Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu và đời sống đức tin Kitô Giáo

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúng ta cử hành Ðại Lễ Phục Sinh. Chúng ta lại được nghe Tin Mừng tường thuật về sự Phục Sinh của Ðức Giêsu. Chúng ta lại tuyên xưng đức tin rằng: Ðức Giêsu vẫn sống! Thực vậy, có rất nhiều lý do để nhân loại hôm nay hoan hỉ mừng vui. Và trọng tâm sự vui mừng của chúng ta chính là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã sống lại từ trong cõi chết.

Nhưng nếu thành thật với chính mình, chúng ta sẽ phải công nhận rằng nếu chỉ vì sự kiện Ðức Giêsu phục sinh từ cõi chết mà thôi, chắc chắn nhân loại sẽ không dễ dàng vui mừng hoan hỉ như thế được. Vâng, câu chuyện mà chúng ta nghe cũng như niềm tin mà chúng ta tuyên xưng có liên quan đến sự Phục Sinh, không phải là «những món ăn dễ nuốt», nhất là đối với não trạng con người ngày nay. Nhiều người đương thời ngày nay thường nêu lên vấn nạn: Người ta còn có thể nghe lọt tai được những câu chuyện nói về kẻ chết sống lại như thế chăng? Người ta còn có thể chấp nhận được một đức tin đại loại như thế chăng? Phải chăng đó không phải là một điều vô trách nhiệm? v.v…

Phải chăng đó không phải là những vấn nạn của chính chúng ta ư? Vì thế, nếu một người chưa hề thắc mắc hay chưa hề đặt ra cho mình những vấn nạn về Tin Mừng Phục Sinh cũng như đức tin Phục Sinh, người ta có thể nói được rằng người đó chưa hề hiểu biết và chưa hề quan tâm đến hai vấn đề được nêu lên. Nhiều người đã phủ nhận câu chuyện Phục Sinh của Ðức Giêsu và không chấp nhận một đức tin như thế. Lý do là họ không nhìn thấy được ý nghĩa đích thực của sứ điệp và đức tin Phục Sinh. Họ không biết làm cách nào và không biết tìm đâu ra được một chỗ trong cái thực tại của thế giới «văn minh» hôm nay để có thể làm cho ít là một điều gì đó trong cuộc đời Ðức Giêsu thành cụ thể được.

Vậy, ở đâu cuộc đời và sứ điệp của Ðức Giêsu còn có thể trở nên cụ thể được?

Trong thực tế, cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu phải là phản ảnh cuộc đời Ðức Giêsu. Vâng, trong cuộc sống của chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta với tư cách là những người Kitô hữu, chúng ta phải làm sáng tỏ được rằng Ðức Giêsu Kitô vẫn sống, chứ không phải đã chết, và vì thế mọi hành động của người Kitô hữu phải được định hướng theo Ðức Giêsu và theo các hành động của Người. Nhờ thế cuộc sống và tư cách của người Kitô hữu phải là những bằng chứng củng cố và nói lên được rằng cả trong thế giới hôm nay Ðức Giêsu vẫn đang sống, như lời Người đã nói: «Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20b).

Chúng ta tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðức Chúa hằng sống. Thánh Danh của Người trở nên biểu tượng của một con người đặc biệt. Sinh ra ở Bét-lê-hem, lớn lên ở Na-da-rét. Qua thái độ và tư cách sống của mình, Người đã gây được sự chú ý của mọi người. Ðiều hoàn toàn mới mẻ và đã gây nên kinh ngạc nơi người đương thời qua thái độ của Người là sự tự do! Với sự tự do đó Ðức Giêsu đã phá bỏ mọi biên giới và hàng rào ngăn cách xã hội lúc bấy giờ, để gần gũi với hết mọi tầng lớp dân chúng, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp xã hội, màu da hay chủng tộc. Những trẻ em là tầng lớp ít được quan tâm tới, lại được Người quan tâm đón nhận. Những người phụ nữ mang tai tiếng, từng bị loại bỏ, khử trừ như cặn bã của xã hội, lại được Người bênh vực chở che. Các người đau ốm bệnh hoạn bị xua đuổi và bị trục xuất ra khỏi khu vực sống của người đồng loại đã được Người thăm viếng và chữa lành. Những người sống ngoài lề xã hội, từng bị xã hội khinh bỉ và xa lánh, lại nhờ được gần gũi với Người mà ý thức được nhân phẩm của mình. Những kẻ tội lỗi, bị xã hội kết án, đã cảm nghiệm được nơi Người thế nào là lòng thương xót và sự tha thứ.

Thái độ của Ðức Giêsu là nhắm tới việc canh tân đổi mới con người toàn diện, nghĩa là giúp cho con người biết ý thức được phẩm giá của mình và sống một cuộc sống đúng với nhân bản. Vì thế Người đã chỉ trích những luật lệ và phong tục của xã hội cũng như của tôn giáo làm nô lệ hóa con người vào một hệ thống cổ hủ và lệch lạc (x. Mt 5,38-48; 15,1-9; 23,1-32).

Qua tình thương của Ðức Giêsu, con người cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa. Bởi vì mọi thái độ và tư cách của Ðức Giêsu phản ảnh tuyệt đối trung thực thái độ và tư cách của Thiên Chúa. Vâng, Ðức Giêsu hành động mọi sự đều hoàn toàn thể theo thánh ý Chúa Cha, như khi Người mở rộng vòng tay đón nhận các con trẻ, các người bệnh tật, các kẻ sống ngoài lề xã hội và các kẻ tội lỗi. Ý định và khả năng của Người khi chấp nhận tất cả mọi người nhân danh Thiên Chúa như thế, phải là lý do và bảo chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa chấp nhận. Vì thế, Người đã nói về Chúa Cha như Người Cha yêu dấu của mình, Ðấng luôn muốn cho Người gặp gỡ nhân loại. Bởi vì Thiên Chúa luôn gần gũi bên Người như chưa từng có ai được diễm phúc như thế, nên khi Người để cho con người được đến gần và tiếp cận với Người, họ cũng được gần gũi Thiên Chúa, Ðấng mà theo bản tính không ai có thể đến gần được.

Qua đức tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các Kitô hữu xưng nhận rằng Thiên Chúa đã chứng nhận Ðức Giêsu và các thái độ của Người. Qua đức tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các Kitô hữu ý thức cách chắc chắn rằng các quan điểm của Ðức Giêsu cùng sống với Người, các quan điểm về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, và nhờ thế giúp cho con người trở thành con người thực sự và được sống một cuộc sống như con người. Qua đức tin vào sự sống lại của Người nhờ quyền năng Thiên Chúa, người Kitô hữu có bổn phận phải nói những điều chính Người đã dạy và thực hiện những điều chính Người đã làm. Qua đức tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu, người Kitô hữu muốn nói lên rằng họ đã gặp gỡ được Người như Ðức Chúa hằng sống.

Nhờ vậy, việc chúng ta vui mừng cử hành biến cố Phục Sinh của Ðức Giêsu, đồng thời cũng là sự hoan hỉ xưng nhận rằng Người là Chúa hằng sống và quan điểm của Người luôn sống động; cũng như chúng ta được giao phó cho một trách nhiệm mới đối với Ðức Chúa hằng sống và việc thực hiện quan điểm của Người trong cuộc sống của chúng ta.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.04.2009. 08:42