Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sức Lôi Cuốn Của Chứng Nhân (Mc 6, 30-34)

§ Phêrô Vũ văn Quí

Với lối hành văn vừa ngắn gọn, vừa không chải chuốt trong tường thuật của thánh sử Marcô như Ngài viết: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dậy” (Mc 6, 30), nhưng qua cách kể chuyện khéo léo và dí dỏm ấy của ngài, tôi cảm nghiệm được tâm tình của Đức Giêsu khi Người đang có hướng đào tạo một lớp kế thừa rất mới so với thời của Người và cũng còn vẫn luôn sống động ngay trong thời hiện tại.

So với thời đó, Đức Giêsu quan sát rất kỹ và tinh tế các giới lãnh đạo tôn giáo và Người đã khẳng định khá đanh thép khi “nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dậy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 1-3).

Hơn nữa, Người còn nhận xét rất chi li những việc mà giới kinh sư đã và đang làm gây tổn hại đến lòng tin của quần chúng. Người không chỉ vạch ra những khiếm khuyết của họ, mà còn, dùng những yếu điểm này để khuyên nhủ, dậy bảo các môn đệ: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13, 52). Như vậy, từ những gì Đức Giêsu đã rút ra trong cuộc sống của những con người cũ kỹ kia, Người đã hướng dẫn các Tông Đồ một phương cách sống đổi mới dành cho mục tử chân chính và nhân lành. Đó là phải có đời sống nội tâm thánh thiện và có một trái tim chạnh lòng thương tích cực thể hiện dấn thân bằng việc làm cụ thể. Có như thế mới lôi kéo người khác đến với Thiên Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót.

Và khi các Tông Đồ ra đi tập dợt loan báo Tin Vui trở về với những thành quả tốt đẹp từ lời nói đến việc làm như Người đã dậy dỗ, Đức Giêsu cũng đã lường trước được những hiệu quả tất yếu của việc sai đi này, nên Người đã khéo léo nhắc nhở: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Một lời đầy ắp yêu thương, bởi Người không những quan tâm đến những nỗi vất vả về thể xác mệt mỏi rã rời của các môn đệ mà Người còn hướng các ngài đến một sự nghỉ ngơi thanh cao hơn, một cái nhìn siêu thoát hướng về Chúa Cha để tạ ơn và để lãnh nhận từ Ngài sức mạnh thần linh. Chiều hướng nghỉ ngơi siêu thoát đầy sức sống và đầy kinh nghiệm này cũng được thánh Phaolô khuyên dậy cộng đoàn Côrintô như sau: “Vậy, dù ăn, dù uống hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31). Khi hướng dẫn những người con tinh thần của ngài sống như thế, là bởi chính ngài đã xác tín rằng: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11, 1).

Hiệu quả bất ngờ cho cuộc ra đi tập dợt rao giảng này thể hiện rất rõ khi thánh Marcô kể chuyện sau đó rằng: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dậy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34).

Còn thời nay thì sao?

Mới đây, khi HĐGMVN sang thăm viếng Mộ Các Thánh Tông Đồ, ĐTC Biển Đức XVI đã nhắn nhủ các ngài với ý hướng đào tạo kế thừa, mà Đức GM Phêrô Nguyễn văn Khảm đã ghi lại trong bài “ĐTC Biển Đức XVI và những dấu nhấn mục vụ cho HĐGMVN” như sau:

“ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và sự thánh thiện của linh mục, tu sĩ, theo gương cha sở họ Ars. Đây sẽ là điều đáng ngạc nhiên với những ai chỉ nhìn vị giáo hoàng hiện tại như bậc trí thức thượng thặng của thế giới. Thật vậy, Đức Bênêđictô XVI không chỉ là nhà thần học lỗi lạc trong Giáo Hội Công giáo, nhưng ngài còn được nhìn nhận như một trong những nhà tư tưởng uyên bác có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Thế nhưng vị giáo hoàng uyên bác ấy lại nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và sự thánh thiện, lại đề cao mẫu gương của cha thánh Gioan Maria Vianney, vị linh mục hơi đuối về mặt học vấn! Bởi lẽ hơn ai hết, ngài thấy rõ những giới hạn và cả mối hiểm nguy khi nghiên cứu thần học mà thiếu vắng đời sống nội tâm. Khi đó, thần học chỉ còn là một ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chứ không có khả năng khơi mạch sự sống đức tin, nhà thần học chỉ còn là chuyên viên nói về Thiên Chúa như một đối tượng khách quan chứ không có khả năng nói với Chúa như một chủ thể trong tương giao sống động. Tương tự như thế, khi thiếu vắng đời sống nội tâm, các linh mục và tu sĩ có nguy cơ trở thành những công chức chứ không là mục tử, những giáo viên chứ không là ngôn sứ, những thầy dạy thay vì là chứng nhân, và sẽ không còn khả năng thông truyền sự sống đức tin cho người khác.”

Còn với giáo dân, Đức GM Khảm viết:

“Đức Thánh Cha tâm đắc với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi các giám mục đề cao vai trò của ơn gọi giáo dân trong đời sống gia đình, để gia đình thực sự trở thành trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa, trở thành cái nôi của những giá trị nhân văn và đức tính nhân bản. Đồng thời, ngài nhấn mạnh đến vai trò chứng tá của người tín hữu giáo dân giữa lòng xã hội, để xã hội nhìn nhận rằng là người công giáo tốt cũng chính là người công dân tốt.

Bằng cách nào người giáo dân công giáo có thể chu toàn sứ mạng đó? Người giáo dân được mời gọi chu toàn sứ mạng đó không phải bằng việc rao giảng giáo huấn của Giáo Hội nhưng bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày của mình, một đời sống xây dựng trên cái kiềng ba chân là bác ái, liêm chính và quý trọng ích chung.”

Khi cảm nghiệm được trái tim chạnh lòng thương của Chúa Giêsu đối với “một đám đông người như bầy chiên không người chăn dắt”, và là một giáo dân, tôi chỉ mong ước sao các linh mục, các tu sĩ, kể cả giáo dân cũng lắng nghe được tiếng lòng mình th ổn thức để thực hiện ơn gọi của mình vừa bằng lời nói và vừa bằng việc làm tích cực để có được sức lôi cuốn của chứng nhân mà Chúa Giêsu mong muốn.

Lạy Vị Mục Tử Nhân Lành,
Xin soi sáng mở lòng trí chúng con, những Kitô hữu đích thực của Chúa, biết chạnh lòng thương thực sự đến những người hiện nay đang thiếu thốn Lời Ngài, cũng như đang cần sự nâng đỡ bằng của ăn hàng ngày, để chúng con xứng đáng trở nên những chứng nhân như lòng Chúa ước mong. Amen.

Chúa Nhật XVI, 19/7/2009

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.07.2009. 15:48