trong vòng nô lệ tội lỗi. Người Do Thái tin rằng nhờ cố gắng giữ Lề Luật ông Môsê họ sẽ được sống. Còn Dân Ngoại thì sống theo những triết lý nhân bản hay sống theo xác thịt.

Nhưng vì sức con người yếu đuối, không ai có khả năng làm trọn Lề Luật. Lề Luật bảo người ta phải làm gì để được sống, nhưng không ban ân sủng cho người ta để sống theo Lề Luật, nghĩa là không có khả năng làm cho người ta sống. Thánh Phaolô nói, “Thật vậy, giả như có một luật nào đã được ban cho con người mà lại có khả năng làm cho sống, thì quả là người ta được nên công chính nhờ Lề Luật. Nhưng Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho các kẻ tin” (Gal 3:21-22).

… để xót thương hết mọi người – Vì xót thương hết mọi người, bất kể là ai, Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 4:2). Nhưng vì con người không tự giải thoát mình được, nên Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài là Đức Chúa Giêsu Kitô xuống giải thoát chúng ta. Để ai tin vào Đức Kitô thì được sống. “Vì chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Ðức Giêsu Kitô” (1 Tim 4:3).

Cho nên sự thất bại của con người, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, là dịp để Thiên Chúa thực thi lòng thương xót của Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã thương cho con được trở thành một phần tử của Dân Riêng Chúa. Xin giúp con luôn luôn nhớ đến những hồng ân Chúa đã ban quá thương xót con. Xin ban thêm Đức Tin cho con để con luôn biết khiêm nhường vững tin vào Chúa, và sống xứng đáng là con cái Chúa để mọi người nhận ra Chúa qua cách sống của con. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ

1. Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng lãnh nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Bạn đã đặt nặng hay coi thường nhiệm vụ này?

2. Có khi nào bạn cũng hành động giống người Do Thái nghĩ rằng mình được nên công chính trước mặt Thiên Chúa vì cách giữ đạo hình thức của mình không? Bạn làm gì để sửa sai thái độ này?

3. Kể ra ba việc bạn thường làm để có thể đứng vững trong Đức Tin?

4. Có khi nào bạn nghĩ rằng mình đứng vững được là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa không? Hãy kể ra bốn điều mà Thiên Chúa đã làm cho bạn vì thương xót bạn. Bạn đã làm gì để đáp lại?

5. Thiên Chúa đã hứa với bạn những gì? Và Ngài trung thành với những lời hứa ấy ra sao?

6. Bạn đã hứa với Thiên Chúa những gì? Và bạn đã trung thành với những lời hứa ấy ra sao?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.08.2008. 10:12