Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

'Sống khó nghèo' hay 'Khó sống nghèo'

§ Mặc Trầm Cung

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc, 6, 20), Trong Bài Giảng Trên Núi Đức Giêsu đã ban lời chúc phúc này cho tất cả các môn đệ và mọi người đi theo Chúa, Người đã ban một chương trình sống cho người Kitô hữu, một chương trình mà theo bản tính tự nhiên của con người thì khó mà chấp nhận (vì nó đòi hỏi chúng ta phải biết hoàn toàn phó thác cậy trông vào sự quan phòng đầy yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa).

Thật vậy, nếu chúng ta không có một tình yêu của Chúa trong tâm hồn mình thì chúng ta không thể nào sống và thi hành được chương trình này và Giáo hội đã gọi đó là “Hiến Chương Nước Trời”, mà theo cái nhìn chung của nhiều người ngày nay thì khi nói đến tinh thần sống khó nghèo là người ta cứ nghĩ là điều này chỉ dành cho các bậc tu hành sống ba lời khuyên của Tin Mừng, chứ không phải dành cho người giáo dân. Chúng ta cũng nên biết rằng, vào ngày đó, khi Chúa Giêsu trao ban lời chúc phúc này thì đâu đã có các dòng tu, đâu có hàng giáo sĩ, tu sĩ mà chỉ có các dân chúng và các môn đệ của Người, mà các môn đệ cũng là những người dân sống bậc gia đình như chúng ta. Như thế, lời chúc phúc của Chúa Giêsu trao ban cho hết thảy mọi người, cho bạn và cho tôi. Vậy bạn và tôi đã có những tâm tình nào để đón nhận lời chúc phúc này của Thiên Chúa?

Cơm, áo, gạo, tiền xoay vòng xoay,
Ưu tư mệt mỏi suốt đêm ngày.
Tiện nghi vật chất đòi ưu thế,
Văn minh hưởng thụ say mê say.

Hầu hết người giáo dân chúng ta hằng ngày phải đối diện với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền biết bao nỗi lao đao, khốn đốn của kiếp người nghèo khổ giữa một xã hội mà hố ngăn cách giữa người giầu và người nghèo ngày càng thêm sâu thẳm, giữa một xã hội lấy tiền bạc, vật chất làm thước đo các giá trị, người nghèo chịu bao cảnh bất công, bóc lột bởi những người chủ giầu có tham lam chỉ biết vơ vét cho mình thật nhiều của cải, còn biết bao nỗi khổ khác nữa mà người nghèo phải cam chịu cảnh thiếu trước hụt sau, cảnh nợ nần chồng chất, vì nghèo mà bị miệt khinh, bị chèn ép và người ta thường nói “có thực mới vực được đạo”, chính vì những khó khăn, thiếu thốn trước mắt đã làm cho nhiều người trong chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy vật chất một cách mãnh liệt đến nỗi làm cho nhiều người quên đi giá trị đích thực của Tin Mừng là sự sống vĩnh cửu, và như con thiêu thân, nhiều người chỉ biết lao vào cơn lốc chiếm đoạt và hưởng thụ.

Vậy lời chúc phúc của Chúa Giêsu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” liệu có còn hấp dẫn với con người ngày nay? Có phải chăng Chúa Giêsu muốn chúng ta phải đương đầu với thế lực của vật chất, tiền bạc? Hơn nữa thật lòng mà nói, trong chúng ta không ai muốn nghèo cả, chúng ta thường làm tất cả những gì có thể để thoát nghèo, thoát đói cơ mà?

Trước hết chúng ta cần phân định rõ rệt về “tinh thần nghèo khó” mà Đức Giêsu đã đề cao và “tình trạng nghèo khổ” đã biến xã hội này, thế giới này thành bể khổ, nước mắt và đau thương, chắc chắn trong chúng ta không ai mong ước sống một “tình trạng khó nghèo” như thế, vì nó sẽ nảy sinh ra trong xã hội những tệ nạn, những bất công và lối sống thiếu tình người. Còn “tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng mà Đức Giêsu đã giảng dạy cho chúng ta nó mang lại cho con người sự siêu thoát, giúp cho con người giữ được thế quân bình trong cuộc sống, giúp cho con người biết dùng của cải mình có một cách hợp tình, hợp lý và đúng cách, biết chia sẻ, biết sống bác ái, biết có trách nhiệm liên đới với người nghèo khổ hơn mình. Chính tinh thần siêu thoát với của cải, tiền bạc, vật chất con người biết sống tinh thần phó thác, cậy trông vào Thiên Chúa, biết đặt trọng tâm, cùng đích đời mình vào nơi Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào tiền của hay thế lực trần gian.

Tiếng gọi Tin Mừng ơn sáng soi,
Trần gian quán trọ chẳng học đòi.
Đừng bén rễ sâu vào trần thế,
Tâm tư tín thác hồn thảnh thơi.

Như Chúa Giêsu đã nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 25). Qua câu chuyện chàng thanh niên trong Tin Mừng (Mc 10, 17 – 22) Chàng là người đạo đức đã giữ nghiêm túc các giới răn từ hồi còn bé như: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”, nghe những lời chàng nói, Chúa Giêsu chạnh lòng thương và mời gọi chàng tiến thêm một bước nữa để đạt được Nước Thiên Chúa: “Hãy đem bán hết những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10, 21). Nghe những lời này chàng đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Chàng thiếu sự cảm thông, thiếu sự chia sẻ, thiếu lòng quãng đại đối với người nghèo, chàng chưa thật sự siêu thoát, lòng chàng còn dính bén đến của cải, chàng muốn đi theo Chúa nhưng lòng chàng đã để cho của cải chế ngự, lôi kéo và bóp nghẹt con tim của chàng, lời mời gọi dấn thân của Thiên Chúa đã bị thất bại nơi tâm hồn chàng và vì ham mê tiền của, nó đã ngăn cản con đường của chàng tiến đến Nước Trời.

Nước Trời đích thực chốn quê hương,
Chúa đã thăng thiên để mở đường.
Dẫn lối ta về, Cha thiên quốc,
Hạnh phúc miên trường dạ khúc thương.

Ơn gọi của người Kitô hữu chúng ta là bước theo dấu chân Chúa Giêsu Kitô đã đi, là được mời gọi nên trọn lành như Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời (Mt 5, 48), chúng ta được mời gọi sống theo tinh thần của Người. Tinh thần nghèo khó của Thiên Chúa là tâm hồn từ bỏ, mời gọi chúng ta biết sống vui vẻ trong hoàn cảnh nghèo khó của mình, dù sống cảnh nghèo khổ, đói rách, xác xơ cũng không làm cho tâm hồn chúng ta bị dày vò, xâu xé thèm khát tiền của, chúng ta không bận tâm đến sự giàu có vật chất, không ghen tỵ với người giầu có tiền của, chúng ta luôn an vui với địa vị của mình, tâm hồn chúng ta thanh thản trong tâm tình phó thác mọi sự đời mình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Nhưng ma quỷ đã gieo rắc vào lòng con người những tham vọng đam mê tiền của, tạo nên những cơn sốt giả tạo, những vinh hoa trần thế làm cho con người ta chỉ biết có tiền, sống vì tiền, chạy đua theo đồng tiền, vơ vét thật nhiều của cải, để đạt được mục đích đen tối của mình, con người đã chà đạp lên nhau gây lên bao cảnh tai ương khốn khổ cho người nghèo, tạo nên mối oán ghét, thù hận, tạo nên một xã hội, một thế giới đau thương đầy hỗn độn.

Hơn nữa, cái nghèo của con người ngày hôm nay không chỉ đơn thuần là nghèo vật chất, tiền bạc, mà còn có cái nghèo về kiến thức, nghèo tinh thần, nghèo lòng quảng đại vì con người đang muốn loại trừ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời này.

Chính vì nghèo kiến thức làm cho con người trở nên lạc hậu, nghèo lòng quảng đại con người trở nên ích kỷ, nhỏ nhen không biết quan tâm đên tha nhân nghèo khổ, nghèo tinh thần sẽ đưa con người đến những hậu quả tiêu cực, gây thành kiến, gây hiểu lầm trong đối thoại và vì mang chủ nghĩa cá nhân đã làm cho con người chỉ còn biết đến cái “tôi” to đùng của mình. Thực trạng của xã hội ngày nay mà chúng ta đang sống cho thấy rõ nguy hại của lòng tham lam, làm tôi tiền bạc của một số người, lạnh lùng vô cảm trước sự khổ đau của người khác đã tạo lên những tiếng kêu oan ức não lòng của tầng lớp người nghèo, thấp cổ bé họng.

Đời sống còn nhiều cay đắng cay
Chúa ơi! Thêm sức kiếp đọa đày.
Dũng cảm vượt qua ngàn thách đố,
Ái mộ Nước Trời! Vinh phúc thay.

Nhưng tiền bạc, của cải, vật chất cũng có một tầm mức quan trọng trong đời sống của con người sống giữa xã hội nói chung và trong phạm vi tôn giáo nói riêng vì trong nhiều phương diện nó cũng là phương tiện giúp chúng ta đạt được kế hoạch, mục đích của mình. Vì thế khi trao ban mối phúc thứ nhất này chắc chắn Chúa Giêsu không lên án những người giàu có hoặc dạy chúng ta phải khinh chê tiền bạc, vật chất mà Người dạy chúng ta phải có tinh thần nghèo khó để không làm nô lệ cho tiền bạc , không tôn thờ vật chất và mở rộng tâm hồn chúng ta thực thi công bằng và bác ái đối với những người kém may mắn. Đức Giêsu muốn dạy chúng ta phải biết dùng tiền bạc và mọi phương tiện vất chất một cách đúng đắn , đem lại lợi ích cho nhu cầu đời sống của mình và tha nhân và nhất là đem lại điều lợi ích đích thực là tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời., như Người đã dạy các môn đệ: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người , còn các thứ kia ,Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6: 33 -34).

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” là lời chúc phúc cho tất cả những ai biết cậy trông vào Chúa, biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta phải thực sự trở thành Tin Mừng, sẵn sàng làm men, làm muối cho cuộc đời, trở thành niềm hy vọng cho người nghèo khổ. Trong một xã hội và đất nước chúng ta đang sống ngày nay rất cần những chứng nhân loan báo Tin Mừng không phải bằng môi, bằng miệng mà bằng trọn vẹn đời sống tinh thần khó nghèo của Đức Kitô biết chia sẻ những gì mình có cho anh em nghèo khổ hơn mình, biết khao khát tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa và biết chia sẻ sự khao khát ấy đến với anh em.

Và nếu tinh thần khó nghèo theo gương Đức Giêsu Kitô không thấm nhập và được thể hiện trong đời sống của chúng ta để biến cái nghèo của chúng ta trở nên sạch, biến cái rách của chúng ta trở nên thơm, biến chúng ta thành Tin Mừng sống động thì những lời loan báo của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa.

Vậy đứng trước lời chúc phúc xem ra có vẻ nghịch lý này bạn và tôi có can đảm đón nhận và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong đời sống của mình không?

Sống khó nghèo hay khó sống nghèo? Có lẽ đây là một câu hỏi mà bạn và tôi cần cân nhắc và can đảm dứt khoát chọn lựa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Xin cho chúng con biết chấp nhận mọi đau khổ, thử thách, những thiếu thốn của cải vật chất ở đời này, biết nhận ra Thánh ý Chúa muốn nơi mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm từ bỏ những tham vọng bất chính, những tính toán hẹp hòi để chọn cho mình một giá trị siêu việt nhất, là biết sống “tinh thần khó nghèo’ mà Chúa đã dạy chúng con để chúng con biết dùng những của cải mà Chúa đã ban trong tâm tình tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết sống kết hiệp với những đau khổ của Chúa bằng cách chia sẻ với những người nghèo khổ, những người kém may mắn hơn chúng con bằng những việc làm bác ái cụ thể. Xin cho chúng con biết khao khát sức sống của Chúa để chúng con cảm nghiệm được Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa để trọn vẹn đời sống của chúng con chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Amen

A.P Mặc Trầm Cung

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.02.2010. 15:50