Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh lễ Chúa Nhựt Lễ Lá: cuộc thanh tẩy đền thờ

§ Bình Hòa

Nguồn: Đài Vatican

Từ năm 1986, Chúa Nhựt Lễ lá được chỉ định là ngày thế giới dành cho các bạn trẻ, với những cuộc cử hành tại giáo hội địa phương xen lẫn với những cuộc cử hành mang tính cách quốc tế. Năm nay là lần thứ 23, trên đường chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quốc tế sẽ diễn ra tại Sydney, Australia, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 sắp đến. Cuộc hội ngộ quốc tế này được chuẩn bị trong vòng 3 năm, với ba đề tài dựa theo Chúa Thánh Thần, đó là:

Ngoài bức thư gửi cho các bạn trẻ ký vào ngày 20/7 năm ngoái, đức thánh cha đã nhiều lần mời họ chuẩn bị bằng tinh thần qua những buổi học hỏi cầu nguyện.

Pope_20080316-01.jpg

Vào hồi 9 giờ rưỡi sáng qua, ngài đã chủ sự cuộc rước lá tại quảng trường thánh Phêrô, tiếp theo là Thánh lễ. Rất nhiều phái đoàn đến tham dự lễ nghi này, và được nhắc đến trong những lời chào thăm vào cuối lễ. Các ý chỉ lời nguyện phổ quát đã được xướng bằng các tiếng Hoa, Pháp, Đức, Ewonđo (Phi), Đức, Bồ-đào-nha. Bầu khí tưng bừng của buổi lễ cũng không làm quên thảm cảnh của nhiều dân tộc đang lâm cảnh chiến tranh, cách riêng tại Irak, với vụ thảm sát đức cha Paulos Faraj Rahho, trở nên chủ đề cho cuộc kêu gọi chấm dứt bạo lực và hận thù sau 5 năm chiến tranh. Bài giảng Thánh lễ bàn về cuộc thanh tẩy đền thờ, được Phúc âm kể lại sau khi đức Giêsu vào thành Giêrusalem, mà chúng tôi xin trích dịch những đoạn chính.

Trên con đường về Giêrusalem, nhân dân tung hô đức Giêsu như là con vua Đavit với những lời thánh vịnh 117: “Hoan hô con của vua Đavit! Chúc tụng Đấng đến nhân danh Chúa! Hoan hô Ngài trên trời cao thẳm!”. Thế rồi Người vào đền thờ. Nhưng tại nơi mà lẽ ra phải dành cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người, thì Người gặp thấy những kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền bạc. Dĩ nhiên, những súc vật ở đó được dành vào việc sát tế trong đền thờ. Và bởi vì trong đền thờ không thể xài những đồng tiền mang hình ảnh của hoàng đế Rôma tương phản với Thiên Chúa hằng sống, cho nên phải đổi ra những đồng tiền không có mang hình ảnh ngẫu thần. Tuy nhiên có thể làm những điều đó ở chỗ khác, ở địa điểm được chỉ định, nghĩa là tiền đình dân ngoại. Thật vậy, Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất của hết mọi dân tộc. Và cho dù dân ngoại không đi vào nội đình của mặc khải, nhưng qua tiền đình của lòng tin, họ có thể kết hợp vào lời cầu nguyện dâng lên một Chúa duy nhất. Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa của hết mọi người, đang chờ đợi lời cầu nguyện, sự tìm kiếm, sự khẩn nài của họ. Thế nhưng giờ đây tại chỗ này người ta chỉ nghĩ đến chuyện làm ăn buôn bán, những công chuyện được chấp nhận bởi quyền bính hợp pháp, vì họ cũng thủ lợi trong việc buôn bán nữa. Như vậy, các con buôn hành động một cách hợp luật, tuy rằng luật lệ đã bị sai lạc, vì rơi vào tội thờ ngẫu tượng của tiền bạc. Đó là tình huống mà Chúa Giêsu đối đầu. Thánh Matthêu (21,13) đã trưng dẫn hai câu Sách thánh từ Isaia (56,7) và Gêrêmia (7,11): “nhà Ta là nơi cầu nguyện” “thế mà nay trở thành ổ trộm cướp”. Chúa Giêsu đã tái lập lại hệ trật đã bị lũng đoạn.

Pope_20080316-03.jpg

Tất cả những điều vừa rồi khiến cho chúng ta, những kitô hữu, phải suy nghĩ: đức tin của chúng ta có được tinh tuyền và mở rộng, để cho dân ngoại thời nay, nghĩa là những người đang đi tìm hiểu chân lý, có thể gặp được ánh sáng của Thiên Chúa duy nhất, có thể kết hợp với chúng ta trong tiền đình của sự cầu nguyện, và trở nên những kẻ phụng thờ Thiên Chúa hay không? Thử hỏi: ý thức rằng lòng tham là một ngẫu tượng đã chi phối con tim và lối sống của chúng ta chưa? Phải chăng bằng cách nào đó, chúng ta cũng để cho các ngẫu tượng len lỏi vào thế giới đức tin của mình? Chúng ta có sẵn sàng luôn luôn để cho Chúa thanh luyện mình, để cho Chúa trục xuất khỏi chúng ta và khỏi Hội thánh những gì trái nghịch với Người hay không?

Tuy nhiên, trong việc thanh tẩy đền thờ, không phải chỉ có chuyện bài trừ những lạm dụng mà thôi. Chúa Giêsu còn đánh dấu một chặng mới trong lịch sử nữa. Đây là lúc thực hiện điều mà Chúa Giêsu loan báo trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaria về sự thờ lạy chân chính: “Đâ đến thời mà những người thờ phượng đích thực sẽ tôn thờ Cha trong thần khí và chân lý, bởi vì Cha đang tìm những kẻ ấy” (Ga 4,23). Thời kỳ tế lễ Thiên Chúa bằng súc vật đã qua rồi. Thay vào những hiến lễ động vật và thực vật, là chính thân mình của đức Kitô, như tác giả thư gửi người Do thái đã viết (Dt 10,5): “Chúa không ưa thích hy tế hay hiến vật, những đã chuẩn bị cho con một thân thể”. Đức Kitô là hiến lễ mới, hiến lễ của tình yêu không bờ bến, tình yêu vì loài người mà trao hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Do đó, thờ phượng trong tinh thần và sự thật có nghĩa là hiệp thông với Đấng là sự thật, thờ phượng trong sự kết hiệp với Thân thể của Người, trong đó Thánh Thần đã kết nạp chúng ta vào.

Pope_20080316-05.jpg

Vào cuối trình thuật về việc thanh tẩy đền thờ mà chúng ta đang suy gẫm, thánh Matthêu thêm vào hai chi tiết mang tính cách ngôn sứ và làm nổi bật ý định của Thiên Chúa. Liền sau những lời tuyên bố của Đức Giêsu nói về nhà cầu nguyện dành cho hết mọi dân tộc, thánh sử viết như sau: “Nhiều người mù và què được mang vào đền thờ, và đức Giêsu đã chữa lành họ”. Ngoài ra, thánh Matthêu cũng nói rằng trong đền thờ, các thiếu nhi lặp lại lời tung hô mà trước đó các người hành hương đã xướng lên: “Hoan hô con của vua Đavít” (Mt 21,14). Đức Giêsu đã dùng lòng tốt để chữa lành các bệnh nhân, đối lại với những kẻ buôn súc vật và đổi tiền bạc. Chính lòng tốt của đức Giêsu mang lại sự thanh luyện đền thờ. Người không đến để phá huỷ với lưỡi gươm tàn sát. Người đến với sức chữa lành. Người đến phục vụ những kẻ tật nguyền bị xã hội gạt ra bên lề. Đức Giêsu bày tỏ Thiên Chúa là như là Đấng yêu thương; quyền năng của Chúa là quyền của tình yêu. Như vậy, Người muốn nói cho chúng ta biết thế nào là thờ phượng Thiên Chúa cách đích đáng, đó là phục vụ, lòng tốt mang sức chữa lành.

Rồi lại có các thiếu nhi đến tung hô đức Giêsu như là con của vua Đavit. Trước đó, Người đã nói cho các môn đệ rằng để được vào vương quốc Thiên Chúa thì họ phải trở nên thiếu nhi. Chính Người, vì muốn ôm ấp tất cả thế giới, đã muốn trở nên nhỏ bé, ngõ hầu gặp gỡ chúng ta và dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta cần từ bỏ tinh kiêu căng, làm cho chúng ta mù quáng, thúc đẩy chúng ta xa cách Thiên Chúa, làm như Thiên Chúa là kẻ đối thủ của mình. Để gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta cần học hỏi nhìn ngắm với con tim của các thiếu nhi, con tim trẻ trung, không bị thiên kiến ngăn cản, không bị lợi lộc làm mù quáng.

Các bạn thân mến, giờ đây, chúng ta hãy kết hợp với đám rước của các bạn trẻ thời đó, đám rước kéo dài suốt dòng lịch sử nhân loại. Cùng với các bạn trẻ trên khắp thế giới chúng ta hãy đến gặp Đức Giêsu. Cùng với Người, chúng ta hãy để Người đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, để học cách làm người chân chính. Cùng với đức Giêsu, chúng ta hãy cảm tạ Thỉên Chúa, bởi vì cùng với đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bình an và hoà giải. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta trở nên những sứ giả của bình an, những kẻ thờ phượng Chúa trong Thần khí và Sự thật.

Bình Hòa, 16/03/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.03.2008. 21:52