Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh thần và ác thần

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

VietCatholic News (31/05/2006)

Qua các phương tiện truyền thông như báo chí, Radio và truyền hình, chúng ta thấy thế giới nhân loại ngày nay không có một ngày nào hoàn toàn được an bình, không có một ngày nào mà không xảy ra những bạo hành và tội ác. Chưa lâu, bộ Nội Vụ CHLB Ðức đã công bố một danh sách dài của các tội phạm trong năm: trên 5 triệu hành vi phạm pháp đủ các loại đã được ghi nhận. Nghĩa là khoảng 7 giây đồng hồ lại xảy ra một tội phạm. Nếu tại một nước văn minh, giàu có và tiến bộ vào bậc nhất thế giới như CHLB Ðức mà còn xảy bao điều tiêu cực như vậy, thử hỏi tại các nước nghèo nàn lạc hậu mỗi ngày còn xảy ra biết bao tội ác, bao điều tồi tệ nữa !

Bởi vậy, nhiều người đâm ra hoài nghi tự hỏi: Phải chăng ác thần đã xâm nhập vào đời sống xã hội hôm nay của chúng ta ? Ðúng vậy, và chúng ta đang cố sức tìm kiếm các phương tiện và đường hướng để chống trả lại ác thần đó. Ðồng thời chúng ta cũng tìm kiếm sự quân bình, các đường hướng và sức mạnh của sự cứu rỗi và của sự hoàn thiện.

Trong khi đi tìm kiếm phương tiện và sức mạnh để chống trả ác thần như thế, chúng ta mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và được nghe nói đến một Thần Khí khác: Thánh Thần. Hoa trái của Thánh Thần đã được thánh Phaolô trình bày trong Thư gửi các tín hữu Ga-lát, là: «Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ » (5,22-23), nghĩa là tất cả những điều tích cực và thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta cũng như cho thế giới. Ở đâu có Thần Khí đó ngự trị, thì ở đó bộ mặt trái đất được đổi mới. Về Thần Khí của lòng nhân hậu và của sự cứu rỗi, Phúc Âm thánh Lu-ca đã viết: « Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người » (11,13). Tuy nhiên, Thánh Thần, Ðấng làm cho bộ mặt méo mó của trái đất trở thành xinh đẹp, sẽ không do con người tạo ra được. Tự khả năng nhân loại của mình, chúng ta không thể dàn xếp hay đặt kế hoạch trước về Người được. Ðiều chúng ta có thể làm và cần phải làm, là: Chúng ta hãy luôn thành khẩn cầu xin và hãy mở rộng tâm hồn mình đón nhận ân huệ đó của Thiên Chúa, vì nhận biết mình yếu hèn, giới hạn và bất toàn.

Ðồng thời chúng ta hãy để cho Thánh Thần Thiên Chúa dìu dắt hướng dẫn cuộc sống cũng như mọi hành động của mình, chứ không phải các tham vọng và ước muốn trần thế. Thánh Phaolô sau khi nêu lên những hoa trái của Thánh Thần, đã không quên nhắc lại điều kiện của những ai bước theo Thánh Thần: « Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê » (Gl 5,24). Cuộc sống theo Thánh Thần Thiên Chúa là một cuộc sống thanh thản và đầy an vui thánh thiện, tức: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, …Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc sống dễ dãi, theo kiểu được sao hay chớ.

Những ai biết sống và hành động theo Thần Khí, những người đó sẽ được Chúa Cứu Thế chúc phúc. Những vị thánh nhân, như Ê-li-sa-bét Thü-ring-gen, Phan-xi-cô Át-xi-xi, Mác-xi-mi-li-ê Khôn-bê, Vin-xen-tê đệ Phaolô, v.v…là những người đã hoàn toàn trao phó đời mình cho Thần Khí hướng dẫn và dìu dắt ! Ngày nay vẫn còn tiếp tục có những thánh nhân biết sống theo Thánh Thần của Ðức Giêsu chăng ?

Trong số các thánh nhân đó, chúng ta có thể kể tên, như: Ðức Gioan XXIII, Ðức Gioan Phaolô II, hay như Mẹ Tê-rê-xa, vị Tông đồ của người nghèo ở Culcutta/Ấn Ðộ, hay rất có thể như Martin Luther King, người tranh đấu cho sự tự do và hoà bình giữa mọi người. Chính ông là người đã phát biểu những lời thời danh như sau: « Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, các con cái của những kẻ nô lệ và các con cái của những người chủ nô lệ xưa kia sẽ cùng nhau thân hữu ngồi vào một bàn ăn … Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, bốn đứa con của tôi đây sẽ được sống trong một đất nước, nơi chúng không bị đánh giá theo màu da, nhưng theo tư cách sống của chúng… » (Reden, die die Welt bewegten, nhà xuất bản Emil Vollmer, trang 590).

Nếu chúng ta để cho hai tiếng „tự do“ của mỗi thành phố, của mỗi thôn xóm, của mỗi nhà nước, của mỗi thủ phủ mỗi miền vang dội lên, thì chúng ta đã thực sự làm cho xuất hiện được cái ngày tất cả mọi con cái Thiên Chúa, dù là da đen hay da trắng, dù Do-thái, Tin Lành, Công Giáo hay ngoại đạo, đều bắt tay nhau và cùng ca hát những lời của vị linh hướng người da đen già: „Thế là được tự do, lạy Thiên Chúa thượng trí toàn năng, thế là chúng con được tự do!“ (Srephen B. Oates, Matin Luther King, 1982, tr. 3169).

Vâng, ở đâu sự tự do được thể hiện trong đoàn kết và sự đoàn kết được thể hiện trong tự do, ở đó có Thần Khí của Ðức Giêsu, tức Chúa Thánh Thần, ngự trị. Thánh Phaolô cũng đã viết: „Ở đâu có Thần Khí, ở đó có sự tự do“ và „chúng ta đã nhờ Thần Khí mà trở nên một“.

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có nghĩa là để cho Chúa Thánh Thần trở nên sức mạnh nội tâm của cuộc sống chúng ta. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do và sự đoàn kết, đồng thời chúng ta cũng phải sẵn sàng cộng tác vào việc kiến tạo sự tự do và sự đoàn kết theo khả năng của chúng ta, hầu để cho: Một sự tự do không bị giới hạn và một sự đoàn kết không trùng nghĩa với một sự đồng điệu nhàm chán. (Trong thực tế, điều đó đối với Giáo Xứ của chúng ta ở. .. có nghĩa là là. ..) Con người ở trong Giáo Hội cũng như trong xã hội cần đến cả hai. Chúa Thánh Thần tác động và muốn cho cả hai cùng được hiện thực trong xã hội loài người chúng ta.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.06.2006. 10:27