Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thà một người chết...

§ Lm Vĩnh Sang, DCCT

Cho đến ngày thứ Bảy trước Tuần Thánh, tình hình ở quanh vùng Giêrusalem đã căng thẳng lắm rồi. Một bên là Chúa Giêsu nhất định lên Giêrusalem để thực hiện ý của Thiên Chúa, còn một bên là “các đấng các bậc” trong dân Do Thái đang cuồng nộ hận thù.

Thượng Hội Đồng của người Do Thái đã nhóm họp, nghị quyết của Thượng Hội Đồng là phải bắt và giết cho bằng được Chúa Giêsu, mọi lệnh đã được ban ra và mọi “biện pháp nghiệp vụ” đã được triển khai.

Xưa nay vì thờ phượng Chúa, nên ta dễ dàng kết tội người Do Thái và cụ thể là kết tội “bọn Pharisêu” cùng với các Thượng tế và Luật sĩ. Thế nhưng nếu ta đọc Kinh Thánh lại, đọc lại bằng một cái nhìn khác, đọc như chính chúng ta đang là một thành viên của xã hội Do Thái đó, hoặc là đọc như câu chuyện Kinh Thánh đó đang xảy ra quanh ta, nơi chính ta sinh sống và làm việc, hẳn ta sẽ thấy khác.

Cứ thử đọc lại đoạn Tin Mừng mà ta vừa nhắc đến ở trên. “...Các Thượng Tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: ‘Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta’ “ ( Ga 11, 47.48, bản dịch nhóm CGKPV. ).

Chúng ta phải thấy cái đau đầu của Thượng Hội Đồng Do Thái. Điều mà Thượng Hội Đồng lo nghĩ là sự phẫn nộ của Rôma có thể xảy ra, hậu quả là nơi thánh bị phá hủy ! Một lý do có vẻ chính đáng, chính vì thế, lời bàn của Caipha “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” được xem là hữu lý. Lời bàn này củng cố chứng cứ cho một quyết định: Chúa Giê-su phải chết !

Khoan lên án người Do Thái và Thượng Hội Đồng của họ. Hãy đọc trang Tin Mừng này như đang xảy ra quanh ta. Có bao nhiêu quyết định xử một người phải chết để bảo vệ danh dự và trật tự hoặc cơ cấu tôn giáo ? Tôi có thể thí dụ cụ thể việc người ta quyết định giết một thai nhi để bảo vệ danh dự và sự sống còn của gia đình hoặc Xứ Đạo, nhưng thôi không nói thêm nữa, lâu nay đã có người bảo tôi với cha Quang Uy là: Mấy ông này, cứ nói là bẻ quẹo vào việc nạo phá thai, thậm chí có người còn gọi Quang Uy là... “ông cha nạo phá thai” nữa ! Tôi sẽ suy tư cùng bạn đọc về một lãnh vực khác.

Cũng như chuyện của các ông trong Thượng Hội Đồng trên, có những lúc chúng ta đã không lắng nghe và khiêm tốn đủ để chấp nhận một người có những suy tư ngược lại chúng ta, nhân danh sự ổn định, nhân danh sự bằng an, nhân danh sự “xưa nay như vậy”, ta lên án và gạt bỏ người đã có ý kiến khác với đa số chúng ta, có lối sống khác với chúng ta.

Dĩ nhiên chẳng ai chấp nhận một lối sống, một lối suy nghĩ ngược ngạo, nhưng đây đang là những đóng góp khác mình và không giống mình mà thôi. Nhất là không thuộc phe mình. Và đề chắc ăn, ta ra nghị quyết loại trừ và tiến hành nghị quyết đó nhân danh tập thể ! Vì lợi ích tập thể ! Thậm chí cho chắc ăn, ta theo đuổi “đì” cho đến chết, mở mặt trận “đánh hội đồng”, và chuẩn bị cho cả những hậu duệ của ta, bố trí những ai cùng phe ta kín kẽ hết các chức vụ quan trọng trong tập thể để bảo vệ danh dự và truyền thống.

Phải thấm được nỗi cô đơn và cô thế của Chúa Giêsu, có lẽ lúc đó chúng ta cũng sẽ được thấm “Thạch động” nơi Chúa dành cho ta náu thân. Trong những ngày này, con người Chúa Giêsu là con người cô đơn, không ai bênh vực mình, quanh mình chẳng có ai, mọi người “bao quanh gầm gừ cắn xé”, cả đám đông gào thét chống đối mình, chỉ còn một mình Chúa, một Thiên Chúa lặng thinh, một Thiên Chúa đợi chờ tấm bi kịch kết thúc. “Thạch động” của Chúa Giêsu đấy, thách thức chúng ta tin tưởng cậy trông.

Có lẽ một trong những dấu hiệu để ta nhận ra vấn đề là, hễ một bên la hét gầm gừ, cho dù là đám đông, mà bên kia lặng lẽ với khổ đau, thì bất chợt ta phải lưu ý hình ảnh đường thương khó hôm nay.

Dĩ nhiên “Chúa Giêsu phải chết như lời Kinh Thánh, nhưng thà nó đừng sinh ra thì hơn !” Chẳng nên viện dẫn Kinh Thánh để bào chữa cho những việc làm tương tự như Giuđa hay Thượng Hội Đồng, nhưng cần phải soi rọi đời mình trong màn gương Kinh Thánh, kẻo Chúa cứ phải bị lên án hoài nơi những người anh em của mình hôm nay, đã một lần bị đóng đinh trong quá khứ, chúng ta chẳng nên tiếp tục đóng đinh Chúa trong anh em mình.

Dĩ nhiên “thà một người chết” nhưng thà đừng ai chết, vì Chúa đã chết để bày tỏ rằng Chúa chẳng muốn ai chết và không thể để cho một ai phải chết.

Những ngày đầu Tuần Thánh

Lm Vĩnh Sang, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.04.2009. 00:51