Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Suy Niệm Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm A

§ Lm Anthony Trung Thành

Biệt phái là một nhóm tín đồ Do Thái giáo, thông thạo Lề Luật, giữ luật cách nhiệm nhặt theo mặt chữ, tự cho mình là thánh thiện, sống tách biệt với dân nghèo và dân ngoại. Họ tin linh hồn bất tử, tin có đời sau, tin các thiên thần. Nhưng cuộc sống của họ thường đối nghịch với Chúa Giêsu (x. Mc7,5; 8,11; 10,2; 12,13), có óc nệ luật (x. Lc 6,1-5), chi ly (x. Mt 23,23-24), tự cao tự đại (x. Mt 18, 11-12), và nhất là giả hình (x. Mt 23,3-6). Chính vì thế, nhiều lần Đức Giêsu đã tố cáo sự giả hình của họ, Ngài không ngần ngại ví họ như “mồ mả tô vôi” (x. Mt 23). (x. Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN)

Bản chất giả hình của những người Biệt phái lại một lần nữa được họ thể hiện một cách rõ nét trong đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 22,15-21). Thật vậy, Thánh Mathêu cho chúng ta biết, họ dùng những lời ngon ngọt để nịnh hót, tâng bốc, ca ngợi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào.”(Mt 22,16). Nội dung của những lời nói này không có gì sai, thậm chí còn rất đúng với bản chất vốn có của Đức Giêsu. Giá như họ nói những lời đó với một tấm lòng yêu mến, tôn trọng và chân thật trong lòng thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế miệng họ nói những lời ngon ngọt như vậy không phải phát xuất từ lòng yêu mến, tôn trọng và chân thật trong lòng mà để che đậy ác ý của họ từ bên trong. Bởi vì, sau khi nịnh hót, tâng bốc, ca ngợi Đức Giêsu, họ đưa ra một câu hỏi hết sức hóc búa để gài bẩy Ngài. Họ hỏi: “Xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?”(Mt 22,7). Đúng là“miệng nam mô bụng bồ dao găm.” Với câu hỏi này, nếu Đức Giêsu trả lời “có” thì đồng nghĩa với việc Ngài ủng hộ chính quyền ngoại bang Rôma đang đô hội Nước Do Thái lúc bấy giờ, mà chính họ được coi là những người ái quốc đang chống lại chính quyền đó. Cho nên, Đức Giêsu sẽ bị chính họ và dân chúng lên án là kẻ phản quốc. Ngài sẽ mất uy tín với dân chúng. Ngược lại, nếu Đức Giêsu trả lời “không” thì Ngài sẽ bị liệt vào kẻ phản động, chống đối chính quyền, bị nhóm Hêrôđê lên án. Bởi vì nhóm Hêrôđê là những kẻ “cọng rắn cắn gà nhà”, họ ủng hộ chính quyền Rôma để trục lợi. Cho nên, chúng ta mới hiểu vì sao bình thường giữa nhóm Biệt phái và nhóm Hêrôđê hay chống đối nhau, thế mà hôm nay họ lại được nhóm Biệt phái mời đến để hợp tác chống lại Đức Giêsu.

Như thế, họ đã đưa Đức Giêsu vào cái thế “lượng đao luận”, nghĩa là trả lời cách nào cũng mắc bẫy của họ. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Sau khi nghe những lời tâng bốc và câu hỏi của họ đặt ra, Đức Giêsu đã tố cáo ý đồ thâm độc của họ và Ngài đưa ra giải pháp của mình, Ngài nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa.”(Mt 22,18-21).

Câu trả lời của Đức Giêsu khiến họ chưng hửng, nhưng qua câu trả lời này cũng dạy cho họ và chúng ta một bài học: Mỗi người đều có bổn phận đối với Tổ quốc và đối với Thiên Chúa.

1. Bổn phận đối với Thiên Chúa

- Chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa: Người kitô hữu tin Thiên Chúa là Cha, là Đấng dựng nên, cứu chuộc, quan phòng và muốn mọi người được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Kinh thánh cũng dạy mọi người phải biết Kính sợ, yêu mến và biết ơn Thiên Chúa: Thật vậy, con người phải biết kính sợ Thiên Chúa: “Hỡi Israel, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.” (x. Đnl 10,12); Con người phải biết yêu mến Thiên Chúa, yêu mến bằng cách tuân giữ các giới răn và lệnh truyền của Ngài: “Anh em phải đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc.” (x. Đnl 10,12-13); Con người phải biêt tạ ơn Thiên Chúa: “Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118,1); “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”(1Tx 5,18); “Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa” (x. 1Tx 2,13).

- Trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài: Thiên Chúa ban cho con người có tự do, nhưng con người đã lợi dụng tự do để cướp đi quyền làm chủ của Thiên Chúa: Con người cướp đi quyền làm chủ sự sống của Thiên Chúa để giết chết bao nhiêu mạng người: Vụ xả súng mới đây tại bang Las Vegas của Mỹ đã giết chết 59 người; vấn đề phá thai, an tử hằng năm giết chết hàng triệu người vô tội; Con người cướp đi quyền làm chủ thiên nhiên của Thiên Chúa: nạn phá rừng gây ra lũ lụt, dùng thuốc sâu, chất hóa học gây ô nhiễm môi trường; Con người cướp đi quyền làm chủ lương tâm, không còn nghe theo tiếng lương tâm để làm lành lánh dữ nên gây ra biết bao nhiêu tội ác; Con người cướp đi quyền sở hữu của Thiên Chúa qua sự quản lý của Giáo hội về các vấn đề như: đất đai, cơ sở tôn giáo; Người của Thiên Chúa như các giám mục, linh mục, tu sỹ bị hành hung, đánh đập, giết chết nhiều nơi trên thế giới…Đức Giêsu nói: “Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (x. Mt 22,21).

2. Bổn phận đối với Tổ quốc

Mỗi người đều có một tổ quốc, có quyền công dân. Đi liền với quyền lợi là bổn phận đối với tổ quốc của mình. Bổn phận trên hết và trước hết là nộp những khoản thuế hợp pháp cho nhà nước. Thời Chúa Giêsu, người Do thái bị đế quốc Rôma đô hộ, nên họ đang tiêu dùng tiền Rôma. Vì tiêu dùng tiền của Rôma nên đương nhiên họ phải nộp thuế cho đế quốc Rôma. Đây là một hành động hợp lý mang tính xã hội. Chính gia đình Thánh gia và cụ thể là chính Đức Giêsu cũng đã từng chu toàn nghĩa vụ công dân của mình. Kinh thánh cho biết: Thánh Giuse và Mẹ Maria đã vâng lệnh nhà vua trở về Bêlem để kê khai hộ khẩu (x. Lc 2,4); Đức Giêsu đã sai Phêrô đi câu cả để lấy tiền nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô (x. Mt 17,26); dù biết lệnh bất công nhưng Ngài vẫn để cho chính quyền bắt Ngài (x. Lc 23,22). Thánh Phaolô dạy: “Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính.” (Rm13,7)

Ngoài ra, nếu chính quyền là hợp pháp và làm đúng với nghĩa vụ của họ thì buộc lòng người dân phải vâng phục và kính nể. Thánh Phêrô đã từng bảo các kitô hữu rằng: “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua.” (1Pr 2,17). Thánh Phaolô thì bảo các Kitô hữu: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm 13,1). Chính trong bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết, Thiên Chúa đã dùng vua Cyrô để giải phóng dân Ngài, nên việc làm của vua Cyrô chính là đường lối của Thiên Chúa. Vì vậy, dân Chúa phải tùng phục nhà vua.

3. Phải ưu tiên bổn phận đối với Thiên Chúa

Nếu những khi bổn phận đối với Tổ quốc đi ngược lại với bổn phận đối với Thiên Chúa thì phải ưu tiên bổn phận đối với Thiên Chúa hơn. Bởi vì, người kitô hữu không thể làm những điều trái với giáo huấn của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và kể cả giáo huấn của Giáo hội. Chính Thánh Phêrô và các Tông đồ đã khẳng định rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Câu chuyện của Thánh Thomas More sau đây là mẫu gương cho mỗi người kitô hữu chúng ta:

Vua Henry VIII nước Anh đã kết hôn hợp thức với bà Catherine d’Aragon, nhưng ông nại đến tòa thánh Rôma xin hủy bỏ cuộc hôn nhân đó. Toà thánh đã từ chối. Henry liền tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý nhìn nhận hành động của ông là đứng đắn. Nhiều bạn bè của More đã ký vào, nhưng More thì từ chối. Henry yêu cầu More ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn khăng khăng từ chối. Ngài bị giằng co giữa hai bổn phận : một đối với Chúa, một đối với Tổ quốc. Khi chúng xung đột nhau, thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa. (M. Link, Giảng lễ Chúa Nhật, năm A, tr.305).

Tóm lại, mỗi người kitô hữu có hai bổn phận quan trọng phải chu toàn, đó là bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với Tổ quốc. Nhưng khi phải lựa chọn một trong hai thì cần ưu tiên bổn phẩn đối với Thiên Chúa hơn. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tránh thói giả bình của Biệt phái và sự thông đồng ác ý của nhóm Hêrôđê. Đồng thời, xin Chúa giúp chúng ta luôn biết chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với Tổ quốc. Amen.

Lm Anthony Trung Thành

Tags: Năm A CN29

Đọc nhiều nhất Bản in 17.10.2017 18:19