Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thế giới không thể thiếu ma

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH (Năm B) Lc 24, 36 – 48

Giữa năm 2008, cuốn tiểu thuyết “Con Ma Dễ Thương” của tác giả Giang Thu thu hút nhiều độc giả trẻ, do tính chất triết lý của nó: chuyện một cô gái trẻ đẹp và hiền hậu, bị bệnh và chết đi. Hồn cô vất vưởng... Một đêm không chịu nổi giá lạnh, cô vào trú một miếu hoang bên đường. Những con ma hung dữ ăn hiếp và đẩy cô ra ngoài, khiến cô lại chết thêm một lần nữa. Lần này, hồn cô rã tan và dật dờ trong gió. Một con quỷ dữ thương xót cô và muốn lấy cô làm vợ, nhưng cô nghĩ: "Tuy hồn đã rã và đang chịu nhiều đớn đau, nhưng vẫn còn có cơ hội đầu thai thành người. Nếu sống với quỷ dữ đi hại người, thì đời đời cô sẽ hết cơ hội làm người ". Trong thời buổi phim ảnh ăn nên làm ra nhờ ”ma”, bộ phim Việt Nam “Ma Làng” cho thấy “ma” tình người ở những vùng nông thôn nghèo, cũng lắm thủ đoạn, lừa lọc, dối trá, tham lam. Khi khoa học chưa tiến bộ, thiêu ánh sáng điện, thì ma nhan nhản khắp nơi. Khi ánh sáng khoa học và ánh sáng điện toả chiếu, ma bị xua đuổi và biến mất dần. Nhưng khi khoa học và công nghệ đã đạt đỉnh cao, “nhu cầu” về “ma” lại tái hiện: những con ma, loại ma được kỹ thuật khoa học tạo thành với mục đích kinh doanh và giải trí đã đành, nhưng chủ yếu là những con ma do con người tạo ra hoặc tự tạo, nhằm đạt được các ý đồ, tham vọng ích kỷ và có khi độc ác. Những con ma làng mặt ngừơi dạ thú, bán linh hồn cho qũy dữ, vì chẳng muốn trở lại làm người. Thế giới không vắng bóng ma.

Chuyện về vẽ ma vẫn thường nghe kể: Tề Vương hỏi hoạ sĩ đang vẽ chân dung cho mình cái gì khó vẽ nhất. Anh hoạ sĩ cho biết vẽ chó vẽ ngựa khó nhất, vì chúng xuất hiện thường xuyên trước mọi người, do vậy chỉ cần một sai sót là bị chê bai chế diễu ngay; trong khi đó, vẽ ma là dễ nhất, vì chúng không có hình dáng nhất định và chưa ai nhìn thấy chúng thật sự bao giờ. Nếu người hoạ sĩ nầy sống ở thời đại công nghệ cao nầy, anh hẳn sẽ đổi ý: những con ma do công nghệ cao tạo ra với những kỹ thuật vi tính và những kỹ xảo điện ảnh còn ghê gớm đáng sợ hơn nhiều. Casper, con ma trong loạt phim hoạt hình, chẳng hạn: tốt bụng, dễ thương, nhưng kẻ lành người ác đều hoảng hốt bỏ chạy khi thấy Casper đi xuyên mọi thứ. Hơn nữa, trong một thế giới đầy dẫy ma quái như thời nay, đầy dẫy những loài ma do con người “vẽ” ra ở mọi lãnh vực, không khó nhận diện. Những con ma “dữ” nầy khiến ai cũng cảm thấy bất an, bị ức chế, đau khổ, kể cả bị hại đến. Thế giới không thể thiếu ma, vì chính chúng ta cũng góp phần tạo ra một hay nhiều con ma có hại cho mình và cho tha nhân.

Trong hàng loạt động thái nhằm củng cố lòng tin nơi các môn đệ, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu rằng phục sinh không phải là bóng ma và cũng không tạo ra một con ma. Chúa Giêsu vẫn là một, hôm qua,hôm nay cho đến muôn đời: vẫn nói năng khi cần, vẫn ăn uống khi thích hợp (Lc 24, 41- 43), nhưng không bị giới hạn hoặc bị ngăn cản về thời gian, không gian và vật chất. Hình ảnh nầy, những sự kiện xảy ra hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ khắc ghi và truyền lại, không cho phép bất cứ lệch lạc tùy tiện nào. Những điều tưởng chừng đơn sơ nầy, tuy không phải là nền tảng đức tin Kitô giáo, song lại là những chất liệu bất di bất dịch khi truyền đạt niềm tin phục sinh. Bởi vì không chỉ có kẻ thù xuyên tạc, nhạo báng hoặc gây hoài nghi đức tin phục sinh bằng cách tô vẽ đủ màu mè, có khi rất rực rỡ đẹp đẽ, chỉ cốt làm cho người ta lệch lạc về cách nhìn, cách nghĩ về sự sống lại, sao cho cuối cùng làm người ta thấy rằng không hề có sự sống lại, rằng sống lại chỉ là trò lừa bịp hoặc chỉ như một thứ luân hồi. Satan muốn biến Chúa Kitô phục sinh thành bóng ma. Muốn phủ nhận sự tồn tại của ma, thì phải đưa ra được chứng cứ thuyết phục. Chúa Giêsu đã dựa vào quan niệm bình dân về ma (không có xương thịt, x. Lc 24,39) để trước hết đánh tan lầm tưởng nơi các môn đệ . Trách nhiệm còn lại được Chúa Giêsu trao cho chúng ta : chứng minh Người là Chúa Phục Sinh! Chúa phục sinh thì không phải là “ma”. Đức tin vào Chúa Kitô phục sinh và niềm tin phục sinh Kitô giáo, vì thế, không phải là chuyện hoang đường!

Trong những ngày qua, báo chí đưa tin về việc đập bỏ hoàn toàn đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh, để xây lại mới, khiến người dân bất bình về cách làm văn hoá thiếu văn hoá và hiểu biết nầy. Có thể liên tưởng đến lo ngại của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Sẽ có những người chỉ vì nhiệt tâm, nhân danh lòng tin cậy mến, nhân danh lòng nhiệt thành truyền giáo, mà thấy hình ảnh Chúa Kitô Phục Sinh đã quá cũ kỹ, lỗi thời, khó hiểu trong xã hội hiện đại nầy, nên đã đập bỏ những gì xây nên đức tin Kitô giáo vào Chúa Kitô phục sinh, để xây mới cho lộng lẫy hơn, hấp dẫn hơn, bài bản hơn. Giu-dà có lẽ cũng vì nhiệt tình (zelote) mà muốn ép Chúa Giêsu thay đổi cách nghĩ,cách làm, trở nên uy nghi sáng láng, hơn cả hình ảnh vị vua khải hoàn trên một con lừa. Giu-dà đã lầm. Hình ảnh vinh quang trần thế mà Giu-dà muốn tạo ra cho Chúa Giêsu, chỉ là bóng ma.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khẳng định lần nữa (lần trước là ở biển hồ, khi Người đi trên mặt biển; (x. Mc 6,48 – 50) rằng Người không phải là ma. Nếu Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn bị nhìn lầm là “ma”, thì lỗi là ở chúng ta, khi làm cho chân lý Phục Sinh bị biến dạng đến độ không còn nhận ra được nữa. Chúa Kitô mà chúng ta giới thiệu cbo tha nhân (tất nhiên là cho cả chính mình) là một Chúa Kitô đã được sơn phết lại, đã được mô tả, đắp bồi, tô vẽ và làm mới, với suy nghĩ rằng Kitô giáo, đức tin phục sinh, phải giống với người thời nay, phải thích hợp với não trạng của thời đại mới, phải vừa thức thời vừa thời thượng, nếu không muốn bị đào thải. Người ta dễ dàng quy lỗi cho Giáo Hội Công giáo là xơ cứng,bảo thủ,như “cụ rùa” trong giáo huấn và giáo lý bên cạnh “chú thỏ” của một thế giới đổi thay chóng mặt không chỉ về khoa học,mà cả về quan điểm đạo đức, luân lý, nhưng theo chiều hướng tương-đối-hoá, theo ý riêng đầy tham sân si. Từ đó người ra sốt sắng tìm mọi phương pháp và phương tiện để cách tân đức tin phục sinh và hài lòng với kết quả mình tạo ra: một hình ảnh mới mẻ về Chúa Kitô và cái nhìn mới mẻ về đức tin. Duy một điều họ không nghĩ tới: Chúa Giêsu Kitô mà họ giới thiệu, là một con ma.

“Satan, hãy lui ra đằng sau, Con làm cho Thầy vấp phạm” (Mt 16,23). Đó phải là lời cảnh cáo với chúng ta. Chối bỏ đau khổ, tìm dễ dãi vinh quang, là những cám dỗ mà Satan bày ra trước măt Chúa Giêsu, cũng là những gì chúng ta bày ra trước măt,trong lòng anh em. Chúa Giêsu đã quở mắng Phêrô nặng lời. Những điều như thế, liệu anh em chúng ta có đủ ý thức và dũng cảm từ chối để trung thành với con đường hẹp, con đường thập giá theo Chúa Kitô chăng? Hay sẽ nghe lời chúng ta (cũng là ý của Satan) mà đi ngựơc con đường Chúa Giêsu đã trải qua?

Trong một thế giới không thể thiếu ma và ngày ngày số lượng “ma” càng tăng lên, thì chỉ còn một cách duy nhất để xác định chân lý đức tin phục sinh và căn tính của Kitô hữu: đó là phải khác “ma”, phải cho thân xác và linh hồn thấm nhuần tinh thần và ân sủng phục sinh, từ Chúa Kitô phục sinh, và muốn thế thì phải đi qua con đường duy nhất là cùng vác thập giá theo Chúa Giêsu, chết cho những “con ma” yếu hèn, tội lỗi, ích kỷ, ươn ái, kiêu căng, để cùng sống lại với Chúa Kitô.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.04.2009. 01:26