Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Theo Dấu Chân Người...

§ Lm Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

Nguồn: Maranatha #83

Tôi có người quen ở tỉnh Phú Yên, nên một hôm ghé thăm. Dịp ấy, tôi được biết mình đang ở ngay trên quê hương của thầy giảng Anrê Phú Yên, nay là địa sở (tức giáo xứ) Mằng Lăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tôi mượn cha sở được cuốn “ Người Chứng Thứ Nhất” của Phạm Đình Khiêm, và ngay tại hành lang nhà thờ Mằng Lăng hôm ấy, khuôn mặt thiên thần của một người trẻ có chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam đã làm tâm hồn tôi rung động sâu xa. Trong nhà thờ, trước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi đọc bài văn “ Anrê Phú Yên” của Trăng Thập Tự mà thấy lòng mình như chìm trong đại dương thần linh vô tận.

Hôm sau, tôi đi thăm xóm Lò Giấy, cách nhà thờ Mằng Lăng chừng 2 Km, nơi chôn nhau cắt rốn của thầy giảng Anrê Phú Yên. Đây là một xóm nghèo, hiện chỉ còn chưa tới 10 gia đình công giáo. Xưa kia xóm này có một ngôi nhà thờ nhỏ, nhưng hiện nay chỉ còn cái nền gạch dùng làm sân phơi lúa. Tối đến, ngồi bên bờ sông Kỳ Lộ, con sông ngăn cách nhà thờ Mằng Lăng với xóm Lò Giấy, tôi hồi tưởng lại một con người, một cuộc đời, một thanh niên, một giáo lý viên, một nhân chứng của Đức Kitô vào thời khai sinh Hội Thánh Việt Nam.

1. Không Ai Có Tình Yêu Lớn Hơn

Thời điểm ân phúc trọng đại đến với anh vào tháng 7 năm 1644, tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay. Hôm ấy, anh đang ở trụ sở các Cha Dòng Tên tại Hội An. Cha Đắc Lộ cũng như các thầy giảng khác đang đi làm việc tông đồ, chỉ còn lại anh ở nhà giúp mấy anh em khác đau yếu. Lính tìm thầy Inhaxu không được nên tức giận thu hết ảnh tượng, đập phá hết nhà cửa, rồi trói anh dẫn đi. Cha Đắc Lộ kể: “Anrê bị điệu đi tới quan trấn, bị tố cáo là giáo dân và thầy giảng. Rồi họ dẫn thầy vào ngục, nơi đã có một chứng nhân khác cũng tên là Anrê. Cả hai thức suốt đêm, coi như đêm cuối cùng đời mình, an ủi nhau, tin tưởng vào ngày mai cả hai sẽ về thiên quốc.” Ngay hôm sau, quan tổng trấn kết án tử hình cả hai. Cha Đắc Lộ vận động tất cả mọi người Bồ Đào Nha ở Hội An đến xin quan trấn khoan hồng. Người kia được tha, vì có con cháu. riêng anh “sẽ phải chết như đã xin, để dạy cho mọi người biết vâng lệnh Chúa.” Chúa đây là chúa Nguyễn ở Huế. Chiều ngày 26/07/1644, anh được dẫn đến pháp trường Gò Xử. Cha Đắc Lộ kể tiếp: “ Tới nơi toàn thắng, thầy quỳ xuống cầu nguyện để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh. Họ không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào, và đứng cạnh thầy. Thầy vẫn quỳ dưới đất, mắt nhìn lên trời, miệng luôn hé mở và đọc tên Chúa Giêsu.” Được lệnh, một người lính lấy giáo đâm anh từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Anh đưa mắt trìu mến nhìn cha Đắc Lộ để vĩnh biệt. Cha nói anh hãy nhìn lên trời là nơi anh sắp tới và có Chúa Giêsu đón tiếp. Anh ngước mắt lên cao và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính lấy giáo đâm anh lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, như thể muốn tìm trái tim anh. Điều kỳ lạ là anh vẫn quỳ chứ không ngã. Cuối cùng, lính phải lấy mã tấu chém hai nhát, đầu anh lìa khỏi cổ, xác anh ngã gục, hồn anh đến với Chúa. Cha Đắc Lộ đưa xác anh về Áo Môn, còn đầu anh về Rôma. Năm ấy anh 19 tuổi.

2. Nước Trời Như Hạt Cải

Dưới ánh trăng vằng vặc, tôi nhìn dòng sông Kỳ Lộ hiền hòa lấp lánh, núi Aman và núi Sơn Chà đơn sơ mà bí ẩn, rồi những lùm tre, những mái tranh, những con thuyền nhỏ ( ở đây gọi là sõng). Quê hương của anh thật xinh đẹp và dễ thương. Một nhóm thanh niên nam nữ ngồi trên bãi cát cùng nhau hát rồi cười đùa, sau một ngày lam lũ. Tôi bắt gặp đâu đây hình ảnh của anh hơn 300 năm trước.

Vào thế kỷ XVII, bước chân nam tiến của dòng giống Lạc Hồng mới đến Đèo Cả. Phú Yên là tiền đồn phía nam của tổ quốc. Dinh Trấn lúc ấy đóng ở bờ sông Kỳ Lộ, gần cửa biển Tiên Châu. Hẳn là ông bà hoặc cha mẹ anh đến lập nghiệp tại vùng đất mới này, để nơi đây trở thành quê hương anh. Và Phú Yên trở thành tên anh. Năm 1641, cha Đắc Lộ, vị thừa sai kiệt xuất tại Việt Nam, đã từ Bình Định đến cửa biển Tiên Châu, theo sông Kỳ Lộ vào dinh trấn Phú Yên để giúp đỡ các bổn đạo mới đến đây lập nghiệp. Năm ấy, anh 16 tuổi. Cuộc gặp gỡ giữa cha và anh diễn ra thế nào không ai biết rõ. Nhưng chúng ta có thể chắc rằng đó là cuộc gặp gỡ giữa một sứ giả của trời và một tâm hồn luôn hướng lên trời cao. Có lẽ ngày xưa Chúa Giêsu cũng gặp thánh Gioan như vậy. Chuyện xảy ra 3 năm sau đó hơi khác: một đàng là thánh Gioan đứng dưới chân thánh giá, hiệp thông với Chúa Giêsu trong những giờ phút cuối, một đàng là cha Đắc Lộ chứng kiến và khích lệ người môn đệ yêu dấu của mình để làm chứng cho đức tin. Gò Xử ở Quảng Nam mở đầu cho vô số những Đồi Sọ mới trên đất Việt.

Cha Đắc Lộ đến Hội An từ năm 1624. Ba năm sau, cha trở thành người đặt móng cho Hội Thánh Đàng Ngoài. Noi gương Hội Thánh Nhật Bản, khi đến Hội An khởi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam năm 1615, cha Phanxicô Buzomi mời gọi một số giáo dân nhiệt thành cộng tác vào việc phục vụ cộng đoàn cũng như công cuộc truyền giáo. Ở Đàng Ngoài, tại Thăng Long. Cha Đắc Lộ tiến thêm một bước là tổ chức Hội Thầy Giảng. Cha mời gọi một số thanh niên độc thân nhiệt thành và có uy tín, huấn luyện họ làm giáo lý viên, cho họ sống chung với cha, cho họ tuyên khấn công khai trước mặt giáo dân . Khi không có các thừa sai, chính các thầy giảng lãnh đạo cộng đoàn, nhờ đó sinh hoạt không bị đình trệ, việc truyền giáo mở rộng, và khi bị bách hại, các tín hữu vẫn có được những điểm tựa tinh thần. Thành công ở Thăng Long, khi trở lại Hội An, cha lập Hội Thầy Giảng Đàng Trong. Lúc ấy, Hội An là một thương cảng quốc tế , nơi tàu bè các nước, đặc biệt là Trung Hoa, Nhật Bản và Bồ Đào Nha, ra vào buôn bán tấp nập. Các cha Dòng Tên đặt trụ sở truyền giáo tại đây, nên Hội An cũng là “ nhà chung” của các thầy giảng.

3. Dù Mưa Rơi Hay Bão Tới

Cha Đắc Lộ đến dinh trấn Phú Yên lần đầu, có thể thầy giảng Anrê Phú Yên chỉ là một thiếu niên như bao thiếu niên khác ở miền quê. Những mảnh ruộng nhỏ, những chiếc sõng nhỏ, hai con núi nhỏ là nơi anh cuốc đất gieo lúa, bắt tôm bắt cá, kiếm củi kiếm than. Được rửa tội, anh mang tên thánh Anrê. Ở nhà hoặc trong giấy tờ anh tên là gì, không ai biết nữa. Thật là tiếc, nhưng cũng hay. Ngày nay, anh được mọi người gọi bằng tên thánh bổn mạng ghép với tên xứ sở. Anh đã trở thành linh thiêng, không ai gọi bằng tên riêng nữa. Năm 17 tuổi, anh lìa bỏ gia đình và quê quán, theo cha Đắc Lộ vào Hội An, gia nhập Hội Thầy Giảng. Trong hai năm ở đây, anh đã làm gì ? Chắc cũng như mọi thầy giảng khác, anh được huấn luyện về nghề nghiệp và về giáo lý, đặc biệt là đời sống đức hạnh và phục vụ. Năm 18 tuổi, anh khấn hứa công khai. Vì còn nhỏ có thể đóng vai trò phụ thuộc. Điều quan trọng là, như Chúa Giêsu, anh ngày càng lớn lên, thêm khôn ngoan, được Thiên Chúa và mọi người thương mến.

Đứng đầu nhóm thầy giảng ở Hội An là thầy Inhaxu. Đây là một tông đồ nhiệt thành và hữu hiệu. Tuy nhiên, có một người rất ghét thầy, đó là một phụ nữ gọi là Tống Thị. Bà là vợ nhỏ của Vương Tử Kỳ, con chúa Sãi và làm trấn thủ Quảng Nam. Năm 1631, Vương Tử Kỳ chết, rồi năm 1635, chúa Sãi cũng qua đời. Em của Vương Tử Kỳ kế vị cha, gọi là chúa Thượng. Tống thị ra vào với chúa Thượng như vợ chồng, làm nhiều người gai mắt, trong đó có thầy Inhaxu. Cha Đắc Lộ kể: “ Vào tháng 7 năm 1644, quan trấn tỉnh Phú Yên từ phủ chúa về, đem theo sắc lệnh, không phải của chúa, vì chúa vẫn tỏ thịnh tình với tôi, nhưng của bà chúa xưa nay vốn ghét đạo, như tôi đã nói, và nhất là bà thề sẽ hãm hại thầy Inhaxu. Quan trấn này tự nhận công việc, vì hợp ý xấu đã có từ lâu.”

Một lần có dịp đến Hội An, tôi đã tìm đến nơi xưa kia anh đã sống hai năm cuối đời. Dĩ nhiên, trụ sở của các cha Dòng Tên hồi đó, cũng như chính ngôi nhà thờ đầu tiên của Việt Nam, không còn lại dấu vết nào. Hiện nay, đó là một lò giết mổ heo trên đường Cửa Đại. Theo quốc lộ 1 từ Điện Bàn về phía nam chừng mấy cây số, tôi đến nơi xưa kia là Gò Xử. Không một dấu tích gì. Trở lại xóm Lò Giấy, không ai còn nhớ đâu là căn nhà đã đón anh vào đời. Chẳng những không ai nhớ tên anh, cũng chẳng ai biết cao hay thấp, béo hay gầy, vui nhộn hay trầm lặng. Gần như anh không còn là một con người bằng xương bằng thịt. Anh đã trở thành một lời chứng. Thác là thể phách, còn là tinh anh. Vào đầu năm 1994, khi có dịp đi qua Gò Xử, tôi dừng lại một quán nước bên đường, nhìn vào nơi anh đã hy sinh. Tôi thấy rõ anh vẫn quỳ dưới đất, mắt hướng lên trời cao, miệng kêu tên Chúa Giêsu: ít là trong lòng tôi.

4. Tâm Hồn Lớn Trong Vóc Dáng Nhỏ

Thấy người nằm đó biết sau thế nào? Kiều đã tự hỏi như vậy trước mộ Đạm Tiên. Sau khi chứng kiến thầy giảng Anrê Phú Yên hiến dâng mạng sống cho Đấng đã hiến dâng mạng sống cho mình, cha Đắc Lộ nói với mọi người: “ Tôi hết sức mong đợi mọi người trên thế giới được biết người đầy tớ tuyệt diệu của Chúa, để thúc đẩy họ nhận biết và yêu mến Đấng bạn trẻ này đã yêu mến đến chịu chết vì Người.”

Tôi nhớ đến anh, một người trẻ gắn liền với việc theo Chúa với việc phục vụ Hội Thánh. Anh không nghĩ theo Chúa chỉ để được lợi lộc đời này hay hạnh phúc đời sau. Gương của cha Đắc Lộ và các thầy giảng khiến anh bước theo Chúa Giêsu, dấn thân với Chúa. Những người chưa biết Chúa, hoặc chưa biết Chúa đủ, đang bao vây anh. Anh không thể đến với Chúa một mình, vì anh chắc sẽ bị Chúa hỏi, như đã hỏi Cain: “Em con đâu?”

Tôi nhớ đến anh, một thiếu niên thôn quê, chắc là ít học và cả đến ngây ngô. Cha Đắc Lộ là một giáo sư thần học. Một số thầy giảng từng là tiến sĩ, cử nhân. Anh không có gì đáng kể, đáng khoe. Nhưng ai cũng có gì để đóng góp. Mặt trời chiếu sáng ban ngày hay mặt trăng chiếu sáng ban đêm. Vào những đêm không trăng, những ngôi sao nhỏ lấp lánh cũng tô điểm bầu trời. Và ngay cả một ngọn đèn dầu dưới một mái tranh cũng có thể dẫn đường cho lữ khách.

Tôi nhớ đến anh, ngay hôm bị bắt, không đi làm tông đồ, nhưng ở nhà săn sóc mấy thầy giảng bị bệnh. Trong chương trình cứu độ bao trùm cả không và thời gian, mỗi người chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Riêng anh chấp nhận làm những việc được trao, những việc vừa sức, trong vai trò của người đàn em, người phụ tá. Anh như một bông hoa nhỏ trước bàn thờ Chúa, vào mỗi ngày thường. Anh như một đóa hoa 10 giờ, mọc đâu cũng được, ai hái cũng được. Thế mà cuộc sống hằng ngày của muôn vàn người rất cần đến những cây kim sợi chỉ.

Tôi nhớ đến anh, người thắp lên một ngọn đèn, chứ không ngồi yên nguyền rủa bóng tối. Tống thị và quan trấn Quảng Nam thời nào chẳng có? Anh không xuống đường la hét, cũng không đóng cửa rên rỉ. Anh nhập đoàn với Hội Thánh, với Hội Thầy Giảng, làm một tia sáng, làm một hạt muối, để mặt đất tươi đẹp hơn, đáng sống hơn. Một rừng cây ngày đêm lớn lên mà không gây một tiếng động nhỏ. Cuộc đời luôn dư thừa những tiếng kêu la than vãn, chỉ thiếu những người âm thầm đem lại bình an và niềm vui.

Anre-PhuYen.jpg

Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh : đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng.

Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.

Nhìn mọi sự nhạt nhòa đi, tôi thấy anh nổi bật, ít là trong lòng tôi, giữa những người trẻ đã bước theo Đức Giêsu đến cùng: Tôma Thiện, Anrê Trông, Giuse Tuân... Và cả những Luy Gonzaga, những Têrêsa Hài Đồng nữa. Tôi nhớ đến Hội Thánh Việt Nam, đến đất nước Việt Nam của hai câu mở đầu bài văn Anrê Phú Yên :

Cây lành sinh trái ngọt
Đất thánh trổ người hiền.

Và một ý trong ca khúc “Anrê Phú Yên” của Trương Đình Hiền :

Sống chứng nhân tình yêu
Chết lễ dâng toàn thiêu.

Anh đã vào trong ký ức ngàn đời của Hội Thánh.

Lm Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.07.2006. 08:56