Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tập sống Lời Chúa trong anh em

§ Lm Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN (B)
Gr 23: 1-6; Tv 23: 9-14; Ep 2: 13-18; Mc 6: 30-34

Bài Phúc âm hôm nay diễn tả dân chúng như một đàn cừu lạc bị vỡ đàn tìm đến Chúa Giêsu. Điều này làm tôi nhớ lại ngày tôi gặp một nhóm người chăn cừu ở miền Tây của bang Virginia. Tôi và những người đó cũng đã đọc bài Phúc âm hôm nay. Những người chăn cừu đố rằng “nếu có 100 con cừu trong chuồng, và một con nhảy rào chạy ra ngoài, thì còn lại mấy con?” Tôi trả lời ngay rằng, còn 99 con, nhưng tôi vẫn còn hơi hồ nghi. Và câu trả lời của một người chăn cừu làm tôi hiểu là tôi không biết gì về cừu cả. “Không còn con nào”. Cừu là một giống vật rất ngu, hễ một con nhảy rào ra được là cả bầy đều nhảy theo con đó. Người chăn cừu phải luôn luôn canh chừng bầy cừu, vì sớm muộn gì chúng cũng có thể bị lạc, hay bị chó sói bắt. Tôi làm sao biết được điều này, vì làm gì có cừu và người chăn cừu trên đường phố ở Brooklyn, nơi tôi thường chơi khúc côn cầu thời còn bé.

>Nhưng những người trong Kinh Thánh thì hiểu bài Phúc âm đang nói về người chăn cừu. Thiên Chúa dùng ngôn sứ Giê-rê-mi-a để nói, Ngài thất vọng với những kẻ lãnh đạo dân Israel. Họ là những người có bổn phận dẫn dắt đoàn chiên của Chúa: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền… Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng…” (Gr 23,3-4)

Ai dám nói là chúng ta, người thời nay, ít hiểu lời Chúa Giêsu và lối sống của Ngài hơn các Môn đệ? Dựa vào Phúc âm hôm nay thì những người thời Chúa Giêsu và cả chúng ta đều khó hiểu về những bổn phận trong đời sống hàng ngày. Các dụng cụ tinh vi thời nay là những sáng kiến hay, nhưng gây nhiều phiền phức trong cuộc sống. Chúng ta có thể liên lạc với nhau một cách mau chóng, nhưng lại khó lòng tránh khỏi những phiền hà đó. Có rất nhiều họ đạo, thường dán thông báo: “Trước thánh lễ yêu cầu giáo dân nào có điện thoại cầm tay hoặc máy nhắn tin xin vui lòng tắt máy”. Thật không có gì phiền phức bằng lúc đang dâng thánh lễ trong trang nghiêm, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo lên. Những người dự Thánh lễ có thể chịu được tiếng trẻ con khóc hơn là nghe tiếng điện thoại cầm tay reo của một giáo dân nào quên tắt. Rồi lại có tiếng nhắc lần nữa: “Xin quý vị vui lòng tắt điện thoại cầm tay”.

Chúa Giêsu và các Môn đệ không gặp những phiền hà với những dụng cụ tối tân làm mất sự yên tĩnh khi họ đang nghỉ. Nhưng họ lại gặp một phiền phức khác là số đông dân chúng đang tìm người dẫn dắt. Trong bài đọc 1 về ngôn sứ Giê-rê-mi-a và bài Phúc âm: “họ như bầy chiên không người chăn dắt”, ta thấy thời đó xem đức vua như là người mục tử. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a chỉ trích những người mục tử của Juda, cả về quân sự và tôn giáo đã không dẫn dắt đúng nên để đàn chiên lạc lối. Cung cách lãnh đạo thì thối nát, và lời hướng dẫn sai lạc nên xảy ra sự điêu tàn của Giê-ru-sa-lem, và dân chúng bị bắt đi đày ở Babylon. Dân chúng thời đó cần người lãnh đạo tốt để dẫn dắt họ. Giê-rê-mi-a báo cho họ biết là chính Thiên Chúa sẽ tự Ngài dẫn dắt dân Ngài. Và dân chúng tin lời hứa ấy sẽ được thực hiện, dưới hình thức là sẽ có một vị vua khác đến để giúp dân Israel trở lại thành một dân tộc hùng mạnh như xưa. Chúng ta, những người Kitô hữu, hiểu lời hứa ấy ám chỉ vào Chúa Giêsu như trong bài Phúc Âm hôm nay. Thế nhưng, Ngài không dẫn dắt dân chúng với binh quyền và của cải trần thế.

Thử nhìn vào Thánh vịnh 23, khi nói về lời hứa, Thiên Chúa là Đấng chăn chiên lành. Theo Thánh vịnh đó, thì Thiên Chúa dẫn đưa đàn chiên đến đồng cỏ xanh và suối mát để nghỉ dưỡng. Ngài sẽ làm chúng ta không còn lo sợ nữa, nhất là khi gặp kẻ thù trước mặt chúng ta. Ngay cả khi đối mặt với bóng tối sự chết. Thiên Chúa, Đấng Mục Tử nhân lành, sẽ dọn bàn cho chúng ta. Ngài xức dầu thánh để an ủi và thêm sức mạnh cho chúng ta. Bạn có bao giờ ngồi bên giường người đang hấp hối chưa? Nếu có, thì bạn chắc đã biết là Thiên Chúa cũng có ở đó, và Ngài sẽ thực hiện như lời Ngài hứa với dân Israel qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta… và sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng…”

Vì Chúa Giêsu không phải là người lãnh đạo về quân sự như dân chúng mong đợi, vậy thì Ngài dẫn dắt bằng cách nào? Thánh Mác-cô hôm nay cho chúng ta biết là Chúa Giêsu dẫn dắt đàn chiên bằng lời giảng dạy của Ngài. “Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương…”

Tôi không phải là một bác sĩ, nhưng nếu tôi trông thấy một người đang nằm dưới đất máu chảy đầm đìa, tôi tìm cách cầm máu cho người đó.

Nếu thấy một người mù băng qua đường đang lúc đông xe, tôi sẽ đến kéo họ đứng trên lề đường.

Nếu gặp một người đang đói, tôi sẽ mang thức ăn cho họ. Đó là việc đầu tiên tôi phải làm.

Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài biết phải làm gì để đáp ứng ngay nhu cầu trước tiên của đám đông dân chúng theo Ngài.

Khi Chúa Giêsu bước xuống thuyền để lên bờ, Ngài thấy quần chúng vây quanh đông đảo nên “Ngài chạnh lòng thương…” Ngài thấy điều trước tiên họ cần nơi Ngài là lời giảng dạy. Đám quần chúng thời đó và chúng ta hôm nay đều khao khát nghe lời Chúa Giêsu dạy. Vì thế, phần thứ nhất của Thánh lễ luôn là Phụng vụ Lời Chúa. Vì chúng ta cần nghe Tin mừng của Thiên Chúa, nên chúng ta mới đến dự Thánh lễ hôm nay.

Người Mục Tử nhân lành mà Đức Chúa hứa đã đến. Và Ngài đang giảng dạy cho đàn chiên lạc. Ngài là Mục Tử chân chính mà dân chúng mong đợi. Ngài không muốn rời xa họ vì Thiên Chúa luôn ở với đàn chiên Ngài. Họ sẽ học về nước Trời và qua Chúa Giêsu, họ sẽ biết được Thiên Chúa hằng yêu thương họ, Ngài sẵn sàng tha tội cho họ, cho dù thế giới có ruồng bỏ họ. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ là những người được Ngài thương yêu nhiều nhất. Và nước Thiên Chúa là nước công chính, bình an và đầy yêu thương. Chúa Giêsu giảng cho họ hiểu là nếu họ chấp nhận lời Ngài, và chấp nhận nước Trời đến với họ thì họ sẽ đối xử với người khác như Thiên Chúa đã đối xử với họ. Nghĩa là, họ phải thương yêu nhau, đón tiếp tha nhân, tha thứ cho kẻ thù, săn sóc cho người đau ốm, đón nhận kẻ hèn kém vào bàn tiệc chung với họ.

Chúng ta thấy rõ trong Phúc âm Thánh Mác-cô, Chúa Giêsu được dân chúng theo rất nhiều. Bài Phúc âm hôm nay chứng tỏ điều ấy. Đám đông quần chúng chạy bộ qua bờ bên kia để đón Ngài, vì Ngài đã qua bằng thuyền rồi. Họ đón Ngài để nghe lời Ngài giảng dạy. Đó là điều mà giới lãnh đạo quân sự và tôn giáo của dân Israel không làm được. Họ sẽ có mục tử khôn ngoan như ngôn sứ Giê-rê-mi-a hứa “…Ngài sẽ cai trị, và sẽ thi hành điều công chính trên vương quốc của Ngài…”

Người Mục tử nhân lành biết thương yêu. Điều trước tiên đám dân chúng cần là được nghe lời giảng dạy. Ngay cả trong thời bây giờ, nhiều người trong chúng ta có cuộc sống ổn định, đủ để nuôi gia đình, đủ để đi du lịch, nhưng thử hỏi đời sống chúng ta sẽ đưa chúng ta đi về đâu? Chúng ta đi đúng đường chưa? Hay chúng ta đang lang thang đâu đó vô định? Chúa Giêsu là Đấng Chăn Chiên Lành. Ngài là của ăn, là sự khôn ngoan. Vì thế, mỗi tuần chúng ta hợp nhau nơi Bàn Tiệc thánh để đón nhận ơn Khôn Ngoan trong lời Chúa và Bánh Hằng Sống khi cùng chia sẻ với nhau.

Thử hỏi đám quần chúng hôm ấy có cảm nhận được những gì đã xảy ra khi gặp Chúa Giêsu không? Vì người giàu cũng như người nghèo, người tốt cũng như người tội lỗi, người khỏe mạnh cũng như người yếu đau, đều cùng chung một Bàn Tiệc như nhau. Và họ tìm được gì nơi đó? Sau bữa tiệc cộng đoàn, họ có đối đãi với nhau khác trước không? Họ có bỏ qua những hận thù, quên đi những vết thương cũ hay không? Họ có chia sẻ bữa ăn với người khác như họ đã được lãnh nhận nơi bữa ăn này không? Nếu họ có biến chuyển, tức là họ đã hiểu được rồi đấy. Chúng ta cũng có thể trao đổi với nhau những điều này. Sau khi chúng ta nghe Phúc âm, cùng chia sẻ Bữa Tiệc thánh, chúng ta đã thay đổi được gì trong đời sống chúng ta chưa?

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.07.2009. 19:00