Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (2)

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Thiên Chúa Ba Ngôi là môt trong ba mầu nhiệm chính trong Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng. Chỉ có một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi Vị riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cùng đồng bản thể, vinh quang, danh dự, uy quyền nên chỉ là một Thiên Chúa mà thôi. Trên đây là nội dung chính của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Phận người chúng ta sẽ mãi không khi nào luận suy nỗi với câu hỏi tại sao. Không nguyên chỉ câu chuyện thánh Augustinô nhắc nhớ ta sự thật này, nhưng ngay cả những sự đời này ta cũng đành bó tay với hai chữ tại sao. Tại sao ta làm người da vàng mũi tẹt trong thế kỷ này mà không là người Tây, người Tàu hay sinh ra ở thời điểm khác, trong một gia đình khác? tại sao ta có hai mắt mà không là ba hay bốn? Phải đón nhận hiện thực mà thôi. Nếu không thì ta dễ than trời trách phận kiểu sinh bất phùng thời hoặc sinh nhằm ngôi sao xấu.

Dù không thể thoả mãn với câu hỏi tại sao nhưng ta có thể hài lòng phần nào với câu hỏi “như thế nào”. Tìm hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào không nguyên chỉ để thoả mãn trí khôn, nhưng trên hết còn là đáp ứng khát vọng của “hiện hữu biết suy tư”. Đã là người thì ai ai cũng muốn truy nguyên nguồn gốc của mình. Thao thức của những trẻ mồ côi muốn biết về cha mẹ ruột là một trong những hình thức của khát vọng này. Biết rõ nguồn gốc xuất xứ của một sản phẩm ta sẽ dễ dàng sử dụng nó cách hữu hiệu và lâu bền.

Thay vì tiên thiên dùng lý trí để suy luận theo lối diễn dịch, thần học ngày nay đã ưu tiên trở về nguồn Thánh Kinh, đặc biệt trong Tin Mừng và Tân ước để trình bày cho chúng ta chân dung mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì Chân lý này, Chúa Giêsu đã chấp nhận trả một giá rất đắt, bị người “đồng đạo” của mình (Do Thái giáo) cho là rối đạo, là phạm thượng. Qua lời mạc khải, đặc biệt lời của Chúa Kitô chúng ta sẽ nhận ra nguồn gốc và cứu cánh của mọi vật mọi loài, cách riêng nhân loại chúng ta, loài được dựng nên giống hình và hoạ ảnh của Thiên Chúa.

- Thiên Chúa ta thờ là một cộng đoàn Ba Ngôi Vị riêng biệt và cả khác biệt nhưng hiệp nhất trọn vẹn nên chỉ có một Thiên Chúa. Sự hiệp nhất giả thiết có sự khác biệt và cả riêng biệt, nếu không thì chỉ là sự đơn nhất. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, điều căn bản là ta phải chân nhận tha nhân là người khác. Chính cái khác này làm nên mối tương quan giữa ta và tha nhân. Và mối tương quan này lại là yếu tố xác định sự hiện hữu của bản thân ta. Chúa Cha là Cha trong tương quan với chúa Con. Chúa Con là Con trong tương quan với Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần là chính Người trong tương quan với hai Ngôi Cha - Con.

Khi nhìn nhận sự hiện hữu của người khác thì ta sẽ nhận biết mình. Nếu không có kẻ khác thì ta cũng chẳng biết mình là ai. Linh mục Thiện Cẩm đã hình tượng hoá theo ngôn ngữ tiếng Việt: trong cõi người ta này, có người thì mới có ta. Khi có Eva, Adam đã nhận ra xương thịt của chính mình (x.St 2,22-23). Như thế, con người là một hữu thể trong các tương quan. Các triết gia đã nhận ra sự thật này khi không chỉ định nghĩa con người là sinh vật có lý trí (cây sậy biết suy tư)… mà còn nhìn nhận con người là một tổng hoà các mối tương quan. Không ai là một hòn đảo. Chính khi không nhìn nhận sự hiện hữu “một ai đó khác ta” cùng với những cái khác biệt như văn hoá, ngôn ngữ, tính tình, chính kiến… thì ta vô tình đồng hoá tha nhân với mình và khi ấy ta không còn là ta. Đúng hơn, như các tâm lý gia trình bày, khi ấy ta như đang còn là bào thai trong dạ mẹ, ở trong một tình trạng “hỗn mang” chưa phân biệt hay không phân biệt.

- Ba Ngôi Thiên Chúa tuy khác biệt và riêng biệt trong hiện hữu nhưng vẫn là một nhờ hiệp nhất trong cùng một tình yêu, một bản thể và một ý hướng hoạt động. “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28). “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và sẽ loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngươi sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”(Ga 16,13-15).

Để có sự hiệp nhất trong gia đình, trong các tập thể lớn nhỏ ngoài xã hội hay trong hội Thánh chúng ta cần phải có tấm lòng, có tình yêu với nhau cách thực sự. Phải biết yêu thương nhau cách thật lòng. Và như văn hào Saint Exupéry: “yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”. Cuộc sống thực tiễn chứng minh điều này: vì ích chung, trong các nghi lễ xã hội, hay các cử hành Phụng vụ, cần có sự thống nhất một cách nào đó, tuy nhiên không phải hễ giống nhau theo kiểu cách bên ngoài là nên một, là hiệp nhất. Sự hiệp nhất hệ tại ở tình yêu, ở mục đích, ý hướng tốt đẹp mà ta nhắm tới.

- Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có những hoạt động đặc trưng khác nhau nhưng luôn liên đới mật thiết với nhau. Chúa Cha sáng tạo vũ trụ bằng Lời quyền năng trong Thánh Thần là nguồn tình yêu, nguồn sự sống. Chúa Con thực thi công trình cứu độ theo ý Chúa Cha và bằng sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đến hoàn thành công trình cứu độ của Ngôi Con và làm viên mãn công trình sáng tạo của Chúa Cha nơi các tạo vật. Bất cứ một hoạt động đặc trưng nào của một Ngôi luôn có sự hiện diện liên đới của cả Ba Ngôi.

Xã hội con người càng phát triển thì sự phân công hoá, chuyên biệt hoá ngày càng phát triển. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển của sự chuyên biệt, phân công phân nhiệm thì sự liên đới trách nhiệm cũng cần được phát triển tương xứng, tương hợp. Việc xã hội hoá hay toàn cầu hoá là một trong những nhu cầu có tính cấp thiết khi nền khoa học công nghệ của nhân loại tiến dần đến mức hiện đại. Mẹ Hội Thánh khẳng định: để phục vụ ích chung, bên cạnh nguyên tắc bổ trợ cần phải tuân giữ nguyên tắc liên đới. (x. toát yếu học thuyết xã hội Công giáo. Ch. IV-2004 – Hội Đồng giáo hoàng Công lý và Hoà Bình).

Khi nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi để làm cho muôn dân thành môn đệ Chúa Kitô theo lệnh truyền của Thầy Chí Thánh, Hội Thánh ý thức rằng mọi vật mọi loài, đặc biệt cuộc đời con người chỉ thành toàn khi quy chiếu với cội nguồn của mình là Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là lúc nhân danh hạnh phúc nhân loại, nhân danh ý nghĩa đời người và muôn vật, muôn loài. Theo lời một Thánh Giáo phụ thì Thiên Chúa đã chọn sự sống, hạnh phúc của nhân loại làm vinh quang của Người, vì thế không thể nào nhân danh Cha và Con và Thánh Thần mà không nhân danh sự phát triển con người toàn diện. Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định rằng với thời đại hôm nay, “phát triển” là một cách thế rao giảng Tin Mừng thiết thực và hữu hiệu. Nhưng cần lưu ý rằng phát triển ở đây phải là một sự phát triển toàn diện trong tinh thần hiệp thông và liên đới trách nhiệm.

Thuận Hiếu - Ban Mê Thuột

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.05.2010. 22:46