Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Suy niệm trong Lễ Truyền Dầu năm 2008 tại tổng giáo phận Huế

§ +TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể

1. Chúa Giêsu giảng trong Hội đường Do thái

Kính thưa cộng đoàn,

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe cho thấy Chúa Giêsu đang sống những ngày đầy phấn khích với nhiều thành công trong việc giảng dạy. Thánh sử Luca nói: “Khi ấy, Đức Giêsu trở về miền Galilê và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường” (Lc. 4, 16).

Hội đường là nơi cộng đoàn Do-thái giáo tụ họp để nghe đọc Thánh Kinh và diễn giảng Thánh Kinh, rồi cùng nhau hát Thánh vịnh chúc tụng ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa.

Hôm đó nhằm ngày Sabat, Chúa Giêsu vào Hội đường và đứng lên đọc Sách Thánh, đoạn sách ngôn sứ Isaia:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo hèn…
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố năm hồng ân của Chúa”
(Lc. 4, 18-19).

Thật cảm động biết bao khi chúng ta vừa nghe đọc lại bản văn Kinh Thánh mà chính Chúa Giêsu đã đọc lên to tiếng trong Hội đường năm xưa, bản văn mà chính Chúa Giêsu đã diễn giảng và áp dụng cho mình: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc. 4, 21).

2. Qua những lời trên, Chúa Giêsu công bố Tin mừng cứu độ và thực hiện Tin mừng cứu độ.

Chúng ta được cứu chuộc rồi, nhưng thân phận con người chúng ta rất mỏng dòn, yếu đuối, ba chìm bảy nổi, sa đi ngã lại, nên hằng ngày cần được Chúa tiếp tục ban ơn cứu độ.

Chúng ta là những người nghèo hèn đầy tính mê nết xấu, những người bị giam cầm trong tội lỗi, bị mù lòa trong những định kiến, bị đè nén dưới sức ép của tiền tài, danh vọng…, và hằng ngày khẩn cầu Chúa đến để giải thoát chúng ta, dĩ nhiên với sự cộng tác của chúng ta, như lời thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa sáng tạo bạn, không cần có bạn, nhưng Ngài không cứu chuộc bạn nếu bạn không góp phần vào” (Creavit te sine te, sed non redemit te sine te).

Hôm nay cũng đang ứng nghiệm lời sách ngôn sứ Isaia chúng ta vừa nghe:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo hèn…
Công bố năm hồng ân của Chúa”
(Lc. 4, 18-19).

Thánh Têrêxa Hài Đồng nói: “Tất cả là hồng ân”. Đúng như thế, hôm nay cũng như mọi ngày đều là hồng ân của Chúa. Hồng ân được Chúa tha thứ, hồng ân được Chúa cứu độ, hồng ân được Chúa giải thoát, ban cho chúng ta sự tự do của con cái Chúa.

Được cứu độ là được tha thứ. Ơn tha thứ không chỉ là tha tội, tha vạ, mà còn là, và nhất là sáng tạo, là tái tạo một cách kỳ diệu.

Vào thế kỷ 18, một nghệ sĩ người Nhật tên là Hokusai đã vẽ trên một chiếc bình sành một cảnh núi Phú Sĩ rất đẹp. Nhưng ngày nọ, người giúp việc lỡ tay làm rơi chiếc bình quý ấy, vỡ ra nhiều mảnh. Nhà nghệ sĩ kiên nhẫn dán lại các mảnh vỡ và ông gắn vào những lằn nứt nhiều sợi chỉ bằng vàng. Chiếc bình trở nên đẹp hơn và quý hơn trước gấp bội.

Sự tha thứ trong mầu nhiệm cứu rỗi vận hành như thế đó. Ơn tha thứ cứu độ làm cho cuộc đời xấu xa của chúng ta trở nên tốt đẹp và sinh hoa kết trái một cách nhiệm mầu. Thiên Chúa sử dụng toàn bộ con người chúng ta để tạo nên cái mới hoàn toàn. Không có điều gì cằn cỗi có thể thắng thế trên sự phong nhiêu vô cùng của ơn cứu độ, nhờ máu Chúa Giêsu đã đổ ra, như bài đọc 2, trích sách Khải huyền nói: “Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh. 1, 5-6).

3. Cuộc tử nạn của Chúa Kitô là để trao ban sự sống cho nhân loại

Nghịch lý của Kitô giáo là như vậy. Khi thánh Gioan mô tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như một điều bỉ ổi nhục nhã tận cùng, thì đồng thời ngài cũng coi đó là thời điểm của vinh quang. Chính Chúa Giêsu xác nhận điều nầy khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến. Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga. 17,1).

Chúa Giêsu đã chộp lấy thời điểm đầy lo âu trong bữa Tiệc ly và Ngài biến đổi nó trở thành giao ước mới và vĩnh cửu. Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con” (Lc. 22, 19).

Đây là một hành vi sáng tạo hết sức đặc biệt. Bánh trở thành thân mình Ngài. Ngài cầm lấy mạng sống mình sắp bị nghiền nát và biến nó thành hồng ân trao ban sự sống.

Khi chúng ta vâng theo lời Chúa Giêsu mà cử hành Thánh lễ, hiệp dâng Thánh lễ: “Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy” (Lc. 22, 19). thì chúng ta cũng hãy cầm lấy cả cuộc sống mình, đảm nhận lấy hết mọi tình huống trong đời mình, rồi cùng với Chúa Giêsu Thánh Thể biến tất cả thành ân huệ, thành yêu thương và phục vụ, thành sự sống cho mình và cho người.

4. Theo Chúa, chúng ta được chọn để trở nên tôi tớ phục vụ tha nhân

Chúng ta được Chúa chọn gọi làm người tôi tớ phục vụ ơn cứu độ của Chúa cho trần gian.

Hằng ngày chúng ta đọc lời truyền phép, lời rửa tội, lời tha tội, lời chúc phúc… để thông chuyển nước hằng sống ơn cứu độ cho các tín hữu.

Chúng ta hãy năng khơi lại dòng chảy cho hanh thông, không bị bùn lầy rác rến của cái tôi đáng ghét, ngăn chặn làm tắc nghẽn mạch nước ân sủng của Chúa chảy qua con người yếu hèn của chúng ta, để đến với các tín hữu đang khao khát nước hằng sống.

Trọn cuộc sống chúng ta cần thấm đượm ơn cứu độ trước, rồi mới có thể giúp người khác. Từ trong tư tưởng đến lời nói, việc làm và cách ứng xử, điều hành cộng đoàn, chúng ta cố gắng làm sao cho toát lên được những nét đẹp đầy sức thuyết phục và lôi cuốn của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, vừa là vị tôn sư giảng dạy đầy uy quyền, vừa là người tôi tớ khiêm hạ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ mình. Amen.

TGP Huế, ngày 20-03-2008

+Stêphanô Nguyễn Như Thể
Tổng Giám Mục TGP Huế

+TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.03.2008. 11:25