Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thiên Chúa Ba Ngôi mãi mãi là Thiên Chúa ẩn mình

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi B
(Mt 28, 16)

Thưa qúy vị. Trước khi suy tư những điều về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhắc nhớ mình Ngài bí nhiệm chẳng thể thấu hiểu, ngõ hầu tránh những ngộ nhận đáng tiếc. Chúng ta biết rằng chỉ khi nào lên thiên đàng diện đối diện với Ngài, chúng ta mới được chiêm ngưỡng Ngài thật sự. Còn bây giờ chỉ như trong gương mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Đúng ra, chẳng được như vậy nữa. Bởi vì theo Kinh thánh Ngài là Thiên Chúa ẩn mình. Nhân loại chẳng có cách nào hiểu được, nắm bắt được. Mặc dù Ngài nhiều lần đã tự mặc khải cho các tổ phụ, các truyền thống Do thái. Vậy cho đến khi mầu nhiệm được hoàn toàn gỡ bỏ, chúng ta chẳng bao giờ có khả năng thấu hiểu Thiên Chúa. Ngài nằm ngoài sự hiểu biết của nhân loại.

Có điểm chắc chắn là Kinh thánh Cựu ước nói nhiều với nhân loại về phẩm chất siêu việt, thánh thiện và các hành động của Ngài trong lịch sử. Các tác giả viết Thánh Kinh đã dùng nhiều biểu tượng để diễn tả, như sấm sét, bụi gai cháy, ba khách lạ của Apraham, nhưng luôn luôn nhấn mạnh sự ẩn mình. Người ta không được phép so sánh Ngài với các thần ngoại bang, tạc hình tượng để tôn thờ. Tín hữu ngày nay cũng vậy, mặc dầu chúng ta có mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô, nhưng vì thế mà mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ bày rõ ràng. Nó vẫn là vực thẳm khôn dò khôn thấu. Chúa Giê-su chỉ cho biết Thiên Chúa là tình yêu cao độ đến với nhân loại và từng linh hồn trên thế gian này. Ngoài ra Ngài vẫn là điều ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.

Xin nhấn mạnh điểm này, kẻo đi quá đà thành huyên thuyên, lố bịch. Một thói xấu thường theo sát những nhà giảng thuyết thiếu chín chắn. Họ cố gắng mang chút vốn kiến thức kém cỏi ra “giải thích” mầu nhiệm Ba Ngôi. Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây chủ yếu để kính thờ Thiên Chúa tam vị nhất thể chứ không phải để mổ xẻ Ngài. Chúng ta thờ kính Ngài như đối tượng chính yếu của lòng tin, chứ không phải đối tượng học hỏi, khám phá. Giáo hội sơ khai đã tốn nhiều thế kỷ để suy tư về mặc khải và vạch rõ ranh giới của Kitô học, Ba Ngôi học để chống lại các lạc giáo. Và mặc dù học thuyết đã sáng tỏ, nhưng mầu nhiệm vẫn còn nguyên là điều không nắm bắt được. Thánh Augustinô mạnh mẽ tuyên bố : “Thiên Chúa Ba Ngôi không thể gọi tên được trong ngôn ngữ loài người. Chúng ta nhận biết Thiên Chúa không phải qua kiến thức mà qua kinh nghiệm của tình yêu. Người ta chỉ có thể khám phá Thiên Chúa trong con tim của mình. Tình yêu mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa hiện diện. Sự chân thật của nó vượt xa các công thức triết lý, thần học.”

Sau bốn mươi năm rong ruổi trong sa mạc Xinai, Mosê đã nói với tuyển dân về bản chất của Thiên Chúa như trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe : “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trứơc kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chưa?” Rồi ông tiếp tục khuyên họ đừng quên lãng Thiên Chúa, khi vào đất hứa. Ông chỉ cho họ hay Thiên Chúa của Israen chọn họ và yêu mến họ, cứu họ ra khỏi kiếp nô lệ Aicập, đồng hành với họ suốt lộ trình về Đất Hứa. Thiên Chúa ấy có tên là Tình Yêu. Ngài che chở dân tộc trong hết mọi hoàn cảnh, khi vui cũng như lúc buồn, khi gặp khó khăn cũng như khi thịnh vượng, khi phải chiến đấu cũng như lúc được bình an. Chẳng hệ thống triết lý, thần học nào làm được như thế cả, chẳng lý thuyết giáo điều nào có thể ban cho họ can đảm để thắng lướt khó khăn. Cho nên Mosê nhắc nhớ tuyển dân : “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: trên trời dưới đất, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác.”

Ngày nay, thái độ này vẫn phải là của chúng ta đối với Thiên Chúa. xin đừng lý thuyết nhiều quá, nhưng hãy có lòng sùng kính Thiên Chúa nhất thể tam vị một cách triệt để, thờ lạy và yêu mến Ngài. Nhất là tỏ rõ Danh Ngài bằng cuộc sống công chính. Lừa đảo Thiên Chúa là một trọng tội đáng xấu hổ, bởi Ngài luôn trung tín với mình và nhân loại. Không ai lừa dối được Ngài và Ngài cũng không lừa dối ai. Vậy mà nhiều người tự phong là con cái Chúa, nhưng nếp sống bê tha đĩ điếm, chẳng hoá ra coi Thiên Chúa là Đấng không có giá trị gì? Bịt mắt dễ như chơi. Nhưng nếu suy gẫm kỹ các bài đọc hôm nay và toàn bộ Kinh thánh, chúng ta có cái nhìn hoàn toàn khác: Thiên Chúa công chính vô cùng, thưởng phạt xứng đáng với công tội từng người. Chẳng ban chiến thắng cho kẻ mạnh thế, áp bức, bất công. Nhưng nâng đỡ kẻ yếu hèn, cánh tay bủn rủn. Ngài không ủng hộ quốc gia giàu có, quyền thế bằng những ơn lành mà thương xót các số phận có tinh thần nghèo khó. Ngài không cung cấp các giải pháp dễ dãi cho các thách đố phức tạp. Nhưng giúp đỡ các linh hồn bé nhỏ bằng sự khôn ngoan khôn lường của mình để họ có thể làm xấu hổ những kẻ kiêu căng nhất thế gian. Tuy chẳng ai đoán trứơc được các hành động của Ngài, nhưng Ngài luôn làm cho chúng ta bỡ ngỡ trước các biến cố của sự quan phòng dịu ngọt mà Ngài luôn dành cho những linh hồn kính sợ. Ngài không ưa khoác ách nô lệ cho nhân loại, nhưng luôn kêu gọi đến bến bờ tự do và trách nhiệm.

Kinh thánh luôn nhấn mạnh về việc tìm kiếm Thiên Chúa trong lòng yêu mến. Thánh Gioan còn thêm : Không yêu mến thì không biết Thiên Chúa là gì. Thánh Phaolô dịu dàng hơn : Nhờ Thánh Thần, chúng ta được quyền gọi Thiên Chúa là “Cha”. Một từ đầy nhân ái và thân mật, từ của con trẻ nói với cha mình. Thực vậy trong Chúa Giê-su chúng ta được Thiên Chúa xót thương. Trong Chúa Thánh Thần chúng ta sống và hy vọng. Như vậy, với Ba Ngôi, chúng ta chia sẻ bản tính thần linh. Cuộc đời vĩnh cửu không phải là giấc mơ viển vông. Nó là thực tại cụ thể trong mỗi tín hữu chân thành.

Xét chung lại, bài đọc một và ba có nội dung như nhau, Môsê nhắc nhớ dân Do thái về những ơn lành Chúa ban cho đất nước. Ngài tạo dựng và baỏ vệ tuyển dân. Ong yêu cầu họ ăn ở trung thành với Ngài, tuân giữ các giới luật để bày tỏ sự thánh thiện của Ngài trước các dân các nước. Làm thế nào họ có thể từ chối những chứng cớ Ngài thực hiện trong dân? Thánh Matthêô đồng quan điểm ấy khi mô tả Đức Kitô thi ân dáng phúc cho nhân loại, đúng như Thiên Chúa đã làm cho tuyển dân. Chúa đã dậy dỗ và mạc khải cho các môn đệ về một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và nhân hậu. Đến lượt họ cũng phải bày tỏ Thiên Chúa mà họ biết qua Đức Kitô. Họ phải đi ra khắp thế gian rao giảng cho muôn dân, biến muôn dân thành môn đệ và tuân giữ những điều Chúa truyền. Ngay từ đầu Phúc âm, thánh Matheo đã cho hay Hài Nhi Giê-su là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Bây giờ ông nhắc lại: Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa Giê-su đích thực là Thiên Chúa ở cùng nhân loại, tuy dưới hình thức khác: Hình thức Thần khí ngự trên các tông đồ. Cho nên chúng ta chẳng thể nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong các cộng đoàn Giáo hội.

Kết thúc bài đọc ba là việc Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng. Hôm nay cũng là ngày các trường học tổ chức mãn khoá. Trong ý nghĩa nào đó, các tông đồ cũng là những kẻ mãn khoá ở ngôi trường làm môn đệ. Họ đã lắng nghe, quan sát Chúa Giê-su sống và rao giảng, đã chia sẻ lòng nhiệt thành của đám đông Do thái. Họ đã đi lên Giêrusalem với Ngài, cầm cành lá hoan hô, mục kích cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Ngài. Họ nhận được thần khí trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Bây giờ Chúa sai đi rao giảng cho thế gian về những điều đã học. Chắc chắn họ cần trợ giúp của Thánh Thần, cho nên Ngài ban đầy đủ sức mạnh, khôn ngoan, tài trí của Thiên Chúa, ngõ hầu có thể đối phó với các khó khăn. Nhiệm vụ chúng ta ngày nay là tiếp tục công việc các tông đồ. Chúng ta phải mạnh dạn đi khắp nơi, khắp chốn, thu thập môn đệ cho Chúa Giê-su, khuyên nhủ họ tuân giữ giới răn bằng gương sáng đời sống lời nói việc làm, mà chúng ta học được trong trường lớp Giêsu.

Chúng ta sẽ bắt chước Ngài yêu thương và phục vụ những kẻ yếu hèn nhát trong xã hội, những người bị bỏ quên, những kẻ bị tổn thương trong hang cùng ngõ hẻm của loài người. Lòng yêu mến như vậy sẽ khiến chúng ta chẳng giống ai, đứng lẻ loi trong thế giới yêu chuộng vinh hoa phú quý. Tuy nhiên, đó là phương pháp chúng ta thu thập môn đệ cho Chúa. Cuộc sống tốt lành sẽ như ngọn đèn thu hút các linh hồn khát khao tìm Chúa. Thiên hạ sẽ nhận ra bản tính chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa mà hết lòng thờ lạy. Chúng ta sẽ chia sẻ tình yêu Thiên Chúa cho mọi người và họ sẽ tìm kiếm nguyên lý thay đổi cuộc sống chúng ta và thế giới. Chiến tranh, đau khổ, sự dữ, sẽ dần dần bị đẩy lui. Toàn thể nhân loại sẽ sống trong tự do hạnh phúc, những điều mà thế gian không thể ban tặng.

Vậy thì hôm nay là cơ hội tốt để chúng ta loại bỏ các ngẫu tượng. Ngẫu tượng cầm tù mình nhiều năm tháng nay : tiền tài, danh vọng, xác thịt, kiêu căng, tham lam. Những ngẫu tượng thói quen, tập tục, truyền thống làm xa lìa Thiên Chúa. những ngẫu tượng luôn đòi hỏi phục vụ trong lo lắng và sợ sệt. Các quyền bính độc tài vô luân. Những ngẫu tượng này luôn thử thách ghê gớm đức tin của chúng ta, lôi cuốn chúng ta về phe với giàu sang phú quý, quên lãng anh em hèn mọn. Những ngẫu tượng của bạo lực, chiến tranh, thù hằn, tàn phá. Không, chúng ta phải đạp đổ những thứ ấy mà tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Đấng Chúa Giê-su kêu gọi bằng “Cha”. Chúng ta chỉ chấp nhận một mình Ngài là thần tượng, là tạo hoá, là quyền năng, là khôn ngoan trên thế giới này. Chúng ta tôn thờ Ngài bằng bác ái và quản lý tốt các tạo vật Ngài đặt trong tay chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng thú nhận các giới hạn, các yếu đuối, các lỗi lầm mà Ngài thấy rõ nơi từng người.

Tiếp theo, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta kính cẩn lắng nghe Ngài, ghi nhớ và trung thành tuân giữ Lời Ngài. Chúng ta sốt sắng đón nhận các ân huệ Ngài ban qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Trong Đức Kitô, chúng ta biết rõ Thiên Chúa là ai ? Là Đấng chia sẻ cuộc đời thần linh cho nhân loại. Ngài luôn ở với con cái mình nơi trần gian. Chúa Giê-su Kitô là mặc khải toàn vẹn về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng thương cảm cho nhân loại. Hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư về nội dung vĩ đại đó. So với nó, mọi sự khác đều vô nghĩa.

Cuối cùng, chúng ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ngôi Ba, Đấng hằng chia sớt sự thánh thiện của mình cho thế gian. Chính Ngôi Ba dẫn đưa chúng ta vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa, thứ tương quan ban cho mỗi người sự sống vĩnh cửu. Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta không còn là nô lệ nhưng là con cái của Thiên Chúa, tự do và an bình. Chúa Ngôi Ba dẫn dắt từng linh hồn và toàn thể thế giới vào trời mới đất mới mà thánh Gioan mô tả trong Khải Huyền của Đức Kitô.

Tóm lại, Thiên Chúa Ba Ngôi mãi mãi là Thiên Chúa ẩn mình. Nhưng cũng luôn hiện diện trong thế giới, trong mỗi cuộc đời con người. Thầy khổ tu Thomas Merton trước khi chết (1968), đã khuyên nhủ các tập sinh : “Anh em ạ, cuộc đời đơn giản lắm. Chúng ta sống trong một thế giới được Thiên Chúa yêu thương. Ngài hiện diện khắp nơi. Mọi sự đều trong suốt dưới con mắt Ngài. Ngài rực sáng qua thời gian. Đây không phải là chuyện hoang đường mà là sự thật hiển nhiên. Nếu chúng ta phó thác vào tay Chúa và quên mình đi, thì sẽ được xem thấy Ngài thường xuyên. Ngài tỏ mình ra trong mọi sự, trong người khác, trong thiên nhiên và trong các biến cố hàng ngày. Chúng ta chẳng thể sống mà không có Ngài. Các bạn chẳng thể tồn tại nếu không có Thiên Chúa. Đúng vậy, không thể. Nhưng có điều là các bạn không xem thấy Ngài. Cái làm cho thế giới này u tối, chính là thiếu quan tâm về Thiên Chúa Ba Ngôi.” Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.11.2006. 12:44