Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh giá - Nỗi đau và an ủi

§ Lm JB Nguyễn Minh Hùng

Chúa Nhật XXII Thường Niên A

Khởi đi từ ý thức và tuyên xưng của thánh Phêrô, cũng là đại diện cho tông đồ đoàn: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” dành cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Các con bảo Thầy là ai?”, Chúa Giêsu dẫn dắt các môn đệ đến một mạc khải hay cũng là một thử thách quan trọng, đòi các ông phải dấn thân nhiều hơn cho đức tin. Vì “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, không phải là Đấng “ăn trên, ngồi trước”, nhưng sẽ là Đấng hạ mình chết cho anh em, vì anh em. Đấng “phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, vã bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại”.
Và sau khi mạc khải về thập giá của Chúa, Chúa lại mời gọi chúng ta vác thập giá của chính chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống”.

Đó là lời dạy của Chúa. Còn chúng ta, hôm nay, nhìn lên thánh giá Chúa, để rồi quay nhìn lại thánh giá đời mình, chúng ta dám khẳng định: THÁNH GIÁ LÀ NỖI ĐAU NHƯNG CŨNG LÀ NIỀM AN ỦI.

1. Thánh Giá là nỗi đau.

Là nỗi đau vì:

- Chúa Kitô đã chết đớn đau trên thánh giá.

- Mọi con người, một khi mang thân phận con người, đều phải chấp nhận những đau khổ, những thách thức của đời sống. Tất cả những bất hạnh, lo âu, khổ sở ấy chính là thánh giá đè nặng trên đời người.

Có những thánh giá là một căn bệnh hiểm nghèo, là cái chết ngay tức khắc, là một cánh cửa nhà tù đang khép lại tương lai, là một quyết định phác lưu biệt xứ, là một cuộc tẩy chay, loại trừ ra khỏi cộng đoàn hiệp thông, là một cuộc thanh trừng sát hại không để lộ tông tích, là một sự đàn áp dã man không còn nhân tính, là những bức bách thể xác tinh thần đến độ mất ăn mất ngủ sinh kiệt sức đến lâm chung, là cách cai trị theo kiểu cai trị đám dân nô lệ vài ngàn năm khi nhân loại còn trong bóng đêm lạc hậu...

Có khi thánh giá cuộc đời là những rủi ro một cách khách quan ập đến. Nhưng cũng có những cây thánh giá do chính con người quẳn lên cuộc đời của nhau. Nếu thánh giá là chính người thân của mình tạo ra cho mình, chắc chắn đau khổ sẽ vô cùng lớn, bất hạnh chắc chắn nặng nề hơn.

Trên http://www.baomoi.com/nguoi-me-dau-kho-quy-lay-xin-con-trai-hay-song-lam-nguoi-tu-te/c/21644754.epi, tác giả Phương Quỳnh kể lại nỗi đau của người mẹ phải một mình lo cho chồng ốm đau quanh năm bên cạnh đứa con trai duy nhất ngang tàn, phá phách, lao mình vào “xã hội đen”.

Người mẹ đau khổ ngậm ngùi tâm sự: “Cuộc sống lêu lổng của nó cứ ngày này qua ngày khác rồi đến lúc hết tiền nó lại về vòi vĩnh vợ chồng tôi. Tôi khóc không thành tiếng, còn quỳ lạy con trai mình hãy sống làm người tử tế, đừng hành hạ bố mẹ như thế nhưng nó vẫn không tỉnh ngộ. Nó hỗn hào cãi: “Sinh ra được thì phải chịu đựng được”.

Tôi như chết lặng người khi tận mắt chứng kiến hành động hung hãn để lấy bằng được tiền của đứa con trai mà tôi đã vất vả sinh thành nuôi nấng.

Cũng mấy lần tôi nghĩ quẩn không muốn sống làm gì nữa nhưng nhìn chồng mình ốm đau, không có tôi chăm sóc thì phải làm sao nên tôi cố gắng gượng. Giờ đây, cứ mỗi lần thấy con trai về đến cổng là vợ chồng tôi lại hoảng sợ. Tôi không biết đến bao giờ con trai tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của bố mẹ và gia đình tôi hết sóng gió?”.

Ước mong, mỗi chúng ta hãy sống bên nhau bằng tình yêu. Nhất là các Kitô hữu, những người được thấm thía lời dạy “hãy yêu nhau” của Chúa, càng phải sống cho nhau, vì nhau, và yêu nhau theo gương Chúa, để cuộc đời này vốn đã nhiều đau khổ, sẽ bớt đau khổ hơn. Chính tình yêu làm cho sự sống của chúng ta đang yêu, đáng sống, đáng xã thân hiến dâng đời mình.

2. Thánh Giá là niềm an ủi.

Vâng, có quá nhiều thánh giá cho các tín hữu thời nay. Thánh giá làm ta sợ hãi. Thánh giá gây nên những hoang mang, bất ổn trong cuộc đời. Ta muốn chạy trốn thánh giá. Ta muốn chối từ thánh giá, bởi thánh giá đã quá nhiều lần làm ta tê tái, rát buốt.

Nhưng thánh giá cũng là niềm an ủi. Bởi dù cho cuộc đời có vùi dập ta đến đâu, nhưng với một chút niềm tin, nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, ta sẽ được đỡ nâng, được thêm sức mạnh, thêm can trường.

Cha ông của chúng ta, các thánh Tử Đạo Việt Nam là những bằng chứng cụ thể về việc các ngài được an ủi lớn lao từ thánh giá Chúa Kitô. Các ngài đã anh hùng vác thánh giá suốt cuộc đời mình qua những cuộc bách hại.

Các ngài đã ôm cây thánh giá vào lòng trước mặt quan quyền. Các ngài đã quì gối hôn kính thánh giá để chấp nhận bao cực hình cho đến chết, dứt khoát không bước qua thánh giá.

Dấu thánh giá xưa trở thành niềm kiêu hãnh lớn lao cho các thánh Tử Đạo. Ngày nay thánh giá vẫn đang an ủi bao nhiêu con người tưởng chừng bị đè bẹp tận đáy của đời sống. Như cha ông mình, họ nhìn lên thánh giá Chúa mà chấp nhận cuộc tử đạo hàng ngày qua mọi thương đau mà họ phải gánh lấy.

Biết bao nhiêu tâm hồn chìm trong tội, nhận ra bầu trời trong–mát–dịu của thánh giá, can đảm tách rời khỏi quá khứ tội lỗi, làm lại cuộc đời.

Biết bao nhiêu tâm hồn suốt đời chỉ chìm trong bạo lực đã nhìn lên bóng thánh giá mà rửa mình sạch mọi dơ bẩn để trở nên hiền hòa, đức độ.

Biết bao nhiêu con người đêm ngày ngụp lặt trong bất công, xảo kế, bỗng một lần nhìn lên thánh giá, đã quay lưng với tất cả lợi lộc từ những gian xảo mang lại, để biến mình thành môn đệ Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu những tâm hồn lồng lộng dữ dằn như những con thú hoang, bỗng một lần khám phá ánh sáng yêu thương chiếu dọi từ thánh giá, đã trở nên hiền hòa, nhân hậu, đáng mến.

Biết bao nhiêu kẻ sống ích kỷ, đêm ngày chỉ biết tư lợi, bỗng một lần nhìn lên thánh giá, đã trở thành kẻ xả kỷ, biết hiến thân và hiến dâng.

Cũng vậy: Biết bao nhiêu tâm hồn bị đày ải, khổ đau, cuộc sống như chỉ còn muốn sống cho qua ngày, đoạn tháng, bỗng được tình yêu của thánh giá chiếu rọi, trở nên bình an hơn, chấp nhận trong vui tươi hơn.

Biết bao nhiêu kẻ tử tù, trên đường đi về cái chết, đã nhìn thấy thánh giá, và thánh giá bỗng trở nên sức mạnh khiến cuộc ra đi không còn đau đớn, chỉ còn là niềm tin chiến thắng.

Biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta thầm lặng, hoặc công khai, giữa những lúc bị bách hại, vì thánh giá, bất chấp mọi đe dọa, đêm ngày rao giảng đức tin vào tình yêu kỳ diệu của thánh giá Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu người, nhìn cứ tưởng yếu đuối, mỏng dòn, nhưng nhờ tin vào thánh giá Chúa Kitô, họ đã có sức mạnh phi thường vượt thắng mọi thách thức mà con người, hay hoàn cảnh, hay môi trường mang lại.

Biết bao nhiêu người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi…, vì thánh giá Chúa Kitô, đã có thể sống trung thành với đức tin mà không gợn một chút nghi nan, một chút u uất nào.

Biết bao nhiêu tâm hồn đầy chữ nghĩa, khoa bản, hiểu biết…, nhìn lên thánh giá, đã biết học lấy bài học của khiêm tốn, sống đơn sơ, thậm chí thô sơ với mọi anh chị em dù họ thấp kém, hay sang trọng.

Ngược lại, cũng có biết bao nhiêu tâm hồn, nhờ tình yêu đối với thánh giá, và đêm ngày chỉ biết suy tư cùng thánh giá, ôm lấy thánh giá trọn đời mình, dù họ là người kém cõi, ít hiểu biết, lại trở nên khôn ngoan, thấu hiểu những chân lý cao siêu lạ thường.

Biết bao nhiêu người suốt đời chỉ biết nhìn lên thánh giá, chọn thánh giá làm lẽ sống, vì thế đời họ luôn luôn sáng rực nụ cười và gieo nụ cười ấy khắp nơi.

Biết bao nhiêu người đã có thể trải lòng mình cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, nhờ kiên định trong tình yêu đối với thánh giá Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu người bước ra từ trong đau khổ, vẫn không mất niềm bình an, bởi họ đã tin vào thánh giá Chúa Kitô.

Cứ như thế, thánh giá sẽ chở che bất cứ ai vững lòng trông cậy. Từ ngàn xưa cho đến muôn đời, chắc chắn ai tin tưởng nơi thánh giá, họ sẽ không bao giờ thiếu vắng niềm an ủi…

Lm JB Nguyễn Minh Hùng

Tags: Năm A CN22

Đọc nhiều nhất Bản in 30.08.2017 18:29