Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sức Hút Của Yêu Thương

§ Phêrô Vũ văn Quí

CN 3MV - Lc 3, 10-18

Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô được sai đi trước Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, đã được thánh Luca tường thuật lại trong chương 1, 57 - 66 với thật nhiều những diễn tiến phức tạp, từ trong gia đình, cha mẹ đến cả những người láng giềng thân thích rồi cả một vùng rộng lớn Giuđa. Thật là đúng với những gì ngôn sứ Malakhi đã tuyên sấm: “Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở về với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị lên án tiêu diệt” (Ml 3, 23).

Qua Tin Mừng của thánh sử Gioan, tôi nhận ra sứ giả được đặt tên Gioan nghĩa là được Thiên Chúa thương. Thiên Chúa đã thương ông một cách rất đặc biệt. Ngay trong biến cố còn nằm trong bào thai, bà Elisabet đã phải hân hoan tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1, 25) tức Chúa đã chữa lành bệnh hiếm muộn của bà. Niềm vui này được lan toả sang những người thân cận. Kế đó cha ông, Dacaria, đã được chữa lành vì sự hồ nghi và cuối cùng nhờ lòng tin vào Lời Chúa mà ông đã được Chúa yêu thương tha thứ sự hoài nghi là sự câm điếc trong đức tin.

Ngoài những niềm vui này ra, Thiên Chúa cũng đã tạo ra trong xã hội một số xáo trộn tâm linh trước biến cố trọng đại của vị sứ giả Gioan mà Ngài đã thể hiện những dấu lạ đi từ vui, bỡ ngỡ trước sự mặc khải riêng biệt cho cả hai ông bà về sứ mạnh đặt tên Gioan. Rồi là sự kính sợ trước sự kiện chữa lành bệnh câm điếc của ông Dacaria. Thêm vào đó cả miền Giuđa “Ai cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi” về vai trò vị trí của sứ giả đặc biệt này để rồi sau cùng mọi người đi đến một nhận định chúc tụng “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”.

Và khi ra đi thi hành sứ vụ “tiếng người hô trong hoang địa” như bài Tin Mừng Luca hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả đã lôi kéo được nhiều người đến với mình và họ đã tha thiết hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3, 10). Để chia sẻ lại với họ những gì đã lãnh nhận, thánh nhân không ngần ngại gợi ý đến từng giới về sự cho đi như ông đã từ bỏ để sống kết hợp mật thiết với Chúa mời gọi theo cách thức riêng mà Chúa đã ban cho ông. Mỗi người mỗi cách từ bỏ và cho đi tùy theo ơn gọi của mình. “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”; “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”; “”Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” (Lc 3, 11-14)

Trên đây mới chỉ là những biến cố xã hội chung quanh bản thân Gioan còn chính cuộc đời của vị Tiền Hô thì ai cũng đã biết tức Kitô hữu hiện nay nhiều người đã hiểu rõ. Như vậy, sứ mệnh mà mỗi người Kitô hữu được Thiên Chúa giao phó cho để thi hành chức năng ngôn sứ của Người, cũng là cả một cuộc vật lộn vì xã hội hôm nay, khi nhìn vào chiều sâu tâm linh, ta cũng dễ nhận ra cái thế giới hiện đại này đã gần như rơi vào cuộc sống “đã bị án tru diệt” với quá nhiều những thói hư tật xấu của nó. Để trở thành người loan báo Khuôn Mặt Đức Kitô Phục Sinh Vinh Hiển mỗi người cũng phải trải qua muôn vàn những xáo trộn tâm linh tương tự như thế.

Đến đây, thì tôi đã cảm thấu được rằng: để thực sự thi hành trọn vẹn chức năng ngôn sứ của mình, ngoài nghi thức đặt tên ngay khi chịu phép rửa, người Kitô hữu phải trải qua một cuộc thanh luyện rất khắc nghiệt. Phải chiến đấu bởi cuộc sống hiện tại và lúc nào cũng là một môi trường ô hợp và phức tạp với biết bao nhiêu những xáo trộn, những chồng chéo đã xô đẩy nhiều thế hệ già trẻ lớn bé xa nhau vì những đam mê luôn luôn lôi cuốn con người tách rời nhau, bất đồng với nhau rất kịch liệt. Để đưa mọi người, mọi giới xích lại gần nhau thì không có một Ai khác hơn đó chính là Đức GiêSu Kitô, Con Một chí ái của Thiên Chúa vì “Ngài là đường, là sự thật và là sự sống”.

Để sống chiếu sáng Khuôn Mặt Đức kitô, Người nhân chứng sẽ phải đương đầu với rất nhiều những thăng trầm vui buồn lẫn lộn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Nhưng nếu với một niềm xác tín vào lòng thương xót vì ơn gọi là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa thì dù có phải chiến đấu với một xã hội tồi tệ đến đâu, với bản tính vị kỷ của chính mình thì nhân chứng được gọi đó sẽ luôn luôn được Chúa phù hộ kể cả có phải hi sinh tính mạng của mình vì “khi hiến thân là khi gặp lại bản thân.”

Lạy Chúa Giêsu Tình Yêu!
Chúa mời gọi chúng con làm sứ giả cho Chúa là Chúa muốn chúng con nhìn ngắm chính Chúa bởi sứ giả là người phải mang Khuôn Mặt của Người Sai Đi. Thế thì vinh quang của chúng con sẽ là vinh quang của Chúa. Nhưng có được Nó, chúng con phải được đóng ấn tín của Thánh Thần Tình Yêu mà tình yêu là gì? Nếu không phải là “cho đi để được nhận lãnh”. Là “quì gối rửa chân”. Là thể hiện tinh tế sức hút của Yêu Thương. Là “đã hoàn tất” ngay trên Thập Giá Tình Yêu Cứu Độ.

Xin chúc lành cho chúng con thể hiện tính tế sức hút của Yêu Thương bằng hành động như thánh Gioan Tẩy Giả đã nhắc nhở chúng con. Amen!

Chúa Nhật 3MV, 13/12/2009

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.12.2009. 15:03