Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Thần và Lửa

§ Lm Anphong Trần Đức Phương

Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm C

Chúng ta đã bắt đầu chu kỳ Phụng Vụ Năm C với Chúa Nhật I Mùa Vọng để chuẩn bị mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh. Sau Lễ Chúa Giáng sinh là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, tiếp sau là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh (Lễ Ba Vua); sau đó chấm dứt Mùa Giáng Sinh. Hôm nay, chúng ta mừng Chúa Nhật I Mùa Thường Niên với Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Năm nay, “Mùa Thường Niên, Phần I” sẽ kéo dài đến Chúa Nhật VI Thường Niên, sau đó sẽ bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro, để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Sau Lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh (Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa), rồi Chúa Nhật III, IV, V, VI và VII Mùa Phục Sinh (ở nhiều nơi, Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh); tiếp theo là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và chấm dứt Mùa Phục Sinh để bước sang “Mùa Thường Niên, Phần II” với Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, và sau đó là Chúa Nhật Thường Niên XI trở đi. “Mùa Thường Niên Phần II” sẽ chấm dứt với Lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ, và là Chúa Nhật cuối cùng của Niên Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, để rồi lại bước vào một Niên Lịch Phụng Vụ mới, Năm A.

PhepRua.jpg

Như vậy, qua chu kỳ niên lịch Phụng Vụ, chúng ta được sống lại cuộc đời của Chúa Giêsu nơi trần gian với nhiều biến cố khác nhau từ khi Ngài sinh ra, lớn lên, ra đi rao giảng Tin Mừng tình thương, bị khổ nạn, chịu chết trên Thánh Giá, an táng trong mồ, sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta.

Để chúng ta có thể đọc và sống lại lịch sử ơn cứu độ từ Cựu Ước đến Tân Ước, Giáo Hội đã chia lịch Phụng Vụ thành những chu kỳ Năm A, Năm B và Năm C, với Bài Đọc I thường trích trong Thánh Kinh Cựu Ước, Bài Đọc II trích từ Thánh kinh Tân Ước (Sách Công Vụ Tông Đồ, các Thánh Thư của Thánh Phaolô (14 thư), Thánh Phêrô (2 thư), Thánh Gioan (3 thư), Thánh Giacôbê (1 thư), Thánh Tađêô (1 thư), và Sách Khải Huyền . Bài Phúc Âm trích từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu, hoặc Matcô, Luca hay Gioan.

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là Chúa Nhật I Mùa Thường Niên. Mùa Thường Niên là mùa để chúng ta sống lại những ngày trong đời sống Công Khai của Chúa Giêsu cùng với những công việc Chúa Giêsu đã làm để rao giảng Phúc Âm tình thương của Ngài như: đến dự tiệc cưới Cana và làm phép lạ hóa nước thành rượu (Gioan 2: 1-11), đi rao giảng các nơi, làm các phép lạ, thăm viếng các gia đình, đến với mọi người, nhất là những người nghèo khó, bệnh tật để an ủi và nâng đỡ họ. Ngài cũng đến với những người tội lỗi, những người thu thuế, những người Biệt Phái để cảnh giác và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính; đặc biệt, Ngài gọi một số người để huấn luyện trở thành các Tông Đồ, và chuẩn bị lập Giáo Hội Chúa ở trần gian để tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi.

Chúa Giêsu đã bắt đầu công cuộc rao giảng của Ngài bằng việc đến dòng sông Giordan để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. Đây chỉ là Phép Rửa để dọn lòng thống hối. Thánh Gioan đã ban phép rửa thống hối cho dân chúng trên dòng sông Giordan để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Sông Giordan là con sông chính của nước Do Thái, chảy dọc từ miến Bắc xuống Biển Hồ Tibêriat, rồi tiếp tục chảy xuống Biển Chết. Chỗ Thánh Gioan ban Phép Rửa Thống Hối là “Bêtania bên kia sông Giordan” (Gioan 1: 28) (Bêtania ở đây khác với Bêtania quê hương của chị em bà Matta, Maria và Lagiarô). Phép rửa của Thánh Gioan không phải là Bí Tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu đã lập. Phép rửa của Thánh Gioan chỉ là phép rửa thống hối, dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Còn Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội Nguyên Tổ và tội riêng chúng ta phạm (nếu là người lớn). Đây là sự thanh tẩy nội tại của Bí Tích Thanh Tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Tông Đồ 2: 1-4), khi các Tông Đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các Ngài, và biến đổi các Ngài trở nên những con người mới, những Tông Đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các Ngài rao giảng cho dân chúng. Các em nhỏ mới sinh đều có thể được chịu Bí Tích Rửa Tội để được thanh tẩy khỏi tội Nguyên Tổ. Còn những người lớn thì phải học để hiểu biết đầy đủ về Giáo lý, và phải có lòng thống hối từ bỏ tội lỗi.

Bài Phúc Âm hôm nay (Luca 3: 15-16, 21-22) cho chúng ta thấy dân chúng đến chịu Phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả đông đảo và hỏi nhau xem Gioan có phải là Đấng Kitô không. Chính Thánh Gioan đã xác nhận ông không phải là Đấng Kitô. Ông cũng nói cho dân chúng biết ông chỉ rửa trong nước, nhưng Đấng Kitô đến sau ông “sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và lửa.” Chúa Giêsu cũng đến chịu phép rửa của Thánh Gioan để cùng hòa mình với dân chúng và bắt đầu cuộc sống công khai. Chính trong dịp này, “Thánh Thần Chúa đã ngự xuống trên Ngài theo hình chim bồ câu và có tiếng của Chúa Cha xác nhận : Con là con Cha yêu dấu, con đẹp lòng Cha mọi đàng.”

Bài Đọc I (Isaia 42: 1-4, 6-7) ghi lại những lời Tiên Tri Isaia đã tiên báo về Đấng Kitô được Thiên Chúa chọn, và Thánh Thần thánh hiến, sai đi để đem ánh sáng chân lý đến cho mọi dân tộc. Bài Đọc II (Công Vụ Tông Đồ 10: 34-38) ghi lại lời giảng của Thánh Phêrô xác định rõ ràng Chúa Giêsu thành Nagiaret, chính là Ngôi Lời mà Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng cứu rỗi.

Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến và cảm tạ Chúa về ân huệ chúng ta được lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội để trở nên con cái Chúa, và chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta có bổn phận phải sống trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa Tội là từ bỏ tội lỗi, giữ vững Đức Tin và luôn sống xứng đáng là những người con của Chúa. Vì thế, vào cuối lễ nghi Rửa Tội, chúng ta đã nhận lãnh tấm áo trắng và lời nhắn nhủ: “Con đã trở nên một con người mới và đã mặc lấy Chúa Kitô , chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con… Con hãy giữ nó tinh tuyền mãi đến cõi trường sinh.” Sau đó, chúng ta cũng được trao cây nến cháy sáng đốt từ ngọn lửa cây nến Phục Sinh với lời nhắn nhủ: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy sống như con cái sự sáng để được bền vững trong Đức Tin. Khi Chúa đến, con mới xứng đáng ra đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.” Nếu là người lớn, ngay sau khi nghi lễ Rửa Tội, chúng ta lại được chịu Bí Tích Thêm Sức để lãnh nhận đặc biệt ơn Chúa Thánh Thần và có bổn phận “làm chứng về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa,” lo chu toàn bổn phận Tông Đồ Giáo Dân: đem Chúa đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày bằng chính đời sống tốt lành của chúng ta.

Chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau và nâng đỡ nhau trong cuộc sống để mọi nơi, mọi lúc, chúng ta luôn sống xứng đáng là con cái Chúa, và đem Chúa đến cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Cũng nhớ tiếp tục cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho các vị Chủ Chăn, các Linh Mục trong “Năm Linh Mục” này. Xin Mẹ Maria và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.

Lm Anphong Trần Đức Phương

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.01.2010. 12:20