Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sự Kiên Nhẫn Của Thiên Chúa

§ Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Chúa Nhật 16 Thường Niên A

A. DẪN NHẬP.

Tuần vừa qua, chúng ta đã suy niệm về dụ ngôn Lời Chúa, hạt giống Lời Chúa phải được sinh hoa kết quả trong lòng chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng. Trong đồng lúa tốt lại có xen cỏ lùng do hạt giống xấu sinh ra, cỏ dại này cùng mọc bên cạnh lúa tốt, cả hai cùng mọc lên xanh tốt.

Cũng thế, trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn, và trớ trêu thay, có khi người xấu lại được gặp may mắn hơn cả người tốt. Chúng ta phải có thái độ nào đối với những người xấu ? Phải tiêu diệt người xấu đi chăng để chỉ còn lại người tốt ?

Câu trả lời sẽ là : theo gương Chúa, chúng ta phải có thái độ như trong bài Tin mừng hôm nay : hãy bắt chước lòng kiên nhẫn của Chúa. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta hãy yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1 : Kn 12,13,16-19.

Các chương 10-19 của sách Khôn ngoan chứa đựng những suy tư về cách hành xử của Thiên Chúa qua những biến cố lịch sử. Dân Do thái bị kẻ thù hãm hại đủ điều, họ tưởng rằng Thiên Chúa sẽ dùng sức mạnh, dùng bạo lực để tiêu diệt quân thù của họ, nhưng ngược lại, Ngài hành xử với chúng bằng sự kiên nhẫn và nhân hậu.

Sự kiện này làm cho dân Do thái hiểu lầm rằng Thiên Chúa quá yếu ớt không thể can thiệp giúp họ. Nhưng câu trả lời cho họ là những kể thù ấy cũng là thụ tạo của Chúa, nên cũng được Ngài yêu thương. Ngài có đủ uy quyền phá tan kẻ dữ, nhưng Ngài chỉ dùng sức mạnh ấy đối với những kẻ ngoan cố. Còn đối với những người mà Ngài còn hy vọng họ hoán cải thì Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi cho họ sám hối để được tha thứ.

+ Bài đọc 2 : Rm 8,26-27 (Chủ đề phụ)

Thánh Phaolô đề cao vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu, nhất là trong việc cầu nguyện. Vì chúng ta yếu đuối không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp với ý Chúa, nên Chúa Thánh Thần sẽ ở trong chúng ta, Ngài giúp chúng ta cầu nguyện thế nào cho xứng hợp. Ngài sẽ dạy chúng ta cầu nguyện thế nào cho có hiệu quả bằng những “tiếng than khôn tả” như lời thánh Phalô đã nói.

+ Bài Tin mừng : Mt 13,24-43.

Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để nói đến từng khía cạnh của Nước Trời. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để ta suy gẫm , đó là dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.

Dụ ngôn cỏ lùng giải thích cho chúng ta lý do tại sao lại có sự thiện và sự ác trên trần gian, tại sao trong Hội thánh lại có người lành kẻ dữ ? Và tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi.

Hai dụ ngôn hạt cải và men bánh nói lên sự tăng triển của Nước Trời. Nước Trời hay Hội thánh chỉ là cộng đoàn nhỏ nhưng sẽ phát triển mạnh trong âm thầm và trong những hoàn cảnh khó khăn, như những cuộc cấm cách, bách hại đạo.

Qua những dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được một kết luận để cảnh giác chúng ta : đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ còn có toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Chúa kiên nhẫn chờ đợi.

I. Dụ Ngôn Cỏ Lùng.

1. Ý nghĩa dụ ngôn :

Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma qủi, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, nguời ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.

2. Lúa và cỏ lùng.

Những hình ảnh trong dụ ngôn này rất rõ ràng và quen thuộc với người Palestine. Cỏ lùng là một thứ cỏ dại mà nhà nông phải diệt trừ. Lúc còn nhỏ, cây cỏ lùng giống như cây lúa mì nên khó phân biệt hai thứ, cho đến khi cả hai đâm bông thì có thể nhận ra cách dễ dàng, nhưng lúc đó rễ cỏ lùng và rễ lúa đã mọc quyện vào nhau đến nỗi hễ nhổ cỏ lùng thì lúa cũng dễ dàng bị trốc theo.

Lúa và cỏ lùng không thể tách riêng ra một cách an toàn khi cả hai đang phát triển nhưng cuối cùng chúng phải được tách riêng ra. Cần phải tách riêng chúng ra bởi vì (khác với cỏ lồng vực bên chúng ta) hạt cỏ lùng rất độc, nó gây chóng mặt, đau ốm và hôn mê. Một số lượng nhỏ của nó cũng có thể gây vị đắng khó chịu. Rốt cuộc người ta thường tách riêng nó ra bằng tay.

Ông Levison mô tả diễn tiến như sau : người ta thuê đàn bà lượm hạt cỏ lùng trong lúa trước khi đem đi xay. Theo nguyên tắc thì người ta tách cỏ lùng với lúa mì sau khi đập xong. Người ta bầy hạt lên trên một cái nia to và các bà có thể lựa ra những hạt cỏ lùng có kích thước và hình dáng y như hạt lúa mì nhưng có mầu xám nhạt.

3. Người tốt và người xấu.

Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội. Thánh Phaolô đã nói :”Tôi không làm được điều thiện mà tôi muốn, mà điều ác tôi không muốn, tôi lại làm”.

II. Thiên Chúa Kiên Nhẫn Chờ Đợi.

1. Cách hành xử của con người.

Chúng ta là những con người bất toàn nhưng lại muốn tiêu diệt những kẻ bất toàn vì chúng ta mang một thái độ bất bao dung. Chúng ta cảm thấy khó chịu tại sao trong Hội thánh lại có những kẻ xấu, những kẻ bách hại Hội thánh, gây đau khổ cho nhiều người mà họ cứ sống nhởn nhơ con cá vàng, đôi lúc lại còn may mắn hơn người chịu đau khổ ? Chúng ta thường có thái độ như những đầy tớ của ông chủ trong Tin Mừng :”Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không”?

Đây là thái độ chung của mọi tín hữu chúng ta. Đó cũng là phản ứng của thánh Gioan Tẩy giả, người đã vẽ nên bức tranh gây ấn tượng về việc Đấng Messia sắp đến :”Tay Người cầm nia. Người rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm,còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12). Hụt hẫng vì không thấy cách xét xử của Chúa diễn ra y như mình đã loan báo, nên từ trong ngục tù, Ngài sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu rằng :”Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác “?

Đó là phản ứng ngỡ ngàng của tất cả những ai đã nghe lời Đức Giêsu loan báo :”Nước Trời đã đến gần”, thế mà họ lại chẳng thấy có gì được phác họa giống như sự xét xử vẫn trông đợi khi Nước này tới.

(Fiches dominicales, năm A, tr 230)

2. Cách hành xử của Thiên Chúa.

Phản ứng tự nhiên của con người là muốn tiêu diệt ngay cái xấu, diệt cả con người xấu. Nhưng Thiên Chúa lại có một lối hành xử khác với con người. Theo Tin mừng, đáp lại lời hỏi của đầy tớ, ông chủ nói :”Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt... sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”.

Từ mùa gieo – hình ảnh Nước Thiên Chúa đến – đến mùa gặt kèm theo việc đập lúa – hình ảnh việc xét xử – có một khoảng thời gian : Lúc này đang là thời kỳ lúa lớn lên là thời gian nhẫn nại của Thiên Chúa : nếu Thiên Chúa gớm ghét sự ác, thì Người vẫn cứ phải yêu thương con người – kẻ tội lỗi cũng như người công chính – và Người biết rõ tiềm năng lạ lùng của Lời trong lòng họ. Ngày thu hoạch mùa và lựa lọc sẽ đến vào giờ của Người ; ngày đó không thể dự đoán trước. Ông chủ nói với các đầy tớ ông rằng :”Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.

(Fiches dominicales, năm A, tr 231)

Trong Thánh vịnh chúng ta thấy có câu :”Chúa chậm bất bình và giầu lòng khoan dung”. Chúa kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối. Cỏ lùng thì không có cách nào thay đổi đuợc chỉ chờ đến ngày là thu hoạch cho vào lửa ; còn con người thì khác, con người có thể cải tà qui chính, có thể từ một thằng qủi biến thành một vị thánh. Trong lịch sự Giáo hội, có biết bao “cỏ lùng”, nhờ ơn Chúa, đã trở nên hạt lúa tốt. Những Augustinô, những Charles de Foucauld, những Ève Lavallìere là những chứng tích sáng chói.

Truyện : Cải tà qui chính

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề :”Hãy xuống những con đường tồi tàn này” Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà qui chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma túy và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chirô ngủ đã, anh mới qùi gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng :”Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi... Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng... Tôi cảm thấy dường như có thể khóc đuợc... đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri vừa cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại :”Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri :”Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói :”Chúc Chicô ngủ ngon nhé ! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

III. Thái Độ Của Chúng Ta.

1. Tích cực hay tiêu cực.

Đứng trước tình trạng như thế trong trần gian và trong Giáo hội , chúng ta phải có thái độ nào ? Chỉ có hai thái độ : hoặc là tiêu cực, hoặc là tích cực. Nếu có thái độ tiêu cực thì cho thế gian này là đồ bỏ đi, một thế giới hư hỏng đầy tội lồi, cứ để cho nó qua đi. Thái độ tiêu cực này làm cho chúng ta tuyệt vọng, không còn tin vào cái gì nữa, chỉ còn biết ngồi mà rủa bóng tối. Chắc chắn Chúa không cho chúng ta có thái độ tiêu cực này.

Chúng ta phải có thái độ tích cực. Thái độ này giúp chúng ta hãy hướng lòng lên, không ngồi đấy mà nguyền rủa bóng tối, mà chấp nhận nó, đồng thời cố gắng đốt lên một ngọn nến. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ :”Các con là ánh sáng cho thế gian, không ai đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng, ngược lại người ấy sẽ đặt trên giá đèn để soi sáng cho mọi người trong nhà. Ánh sáng các con cũng phải tỏa sáng trước thiên hạ như thế”(Mt 5,14-16).

Nhưng một cách thực tế, làm sao chúng ta có thể thắp lên một ngọn nến giữa đêm đen tối tăm của thế giới hôm này ? Trước hết, chúng ta có thể cầu nguyện. Một thi sĩ đã nói :”Lời cầu nguyện mang lại nhiều điều hơn những điều thế giới dám mơ ước”. Thứ đến và tích cực hơn, chúng ta có thể xắn tay áo lên làm một điều gì đó chống lại sự ác trong thế giới chúng ta.

2. Tấm lòng khoan dung.

Chúa để người lành kẻ dữ sống chung với nhau là để gây ích lợi cho nhau như lời thánh Augustinô đã nói :”Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung”.

Có lần Liên hiệp quốc đã chọn nguyên một năm làm “năm quốc tế về lòng khoan dung” để giảm thiểu khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại. Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ.

3. Kiên nhẫn chịu đựng.

Sự kiên nhẫn mà Chúa khuyên chúng ta phải có là phản ảnh sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Đây không phải là sự cam chịu vô ích là đè nén cơn giận và cay cú thất vọng. Sự kiên nhẫn phải cóù là sự bình thản đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ may quay trở lại.

Chúa ghét tội nhưng lại yêu tội nhân vì họ còn có thể thống hối để được tha thứ (Rm 2,4). Nếu Chúa không kiên nhẫn với ta, ta sẽ thế nào ? Ta có cần kiên nhẫn với người gây phiền hà cho ta không ? Nhưng nên nhớ rằng Chúa kiên nhẫn chịu đựng là để giải thoát chứ không phải để dung túng.

Truyện : Giai thoại về thánh Antôn.

Một hôm thánh nhân nghe tin một người thợ giầy tiến bộ hơn Ngài về đường nhân đức. Lòng hăm hở tiến đức đã thúc đẩy Ngài quyết chí đi tìm người thợ giầy kia để học hỏi cách tu đức của người ấy.

Sau những ngày cố công tìm tòi, Ngài đã gặp được người thợ giầy kia. Thoạt thấy công việc của người thợ giầy, thánh nhân hơi nản lòng, vì thấy sinh hoạt duy nhất của người này là đóng giầy. Nhưng để cho bõ công đi tìm kiếm, thánh nhân đã trao đổi với người thợ giầy kia về lối sống tu đức.

Thánh nhân hỏi người thợ giầy về chương trình sống hằng ngày của người thợ ấy. Người này cho biết một ngày của ông được chia ra làm ba phần như sau :

- 8 giờ cho công việc của người thợ giầy.
- 8 giờ cho việc cầu nguyện.
- 8 giờ cho việc ăn uống nghỉ ngơi.

Sau khi nghe người thợ giầy nói, thánh nhân nản lòng vì chính Ngài đã dành cho hết cả ngày để cầu nguyện chứ không phải chỉ tám tiếng.

Thánh nhân hỏi cách xử dụng tiền của ông ta. Người này cho biết 1/3 dành cho ông, 1/3 dành cho Giáo hội, 1/3 dành cho người nghèo.

Nghe vậy thánh nhân cho rằng người thợ giầy này không thể nhân đức hơn Ngài được vì Ngài đã dành tất cả của cải của Ngài cho người nghèo chứ không phải chỉ 1/3.

Cuối cùng thánh nhân khám phá ra người thợ giầy phải sống giữa một thành phố sa đọa, chung quanh đầy những người tội lỗi và gương xấu, và ông thợ giầy đau khổ về chuyện đó, ông không ngớt kêu cầu cùng Chúa cho họ, và ông hằng cầu nguyện cho kẻ có tội chung quanh ông. Và thánh nhân chợt nhận ra rằng đó là điều mà Ngài thua kém người thợ giầy. Ngài thấy rằng Ngài chưa có được sự thao thức về những nỗi khổ đau của những người chung quanh, trái lại, Ngài lại đi tìm cho một mình một cuộc sống an phận với nếp sống ẩn tu.

(Cử hành phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 67-68)

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta rằng : luôn luôn có một thế lực thù địch ở trong thế gian, tìm kiếm và chời đợi để phá hủy hạt giống tốt. Kinh nghiệm đời sống chúng ta có hai loại ảnh hưởng và cùng tác động trên đời sống chúng ta : ảnh hưởng giúp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở tăng trưởng và ảnh hưởng tìm hủy hoại hạt giống tốt trước khi nó có thể đâm bông kết trái. Đó là bài học nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác.

Không có vinh quang nào mà không phải trải qua đau thương, không có vinh dự nào mà không đòi hỏi phải chiến đấu. Bởi đó, khi sống trong trần gian đối diện với cái ác, chúng ta không run sợ đầu hàng, hoặc thất vọng nản chí, nhưng hãy kiên tâm chiến đấu để luôn đứng vững trong hàng ngũ con cái Chúa, rồi chắc chắn Chúa sẽ đội mũ triều thiên cho ta. Trong khi chiến đấu với cái ác, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn bao dung với những người tội lỗi, phải có lòng quảng đại, biết cảm thông, và luôn giúp họ tìm dịp trở về. Có như thế chúng ta mới thực sự là những Kitô hữu hoàn thiện như người thợ đóng giầy trong câu chuyện trên.

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.07.2008. 18:40