Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sửa Lỗi cho Nhau

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên - A (Mt 18:15-20)

Cả ba bài đọc Chúa Nhật này nói cho chúng ta về nhiệm vụ phải nhắc nhở anh em mình khi họ phạm tội. Nếu chúng ta không nhắc nhở thì chúng ta có trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về tội họ phạm (x. Ed 33:8). Hội Thánh gọi tội này là gián tiếp cộng tác với sự dữ (x. GLCG 1868). Chúa Giêsu dạy chúng ta cách sửa lỗi cho nhau trong bài Tin Mừng, và Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta về món nợ yêu thương mà chúng ta mắc với nhau. Chính vì yêu thương mà Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh quyền tha tội. Chính vì yêu thương mà chúng ta phải giúp nhau tránh phạm tội bằng cách sửa lỗi cho nhau.

Mt 18:15 - Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em.

Có bản viết “Nếu anh em ngươi lỗi phạm với ngươi”. Nhưng có lẽ đây là một chú thích ngoài lề được người chép Thánh Kinh thêm vào. Trong câu này Chúa Giêsu dạy chúng ta cách sửa lỗi anh em. Trước hết là phải sửa lỗi trong tình bác ái và kín đáo giữa hai người mà thôi. Có nhiều người sửa lỗi anh em hay vợ chồng bằng cách hạ nhục và bôi nhọ trước mặt người khác một cách hoàn toàn thiếu bác ái. Có những cha mẹ chỉ trích nhau trước mặt con cái hay người khác để chứng tỏ rằng mình đúng. Nhiều khi người khác làm lỗi với mình chỉ vì vô tình hay hiểu lầm, nhưng mình thì cố tình làm nhục người. Vậy ai có lỗi hơn ai? Chúa Giêsu thừa biết tâm lý con người nên Người dạy chúng ta phải sửa lỗi người khác cách kín đáo. Ðể tránh hiểu lầm, trước khi kết luận là người khác có lỗi, chúng ta phải tìm hiểu tại sao người ấy làm như thế, rồi sau đó phải để cho người ấy trình bày lý do của họ. Có nhiều người trước khi sửa lỗi cho người, trước khi hiểu lý do của hành động của người khác, thì đã kết tội người ta rồi, cho nên khi người khác trình bày thì cho là ngụy biện, nên nổi nóng chửi bới cho đã cơn tức giận của mình. Làm như thế không những đã không giúp gì được người có lỗi, mà còn gây thêm hiểu lầm chia rẽ. Còn chính mình thì phạm tội nặng hơn trước mặt Thiên Chúa, bởi vì người khác vì vô tình mà phạm lỗi với mình, còn mình thì cố tính kết án, chửi bới, và lăng nhục người. Cho nên trước khi sửa lỗi cho người, chúng ta nên chân thành với chính lòng mình. Nếu mình sửa lỗi người mà trong lòng thấy thương yêu và muốn xây dựng thật sự thì hãy làm, nhưng nếu lòng đang căm hờn, tức giận thì không nên.

Mt 18:16 - Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng.

Nếu sau khi đã gặp riêng người anh em và chân thành sửa lỗi mà người ấy vẫn cố chấp, thì hãy nói chuyện với người ấy trước hai ba người chứng. Ðây cũng là Luật trong Cựu Ước (Đnl 19:15). Hai ba người ấy không phải chỉ vào phe người này hay người khác, nhưng là những người có khả năng phán đoán để có thể nghe cả hai bên và đưa đến chỗ dung hòa. Ðiều quan trọng của những người này là không thiên vị, có cái nhìn khách quan để giúp cả hai bên. Có những cha mẹ khi cãi nhau gọi các con ra ngồi nghe để xem ai phải ai trái. Ðây là một sai lầm lớn. Con cái còn bé làm sao có thể phân biệt phải trái để giúp đỡ cha mẹ. Nếu chúng khôn lớn thì cũng không dám bênh ai bỏ ai. Nhưng điều nguy hại ở đây là làm gương mù cho con. Sau này lớn lên chúng cũng theo cha mẹ mà làm như thế. Muốn cho gia đình hạnh phúc và cho con cái sau này được hạnh phúc, cha mẹ phải tránh cãi nhau hay tỏ ra xung khắc trước mặt con cái.

Mt 18:17 - Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

Quyền tối thượng để giải quyết những xích mích giữa các giáo hữu là quyền của Hội Thánh. Nếu sau khi Hội Thánh can thiệp, mà người có tội vẫn cố chấp thì Chúa cho phép Hội Thánh quyền truất phép thông công người đó. Mục đích của việc truất phép thông công là để người đó ăn năn, cùng tránh dịp tội cho những người khác. Nhưng Hội Thánh luôn nhắc nhở chúng ta là phải cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại. Khi nói đến Hội Thánh ở đây, có lẽ Chúa nói về những vị kế nghiệp các Thánh Tông Ðồ mà cai quản Hội Thánh chứ không phải là tất cả công đồng.

Mt 18:18 - Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

Có một số bản có thêm chữ “Amen” hay “Quả thật” ở đầu câu này.

Trong đời sống công khai, chẳng những Chúa Giêsu tha tội, Người còn cho thấy hiệu quả của việc tha tội: Người đã đưa những người được tha tội trở lại cộng đồng dân Chúa vì tội đã tách lìa họ khỏi cộng đồng. Khi cho các Tông Đồ chia sẻ quyền tha tội, Chúa cũng cho họ quyền giao hòa tội nhân với Hội Thánh. Ai bị các Tông Đồ loại trừ khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh, cũng không được hiệp thông với Thiên Chúa; ai được hiệp thông trở lại, cũng được thông hiệp lại với Thiên Chúa (x. GLCG 1443-1445).

Có nhiều học giả Tin Lành cho rằng như thế các Tông Ðồ khác cũng có quyền ngang hàng với Thánh Phêrô. Ðúng! Trong phạm vi quyền hạn của các ngài, các ngài có quyền ngang với Thánh Phêrô. Chỉ có một điều khác mà thôi, là quyền hạn của các Tông Ðồ thì giới hạn trong địa bàn hoạt động của các ngài (2 Cor 10:15), còn quyền hạn của Thánh Phêrô thì trên toàn thể Hội Thánh Hoàn Vũ (Mt 16:13-19). Hơn nữa Thánh Phêrô còn có nhiệm vụ làm cho các Tông Ðồ khác thêm mạnh mẽ, nghĩa là nâng đỡ các Tông Ðồ khác (Lc 22:32).

Từ ngày thành lập Hội Thánh, các Ðức Giám Mục, là những người kế vị các Tông Ðồ, vẫn có toàn quyền trên giáo phận của mình, và Ðức Giáo Hoàng, là người kế vị Thánh Phêrô, vẫn giữ vai trò lãnh đạo toàn thể Hội Thánh. Từ thời các giáo phụ đến khi Chính Thống Giáo tách ra khỏi Công Giáo, các Giám Mục có xích mích với nhau đều khiếu nại lên Rôma để Ðức Giáo Hoàng can thiệp. Nhưng cách làm việc trong Hội Thánh, phần lớn mọi quyết định quan trọng đều được thông qua với Thượng Hội Ðồng Gíám Mục (Hoàn Vũ) không bằng cách này thì cách khác. Mà cách thông thường nhất là qua các Công Ðồng. Vai trò chính của Ðức Giáo Hoàng là duy trì sự hợp nhất và thống nhất về Ðức Tin và các nguyên tắc luân lý của Hội Thánh, vì chính Chúa Giêsu đã hứa không để Quỷ Hỏa Ngục lay chuyển được Hội Thánh này (Mt 16:18). Trong lịch sử Hội Thánh những vị Giám Mục không liên kết với Tảng Ðá Phêrô này đã đi hết sai lầm này đến sai lầm khác.

Mt 18:19-20 - "Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Có nhiều người cho rằng chỉ cần giữ đạo tại tâm. Những người đó thật sự đã coi thường Lời Chúa dạy ở đây. Chúa cho chúng ta thấy sức mạnh của sự đồng tâm nhất trí trong khi cầu nguyện chung. Người hứa sẽ ở giữa chúng ta khi chúng ta họp lại mà cầu nguyện nhân danh Chúa. Như thế khi chúng ta cầu nguyện chung, không phải chỉ có chúng ta cầu nguyện, mà chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện chung với chúng ta.

Phụng Vụ là cách cầu nguyện chung của Hội Thánh. "Ðể chu toàn công việc lớn lao là ban phát hay thông truyền ơn cứu độ, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động Phụng Vụ. Người hiện diện trong Thánh Lễ, không những nơi thừa tác viên, vì ‘như xưa Người đã tự dâng mình trên thánh giá, thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục,’ mà còn hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người; vì thế ai rửa tội cũng chính là Chúa Kitô rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người đang nói, khi người ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh. Sau hết, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu khẩn và hát thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ’ (Mt 18:20)” (GLCG 1088).

Lạy Chúa xin cho con biết khiêm nhường nhận lỗi và sửa lỗi khi được anh chị em con nhắc bảo, và cho con được khôn ngoan và can đảm để giúp anh chị em con sửa lỗi trong đức ái, mà không làm tổn thương đến danh dự họ. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

  1. Lời Chúa dạy ở câu 15 có trái ngược với lời ở câu Mt 7:3-5 không? Làm sao để dung hoà những câu này với nhau?
  2. Chúa đưa ra bốn giai đoạn trong việc sửa lỗi cho nhau này? Trong gia đoạn thứ nhất bạn phải có thái độ gì để người khác nghe bạn?
  3. Tại sao không đem ra công chúng ngay mà lại phải làm như thế? Chúa Giêsu ban quyền gì cho Hội Thánh trong việc giảng hoà này?
  4. Ðoạn Kinh Thánh này nói gì về sự quan trọng trong việc tìm sự khuyên nhủ hay cố vấn của người khác? Về nhiệm vụ của ít người được người khác tin cẩn?
  5. Bạn có tin là Chúa ban cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài quyền tha tội không? Tại sao Chúa lại cho con người quyền tha tội trong câu 18? Nếu Chúa ban quyền này cho các ngài thì khi chúng ta từ chối đến với các ngài để lãnh ơn tha tội, tội chúng ta có được tha không? Bạn có đi xưng tội thường xuyên không?
  6. So sánh với câu Mt 16:18-19 thì quyền của các Tông Ðồ và quyền của Thánh Phêrô giống nhau ở điểm nào? Và khác nhau ở điểm nào? Bạn có nghĩ rằng Thánh Phêrô và những người kế vị Thánh Phêrô có nhiệm vụ và quyền bính hơn các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài không?
  7. Lời Chúa dạy về cầu nguyện ở câu 19-20 có trái ngược với lời ở câu Mt 6:6 không? Tại sao?
  8. Tại sao cần phải có những buổi cầu nguyện chung? Theo tinh thần của câu 19-20, thì việc người Công Giáo hợp ý với Ðức Mẹ và các Thánh mà cầu nguyện phù hợp hay trái với Lời Chúa ở đây? Tại sao?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.09.2008. 09:43