Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thanh Tẩy Trong Ân Sủng

§ Phanxicô Xaviê

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, bệnh phong không còn bị coi là căn bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm. Đến nỗi có thời người ta xa lánh hoặc cách ly người bệnh khỏi đời sống cộng đồng.

Nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 17, chiều ngày 11-2-2009, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ĐHY Javier Lozano Barragán, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế đã cử hành thánh lễ trọng thể cho các anh chị em bệnh nhân tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ, ĐHY Lozano đã ban bí tích xức dầu cho 10 bệnh nhân.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã đến chào thăm và ban phép lành cho các tín hữu và anh chị em bệnh nhân. Trong bài huấn dụ, ĐTC mời gọi mọi người quí chuộng sự sống và tìm nơi Chúa Kitô ý nghĩa sâu thẳm của đau khổ bệnh tật và sức mạnh để chấp nhận đau khổ. Ngài nói : Ngày Thế giới các bệnh nhân hôm nay cũng là dịp để suy tư về kinh nghiệm bệnh tật, đau khổ, và nói tổng quát hơn là suy tư về ý nghĩa cuộc sống cần phải thực hiện trọn vẹn, cả khi đau khổ. Đối với tín hữu Kitô chúng ta, chính trong Chúa Kitô chúng ta tìm được câu trả lời cho ẩn ngữ đau khổ và sự chết. (Nguồn : Đài Vatican)

Sách Lêvi dành hẳn hai chương 13 và 14 để nói về bệnh phong hủi. Theo quan niệm Do thái giáo thì đây là căn bệnh khủng khiếp, mà hai chương của sách này đã liệt kê thành nhiều loại khác nhau, từ những biểu hiện của một bệnh ngoài da, cho đến bệnh hủi thực sự đều được gọi là bệnh phong. Về mặt y học, thì phong hủi là một bệnh truyền nhiễm nên cần phải cách ly. Do đó họ cô lập người bệnh. Từ một căn bệnh thể xác, người ta đã đồng hóa nó với tình trạng ô uế trong tâm hồn. Vì vậy, hoàn cảnh sống của những người này thật bi đát, họ bị loại ra khỏi đời sống và nền phụng tự của cộng đồng. Chỉ khi nào khỏi bệnh, với sự chứng nhận của các tư tế, lúc đó họ mới được hội nhập trở lại. Tuy nhiên đây là chứng bệnh nan y, chỉ có Thiên Chúa và những ai được Thiên Chúa ban quyền mới có thể chữa lành. Vì thế, người ta chờ đợi Đấng Mesia đến để được chữa lành.

Bằng giọng văn mộc mạc, vắn gọn, ít quanh co thánh Marcô đã đi thẳng vào vấn đề, như câu chuyện : Chúa Giêsu chữa lành người phong hủi trong Tin mừng CN VI Thường niên. Người bệnh đến van xin Chúa, Chúa Giêsu chạnh lòng thương chữa lành cho anh ta. Người nghiêm nghị bảo anh ta đi trình diện tư tế và cấm không được nói với ai. Nhưng anh ra đi và đã rao truyền tin anh được khỏi bệnh cho mọi người.

Việc Chúa Giêsu chữa lành người bệnh phong hủi, mà theo quan niệm của Do thái giáo là một người tội lỗi, ô uế, minh chứng Chúa Giêsu chính là Đấng đến để thanh tẩy con người khỏi mọi ô uế tội lỗi, là nguyên nhân của đau khổ và sự chết. Như ĐTC đã nói : đau khổ, bệnh tật và chết chóc vẫn là điều tâm trí chúng ta không thể hiểu thấu được ý nghĩa. Nhưng ánh sáng đức tin đến trợ giúp chúng ta. Lời Chúa mạc khải cho chúng ta thấy rằng cả những tai ương bất hạnh cũng được kế hoạch cứu độ của Chúa bao lấy một cách mầu nhiệm; đức tin giúp chúng ta coi sự sống con người là đẹp đẽ và đáng sống trọn vẹn cả khi nó bị tàn úa vì bệnh tật. Thiên Chúa đã sáng tạo con người để họ được hạnh phúc và được sống, trong khi bệnh tật và sự chết đi vào trần thế như hậu quả của tội lỗi. (Nguồn : Đài Vatican)

Người bị bệnh phong hủi theo Do thái thời trước, là những con người có hoàn cảnh sống thật sự bi đát. Họ không những bị loại khỏi đời sống cộng đồng, bị mọi người xa lánh, mà còn bị cấm tham dự vào việc phụng tự chung. Ngày nay, khi mọi người đã hiểu ra, thái độ đối với người bệnh không còn như xưa. Tuy nhiên, bệnh tật thể xác không còn khiến người ta bị loại trừ khỏi đời sống xã hội, nhưng vẫn còn đó rất nhiều những bệnh nhân của chứng phong hủi tâm linh khiến người ta vẫn tìm cách xa lánh : kiêu căng, tự mãn. Hoặc do chính họ tự cô lập mình bằng lối sống ích kỷ, thù hận và tội lỗi. Không biết chan hòa với mọi người, thiếu quảng đại, kỳ thị để không biết rộng lòng tha thứ đón nhận nhau. Đó chính là những thứ phong hủi của tâm linh cần phải được thanh tẩy khỏi bản thân và cộng đồng.

Chúa Giêsu chữa lành người phong hủi là đấu chỉ thiên sai, minh chứng Người lá Đấng đến để thanh tẩy nhân loại trong ân sủng tình yêu và bằng chính hiến tế thập giá của mình. Dù bị Chúa Giêsu cấm không được nói với ai việc mình được chữa lành, vì Người muốn mạc khải dần dần cho dân chúng hiểu rõ sứ mạng của Người và tránh sự ngộ nhận theo nghĩa chính trị trần thế, nhưng người bệnh phong vẫn ra đi và tung tin khắp nơi.. Là người Kitô hũu, chúng ta có trách nhiệm làm chúng cho mọi người về tình yêu của Chúa, ân sủng mà Thiên Chúa đã và đang dành cho mình mỗi khi tham dự Bí tích Thánh Thể.

Ngày nay trên thế giới, biết bao người đang bị loại trừ và cô lập bởi lòng hận thù ích kỷ, bởi sự phân hóa giàu nghèo và bởi biết bao tệ nạn khác. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi người biết quảng đại, rộng lòng tha thứ đón nhận nhau để tất cả cùng được sống trong ân sủng con cái Chúa. Xin cho họ, những nhà dân chủ luôn can đảm dấn thân làm trong sạch con người và thế giới bằng nỗ lực đấu tranh cho hòa bình và công lý.

Phanxicô Xaviê

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.02.2009. 11:28